YouMed

Nỗi khổ thầm kín mang tên ngứa hậu môn

bác sĩ nguyền hồ thanh an
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Nội tổng quát

Ngứa hậu môn là một triệu chứng chứ không phải là bệnh. Nó được đặc trưng bởi cảm giác khó chịu, ngứa rát ở vùng hậu môn và gây ra bởi khá nhiều các nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chúng lại thường ít khi nào trở nên quá nghiêm trọng và cần đến sự chăm sóc đặc biệt. Và để tránh khỏi những lo lắng không cần thiết, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua bài viết “Nỗi khổ thầm kín mang tên ngứa hậu môn”.

1. Điều gì gây ra ngứa hậu môn?

Trong hầu hết các trường hợp, một người bị ngứa hậu môn không có bệnh về hậu môn hoặc trực tràng. Thay vào đó, chúng là dấu hiệu cho thấy sự kích ứng của vùng da này, gây ra bởi một hoặc nhiều yếu tố sau đây:

  • Phân còn sót lại trên da xung quanh lỗ hậu môn– do vệ sinh không đúng cách hoặc són phân (đi tiêu không tự chủ).
  • Thực phẩm gây kích thích hậu môn– bao gồm gia vị, thực phẩm cay, cà phê, trà, cola, sữa, đồ uống có cồn, sô-cô-la, trái cây họ cam quýt,…
ngứa hậu môn
Thực phẩm cay có thể gây ra cảm giác ngứa rát ở hậu môn sau khi ăn 24-36h
  • Điều trị bằng kháng sinh – các loại kháng sinh phổ rộng có thể gây ngứa hậu môn bằng cách làm xáo trộn hệ sinh thái bình thường của ruột. Một trong các ví dụ thường gặp là tetracycline và erythromycin.
  • Dị ứng – Ở những người nhạy cảm, hóa chất và thuốc được bôi vào vùng hậu môn có thể gây kích ứng tại chỗ. Một số thủ phạm chính bao gồm thuốc nhuộm và nước hoa được sử dụng trong giấy vệ sinh, dung dịch vệ sinh phụ nữ, xà phòng, các chất khử mùi cũng như các loại thuốc không kê đơn (như thuốc kem, thuốc mỡ) để điều trị các bệnh hậu môn đã biết.
  • Vệ sinh thô bạo sau khi đi tiêu – Chà xát mạnh, đặc biệt là với xà phòng hoặc các chất tẩy rửa khác có thể gây ra kích ứng da.
  • Đồ lót quá bó hoặc quá ẩm ướt.

2. Bệnh lý nào gây ra cảm giác ngứa hậu môn?

Ngứa hậu môn cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý tại chỗ hay toàn thân. Chẳng hạn như:

  • Nhiễm trùng – Ngứa hậu môn có thể gây ra bởi nhiễm các loại vi khuẩn, vi nấm và ký sinh trùng (phổ biến là giun kim). Chúng thường kèm theo các triệu chứng như sốt, sưng-nóng-đỏ-đau vùng da xung quanh hậu môn và thường cần đến chăm sóc y tế đặc biệt.
  • Bệnh lý da liễu – như vẩy nến, viêm da tiếp xúc hoặc viêm da dị ứng… cũng có thể gây phát ban và ngứa ở vùng da quanh hậu môn.
  • Các bệnh tiêu hóa – như viêm ruột (bệnh Crohn), sa trực tràng, trĩ nội, trĩ ngoại, rò hậu môn… cũng có ảnh hưởng xấu nhất định.
  • Bệnh hệ thống – bao gồm đái tháo đường, bệnh bạch cầu, ung thư hạch, bệnh tuyến giáp, bệnh thận và rối loạn gan (vàng da tắc nghẽn).
  • Yếu tố tâm lý – như căng thẳng hoặc lo lắng cũng không hiếm gặp.

3. Tôi có cần đến gặp bác sĩ hay không?

Hầu hết ngứa hậu môn không cần chăm sóc y tế khẩn cấp. Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn ở một trong các tình huống sau:

  • Ngứa hậu môn nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
  • Ngứa hậu môn kéo dài hoặc không giảm sau khi tự chăm sóc tại nhà.
  • Kèm chảy máu hoặc rò rỉ phân (són phân).
ngứa hậu môn
Nếu phát hiện máu trong phân có nghĩa là bạn cần đến sự giúp đỡ của bác sĩ
  • Nghi ngờ có nhiễm trùng kèm theo (xuất hiện các triệu chứng như sốt, sưng, nóng, đỏ, đau vùng xung quanh hậu môn)
  • Nghi ngờ có liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng khác.

4. Quá trình chẩn đoán nguyên nhân diễn ra như thế nào?

Bác sĩ sẽ thăm hỏi kỹ lưỡng quá trình bệnh (các triệu chứng, các bệnh lý mạn tính đã biết,…) và thực hiện khám trực tiếp để xác định các nguyên nhân có thể xảy ra (chẳng hạn như các bệnh da liễu và các bệnh khác). Quá trình này thường bao gồm:

  • Quan sát tỉ mỉ để tìm kiếm những thay đổi về màu sắc da, tổn thương có thể thấy được và các triệu chứng của nhiễm trùng (nếu có).
  • Khám bên trong hậu môn-trực tràng bằng tay hoặc bằng dụng cụ.

Sau đó, tùy theo từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm để sàng lọc cũng như xác định chẩn đoán.

5. Điều trị ngứa hậu môn như thế nào?

Nếu ngứa hậu môn gây ra bởi một bệnh lý tiềm ẩn nào đó, việc điều trị sẽ nhằm vào giải quyết nguyên nhân này. Tuy nhiên, do phần lớn tình trạng ngứa hậu môn gây ra bởi sự kích ứng tạm thời của hậu môn nên điều trị tập trung chủ yếu vào việc thiết lập và duy trì thói quen vệ sinh đúng cách. Cùng với đó, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp tự chăm sóc tại nhà để làm giảm bớt cảm giác khó chịu.

Với các biện pháp chăm sóc phù hợp, hầu hết mọi người đều cảm thấy cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu cảm giác ngứa vẫn còn hoặc tệ hơn, ngay cả khi bạn đã thực hiện đúng theo hướng dẫn, hãy đến gặp bác sĩ!

6. Một số mẹo vặt để tự chăm sóc tại nhà

Với các nguyên nhân đã nêu ở trên, chúng ta cần lưu ý một vài điểm nhỏ để hạn chế làm kích ứng và gây ngứa vùng da ở hậu môn như:

  • Hạn chế cào gãi – đặc biệt là vào ban đêm khi triệu chứng này thường trở nên tồi tệ hơn, khiến cho chúng ta khó kiểm soát.
Không nên cào gãi vì chúng sẽ làm triệu chứng xấu đi
Không nên cào gãi vì chúng sẽ làm triệu chứng xấu đi
  • Giữ cho khu vực quanh hậu môn sạch sẽ, khô ráo. Sử dụng nước sạch hoặc giấy vệ sinh ẩm để làm sạch khu vực quanh hậu môn sau mỗi lần đi tiêu. Sau đó, làm khô chúng bằng cách dùng giấy vệ sinh hoặc khăn sạch vỗ nhẹ lên những vùng còn ẩm ướt.
  • Không sử dụng xà phòng khi làm sạch vùng hậu môn, không chà xát mạnh bằng giấy vệ sinh hoặc khăn lau.
  • Sử dụng thực phẩm giàu chất xơ. Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa tiêu chảy hoặc táo bón và đảm bảo nhu động ruột diễn ra đều đặn. Tránh các loại thực phẩm có thể dẫn tới ngứa như thực phẩm cay hoặc đồ uống có chứa caffein…
  • Tránh mặc đồ lót chật hoặc bó sát. Đồ lót cotton có thể giúp hấp thụ độ ẩm tốt hơn vải tổng hợp. Hãy chắc chắn rằng đồ lót vừa vặn và được thay thường xuyên. Giặt quần áo bằng chất tẩy rửa không mùi.
  • Sử dụng thuốc bôi theo chỉ dẫn. Thoa kem hoặc thuốc mỡ theo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì hoặc theo lời dặn của bác sĩ và tạm ngừng nếu tình trạng ngứa không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn.

7. Tôi có thể làm gì để phòng tránh bị ngứa hậu môn?

Một số thói quen lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa xuất hiện triệu chứng ngứa hậu môn có thể kể đến bao gồm:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao.
  • Hình thành thói quen vệ sinh tốt. bao gồm hạn chế các yếu tố gây kích ứng tại chỗ (ví dụ cào gãi, sử dụng giấy vệ sinh thô bạo,..) cũng như giữ cho vùng hậu môn sạch sẽ và khô ráo.
  • Mặc quần áo thoải mái và thoáng mát.
  • Không sử dụng các hóa chất gây kích ứngnhư xà phòng và chất tẩy rửa và nước hoa cũng có thể ngăn ngừa kích ứng da dẫn đến hậu môn ngứa.
Ngứa hậu môn là triệu chứng khá tế nhị nhưng gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống
Ngứa hậu môn là triệu chứng khá tế nhị nhưng gây ra nhiều phiền toái trong cuộc sống

Ngứa hậu môn gây ra nhiều khó chịu và thường khiến người bệnh cảm thấy xấu hổ. Dù vậy, phần lớn các trường hợp chỉ gây ra bởi sự kích ứng tạm thời của hậu môn và ít khi trở nên nghiêm trọng. Điều trị tập trung chủ yếu vào việc thiết lập và duy trì thói quen vệ sinh đúng cách, kèm theo thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà như hạn chế cào gãi, thay đổi chế độ ăn,... Tuy nhiên, hãy đến gặp bác sĩ nếu tình trạng này vẫn không cải thiện bạn nhé! 

Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An 

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Havard Health Publishing – Anal itch (pruritus ani) https://www.health.harvard.edu/a_to_z/anal-itch-pruritus-ani-a-to-z, accessed on 15/03/2020.
  • clevelandclinic- pruritus ani (anal itching) https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15574-pruritus-ani-anal-itching, accessed on 15/03/2020.
  • Webmd – cause of anal itching https://www.webmd.com/digestive-disorders/ss/slideshow-anal-itching, accessed on 15/03/2020.
  •  

    Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người