YouMed

Mướp tây là gì? Bật mí tác dụng với sức khỏe

Bác sĩ DƯƠNG THỊ NGỌC LAN
Tác giả: Bác sĩ Dương Thị Ngọc Lan
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Mướp tây hay còn gọi là Đậu bắp, chắc chắn không còn xa lạ với nhiều người khi đây là thoại thực phẩm thường dùng trong các bữa ăn gia đình Việt. Tuy vậy, không ít người vẫn còn chưa rõ về tác dụng của loại thực phẩm này. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản về đặc điểm, công dụng và cách dùng.

Mướp tây là gì?

Tên thường gọi: Mướp tây hay còn được biết đến với cái tên thân thuộc như: Đậu bắp, Gôm, Bụp bắp, Bắp chà, Bông vàng…

Tên khoa học: Abelmoschus esculentus (L.,) Moench

Họ khoa học: họ Bông (Malvaceae)

Mô tả toàn cây

Cây thảo lớn, mọc đứng, cao khoảng 1,8-2,5m. Thân dày khoẻ, có lông ở các phần trên. Lá rộng, có hình tim, chia thuỳ chân vịt; thường có 7 thuỳ có răng không đều và có kích thước thay đổi; cuống lá dài (15 – 18cm).

Mướp tây
Cây Mướp tây

Cuống hoa nằm ở nách lá, dài 1-3cm. Lá bắc con 8-12 cái hình dải, có lông rậm, sớm rụng. Ðài hình sao, có 5 thuỳ xẻ đến phân nửa. Cánh hoa màu vàng hay hơi vàng, có chấm tía ở gốc. Quả nang có góc, dài khoảng 8-15cm, nhọn, hình trứng ngọn giáo đến trụ – nón và nhọn dài ở đầu. Cây ra hoa vào khoảng tháng 5 – 9.

Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và chế biến

Nguồn gốc của Mướp tây vẫn còn đang tranh cãi, với một số bằng chứng ủng hộ bắt nguồn từ Nam Á, Ethopia và tây Phi. Cây sinh trưởng tốt nhất ở khí hậu nhiệt đới, với nhiệt độ tối thiểu từ 20o trở lên. Cây có thể chịu được khí hậu khô hạn, đất cát và đất sét nhưng không chịu được sương giá lạnh. Ở nước ta Mướp tây thường được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam, hiện nay đang phát triển trồng ở một số tỉnh phía Bắc. Có thể thu hái toàn cây quanh năm, thường dùng quả tươi hoặc để quả già lấy hạt, rễ tươi hay phơi khô làm thuốc.

Mướp tây
Quả Mướp tây

Công dụng đậu bắp

Thành phần hóa học

Quả tươi chứa 90% là nước, 2% là protein, 7% đường và lượng chất béo không đáng kể.  Ngoài ra còn chứa các vitamin như A, B1, B2, B3, B9; vitamin C, E, K. Các khoáng chất vi lượng như canxi, sắt, kẽm, kali, magie

Vỏ quả chứa polyphenolic, carotene, riboflavin và amino acid.

Hạt chứa oligomeric catechins, flavonol và một ít acid béo (acid palmitic, oleic và linoleic).

Rễ cây chứa carbonhydrate và flavonol glycosides.

Lá chủ yếu chứa tannin, flavonol glycosides và khoáng chất.

Tác dụng dược lý của trái đậu bắp

Qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho thấy vị thuốc Mướp tây có các tác dụng sau:

  • Có hoạt tính chống oxy hóa, nhất là hạt
  • Có tác dụng bảo vệ tim, bảo vệ thận và thần kinh
  • Chống ung thư
  • Kháng khuẩn
  • Giảm viêm loét dạ dày tá tràng. Một vài nghiên cứu cho thấy polysaccharides trong trái đậu bắp có tác dụng ức chế sự bám dính của vi khuẩn helicobacter Pylori vào niêm mạc dạ dày tá tràng, từ đó giúp hỗ trợ điều trị tiệt trừ vi khuẩn, bảo vệ đường tiêu hóa.
  • Hỗ trợ điều trị đái tháo đường đã được chứng minh trong rất nhiều nghiên cứu (nhất là đối với vỏ quả và lá). Công dụng của trái đậu bắp làm giảm đường huyết sau ăn, giảm HbA1c và cải thiện lipid máu. Các cơ chế đã được ghi nhận bao gồm kích thích tổng hợp glycogen ở gan, chậm hấp thu glucose ở ruột do ức chế men alpha glucosidase, kích thích tái sinh tế bào beta tụy. Một số nghiên cứu khác cho thấy hiệu quả tương đương với sử dụng metformin trên mô hình động vật thí nghiệm.
  • Giảm hấp thu lipid trong thức ăn, ức chế tân tạo mỡ, hỗ trợ điều trị hội chứng chuyển hóa, giảm lipid máu rõ rệt.
  • Giảm huyết áp bằng cơ chế lợi tiểu kèm ức chế men chuyển (giống với cơ chế thuốc hạ huyết áp)

Hoa mướp tây
Hoa mướp tây

Mướp tây trong y học cổ truyền

Vị ngọt, tính mát, không độc.

Có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, trị các chứng tiêu khát, lâm lậu.

Cách dùng và liều dùng

Có thể sử dụng mướp tây bằng cách chế biến thức ăn như luộc, xào, nấu canh, nấu nước uống hoặc dùng ngoài. Trái Đậu bắp không ghi nhận có độc nên có thể sử dụng với liều lượng lớn.

Quả non dùng nấu ăn, khi nấu thái mỏng, nấu sẽ cho ra chất nhầy và có vị hơi chua, thường dùng trong trường hợp viêm đường tiết niệu, tiểu tiện khó khăn. Rễ và lá thái mỏng đem phơi khô dùng làm thuốc chữa ho, viêm họng. Ngày uống 10 -16g dưới dạng thuốc sắc. Dịch lá tươi giã nát dùng điều trị bệnh tăng tiết bã nhờn của da đầu và dùng đắp lên nhọt.

Ở Malaysia người ta dùng các bộ phận của cây làm thuốc giảm đau trong bệnh lậu và bệnh khó tiểu.

Ở Ấn Độ, quả chưa chín dùng làm thuốc sắc uống trị đau do xuất huyết, tiểu nóng, tiểu khó vì lậu; chất nhầy từ quả và hạt dùng đắp trị bệnh lậu. Lá dùng làm thuốc đắp dịu. Ngoài ra, người ta còn dùng rễ điều trị rắn cắn. Có nơi nhân dân dùng cành lá tươi đem nướng, sau đó vắt lấy nước hay giã lấy nước chữa đau tai, đau mắt.

Ở Thái Lan, quả khô dùng làm thuốc điều trị loét các cơ quan trong hệ tiêu hoá.

Lưu ý khi sử dụng

Mướp tây khá lành và không độc nên có thể sử dụng lâu dài mà không có tác dụng phụ.

Tuy nhiên khi chế biến Mướp tây nên nấu ở nhiệt độ vừa phải để đảm bảo giá trị dinh dưỡng.

Mướp tây có tính mát nên không thích hợp với người bị lạnh bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa,…

Một số bài thuốc kinh nghiệm

Điều trị đái tháo đường, hạ mỡ máu

Lấy 1 lượng đậu bắp non vừa đủ. Đem hấp cơm hoặc luộc chấm với nước mắm, ăn thường xuyên để kiểm soát nồng độ đường huyết.

Chữa chứng tiểu đục

Cây mướp tây tươi 100 – 150g. Rửa sạch, cắt nhỏ và đem sắc, uống thường xuyên cho đến khi khỏi.

Chữa chứng táo bón

1 ít rau đay và đậu bắp. Thái lát đậu bắp và nấu canh với rau đay, có thể thêm cua và rau mồng tơi vào.

Hỗ trợ làm giảm bệnh gout (thống phong)

Sử dụng Đậu bắp tươi 200 – 300g. Luộc ăn thường xuyên.

Mướp tây hay là trái đậu bắp không chỉ là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Mà tác dụng tuyệt vời của trái đậu bắp đã được chứng minh. Hi vọng với bài viết trên có thể cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích về tác dụng đặc biệt của loại thực phẩm này. Tuy nhiên, giống như các vị thuốc khác, quý bạn đọc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn để đạt được hiệu quả tốt nhất tùy tình trạng cơ thể.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • 3033 Cây thuốc Đông Y – Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh
  • Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học
  • Roy A., Shrivastava S.L., Mandal S.M. Functional properties of Okra Abelmoschus esculentus L. (Moench): Traditional claims and scientific evidences. Plant. Sci. Today. 2014;1:121–130.
  • Gemede HF, Haki GD, Beyene F, Woldegiorgis AZ, Rakshit SK. Proximate, mineral, and antinutrient compositions of indigenous Okra (Abelmoschus esculentus) pod accessions: implications for mineral bioavailability. Food Sci Nutr. 2016 Mar; 4(2):223-33.
  • Petropoulos S, Fernandes Â, Barros L, Ferreira ICFR. Chemical composition, nutritional value and antioxidant properties of Mediterranean okra genotypes in relation to harvest stage. Food Chem. 2018 Mar 1; 242():466-474.
  • Identification and quantification of polyphenolic compounds from okra seeds and skins. Arapitsas P Food Chem. 2008 Oct 15; 110(4):1041-5.
  • Steyn NP, McHiza Z, Hill J, Davids YD, Venter I, Hinrichsen E, Opperman M, Rumbelow J, Jacobs P. Nutritional contribution of street foods to the diet of people in developing countries: a systematic review. Public Health Nutr. 2014 Jun; 17(6):1363-74.
  • Wei C., Yang X., Wang D., Fang F., Lai J., Wang F., Wu T. Fatty acid composition and evaluation on antioxidation activities of okra seed oil under ultrasonic wave extraction. J. Chin. Cereals Oils Assoc. 2016;31:89–93.
  • Caluete M.E.E., De Souza L.M.P., Dos Santos Ferreira E., De Franca A.P., De Akneuda Gadelha C.A., De Souza Aquino J., Santi-Gadelha T. Nutritional, antinutritional, phytochemical status of okra leaves (Abelmoschus esculentus) subjected to different processes. Afr. J. Biotechnol. 2014;14:683–687.
  • Sunilson J.A.J., Jayaraj P., Mohan M.S., Kumari A.A.G., Varatharajan R. Antioxidant and hepatoprotective effect of the roots of Hibiscus esculentus Linn. Int. J. Green Pharm. 2008;2:200–203.
  • Muhammad I., Matazu K.I., Yaradua A.I., Nasir A., Matazu N.U., Zainab A.S., AbdulRahman M.B., Bilbis L.S., Abbas A.Y. Antidiabetic activity of Abelmoschus esculentus (Ex-Maradi Okra) fruit in alloxan-induced diabetic rats. NJBMB. 2017;32:44–52.
  • Abbas A.Y., Muhammad I., Rahman A.M.B., Bilbis L.S., Saidu Y., Onu A. Possible antidiabetic mechanism of action of ex-maradi okra fruit variety (Abelmoscus esculentus) on alloxan induced diabetic rats. Nig. J. Basic Appl. Sci. 2017;25:101–113.
  • Durazzo A, Lucarini M, Novellino E, Souto EB, Daliu P, Santini A. Abelmoschus esculentus (L.): Bioactive Components’ Beneficial Properties-Focused on Antidiabetic Role-For Sustainable Health Applications. Molecules. 2018;24(1):38. Published 2018 Dec 21.
  • Esmaeilzadeh D, Razavi BM, Hosseinzadeh H. Effect of Abelmoschus esculentus (okra) on metabolic syndrome: A review. Phytother Res. 2020 Sep;34(9):2192-2202. doi: 10.1002/ptr.6679. Epub 2020 Mar 27.
  • Messing J, Thöle C, Niehues M, Shevtsova A, Glocker E, Borén T, Hensel A. Antiadhesive properties of Abelmoschus esculentus (Okra) immature fruit extract against Helicobacter pylori adhesion. PLoS One. 2014 Jan 9;9(1):e84836. \
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người