YouMed

Ngũ vị tử: Trị hen suyễn, bổ Thận

bác sĩ nguyễn trần anh thư
Tác giả: Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Trần Anh Thư
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Có tên gọi Ngũ vị tử là vì loại quả này có 5 vị: ngọt, mặn, đắng, cay và chua. Nhưng thường là chua nhiều, ngọt ở vỏ, nhân hạt có vị cay và đắng. Loại quả này ngoài việc là một vị thuốc trong Đông Y, cũng còn là một gia vị để nấu ăn, đặc biệt là các món hầm. Theo Y học cổ truyền, đây là một vị thuốc có công dụng với các chứng ho suyễn thở gấp, di tinh, ra mồ hôi trộm. Trong bài viết này sẽ nói rõ về các nghiên cứu mới và công dụng.

1. Mô tả dược liệu

Ngũ vị tử có tên khoa học là Fructus Schisandrae chinemis. Là quả chín phơi hoặc sấy khô của cây Ngũ vị bắc (Schisandra chinensis (Turcz.) Baill, thuộc họ Ngũ vị (Schisandraccae).

1.1. Cây ngũ vị bắc

Thuộc loại dây leo sống nhiều năm, thường xanh, ưa sáng hoặc có thể hơi chịu bóng. Ưa sống ở vùng có khí hậu ẩm mát núi cao từ 1300 đến 1600m. Cây thường mọc trùm lên các cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ ở ven rừng ẩm, bờ nương rẫy hoặc mọc lẫn vào các kiểu rừng non đang tái sinh. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Đến cuối mùa thu quả chín, rụng xung quanh gốc cây mẹ. 

Quả Ngũ vị tử
Quả Ngũ vị tử

Là cây thuốc có vùng phân bố hạn chế ở Việt Nam. Do vậy, dược liệu đa phần nhập từ Trung Quốc.

1.2. Dược liệu Ngũ vị tử

Quá hình cầu không đều hoặc hình cầu dẹt, đường kính 5mm đến 8mm. Mặt ngoài màu đỏ, đỏ tía hoặc đỏ thẫm, nhăn nheo, có dầu, thịt quả mềm. Có trường hợp mặt ngoài màu đỏ đen hoặc phủ lớp phấn trắng. 

Dược liệu Ngũ vị tử và hạt
Dược liệu Ngũ vị tử và hạt

Có 1 hạt đến 2 hạt hình thận, mặt ngoài màu vàng nâu, sáng bóng. Vỏ hạt mỏng, giòn. Thịt quả mùi nhẹ. vị chua. Sau khi đập vỡ, nhân hạt màu trắng, có mùi thơm, vị cay, hơi đắng.

2. Thu hái và bào chế

2.1. Thu hái

Thu hoạch vào mùa thu, hái lấy quả chín, phơi khô hoặc sau khi đồ chín, phơi khô, loại bỏ cuống và tạp chất.

2.2. Bào chế

  • Sống: Loại bỏ tạp chất, giã vụn khi dùng.
  • Chế dấm: Lấy Ngũ vị tử trộn với một lượng đủ dấm, cho vào nồi kín, đồ đến có màu đen, lấy ra, phơi hay sấy khô, khi dùng giã dập. Cứ 100 kg Ngũ vị tử cân 20 lít dấm, nếu cần thì pha loãng thêm. Sau khi chế mặt ngoài ngũ vị tử có màu đen, nhuận do có tinh dầu, hơi sáng bóng, thịt quả mềm, dính. Mặt ngoài vỏ quả trong có màu nâu đỏ, sáng bóng. Hạt màu đỏ nâu, sáng bóng.

3. Thành phần hoá học

Theo nghiên cứu, Ngũ vị tử chứa 0,89% dầu dễ bay hơi. Chúng bao gồm sesquicarene, 2-bisabolene-chamigrene và a-ylangene. Nó cũng chứa khoảng 5% lignans và 9,11% axit hữu cơ. Hạt chứa 33% dầu béo.

Các hợp chất khác bao gồm citral, diệp lục, sterol, vitamin C, E, nhựa, tanin và một lượng đường nhỏ.

4. Tác dụng dược lý

  • Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng Ngũ vị tử và các thành phần hoạt động của nó cho thấy vai trò bảo vệ bệnh thần kinh, bao gồm các bệnh mạch máu não, bệnh thoái hóa thần kinh hoặc trầm cảm.
  • Lignans chiết xuất từ Ngũ vị tử ngăn chặn việc sản xuất các chất trung gian gây viêm. 
  • Ngăn ngừa tiềm năng đối với các bệnh liên quan đến tuổi tác như giảm khối lượng cơ và loãng xương.
  • Chống lại một loạt các loại tế bào ung thư khác nhau. Đặc biệt là trong các tế bào ung thư ác tính kháng apoptosis.  
  • Chống lại nhiễm độc gan do acetaminophen gây ra bằng nhiều cơ chế khác nhau. Những phát hiện này cung cấp một ứng dụng mới của Ngũ vị tử chống lại suy gan cấp tính do acetaminophen gây ra.
  • Cải thiện gan nhiễm mỡ không do rượu.
  • Và rất nhiều những nghiên cứu khác đã được tiến hành để nghiên cứu về những ứng dụng tuyệt vời của Ngũ vị tử.

5. Công dụng, liều dùng

5.1. Công dụng

Bổ phế trừ ho, giảm ho suyễn, bổ thận tinh, giảm tiêu chảy.

Chủ trị: Ho lâu ngày và ho suyễn, mộng tinh, di tinh, hoạt tinh, đái dầm, tiêu chảy kéo dài, tự ra mồ hôi, ra mồ hôi trộm, hay khát, nóng trong người, đánh trống ngực và mất ngủ.

5.2. Liều dùng

Ngày dùng từ 1,5g đến 6g; phối hợp trong các bài thuốc.

>> Có thể bạn quan tâm:

Cây Hẹ: Trị ho hiệu quả với loại rau quen thuộc

Top 7 bệnh viện, phòng khám khám hô hấp cho trẻ tốt tại TPHCM

6. Đơn thuốc kinh nghiệm

6.1. Trị ra nhiều mồ hôi

Bá tử nhân hoàn: Bá tử nhân, Bán hạ khúc đều 60g, Mẫu lệ, Nhân sâm, Ma hoàng căn, Bạch truật, Ngũ vị tử đều 30g tán bột mịn trộn đều làm hoàn hoặc uống thuốc tán, mỗi lần uống 4 – 8g, ngày 2 lần.

6.2. Trị ho suyễn

  • Ngũ vị tử thang: Đảng sâm, Mạch đông, Tang phiêu tiêu đều 30g, Ngũ vị tử 5g, sắc nước uống.
  • Mạch vị Địa hoàng hoàn: Sinh địa 16g, Hoài sơn 12g, Sơn thù 10g, Đơn bì, Bạch linh, Trạch tả đều 12g, Mạch môn 12g, Ngũ vị 4g.
  • Tiểu thanh long thang: Ma hoàng 8g, Quế chi 6g, Bán hạ 8g, Tế tân 4g, Bạch thược 12g, Can khương 8g, Chích thảo 6g, Ngũ vị tử 4g, sắc uống ấm chia 3 lần trong ngày. 

6.3. Trị cảm nắng mùa hè

Mùa hè ra mồ hôi nhiều, mệt, khát nước.

Sinh mạch tán: Nhân sâm, Mạch môn đều 10g, Ngũ vị 5g, sắc uống. 

6.4. Trị tiêu chảy 

Tứ thần hoàn: Bổ cốt chỉ (Phá cố chỉ) 16g, Nhục đậu khấu 8g, Ngũ vị tử 6g, Ngô thù du 4g, theo tỷ lệ tán bột mịn trộn với nước sắc gừng tươi và Đại táo thêm ít bột mà làm hoàn. Mỗi lần uống 6 – 12g với nước muối nhạt ấm trước lúc tối đi ngủ.

6.5. Trị thận hư, hoạt tinh, liệt dương

Tang phiêu tiêu hoàn: Tang phiêu tiêu, Long cốt, Phụ tử đều 10g, Ngũ vị tử 6g, sắc nước uống hoặc làm hoàn uống.
Hoặc Ngũ vị 600g tán bột mịn, mỗi lần uống 4g, ngày 3 lần. Kiêng thịt lợn, cá, tỏi, giấm. 

Tóm lại, Ngũ vị tử có công dụng Bổ phế trừ ho, giảm ho suyễn, bổ thận tinh, giảm tiêu chảy.

Những thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Tốt nhất, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các vị thuốc!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội

  2. Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập II, Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội

  3. Dược điển Việt Nam

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người