Ngọc trúc: Vị thuốc công dụng cho bệnh ho khan
Nội dung bài viết
Ngọc trúc có công dụng làm thuốc bổ, chữa ho khan lâu ngày kèm họng khô, miệng khát, người nóng phát sốt, mắt đỏ sưng đau, có thể trị phong thấp, đau lưng, di tinh. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vị thuốc Ngọc trúc, công dụng và cách dùng của nó trong bài viết sau.
1. Mô tả dược liệu và cách bào chế
1.1. Cây Ngọc trúc
Ngọc trúc có tên khoa học là Polygonatum odoratum (Mill.) Druce hay Polygonatum officinale, là một loài cây thuộc họ Thiên môn đông (Asparagaceae). Vì thân cây bóng nhẵn như ngọc và lá có hình dạng giống lá trúc nên được gọi tên là Ngọc trúc.
Ngọc trúc là cây thân thảo, sống lâu năm. Đây là loài cây có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có trồng ở một số địa phương vùng núi cao phía Bắc nước ta. Tuy nhiên số lượng rất ít, được sử dụng trong phạm vi cộng đồng nhỏ.
Trại thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu) là nơi duy nhất ở Việt Nam đang giữ giống ngọc trúc với mục đích bảo tồn lâu dài.
1.2. Vị thuốc Ngọc trúc và cách bào chế
Bộ phận dùng là thân rễ, thu hái vào mùa thu. Sau khi hái về, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày hoặc cắt đoạn và phơi khô.
- Dạng thái phiến: Lấy dược liệu đã phơi khô, thái phiến. Vát dài 3 cm đến 5 cm, dày 2 mm đến 5 mm.
- Ngọc trúc chế mật ong: Ngọc trúc đã thái phiến đem tẩm với mật ong (tỷ lệ: 1 – 1,5 kg mật ong/10 kg dược liệu). Ủ 30 – 60 phút, sấy se. Rồi dùng lửa nhỏ sao đến khi có màu vàng, mùi thơm, sờ không dính tay là được.
- Dạng chưng: Ngọc trúc rửa sạch, đồ 6 – 8 giờ, ủ 1 ngày 1 đêm. Tiếp tục làm như vậy 2 – 3 lần đến khi vị thuốc có màu đen. Thái khúc dài 2 – 3 cm.
- Ngọc trúc chế rượu: Ngọc trúc rửa sạch, ủ mềm, đồ 8 giờ cho mềm. Rồi thái khúc, thêm rượu (tỷ lệ: 1,5 kg rượu/10 kg Ngọc trúc), chưng 4 giờ. Đựng dược liệu vào dụng cụ băng đồng hoặc băng nhôm.
2. Thành phần hoá học
Thân rễ của Ngọc trúc có chứa asparagine, polysacarit, chất nhầy, glycoside tim , saponin và quinine gluconate.
Trong đó aspagagine cũng được tìm thấy trong nhiều loài cây khác thuộc họ Thiên môn đông, tiêu biểu là cây Thiên môn đông.
3. Tác dụng dược lý
Theo các nghiên cứu khoa học mới nhất:
- Aspagagine có công dụng lợi tiểu.
- Polysacarit là thành phần hoạt tính sinh học chính của Ngọc trúc, có thể cải thiện khả năng miễn dịch và được sử dụng để điều trị bệnh thấp khớp, bệnh tim mạch và đái tháo đường.
- Homoisoflavanone-1 được chiết xuất từ Ngọc trúc có thể hoạt động như một chất ức chế ung thư và có tiềm năng như một phương pháp trị liệu mới chống lại ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
- Việc bổ sung Polysacarit chiết xuất từ Ngọc trúc có thể làm giảm các đặc điểm của bệnh béo phì ở chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo. Liên quan đến điều hoà hệ vi sinh vật đường ruột.
- Chiết xuất Ngọc trúc ức chế sự tăng sinh và gây ra apoptosis của tế bào ung thư vú MDA-MB-231. (Apoptosis: Chết tế bào theo chương trình)
4. Công dụng, liều dùng
4.1. Công dụng
Dưỡng âm, giảm khô khát, làm mát Phế, dưỡng Vị.
Chủ trị: Trị ho khan có họng khô miệng khát, sốt nóng âm ỉ về đêm, mồ hôi trộm, kém ăn, khó tiêu, hoặc Vị nhiệt gây ăn nhiều nhanh đói.
4.2. Liều dùng
Ngày dùng từ 6 – 12 g, dạng thuốc sắc.
5. Phương thuốc kinh nghiệm
5.1. Trị bệnh mạch vành, đau thắt ngực
Phối hợp với Đảng sâm chế thành bài Cao Sâm Trúc (bài thuốc của Bệnh viện Tây Uyển Bắc Kinh). Đảng sâm 12g, Ngọc trúc 20g, sắc thành cao, uống chia 2 lần/ngày.
>> Bạn có thể tìm hiểu thêm về Bệnh mạch vành: Bệnh lý tim mạch nguy hiểm hàng đầu
5.2. Trị chứng cảm (có triệu chứng ho khan)
Gia giảm Ngọc trúc thang (thông tục Thương hàn luận). Ngọc trúc 12g, Hành tươi 3 củ, Cát cánh 6g, Đạm đậu xị 16g, Bạc hà 4g (cho sau), Chích thảo 2g, Bạch vị 4g, Táo 2 quả, sắc nước uống. Dùng ở bệnh nhân vốn khô nóng trong người.
5.3. Trị viêm phế quản lâu ngày, lao phổi, ho do phế táo
Dùng Ngọc trúc nhuận phế cùng kết hợp với Mạch môn, Sa sâm, Thạch hộc. Các vị đều 10 – 15g, cho vào thuốc thang, nấu cao hoặc hoàn tán.
6. Kiêng kỵ
- Người dương suy âm thịnh, tỳ hư đờm thấp ứ trệ không dùng được.
Tóm lại, Ngọc trúc có tác dụng dưỡng âm, làm mát Phế, trị ho khan, họng khô, miệng khát. Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Viện Dược liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập II, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội.
- Dược điển Việt Nam.
- Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học.
- Đỗ Huy Bích (2006). Cây Thuốc Và Động Vật Làm Thuốc Ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa Học Kỹ Thuật.