Nặn mụn có tốt không? Hậu quả nghiêm trọng khi nặn mụn sai cách
Nội dung bài viết
Mụn có lẽ là ‘kẻ thù’ dai dẳng, gây khó chịu và mất thẩm mỹ cho chúng ta. Để loại bỏ mụn, một số người phân vân ‘có nên nặn mụn hay không?’ nhưng theo thói quen tay vẫn không thoát khỏi cám dỗ của việc nặn mụn. Vậy nặn mụn có tốt không? Nếu không nặn thì mụn có tự hết? Hậu quả nếu nặn mụn sai cách là gì? Tất cả các câu hỏi trên sẽ được Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo giải đáp trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây mụn?
Mụn xuất hiện khi các lỗ chân lông trên da của bạn bị bít tắc. Điều này xảy ra khi:
- Quá nhiều dầu được tạo ra từ các nang lông.
- Tế bào da chết tích tụ trong lỗ chân lông.
- Vi khuẩn.
- Viêm.
Một số yếu tố góp phần gây ra hay làm trầm trọng hơn tình trạng mụn:
- Thay đổi nội tiết tố. Nội tiết tố tăng lên ở trẻ trong độ tuổi dậy thì làm cho các tuyến bã nhờn mở rộng và tạo ra nhiều bã nhờn hơn. Sự thay đổi hormone trong thời kỳ trung niên, đặc biệt là ở phụ nữ, cũng có thể dẫn đến nổi mụn.
- Một số loại thuốc. Ví dụ các loại thuốc có chứa corticosteroid, testosterone hoặc lithium.
- Chế độ ăn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ một số loại thực phẩm – bao gồm thực phẩm giàu carbohydrate như: bánh mì, khoai tây chiên – có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn.
- Căng thẳng. Căng thẳng không trực tiếp gây ra mụn, nhưng nếu bạn đã bị mụn, căng thẳng có thể làm cho tình trạng mụn trở nên tồi tệ hơn. Một số nghiên cứu cho thấy căng thẳng tác động làm thay đổi nồng độ các nội tiết tố trong cơ thể, đặc biệt là tăng Cortisol và Androgen. Từ đó làm cho da tiết nhiều chất bã nhờn hơn – một trong những nguyên nhân góp phần sinh nhân mụn.1
Xem thêm: 11 dấu hiệu stress phổ biến và dễ nhận biết
Nặn mụn có tốt không?
Không nên nặn mụn vì việc này không giải quyết dứt điểm được nguồn gốc của tình trạng mụn. Nặn mụn chỉ giúp loại bỏ nhân mụn chứ không có vai trò điều hoà hay tác động vào cơ chế bệnh sinh của mụn.
Đối với mụn không viêm
Theo Hướng dẫn điều trị mụn hiện hành của Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ, nặn mụn theo đúng chuẩn y khoa được xem là giải pháp lựa chọn cho các loại mụn không viêm (mụn đầu đen, mụn đầu trắng), mặc dù vẫn cần thêm các bằng chứng về phương pháp này. Các loại mụn này nằm sát bề mặt da nên thường không cần phải can thiệp nhiều để loại bỏ nhân mụn.2
Đối với mụn viêm
Mụn viêm là những vết mụn sâu hơn, khó nặn hơn. Mụn viêm có thể do dị ứng, nội tiết tố, vi khuẩn hoặc một tình trạng da khác. Nặn mụn viêm (mụn bọc, mụn nang) có chứa mủ do bị nhiễm trùng có thể gây lây lan vi khuẩn vào các lỗ chân lông và nang lông khác, tạo điều kiện cho mụn lan rộng hơn ra vùng da xung quanh và dễ gây ra sẹo.
Có thể cân nhắc nặn mụn viêm nếu đảm bảo những điều sau:
- Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ nặn mụn
- Lấy hết nhân mụn
- Kết hợp sử dụng thêm các loại thuốc trị mụn
- Nên chọn cơ sở nặn mụn uy tín
Cách nặn mụn tại nhà
Các bước giúp bạn nặn mụn đúng kỹ thuật và chuẩn y khoa:
1. Kiểm tra độ già của mụn
Bạn có thể dùng tay ấn nhẹ lên mụn, nếu đầu mụn khô và cứng thì mụn có thể nặn được. Lưu ý cần vệ sinh tay thật sạch trước khi kiểm tra mụn nhé.
2. Chuẩn bị dụng cụ nặn mụn
Dụng cụ nặn mụn có thể là bông tăm, kim hay dụng cụ chuyên dụng tuỳ vào nhu cầu của bạn. Bạn cần lưu ý sát khuẩn những dụng cụ này bằng cồn trước khi sử dụng.
3. Làm sạch da
Vệ sinh vùng da bằng nước sạch, nước muối sinh lí hay dung dịch chuyên dụng.
4. Xông hơi
Xông hơi giúp lỗ chân lông mở rộng, từ đó hỗ trợ quá trình nặn mụn dễ dàng và ít đau hơn. Bạn có thể xông bằng hơi nước và trùm kín từ 2 – 5 phút trước khi nặn.
5. Nặn mụn
Dùng dụng cụ nặn mụn tác động nhẹ nhàng lên mụn. Bạn đừng cố gắng nặn khi mủ không chảy ra dễ dàng hay khi mụn chưa sẵn sàng để nặn. Bôi thuốc mỡ hay những loại mỹ phẩm giúp dịu da khi mụn đã xẹp xuống.
6. Chăm sóc da sau khi nặn mụn
- Nếu không chăm sóc đúng cách, sẹo mụn và vết thâm có thể tồn tại vĩnh viễn. Càng để lâu thì những tổn thương này càng khó chữa lành. Do đó, chăm sóc da sau mụn ngay lập tức là điều hết sức quan trọng.
- Bôi thuốc mỡ kháng sinh, bằng tay đã rửa sạch hoặc tăm bông sạch.
- Thoa các sản phẩm có tính kháng khuẩn tại chỗ chẳng hạn như tinh dầu tràm trà. Điều này sẽ giúp chống lại vi khuẩn đồng thời giảm viêm một cách lý tưởng. Nếu mụn đang mở hoặc xuất hiện kích ứng, hãy tiếp tục bôi thuốc mỡ.
- Tiếp tục lộ trình chăm sóc da của bạn, chẳng hạn như: rửa mặt hàng ngày và tối ưu hoá các bước dưỡng da.
Lời khuyên của bác sĩ sau khi nặn mụn tại nhà
Trường hợp đến cơ sở y tế
Bạn nên đi khám bác sĩ da liễu nếu bị mụn viêm, mụn nang gây đau đớn. Bạn không nên cố gắng nặn loại mụn này, vì làm như vậy có thể gây đau, nhiễm trùng và tổn thương da vĩnh viễn.
Những người thường xuyên bị mụn hoặc không kiểm soát được tình trạng mụn của mình cũng nên đến gặp bác sĩ da liễu. Bác sĩ da liễu có thể kê đơn các loại thuốc theo toa chuyên biệt có thể giúp làm sạch mụn và ngăn ngừa sẹo hoặc tổn thương da thêm.3
Hậu quả của việc nặn mụn sai cách
Nặn mụn và những vết thâm do mụn khác tưởng chừng như đơn giản mà ai cũng có thể làm được, nhưng để làm đúng thì phải có kỹ thuật. Bạn cần có kỹ thuật nặn mụn để tránh:
- Sẹo mụn vĩnh viễn.
- Mụn trứng cá đáng chú ý hơn.
- Mụn đau hơn.
- Nhiễm trùng.
Nặn mụn sai cách có thể đẩy một số chất bên trong mụn vào sâu hơn trong da, làm tăng tình trạng viêm nhiễm. Hơn nữa, việc nặn mụn không đúng kỹ thuật có thể khiến vi khuẩn từ mụn viêm lây lan sang các lỗ chân lông và nang lông khác, đồng thời tạo ra ổ mụn lớn hơn.
Khi tự mình nặn mụn, bạn cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn trên tay.4
Nhìn chung, nặn mụn không được khuyến khích và có nguy cơ để lại thâm sẹo nếu thực hiện không đảm bảo. Nếu tình trạng mụn của bạn khá nặng và thường xuyên tái đi tái lại, hãy đến bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé. YouMed hi vọng mỗi chúng ta đều sỡ hữu một làn da khoẻ mạnh và chào tạm biệt những chiếc mụn đáng ghét.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acnehttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acne/symptoms-causes/syc-20368047
Ngày tham khảo: 02/01/2022
-
Guidelines of care for the management of acne vulgarishttps://www.jaad.org/article/S0190-9622(15)02614-6/fulltext
Ngày tham khảo: 02/01/2022
-
Pimple popping: Should you do it?https://www.medicalnewstoday.com/articles/pimple-popping#seeing-a-dermatologist
Ngày tham khảo: 02/01/2022
-
Pimple Popping: Why only a dermatologist should do ithttps://www.aad.org/public/diseases/acne/skin-care/popping
Ngày tham khảo: 09/01/2022