Nang thận và Tầm quan trọng với sức khoẻ.
Chắc hẳn đối với bạn đọc quan tâm đến sức khoẻ, thường xuyên kiểm tra sức khoẻ định kì, hay tìm hiểu các thông tin sức khoẻ trên phương tiện truyền thông đều ít nhiều nghe đến “Nang thận”. Hoặc bản thân, thành viên trong gia đình, người quen được chẩn đoán “Nang thận”. Vậy nang thận là gì? Có ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ ? Và cần phải làm gì với chúng?
1. Nang thận là gì?
Trong cơ thể con người thường có hai quả thận, hình hạt đậu, nằm ở hai hố thắt lưng hai bên. Vai trò của chúng là lọc máu tạo nước tiểu, bài tiết các chất không cần thiết, tạo máu và cân bằng môi trường bên trong cơ thể. Khi tồn tại cấu trúc khác ngoài mô thận tại thận đều là bất thường, trong đó có nang thận, cần được thăm khám và đánh giá
Nang thận là những túi hoặc nang chứa đầy dịch, có thể một hoặc nhiều nang, ở một hoặc hai bên thận. Thường có dạng hình tròn hoặc bầu dục, kích thước thay đổi từ vài milimet đến trên 10 centimet.
Cần phân biệt nang thận với bệnh lý khác – bệnh thận đa nang, có tính chất gia đình và di truyền, ảnh hưởng đến chức năng thận và là nguyên nhân của bệnh thận mạn tính.
2. Nguyên nhân:
Hiện nay, nguồn gốc nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ.
3. Bệnh này phổ biến không?
Nang thận là tình trạng khá phổ biến, có thể xuất hiện ở bất kì độ tuổi nào nhưng tỉ lệ này tăng dần theo tuổi. Con số có thể lên đến gấp 7 lần (5%-36%) khi so sánh ở hai nhóm tuổi, khoảng 40 tuổi và 80 tuổi.
Trong đó tỉ lệ nam mắc cao hơn nữ gấp 2 lần.
>> Tìm hiểu thêm về Nang thận đơn độc: Hiểu thế nào cho đúng?
4. Nang thận có nguy hiểm không?
Đa phần thường lành tính, không nguy hiểm và vô hại (không triệu chứng và không biến chứng). Tuy nhiên tỉ lệ ít hơn liên quan đến các bệnh lý ảnh hưởng chức năng của thận, tuỳ chúng thuộc phân nhóm nào.
Khi nang thận có kích thước lớn có thể gây ra các triệu chứng sau:
- Đau âm ỉ vùng hông lưng một bên hoặc hai bên.
- Đau vùng bụng trên.
- Tiểu máu.
- Sốt, đau hông lưng.
- Tăng huyết áp.
Biến chứng:
- Nhiễm trùng.
- Vỡ nang vào khoang bụng.
- Tắc nghẽn đường tiểu (bệnh nhân vẫn đi tiểu được, trừ trường hợp nang thận hai bên, gây tắc nghẽn hoàn toàn, bệnh nhân không đi tiểu).
Ngay khi có những triệu chứng này, đừng chần chừ hãy đến gặp bác sĩ ngay bạn nhé!
5. Chẩn đoán:
Vì đa phần không có triệu chứng nên thường được phát hiện khi làm các xét nghiệm hình ảnh học vì lí do khác. Ngoài ra có thể cần làm những xét nghiệm khác để loại trừ các bệnh lý khác, trong đó có những bệnh nguy hiểm, đặc biệt là ung thư thận.
5.1 Xét nghiệm hình ảnh học:
Từ đơn giản đến phức tạp, chuyên sâu hơn để đánh giá bản chất của nang, phân biệt với u, lành tính hay ác tính.
- Siêu âm bụng: đây thường là xét nghiệm đầu tiên phát hiện ra nang thận vì thường được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lý khác hay kiểm tra sức khoẻ định kì. Dựa vào đặc điểm trên siêu âm các bác sĩ sẽ cân nhắc làm thêm CT-Scan hay MRI.
- CT-Scan
- MRI: có tiêm chất tương phản đánh giá tốt hơn CT-Scan bản chất chất chứa trong nang, nhưng không đánh giá được sự vôi hoá.
5.2 Xét nghiệm máu và nước tiểu:
Để đánh giá chức năng thận.
5.3 Sinh thiết:
Xét nghiệm chuyên sâu được bác sĩ lâm sàng cân nhắc khi cần thiết.
6. Điều trị:
6.1 Đa phần nang thận không gây ra triệu chứng, không gây biến chứng nên không cần điều trị.
Bạn cần kiểm tra định kì mỗi ba đến sáu tháng, làm xét nghiệm hình ảnh học để đánh giá sự thay đổi của nang thận và xét nghiệm máu, nước tiểu đánh giá chức năng của thận. Tuỳ thuộc kết quả theo dõi mà bác sĩ sẽ có hướng giải quyết tiếp theo cho bạn.
6.2 Trường hợp bệnh gây ra triệu chứng, bác sĩ sẽ đưa ra những lựa chọn để bệnh nhân và bác sĩ cùng thảo luận và có hướng xử trí phù hợp nhất, như sau:
- Chọc dẫn lưu: dùng kim chọc vào nang và dẫn lưu dịch trong nang ra, sau đó bác sĩ sẽ bơm cồn vào nang để phòng ngừa tái phát. Phương pháp này cần gây tê tại chỗ, bệnh nhân có thể về trong ngày.
- Phẫu thuật cắt nang: nếu nang gây ra triệu chứng nghiêm trọng, biến chứng thì cần phẫu thuật cắt bỏ nang. Phương pháp này cần gây mê và bệnh nhân phải nhập viện vài ngày.
7. Có thể phòng ngừa nang thận được không?
Bạn hoàn toàn không thể phòng ngừa bệnh này, nhưng có thể phòng ngừa những diễn biến xấu bằng cách khám sức khoẻ định kì nếu không có triệu chứng, và đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám và đánh giá ngay khi có triệu chứng.
Bạn có thể lưu lại những câu hỏi sau và bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp:
– Nang thận của tôi có lớn không?
– Có ảnh hưởng chức năng thận của tôi không?
– Tôi có những triệu chứng này: (…bất kì triệu chứng nào làm bạn lo lắng…). Liệu đây có phải là triệu chứng do nang thận không?
– Tôi có cần phẫu thuật không?
– Tôi muốn phẫu thuật được không? Có ảnh hưởng thận của tôi không?
– Có những cách nào để điều trị?
– Tôi cần kiêng gì không?
– Tôi có phải theo dõi định kì không?
– Khi nào tôi cần đi khám ngay?
Vậy tóm lại, nang thân đa phần lành tính, không nguy hiểm và không gây hại (không có triệu chứng và không biến chứng), thường gặp từ tuổi trung niên và nam giới, thường không cần điều trị mà theo dõi định kì mỗi 3 đến 6 tháng. Những trường hợp có triệu chứng cần được bác sĩ thăm khám ngay lập tức và có xử trí phù hợp kịp thời.
Ghi nhớ: Hãy bình tĩnh và đến gặp bác sĩ ngay khi có bất kì lo lắng gì bạn nhé!
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thành
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.