Ngọc lan tây: loại dược liệu giảm căng thẳng hiệu quả
Nội dung bài viết
Ngọc lan tây được dùng điều trị các bệnh sốt rét, viêm dạ dày, hen suyễn, gout và thấp khớp. Ngoài ra tinh dầu được dùng như liệu pháp hương thơm điều trị trầm cảm, căng thẳng. Đồng thời, tinh dầu ngọc lan tây còn có tính kháng khuẩn, kháng viêm, hỗ trợ điều trị tăng đường huyết, tăng huyết áp.
Ngọc lan tây là gì?
Mô tả
Ngọc lan tây còn có tên gọi là cây hoàng lan, cây công chúa, y lan công chúa, Ylang Ylang. Cây thân gỗ, mọc thẳng. Cây phát triển nhanh trong môi trường tự nhiên vùng châu Á, đặc biệt ở Indonesia và Philipin. ở Việt Nam, cây được trồng nhiều nhất ở Hà Nội. Cây có tên khoa học là Cananga odorata, thuộc họ Na/ Mãng cầu (Annoaceae). Cây cao trung bình khoảng 12m, vỏ cây màu xám trắng, nhánh ngang hay thòng.
Phiến lá hình trứng thuôn hoặc bầu dục, mọc so le, đầu tù hơi nhọn, gốc tròn. Hai mặt lá đều nhẵn, mép hơi lượn sóng, cuống lá dài khoảng 1cm.
Lá dài khoảng 17cm, trơn. Hoa màu vàng ánh lục hoặc hồng, mọc thành cụm trên những cành ngắn, mỗi cụm gốc có 3 hoa, quăn như sao biển, chứa tinh dầu. Mỗi hoa gồm 6 tràng, cánh mỏng, dài, hơi uốn lượn. Hoa nở từ tháng 11 đến tháng 12. Mỗi hoa cho một chùm quả, mỗi chùm chứa 10-12 hạt. hạt cứng, dẹt, hình trứng màu nâu nhạt, đường kính 6mm.
Thu hái
Hoa thường được thu hái vào khoảng tháng 6-8 hàng năm. Hoa được thu hái vào thời điểm nở rộ nhất vì các thành phần hydrocacbon, este chứa nhiều nhất vào thời điểm này.
Bộ phận dùng
Lá, vỏ thân, hoa
Tác dụng của Ngọc lan tây
Thành phần hóa học
– Lá, hoa và quả chứa nhiều Monoterpen.
– Lá và hoa chứa các sesquiterpenes.
– Hoa chứa các phenylpropanoids, benzenoids, acetat, benzoate, phenol. Đồng thời tinh dầu chứa 52 hợp chất từ các hydrocacbon dễ bay hơi.
Tác dụng dược lý
- Liriodenine chiết xuất từ cây có hoạt tính kháng khuẩn gram dương, nấm men và nấm sợi.
- Vỏ thân cây chứa sampangine có hoạt tính kháng nấm, kháng khuẩn, chống sốt rét, gây độc với các tế bào u ác tính ở người.
- Quả chứa cananodine, sesquiterpens eudesmane có tác dụng chống tế bào ung thư gan.
- Hoa chứa cis-Nerolidol và trans-Nerolidol có tác dụng ức chế khuẩn aureus, K. pneumonia theo cơ chế ức chế màng sinh học của vi khuẩn. Tinh dầu chiết xuất từ hoa có hoạt tính ức chế trực tiếp đối với 3 loại muỗi Aedes aegypti, Culex quinquefasciatus, và Anopheles dirus.
- Tinh dầu chiết xuất từ cây có tác dụng ức chế đối với aegypti, A. dirus, C. quinquefasciatus. Chiết xuất n-hexan, ethyl acetat và ethnolic của vỏ thân cây ức chế đối với khuẩn P.acnes, nấm Candida albicans.
- Chiết xuất methanolic từ lá có tác dụng ức chế đối với Staphylococcus aureus, Salmonella typhi, Escherichia coli, nấm sợi.
- Nụ hoa chứa các dẫn xuất terpenoid có tác dụng trong điều trị rối loạn da. Ngoài ra còn có tác dụng ức chế hình thành hắc tố bào.
- Chiết xuất từ lá và thân có tác dụng ức chế men alpha-amylase trong việc kiểm soát tăng đường huyết sau ăn.
- Nụ hoa chứa dẫn xuất terpenoid và flavonoid có tác dụng ức chế aldose reductase, giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường nhưng bệnh lý thần kinh, bệnh võng mạc, tổn thương chức năng thận.
Cách sử dụng Ngọc lan tây
Ngọc lan tây có thể dùng dạng tươi, khô, nước sắc, tinh dầu. Với mỗi bệnh khác nhau mà cách sử dụng cũng khác nhau. Trong đó, tinh dầu từ ngọc lan tây được sử dụng phổ biến nhất.
Hoa tươi giã nát điều trị hen suyễn. Hoa và vỏ cây dùng trị viêm phổi và đau dạ dày
Nước sắc từ vỏ cây làm thuốc nhuận tràng, long đờm, ung nhọt, phong thấp, cảm sốt
Lá dùng tươi, giã nát để giảm ngứa, trị gàu.
Nước sắc từ vỏ bên trong điều trị gout.
Tinh dầu ngọc lan tây có tác dụng an thần, thư giãn, điều hoà huyết áp. Đồng thời còn có tác dụng giảm trầm cảm và căng thẳng.
Bài thuốc kinh nghiệm từ Ngọc lan tây
Hạ huyết áp:
Dùng 1-2 giọt tinh dầu nguyên chất vào trà hoặc nước ấm, dùng uống trong ngày.
Tăng ham muốn tình dục
Dùng tinh dầu và nước tạo thành nhũ tương, dùng xoa ngoài da.
Phỏng da và ngứa
Dùng lá giã nát, ép lấy nước và bôi lên da vùng tổn thương.
Ghẻ
Vỏ thân cây nấu lấy nước đặc, để nguội, sau đó tắm 1-2 lần/ ngày
Sốt rét
Hoa phơi trong gió đến khô, sắc lấy nước uống.
Thư giãn, giảm stress
Dùng 1-2 giọt tinh dầu xông.
Ngăn lão hoá, giảm kích ứng da
Pha 1-2 giọt tinh dầu với dầu dừa, sau đó massage nhẹ nhàng 2 lần mỗi ngày
Chăm sóc tóc
Kết hợp pha tinh dầu cùng dầu dừa xoa lên tóc và da đầu mỗi ngày say khi gội sạch đầu và khi tóc còn ẩm.
Kết luận
Ngọc lan tây được biết đến nhiều như là loại hương thơm trị liệu. Ngoài tác dụng giảm căng thẳng, thư giãn bằng tinh dầu, cây còn nhiều tác dụng chữa bệnh khác. Đây là loại thảo dược có nhiều triển vọng trong các bệnh đái tháo đường, gout, viêm thấp khớp và đang tiếp tục nghiên cứu. Các thông tin và bài thuốc trên đây mang tính chất tham khảo. Quý độc giả có thể tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị trước khi sử dụng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Traditional Uses, Phytochemistry, and Bioactivities of Cananga odorata
- Anti-hyperglycemic effects and mechanism of Bidens pilosa water extract. (Hsu YJ, Lee TH, Chang CL, Huang YT, Yang WC, J Ethnopharmacol. 2009 Mar 18; 122(2):379-83.)
- Jemain M. M., Nik Musa'adah M. N., Rohaya A., Rashid L. A., Nor Hadiani I. In vitro antihyperglycaemic effects of some Malaysian plants. Journal of Tropical Forest Science
- Dietary sources of aldose reductase inhibitors: prospects for alleviating diabetic complications. (Saraswat M, Muthenna P, Suryanarayana P, Petrash JM, Reddy GB; Asia Pac J Clin Nutr. 2008; 17(4):558-65.)
- Anti-inflammatory activity of linalool and linalyl acetate constituents of essential oils. (Peana AT, D'Aquila PS, Panin F, Serra G, Pippia P, Moretti MD; Phytomedicine. 2002 Dec; 9(8):721-6)
- Miguel M. G. Antioxidant activity of medicinal and aromatic plants. A review. Flavour and Fragrance Journal. 2010
- Botanical briefs: ylang-ylang oil--extracts from the tree Cananga odorata.( Saedi N, Crawford GH; Cutis. 2006 Mar; 77(3):149-50)