Ngược đãi trẻ em: Vấn nạn gia đình – xã hội đáng được quan tâm
Nội dung bài viết
Thời gian qua có nhiều vụ lạm dụng tình dục, thể chất trẻ em xảy ra làm rúng động cả nước. Đó chỉ là hai hình thức phổ biến, dễ thấy nhất của ngược đãi trẻ em. Còn hành vi nào được xem là ngược đãi trẻ em nữa mà chúng ta chưa biết? Hậu quả để lại là gì? Chúng ta có thể làm gì để giúp những đứa trẻ đang bị lạm dụng? Câu trả lời sẽ nằm trong bài viết sau đây.
1. Ngược đãi trẻ em là gì?
Đây là một khái niệm chung. Nó thường được dùng khi cha mẹ hoặc người khác dù có hay không có hành động gây thương tích, tử vong cho trẻ. Những hành vi làm tăng nguy cơ hoặc làm tổn thương nghiêm trọng tinh thần của trẻ đều được xem là ngược đãi. Ngược đãi cũng có thể được hiểu là lạm dụng trẻ em. Có nhiều hình thức ngược đãi trẻ em, bao gồm lạm dụng thể chất, tình dục, tình cảm và phớt lờ trẻ.
Để bắt đầu, chúng ta nên làm rõ những quan niệm, định kiến và sự thật về lạm dụng trẻ em.
2. Những quan niệm và sự thật về lạm dụng trẻ em
2.1. Lạm dụng trẻ chỉ xảy ra khi có bạo lực
Sự thật: Lạm dụng thể chất chỉ là một loại lạm dụng trẻ em. Phớt lờ, bỏ bê trẻ, lạm dụng tình dục và cảm xúc có thể gây ra thiệt hại không kém. Vì chúng không phải lúc nào cũng rõ ràng, nên những người khác ít để ý, hỗ trợ hơn.
2.2. Chỉ những người xấu mới lạm dụng con cái họ
Sự thật: Không phải tất cả cha mẹ hoặc người chăm sóc cố ý làm hại con cái họ. Nhiều người từng là nạn nhân của việc ngược đãi chính bản thân mình. Họ không biết cách để làm cha mẹ tốt. Một số người khác có thể đang chiến đấu với bệnh lý tâm thần hoặc lạm dụng chất gây nghiện.
2.3. Lạm dụng không xảy ra ở các gia đình tốt, gia đình “văn hóa”
Sự thật: Lạm dụng và bỏ bê con cái không chỉ xảy ra ở những gia đình nghèo, văn hóa kém. Ngược đãi trẻ em có thể xảy ra trong bất kỳ một gia đình thuộc chủng tộc nào, bất kể trình độ văn hóa, nguồn thu nhập ra sao. Đôi khi, một gia đình có vẻ ngoài hoàn hảo thường ẩn sau đó những câu chuyện khiến chúng ta phải bất ngờ.
2.4. Hầu hết những kẻ lạm dụng trẻ em là người lạ
Sự thật: Hầu hết những người lạm dụng trẻ là thành viên của gia đình hoặc những người gần gũi với bé. Gia đình và trường học là hai môi trường xảy ra lạm dụng trẻ em nhiều nhất.
2.5. Trẻ em bị ngược đãi khi lớn lên sẽ bạo hành người khác
Sự thật: Đúng là một đứa trẻ bị ngược đãi khi lớn lên sẽ có nhiều khả năng lặp lại những gì chúng trải qua khi còn nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người lại khác. Họ có động lực mạnh mẽ để bảo vệ con cái mình khỏi những gì họ đã trải qua.
3. Hậu quả để lại cho những đứa trẻ bị ngược đãi
Tất cả các loại lạm dụng kể trên đều để lại vết thương khó lành với trẻ. Những thương tật về thể chất, thậm chí là tử vong là thấy rõ nhất. Nếu trẻ may mắn sống sót, những vết thương ở ngoài cơ thể có thể lành lặn. Nhưng những thương tổn về mặt cảm xúc tinh thần lại có ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời. Nó cản trở sự hình thành các mối quan hệ trong tương lai. Khả năng hoạt động, làm việc, học tập cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Họ thiếu niềm tin và khó khăn trong các mối quan hệ. Nếu bạn không thể tin tưởng cha mẹ của mình, vậy bạn có thể tin tưởng ai? Sự mất lòng tin về cha mẹ khiến trẻ rất khó để học cách tin tưởng người khác. Điều này có thể dẫn đến khó khăn khi duy trì các mối quan hệ khi trẻ lớn lên. Chúng thậm chí có thể có những mối quan hệ không lành mạnh.
Nếu suốt cả tuổi thơ, bé bị bạo hành bằng những lời nói, chửi mắng thì rất khó để vượt qua những suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực này. Bé lớn lên trong sự tự ti, xấu hổ, cảm thấy bản thân mình không xứng đáng. Nó ảnh hưởng rất nhiều không chỉ đến công việc, học tập mà còn làm tổn thương chính bản thân trẻ.
Trẻ em bị lạm dụng không thể thể hiện cảm xúc một cách an toàn. Kết quả là, những cảm xúc bị dồn nén và bùng nổ ở những lúc không ngờ tới. Chúng luôn sống trong trạng thái lo lắng, trầm cảm hoặc tức giận không giải thích được. Những người này thường rất hay lạm dụng rượu hoặc các chất kích thích để giúp họ quên đi những đau khổ ấy.
4. Có những kiểu ngược đãi nào?
Giống như bạo hành gia đình, các hành vi ngược đãi trẻ em có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức. Chúng đều có đặc điểm chung là ảnh hưởng đến cảm xúc của trẻ. Một cái tát, một nhận xét, chỉ trích gay gắt hoặc sự im lặng, thờ ơ đều dẫn đến kết quả là trẻ cảm thấy không an toàn, bị bỏ bê và đơn độc. Chúng ta có thể gom những kiểu ngược đãi thành 4 nhóm sau.
4.1. Ngược đãi cảm xúc
“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Bạn không thể tưởng tượng được sức mạnh của lời nói lớn như thế nào. Một lời nói có thể cho ta sự khích lệ, vui vẻ, tự tin. Đồng thời, nó cũng có thể dìm ta xuống bể sâu, thất vọng, mặc cảm. Trái với quan niệm “trẻ con thì biết gì”, trẻ em thật sự rất nhạy cảm. Những lời nói có thể làm tổn thương và gây ra tổn hại về mặt sức khỏe tâm thần của trẻ. Ví dụ về ngược đãi cảm xúc bao gồm:
- Thường xuyên nói với bé những từ tiêu cực: “ngu ngốc”, “dốt”, “xấu xí”, “vô dụng”…
- So sánh trẻ với những đứa bé khác.
- Mắng chửi, đe dọa hoặc bắt nạt.
- Trừng phạt bé bằng cách phớt lờ, im lặng với chúng.
- Để cho trẻ phải chứng kiến những cảnh bạo hành trong gia đình, thậm chí là những vật nuôi.
4.2. Bỏ bê trẻ em
Là không chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đầy đủ, bỏ mặc cho trẻ đói, không tắm rửa, vệ sinh bé. Đây là một hình thức ngược đãi khá phổ biến và không dễ để nhận ra. Đôi khi, một số cha mẹ không thể chăm sóc con bởi vì họ mắc bệnh nặng. Một số khác bị các bệnh lý tâm thần như trầm cảm, loạn thần mà không được điều trị. Những người nghiện rượu hay các chất ma túy cũng giảm khả năng phán đoán, chăm sóc trẻ. Chính họ cũng không thể giữ an toàn cho đứa trẻ.
4.3. Ngược đãi thể chất
Điều này liên quan đến tổn hại hoặc thương tích ở bề mặt cơ thể của bé. Nó có thể là kết quả của sự cố ý trừng phạt trẻ quá mức. Cho rằng “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, nhiều bậc cha mẹ lạm dụng đòn roi để tạo sự kỷ luật, răn đe trẻ. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa việc dùng roi để dạy dỗ và lạm dụng thể chất.
Lạm dụng thể chất có các đặc điểm sau:
- Không thể đoán trước. Đứa trẻ không bao giờ biết khi nào sẽ bị đánh. Không có ranh giới hoặc quy tắc rõ ràng. Bất cứ lúc nào đòn roi cũng xảy ra, dù bé không phạm lỗi.
- Đánh trong giận dữ. Họ “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” vì tức giận và mong muốn khẳng định sự kiểm soát chứ không phải để dạy dỗ đứa trẻ phát triển. Càng giận dữ, họ ngược đãi thể chất đứa bé càng dữ dội.
- Dùng nỗi sợ để kiểm soát hành vi. Những người ngược đãi tin rằng, đứa trẻ cần phải sợ họ, vậy chúng mới cư xử tốt được. Họ sử dụng bạo lực để đưa trẻ “vào nề nếp”. Tuy nhiên, những gì các bé thật sự học được là phải làm gì để tránh không bị đánh chứ không phải cư xử như thế nào cho tốt.
4.4. Ngược đãi hay lạm dụng tình dục trẻ em
Đây là một hình thức lạm dụng đặc biệt phức tạp vì liên quan nhiều đến cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Bạn cần biết rằng, không phải lúc nào lạm dụng tình dục cũng liên quan đến tiếp xúc cơ thể. Sự tiếp xúc của trẻ với các tình huống hoặc đồ vật liên quan đến tình dục đều là lạm dụng tình dục, bất kể trẻ có chạm vào hay không.
Trẻ em bị lạm dụng tình dục thường dằn vặt vì xấu hổ và tội lỗi. Bé cảm thấy rằng mọi chuyện lạm dụng là do bản thân, do mình mà nó xảy ra. Điều này có thể dẫn đến sự ghê tởm bản thân, ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ hành vi của trẻ về các vấn đề về tình dục khi chúng lớn lên.
Sự xấu hổ khi bị lạm dụng tình dục làm cho trẻ rất khó khăn để tiến lên. Bé lo lắng những người khác sẽ không tin, sẽ tức giận và điều đó sẽ chia rẽ gia đình. Vì những khó khăn đó, chúng ta ít được nghe thấy các cáo buộc sai trái về lạm dụng tình dục.
>> Ấu dâm là từ dùng để chỉ những người có bất cứ chủ đề tình dục nào với trẻ em. Bạn có chắc mình đã biết rõ về nó? Đừng bỏ qua bài viết: Bạn đã thật sự hiểu đúng về tình trạng ấu dâm?
5. Bạn có thể giúp gì cho những đứa trẻ đang bị lạm dụng?
Bạn nên làm gì nếu nghi ngờ rằng một đứa trẻ đang bị lạm dụng? Hay nếu có một đứa trẻ tâm sự với bạn? Có thể ban đầu bạn sẽ cảm thấy rất bất ngờ và có chút bối rối. Lạm dụng trẻ em là một chủ đề nhạy cảm. Nó khó chấp nhận và thậm chí còn khó nói hơn cho cả bạn và đứa trẻ.
Khi nói chuyện với một đứa trẻ bị lạm dụng, cách tốt nhất để khuyến khích trẻ là trấn an, bình tĩnh và hỗ trợ vô điều kiện. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm từ, hãy hành động thay cho lời nói.
Tránh phủ nhận và giữ bình tĩnh. Phản ứng thường thấy khi nghe về lạm dụng trẻ em là khó chịu. Tuy nhiên, nếu bạn thể hiện sự từ chối, tỏ ra sốc hoặc ghê tởm những gì chúng đang nói, bé có thể sợ để tiếp tục và câu chuyện bị dập tắt tại đó. Dù khó nhưng bạn hoàn toàn có thể bình tĩnh và trấn an trẻ.
Đừng thẩm vấn. Để trẻ tự giải thích những gì đã xảy ra bằng lời nói của chúng. Việc bạn tra khảo, hỏi dồn dập có thể làm trẻ bối rối. Chúng có thể khó tiếp tục câu chuyện của mình hơn.
Đừng quên trấn an trẻ rằng bé không làm gì sai và đó không phải là lỗi của con.
An toàn là trên hết. Nếu bạn cảm thấy sự an toàn của trẻ và chính mình có thể bị đe dọa nếu bạn cố gắng can thiệp, hãy nhờ thêm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương hay luật pháp.
6. Vấn đề tố cáo lạm dụng trẻ em
Nếu nghi ngờ rằng một đứa trẻ đang bị lạm dụng, bạn nên báo với các lực lượng chức năng để được giúp đỡ. Sự tìm kiếm, lưu giữ những bằng chứng là rất quan trọng và sẽ giúp ích rất nhiều.
Với lạm dụng thể chất, cảm xúc, hãy quay phim tội ác đang diễn ra hoặc chụp ảnh những thương tích của bé. Đôi khi, bạn không thể nhảy vào can ngăn ngay được, vì sự an toàn của chính mình và cũng không thông minh nếu để lỡ việc lưu lại bằng chứng khách quan.
Với lạm dụng tình dục, nhiều phụ huynh vì lo sợ và nóng giận mà đôi khi vô tình hủy đi những bằng chứng quan trọng. Đầu tiên, ngay khi phát hiện sự việc, phụ huynh nên đưa con đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên môn (thường là nhi khoa hoặc phụ khoa). Không nên tắm rửa vội, đồng thời lưu giữ quần áo bé đang mặc khi bị xâm hại (dấu máu, tinh dịch). Hỏi, viết ra giấy hoặc ghi âm những lời bé kể về các hoạt động liên quan đến việc xâm hại.
Tất cả các tình huống nghi ngờ trẻ bị ngược đãi nên được làm đơn tố giác tội phạm. Đơn được gửi đến cơ quan công an cấp xã,phường và cơ quan công an cấp quận, huyện. Hoặc bạn có thể gọi đến đường dây nóng 111 – Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em để tố cáo.
7. Những khó khăn khi tố cáo ngược đãi trẻ em
Ngoài việc không có bằng chứng cụ thể (có thể cải thiện bằng các hướng dẫn trên), bản thân người tố cáo còn gặp những khó khăn như:
- Sợ bị trả thù. Bạn sợ người bị tố cáo biết đó là bạn. Tuy nhiên, đa phần việc tố cáo là ẩn danh. Ở hầu hết các nơi, bạn không phải cung cấp tên của mình khi báo cáo lạm dụng trẻ em.
- Bạn không muốn can thiệp vào việc của người khác. Không khó hiểu khi bạn có suy nghĩ này. Tuy nhiên, ngược đãi trẻ em không chỉ đơn thuần là vấn đề gia đình. Hậu quả của việc giữ im lặng có thể tàn phá cả tương lai của một đứa trẻ.
- Lo ngại làm tan vỡ, chia rẽ gia đình người khác.
Trẻ em ở mọi độ tuổi đều có thể bị lạm dụng, mà đáng buồn thay lại là do những người thân quen với bé gây nên. Bố mẹ, họ hàng, hàng xóm, giáo viên, bạn bè đều có thể là người ngược đãi trẻ. Hậu quả có nhiều mức độ, thậm chí là tử vong. Việc phát hiện và tố cáo kịp thời các trường hợp ngược đãi có thể giúp cho trẻ có cơ hội phát triển bình thường. Sâu xa hơn, chúng ta cần tăng sự quan tâm, chú ý tới vấn đề này trong gia đình, trường học và cả xã hội.
Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
Https://vietnaminsider.vn/child-abuse-remains-unsolved-problem-vietnam/ truy cập ngày 25/4/2020
Https://www.helpguide.org/articles/abuse/child-abuse-and-neglect.htm truy cập ngày 25/4/2020
Http://www.tamlyhocthankinh.com/tam-benh-ly/cac-roi-loan/nguoc-dai-tre-va-bao-hanh-gia-dinh, truy cập ngày 25/4/2020