Rối loạn tiêu hóa: chẩn đoán và điều trị như thế nào?
Nội dung bài viết
Rối loạn tiêu hóa là cụm từ không quá xa lạ trong cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta hiểu được một cách đúng đắn chúng. Chính vì thế, bài viết ngày hôm nay “Rối loạn tiêu hóa: chẩn đoán và điều trị như thế nào?” sẽ chia sẻ đến các bạn một số những đặc điểm quan trọng nhất khi đứng trước tình trạng trên.
1. Rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa chức năng là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng mà chức năng sinh lý bình thường của cơ thể bị thay đổi trong khi không có bất kỳ một bất thường cấu trúc hoặc sinh hóa nào.
Nói một cách dễ hiểu thì ở những người bị rối loạn tiêu hóa chức năng, đường tiêu hóa trông có vẻ rất bình thường, nhưng lại không hoạt động như bình thường. Vì vậy, bạn sẽ có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau, từ buồn nôn, nôn, ợ hơi đến đau bụng, chướng bụng, táo bón và tiêu chảy…
Rối loạn tiêu hóa chức năng, như bất kỳ bệnh mãn tính nào khác, cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh (sức khỏe chung, mối quan tâm về bệnh tật và sự hài lòng tình trạng sức khỏe…). Và ngược lại, căng thẳng tâm lý cũng sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Nói cách khác thì não và ruột có ảnh hưởng lẫn nhau.
2. Rối loạn chức năng tiêu hóa bao gồm những bệnh gì và biểu hiện như thế nào?
Hơn 20 loại rối loạn chức năng đã được xác định. Chúng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa, bao gồm thực quản, dạ dày, ống mật và / hoặc ruột.
Dạng rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất và được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất là Hội chứng ruột kích thích (hay còn gọi tắt là IBS). Chúng được biểu hiện với các triệu chứng mãn tính (hoặc tái phát):
- Đau bụng dưới liên quan đến nhu động ruột (liên quan bữa ăn).
- Thay đổi thói quen đi tiêu (tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ).
- Cảm giác đại tiện (đi ngoài) không hoàn toàn.
- Đi ngoài phân có chất nhầy.
- Đầy hơi và chướng bụng.
Các rối loạn phổ biến khác bao gồm
- Chứng khó tiêu chức năng (đau hoặc khó chịu ở vùng bụng trên, cảm giác no, chướng bụng hoặc buồn nôn).
- Nôn cơ năng.
- Đau bụng cơ năng.
- Táo bón hoặc tiêu chảy cơ năng.
Xem thêm: Viêm túi mật hoại tử : Biến chứng nguy hiểm bạn cần chú ý
3. Chẩn đoán
Trước đây, rối loạn tiêu hóa chức năng được coi là một chẩn đoán sau khi đã loại trừ các bệnh khác (do nhiều xét nghiệm thông thường – chẳng hạn như chụp X-quang, CT, xét nghiệm máu và nội soi – có thể có kết quả bình thường).
May mắn thay, trong hai thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng từ khắp nơi trên thế giới đã gặp gỡ và liên tục nghiên cứu về các đặc điểm của bệnh. Sự hợp tác này đã dẫn đến sự phát triển của cái gọi là “Tiêu chuẩn ROME”. Nhờ đó mà có thể chẩn đoán được bệnh khi có sự kết hợp của các triệu chứng, cộng thêm một vài yếu tố khác của bệnh nhân phù hợp các tiêu chí Rome cho một rối loạn chức năng cụ thể.
Mặc dù tiêu chuẩn Rome cho phép chẩn đoán dựa trên triệu chứng, các bác sĩ có thể vẫn muốn thực hiện một số xét nghiệm. Chúng không nhằm mục đích xác định bệnh mà chủ yếu là để loại trừ các bệnh khác trước khi bắt đầu thực hiện điều trị. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu, phân.
- Nội soi đại tràng.
- Nội soi đường tiêu hóa trên (bao gồm có thực quản – dạ dày – tá tràng).
- Chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang và siêu âm,…
- Một số phương pháp chuyên biệt khác…
4. Điều trị
Mặc dù không phát hiện được bất kỳ nguyên nhân cụ thể nào gây ra những rối loạn này, không có nghĩa là chúng không có thật, cũng không có nghĩa là không thể điều trị được.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị hoặc đã được chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, cần phải thảo luận với bác sĩ về một kế hoạch điều trị phù hợp. Các lựa chọn có thể bao gồm:
- Dùng thuốc – Một số rối loạn tiêu hóa có thể được điều trị bằng thuốc, như thuốc làm giảm sản xuất axit, giảm co thắt đường tiêu hóa…
- Thay đổi chế độ ăn uống
- Liệu pháp phản hồi sinh học
- Vật lý trị liệu
- Kiểm soát căng thẳng và tâm lý trị liệu – Căng thẳng làm trầm trọng thêm nhiều triệu chứng tiêu hóa. Các liệu pháp tâm lý có thể giúp tăng cường thư giãn, giảm căng thẳng và lo lắng, đồng thời làm giảm các triệu chứng của bạn.
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng chức năng sinh lý bình thường của cơ thể bị thay đổi mà không có nguyên nhân cụ thể. Do đó, chẩn đoán này được dựa trên sự kết hợp của các triệu chứng và một vài yếu tố đi kèm phù hợp các tiêu chuẩn của ROME. Các lựa chọn điều trị có thể hữu ích bao gồm sử dụng thuốc, liệu pháp tâm lý,…
Hãy chia sẻ để mọi người cùng biết bạn nhé!
Xem thêm: Không nên ăn gì khi đang bị tiêu chảy?
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.