Người lớn có cần uống thuốc tẩy giun không?
Nội dung bài viết
Người lớn cũng là đối tượng nguy cơ cao nhiễm các loại giun sán. Đặc biệt là khi môi trường sống và chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh. Vậy khi nhiễm giun sẽ gây ra hậu quả gì? Người lớn có cần uống thuốc tẩy giun không và loại nào tốt? Hãy cũng theo dõi vấn đề được phân tích trong bài viết dưới đây của Dược sĩ Nguyễn Ngọc Cẩm Tiên nhé!
Người lớn có nguy cơ nhiễm các loại giun gì?
Để hiểu rõ hơn người lớn có cần uống thuốc tẩy giun không, thì trước tiên chúng ta cần hiểu rõ các loại giun có thể bị nhiễm ở người lớn.
- Giun móc:
Giun móc là loại giun ký sinh ở người. Tùy thuộc trong ruột giun móc có máu hay không, khi đó màu sắc của loại giun này có sự thay đổi nhất định. Màu sắc có thể thay đổi từ màu trắng sữa, cho đến hơi hồng hoặc đỏ nâu. Giun móc nhỏ hơn giun đũa.
Phương thức lây truyền: qua đường da, niêm mạc hoặc qua đường ăn uống. Không lây trực tiếp từ người sang người.
Đối tượng dễ nhiễm giun móc: những người có tính chất công việc phải thường xuyên tiếp xúc với đất nhiễm phân. Vì đây là ổ chứa của giun móc.
- Giun tóc:
Giun tóc có màu màu hồng nhạt, hoặc cũng có thể là màu trắng sữa. Loại giun này có kích thước phụ thuộc vào giới tính. Giun cái dài khoảng 30 – 50 mm, giun đực dài khoảng 30 – 45 mm. Giun tóc sinh sôi và nảy nở ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Phương thức lây truyền: qua đường ăn uống, do con người ăn phải trứng giun tóc đã phát triển ở môi trường bên ngoài đến giai đoạn ấu trùng.
Đối tượng dễ nhiễm giun tóc: người sinh sống ở nông thôn, có tập quán sinh hoạt lạc hậu và điều kiện vệ sinh kém thường có nguy cơ nhiễm giun tóc cao hơn người dân ở thành thị.
Ngoài giun tóc, giun móc, mọi người có thể bị nhiễm nhiều loại giun khác. Tuỳ theo yếu tố nguy cơ như môi trường, vệ sinh, điều kiện làm việc… Vì thế chú ý điều trị khi bị nhiễm giun là điều cần thiết.
Người lớn có cần uống thuốc tẩy giun không?
Giun gây ra rất nhiều tác hại cho cơ thể vật chủ, đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Tuy nhiên, những tác hại này xảy ra một cách âm thầm, lặng lẽ, không có những biểu hiện bệnh lý lâm sàng một cách rõ ràng.
Mặc dù các chỉ số về mặt sinh hóa có những biến đổi không bình thường trong cơ thể. Nhưng chỉ qua thăm khám, xét nghiệm mới có thể phát hiện ra. Do đó, thời gian qua công tác phòng chống các loại giun sán trong cộng đồng người dân vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Như vậy, không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn cũng cần uống thuốc tẩy giun để điều trị khi bị nhiễm giun. Việc sử dụng thuốc tẩy giun còn giúp đề phòng tình trạng nhiễm giun không mong muốn.
Tác hại của việc nhiễm giun ở người lớn
Nhiễm giun là nguyên nhân gây ra những ảnh hưởng đến sức khoẻ như sau:
1. Chiếm đoạt chất dinh dưỡng
Giun sán hấp thụ một phần thức ăn của cơ thể vật chủ. Do vậy, nếu bị nhiễm số lượng giun sán nhiều thì lượng thức ăn và chất dinh dưỡng sẽ bị mất đi càng lớn. Ngoài ra, một số các loại giun như giun móc, giun tóc… có khả năng hút máu cơ thể người gây nên tình trạng thiếu máu.
Không những vậy, chúng còn có thể chiếm và dùng những chất cần thiết của cơ thể người. Ví dụ: Giun móc, giun mỏ chiếm đoạt chất protein, sắt huyết thanh, huyết thanh, acid folic.
2. Nhiễm giun sán gây độc cho cơ thể người
Giun thường tiết ra các loại chất độc hoặc thải ra những sản phẩm chuyển hóa gây độc cho cơ thể vật chủ với các biểu hiện bệnh lý như buồn nôn, ăn kém, mất ngủ…
Trong một số trường hợp điều trị giun đũa, giun bị chết hàng loạt. Sau đó, chất độc của giun giải phóng ra làm người bệnh bị nhiễm độc phải đưa đi cấp cứu và hỗ trợ ngay lập tức.
3. Nhiễm giun gây tác hại cơ học
Thực tế các loại giun móc, giun tóc thường bám vào niêm mạc ruột, dẫn đến gây viêm loét ruột. Với giun đũa gây viêm tắc ruột, tắc mật, tắc ống tụy. Không những vậy, giun chỉ bạch huyết còn là nguyên nhân gây phù voi do viêm tắc mạch bạch huyết. Vì thế tẩy giun là điều cần thiết.
4. Gây ra tình trạng dị ứng cho vật chủ
Các loại ấu trùng giun tóc, giun đũa di trú trong cơ thể vật chủ thường gây ra hiện tượng dị ứng. Đặc biệt, với loại ấu trùng giun xoắn gây dị ứng nặng, phù nề, sốt cao, nồng độ bạch cầu ái toan tăng cao. Những trường hợp này cần điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
5. Mở đường cho vi khuẩn xâm nhập
Các loại giun đũa, giun tóc, sán dây sẽ khiến cho độ toan của dịch vị dạ dày giảm. Đây chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát triển khi xâm nhập qua đường tiêu hóa. Nếu các loại ấu trùng giun móc, giun mỏ, giun lươn… chui qua da sẽ gây ra tình trạng viêm da tuỳ mức độ.
Lưu ý khi uống thuốc tẩy giun
Trước hết, cần hiểu rằng thuốc tẩy giun không phải là thuốc kê đơn. Đây là loại thuốc dễ sử dụng và khá an toàn.
Lưu ý, ngoại trừ Albendazole thì phần lớn các loại thuốc không có tác dụng lên dạng trứng và ấu trùng giun. Do đó, nên uống thêm một liều sau 2 – 4 tuần.
Cần theo dõi các triệu chứng giun sán sau khi dùng thuốc. Nếu vẫn còn biểu hiện hãy tìm đến bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ.
Người dùng có thể trải qua các tác dụng phụ của thuốc. Điển hình là như buồn nôn. Nên cần ăn nhẹ trước khi dùng thuốc. Sau khi dùng thuốc cần nằm nghỉ, hoạt động nhẹ nhàng. Ngoài ra, để đảm bảo tình trạng sức khỏe cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín uống sôi và giữ gìn vệ sinh sạch sẽ.
Sau khi tẩy giun cần theo dõi tình trạng sức khoẻ. Điều này là do các loại ký sinh trùng giun sán khi vào cơ thể người không chỉ sống ký sinh trong đường ruột, mà còn phát triển ở nhiều cơ quan nội tạng khác. Ngoài ra, tẩy giun định kỳ 6 tháng/ lần chỉ có tác dụng loại trừ các loại giun ký sinh ở ruột.
Tuy nhiên, đối với loại ký sinh trùng di chuyển khắp cơ thể thì rất khó bị tiêu diệt. Vì thế dùng thuốc theo định kỳ để giúp tái nhiễm là việc vô cùng quan trọng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Lưu ý khi dùng thuốc tẩy giunhttps://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-khi-su-dung-thuoc-tay-giun-n105478.html
Ngày tham khảo: 13/05/2021
-
Tình trạng nhiễm giunhttps://vnvc.vn/nhiem-giun-nguyen-nhan-trieu-chung-dieu-tri/.
Ngày tham khảo: 13/05/2021
-
Tác hại nhiễm giunhttp://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=1068&ID=4619
Ngày tham khảo: 13/05/2021