Muối ăn: lợi ích không chỉ từ một loại gia vị
Nội dung bài viết
Muối ăn là một loại gia vị luôn có trong mọi nhà, ngoài dùng nêm trực tiếp, nó còn được dùng để chế biết rất nhiều món ăn, thực phẩm khác nhau. Dưới góc nhìn Y học hiện đại, việc sử dụng nhiều muối có thể dẫn đến nguy cơ tim mạch. Còn Y học cổ truyền dùng muối nhiều bài thuốc khác nhau. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những công dụng và nguy cơ của muối qua bài viết sau.
Muối ăn là gì?
Muối ăn còn gọi là thực diêm. Đây là một chất vô cơ được cấu tạo từ 1 nguyên tử Natri và 1 nguyên tử Clo, công thức hóa học là NaCl, và tên khoa học là Natrium chloridum crudum. Ngoài ra có lẫn nhiều tạp chất khác như Kali clorua, Magie clorua, muối Canxi, magie, sulfat, sắt, …
Muối ăn có cấu tạo gồm tinh thể hình lập phương dính với nhau thành hình tháp rỗng, không màu hay hơi đục bẩn, vị mặn. Muối có tính hút nước, khi để những nơi ẩm ướt thì dễ chảy ướt, còn khi rang lên thì mất nước, khô. Do đặc tính này, trong 1 số trường hợp, muối được dùng làm chất hút ẩm.
Mặn là 1 trong 5 vị cơ bản mà lưỡi ta có thể cảm nhận. Khi ăn, lưỡi ta được kích thích bởi càng nhiều vị thì càng ngon miệng. Đó là lí do của việc nêm muối, mắm trong khi chế biến thức ăn. Sau thời gian dài ăn thức ăn nêm nhiều muối, khi giảm lượng muối lại, thường ta thấy thức ăn nhạt nhẽo, kém ngon hơn trước.
Tác dụng của muối ăn
Muối ăn là một phần không thể thiếu của cơ thể. Trong cơ thể ion Natri và Clo giúp cân bằng nồng độ điện giải, độ thẩm thấu của tế bào và các dịch như máu, bạch huyết, …
Trong điều trị, muối thường được bào chế dưới dạng dung dịch NaCl 0,9%, dùng để rửa vết thương, nhỏ mắt, nhỏ mũi. Người ta còn bào chế dung dịch đẳng trương NaCl 0,9% hay ưu trương NaCl 1,2 – 1,8 – 3,6 – 7,2 – 10 và 20% để truyền tùy trường hợp bệnh.
Theo Y học cổ truyền, người ta coi muối có vị mặn, tính hàn, không độc, quy vào kinh Thận, Tâm và Vị. Nó có tác dụng tả hỏa, thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, dẫn thuốc vào các kinh lạc. Tức là nó giúp làm mát cơ thể, giúp cơ thể giảm khô khát, trị nóng bứt rứt, bốc hỏa, … Các vị thuốc mà theo đông y có công dụng bổ thận, khi sao tẩm với muối sẽ làm tăng tác dụng này.
Cách sử dụng muối trong bào chế thuốc y học cổ truyền
Mục đích của việc tẩm sao các vị thuốc với muối
Muối ăn được thường được dùng để bào chế các vị thuốc đông dược. Việc tẩm sao vị thuốc với muối nhằm mục đích giảm tính độc của vị thuốc, hoặc giúp dẫn thuốc vào kinh thận. Bên cạnh đó tùy vào bệnh lý và vị thuốc sử dụng, thầy thuốc Y học cổ truyền có thể tẩm sao dược liệu với muối với mục đích tăng cường các tác dụng:
- Bổ can thận (là 2 tạng quan trọng theo Y học cổ truyền)
- Nhuận hạ, lợi tiểu (giúp đại tiện, tiểu tiện dễ dàng)
- Tư âm, giáng hoả (bổ phần âm của cơ thể, trị nóng bức, bốc hỏa).
Việc bào chế này còn giúp dược liệu có độ ổn định lâu dài, có cách gọi khác là chích muối.
Quá trình tẩm sao vị thuốc với muối được tiến hành như thế nào?
Cần chuẩn bị muối sạch, tinh khiết, pha với nước, tiến hành như sau:
- Phun hoặc trộn đều nước muối với dược liệu, ủ khoảng 1 – 2 giờ cho thấm hết nước muối, đảo cho thấm đều.
- Cho dược liệu vào dụng cụ sao (chảo, nồi, máy), sao nhỏ lửa khoảng 15-20 phút, đảo đều cho đến khi nhận thấy có mùi thơm
- Dược liệu có màu vàng hoặc sẫm hơn, lấy ra, trải cho nguội.
Có thể sao dược liệu đến hơi vàng rồi mới phun dịch muối và tiếp tục sao đến khô.
Phương pháp này thường áp dụng chế biến một số dược liệu: Đỗ trọng, Trạch tả, Phá cố chỉ, Hoàng bá, Ba kích, Thỏ ty tử … Mỗi loại có tỷ lệ dược liệu và muối khác nhau. Ví dụ 1kg Đỗ trọng phiến thì dùng 0,03g Muối ăn và 0,17 lít nước sạch. 1kg Phá cố chỉ cần 20g muối và 100ml nước. Còn 1kg Trạch tả thì dùng 150ml dung dịch muối ăn 5%.
Các bài thuốc từ muối ăn
Sử dụng muối ăn trong các bài thuốc ngâm tay, chân
Công thức thuốc cho bệnh nhân đau khớp, đau dây thần kinh
Muối hột 6g, Thiên niên kiện 10g, Phụ tử 2g, Cốt toái bổ 10g, Dây đau xương 10g, Lá lốt 15g, Quế chi 7g, Đại hồi 5g, Ngải cứu 10g.
Công thức thuốc cho bệnh nhân mất ngủ
Muối hột 6g, Đại hồi 7g, Quế chi 7g, Trinh nữ 15g, Lá vông 15g, Thiên niên kiện 10g, Ngải cứu 15g.
Các vị thuốc trên cho vào nồi hoặc ấm nấu với 1-2 lít nước trong 15-20 phút. Chuẩn bị chậu ngâm phù hợp. Pha nước thuốc vừa nấu với nước sạch vừa đủ để nhiệt độ chậu ngâm 40-50 độ. Tiến hành ngâm phần khớp bị đau nhức vào chậu nước. Đối với bệnh nhân mất ngủ, ngâm nước ngập khoảng 2/3 cẳng chân.
Thời gian ngâm trung bình là 15 – 20 phút, sau đó cần lau khô da và nghỉ ngơi thư giãn. Chú ý điều chỉnh nhiệt độ nước phù hợp để tránh gây khó chịu cho bệnh nhân hoặc gây bỏng.
Kinh nghiệm dùng muối trong các bệnh thường gặp
- Cổ họng sưng đỏ, đau: dùng muối cả hạt mà ngậm, ngậm tan lại lấy hạt khác ngậm cho đến khi khỏi đau.
- Chữa ho cảm: cho muối vào múi chanh, ngậm cho tan dần. Người không chịu được chua có thể chỉ ngậm muối thôi.
- Chữa đau bụng: lấy muối sao cho nóng, chườm vào rốn và lưng
- Chữa răng lung lay, lở lợi: pha nước muối (mặn vừa phải), ngậm trong 5 ngày liền.
- Chảy nước mắt, ngứa mắt: pha muối với nước sạch, dùng rửa mắt.
- Chữa đau nhức khớp: dùng muối sống rang nóng, cho vào túi vải chườm lên vùng đau. Có thể trộn thêm ngải cứu, thiên niên kiện, quế chi, lá lốt, … vào hỗn hợp chườm. Hoặc có thể cho cả túi chứa muối và các dược liệu vào lò vi sóng làm nóng rồi chườm. Chú ý không chườm quá nóng để tránh bỏng.
Lưu ý khi sử dụng muối ăn hằng ngày
Nguy cơ của việc sử dụng nhiều muối ăn
Như đã nói, việc nêm muối giúp thức ăn ngon hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam là một nước giáp biển, nguồn muối dồi dào, các món ăn chế biến với muối rất nhiều như nước mắm, nước tương, dưa muối, thịt muối, … Điều đó dẫn đến lượng muối người Việt Nam sử dụng cao hơn nhiều so với các khuyến cáo.
Việc ăn nhiều muối (tính cả lượng muối trong thức ăn) làm tăng nguy cơ các bệnh lý tim mạch, mà trước hết là tăng huyết áp. Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Việt Nam, người bệnh tăng huyết áp và tiền tăng huyết áp chỉ nên sử dụng < 5 gam muối/ngày. Bên cạnh đó, để giảm nguy cơ tim mạch cần giảm cân, tăng cường hoạt động thể lực, giảm uống rượu bia, ngưng hút thuốc lá, …
Giảm lượng muối sử dụng như thế nào?
Cần hướng dẫn người bệnh khi ăn uống hằng ngày không chấm chêm nước tương, nước mắm, … Nên ăn thức ăn nhà nấu để có thể dễ điều chỉnh độ mặn. Lần lượt giảm nêm muối, mắm trong món mặn, món xào, rồi đến món canh. Chú ý giảm từ từ để bệnh nhân quen, tránh gây nhạt miệng khó ăn.
Bên cạnh đó, khi chế biến thức ăn cho trẻ em, nhất là trẻ mới ăn dặm, không nên nêm muối. Bởi dùng nhiều muối ở trẻ có thể làm hại thận, đồng thời tạo thói quen ăn mặn cho trẻ, là điều không nên.
Tóm lại, Muối ăn là gia vị thiết yếu trong cuộc sống, giúp bữa ăn ngon miệng hơn. Tuy nhiên, cần điều chỉnh lượng muối vừa phải để tránh nguy cơ tăng các bệnh tim mạch. Trong Y học, muối được sử dụng để bào chế nhiều loại thuốc khác nhau. Và chúng ta có thể tự sử dụng nó để trị các bệnh thường gặp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.