Nghe kém ở trẻ em: Nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị
Nội dung bài viết
Nghe kém ở trẻ em có thể ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ, nhận thức và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tật này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Tuy nhiên, chúng ta có thể phòng ngừa được những biến chứng của bệnh. Do đó, việc phát hiện sớm là chìa khóa cho thành công của việc điều trị. Việc hiểu biết được rõ biểu hiện, nguyên nhân và biện pháp điều trị có vai trò rất quan trọng.
1. Những nguyên nhân của nghe kém ở trẻ em
Việc nghe, nhận biết được âm thanh, giọng nói là nhờ hoạt động của bộ máy phân tích thính giác. Tai chỉ là một phần của bộ máy này, kể từ ngoại vi đến trung ương gồm có:
– Bộ phận dẫn truyền gồm có tai ngoài, tai giữa, ngoại dịch, nội dịch
– Bộ phận tiếp nhận âm là tai trong
– Các dây thần kinh dẫn truyền các xung thần kinh lên các trung khu và vỏ não
– Vỏ não thùy thái dương là bộ phận phân tích và tổng hợp các xung thần kinh
Nguyên nhân nghe kém được chia thành 3 nhóm: dẫn truyền, tiếp nhận – thần kinh và nghe kém hỗn hợp
>>>Có thể bạn quan tâm:
Bạn bị nghe kém ở một hoặc hai tai và đang vô cùng lo lắng? Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này. Bài viết “Nghe kém : Nguyên nhân cách điều trị và phòng tránh?” sẽ cho bạn một cái nhìn rõ hơn về vấn đề nghe kém. Qua đó giúp bạn có quyết định điều trị đúng đắn và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả,
1.1 Nghe kém dẫn truyền: gồm những bất thường ở tai ngoài và tai giữa
- Tai ngoài: tắc nghẽn ống tai ngoài (ráy tai, dị vật), viêm, chấn thương, dị dạng bẩm sinh ống tai
- Tai giữa: viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, chấn thương, khối u, bất thường bẩm sinh ở tai giữa
1.2 Nghe kém tiếp nhận – thần kinh: gồm có những nguyên nhân bẩm sinh, di truyền và mắc phải
- Bẩm sinh: nhiễm trùng sơ sinh (CMV, rubella hoặc giang mai), dị dạng bẩm sinh vùng tai trong
- Di truyền: những bệnh lý di truyền có tính gia đình, thường kèm theo những dị tật bẩm sinh khác
- Mắc phải: viêm nhiễm, sử dụng thuốc độc tai, kháng sinh nhóm aminoglycoside, những bệnh lý thời kỳ sơ sinh (toan chuyển hóa, vàng da sơ sinh…)
1.3 Nghe kém hỗn hợp:
Bao gồm cả nghe kém dẫn truyền và nghe kém tiếp nhận – thần kinh.
2. Làm thế nào để phát hiện trẻ có nghe kém?
Để nhận biết sớm trẻ có nghe kém thực sự là một thách thức với gia đình và các bác sĩ. Điều này còn đặc biệt khó khăn với trẻ nhỏ chưa biết nói. Do đó, đòi hỏi phụ huynh phải chú ý quan sát hoạt động hằng này của trẻ và có hiểu biết để đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế kịp thời.
2.1 Một số biểu hiện của nghe kém ở trẻ:
– Trẻ nhỏ không giật mình khi có tiếng động lớn
– Không phản ứng (liếc mắt, xoay đầu) trước tiếng nói của mẹ và những người xung quanh
– Xem tivi, nghe nhạc thường phải bật âm lượng lớn
– Nói ngọng
– Thường cần phải nói to, nói chậm và lặp lại nhiều lần thì trẻ mới nghe được
– Tại trường, trẻ thường ít giao tiếp với bạn bè, ít phát biểu, kém tập trung
Nếu trẻ có một trong những biểu hiện trên, phụ huynh nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để được thăm khám, chẩn đoán sớm và có kế hoạch điều trị hợp lý.
2.2 Các yếu tố nguy cơ dẫn đến nghe kém
Ngoài những biểu hiện trên, những trẻ sau đây có nguy cơ nghe kém cao hơn so với bạn bè cùng trang lứa:
– Gia đình có tiền sử mắc khiếm thính di truyền
– Trẻ sơ sinh mắc các bệnh cần theo dõi tại đơn vị chăm sóc tăng cường (NICU) trên 5 ngày
– Trẻ mắc viêm màng nào hoặc các dị tật bẩm sinh ở hệ thần kinh trung ương
– Những trẻ viêm tai giữa cấp tái phát, viêm tai giữa mạn hoặc viêm tai giữa xuất tiết
– Trẻ có hóa trị vùng đầu cổ, sử dụng thuốc độc tai, mốt số loại kháng sinh
– Tiền căn chấn thương vùng đầu, đặc biệt là vùng nền sọ và chẩm
– Dị dạng bẩm sinh vùng đầu cổ (bao gồm bất thường ở vành tai, ống tai,…)
3. Điều trị nghe kém ở trẻ em như thế nào?
Điều trị nghe kém tùy thuộc vào mức độ nặng, nghe kém loại nào (dẫn truyền/tiếp nhận – thần kinh), nguyên nhân, tuổi của trẻ và chọn lựa của bệnh nhi hoặc phụ huynh. Phương pháp điều trị có thể là phẫu thuật hoặc không phẫu thuật.
3.1 Điều trị không phẫu thuật
– Máy trợ thính: có nhiều loại máy trợ thính, thông dụng nhất là loại dùng “chip” đeo sau tai. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ sẽ khó xác định được âm lượng của máy trợ thính có phù hợp với trẻ chưa. Cần thực hiện thêm kiểm tra cường độ âm thanh của máy để điều chỉnh cho thích hợp với trẻ.
– Với nghe kém tiếp nhận do tổn thương ở loa đạo, thần kinh…nói chung chưa có điều trị đặc hiệu. Việc điều trị bằng vitamin A, D, nhóm B liều cao hay phối hợp với thuốc giãn, điều hòa mạch tai trong, não đôi khi có kết quả.
3.2 Điều trị phẫu thuật
– Máy trợ thính gắn vào xương: sử dụng trong trường hợp không thể dùng máy trợ thính đeo sau tai. Phương pháp này đặc biệt phù hợp cho trẻ bị teo ống lỗ tai.
– Cấy ốc tai: những trẻ điếc nặng không thể sử dụng máy trợ thính có thể được điều trị bằng cấy điện ốc tai. Đây là một thiết bị dùng để kích thích dây thần kinh ốc tai, gồm các bộ phận gắn trong và gắn ngoài. Micro và bộ vi xử lý được đeo bên ngoài như máy trợ thính. Từ đó, thiết bị giúp chuyển đổi âm thanh thành tín hiệu điện. Một bộ phận tiếp nhận được cấy dưới da đầu có nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu này đến điện cực đã được cấy vào ốc tai. Biện pháp này được chỉ định cho những trẻ điếc nặng hai bên mà không hoặc ít cải thiện sau 6 tuần sử dụng máy trợ thính.
– Implant tai giữa: áp dụng cho trẻ không dùng máy thính lực thông thường được, ví dụ implant Vibrant Soundbridge. Thiết bị cấu tạo gồm bộ xử lý bên ngoài giống cấy ốc tai, xử lý tín hiệu điện đến miếng implant. Tín hiệu này, sau đó tác động vào tai trong thông qua kích thích cơ học.
Nghe kém ở trẻ em có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Trong đó, phát triển ngôn ngữ, khả năng học tập, giao tiếp và hòa nhập xã hội đều suy giảm. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời có vai trò cực kì quan trọng. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, đã mở ra nhiều biện pháp điều trị nghe kém. Hy vọng bài viết đã giải đáp được phần nào thắc mắc của các bậc phụ huynh về vấn đề này.
Bác sĩ : Nguyễn Lê Vũ Hoàng
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Tai mũi họng nhập môn – PGS.TS. Nhan Trừng Sơn
Tai mũi họng – Nhan Trừng Sơn
Bệnh học Tai mũi họng, đầu mặt cổ – GS. TS. Ngô Ngọc Liễn
ABC of Ear, Nose and Throat, 6th edition