YouMed

Ngưu bàng tử: Thực hư công dụng từ loài cây xa lạ

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Ngưu bàng tử là dược liệu thường được sử dụng để điều trị bệnh trong Đông y. Với sự đa dạng trong thành phần và tác dụng dược lý mà vị thuốc này có thể lợi tiểu, giảm đau… hiệu quả. Sau đây, hãy cùng Youmed hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu này

Ngưu bàng tử là gì?

  • Tên gọi khác: Thục ngưu bàng, Thử niêm tử, Đại lực tử, Đại đao tử, Hắc phong tử…
  • Tên khoa học: Arctium lappa
  • Tên dược liệu: Fructus Arctii Lappae
  • Họ khoa học: Họ Cúc (Asteraceae)

Ý nghĩa của tên Ngưu bàng xuất phát từ hình dáng cây trông sần sùi, xạm như da trâu.

Bộ phận dùng làm thuốc: Quả của cây Ngưu bàng.

Đặc điểm sinh trưởng và thu hái Ngưu bàng tử

Theo một số tài liệu, Ngưu bàng có nguồn gốc từ Nam Âu hoặc Tây Á. Hiện nay, loài này đã di thực khắp nơi trên thế giới từ Ấn Độ, Nepal đến Trung Quốc, Nhật Bản… Ở Việt Nam, cây xuất hiện nhiều ở Sapa, Lai Châu, Lào Cai…

Đặc điểm sinh trưởng:

  • Cây sống lâu năm, có thể sống tới 2 năm.
  • Thuộc nhóm cây ưa ẩm, ưa sáng thích nghi với khí hậu nhiệt đới núi cao, nhiệt độ trung bình từ 15-18 độ C.
  • Cây trồng từ hạt, cho hoa quả nhiều trong năm đầu tiên.
  • Khi quả già cả cây sẽ tàn lụi. Bề mặt quả có túm lông, giúp quả có thể phát tán được xa.

Thu hoạch:

  • Thời điểm thích hợp để thu hái quả là khoảng tháng 8-9. Sau khi thu hoạch quả chín thì đem rửa sạch, loại bỏ tạp chất, phơi hoặc sấy khô, bảo quản dùng dần. Khi dùng nên đập nhỏ, giã nát từng mảnh, có thể dùng sống hoặc sao vàng.
  • Mùa hoa là khoảng thời điểm tháng 6-7.

Mô tả toàn cây Ngưu bàng

Ngưu bàng thuộc nhóm thân thảo, có thể cao tới 2 m, phân nhánh thành nhiều cành.

Lá đơn, mọc so le ở phần thân và thành hình hoa thị ở gốc, dạng hình tim. Phiến lá có kích thước trung bình khoảng 50 cm, màu xanh, mặt dưới nhạt hơn mặt trên, có lông trắng mịn bao phủ, đặc biệt ở phía dưới. Mép lá gợn song, có răng cưa, cuống lá dài

Hoa mọc ở đầu cánh, màu tím, tự hình đầu, đường kính trung bình khoảng 3 cm. Tổng bao lá bắc gần hình cầu, đường kính khoảng 3 cm, lá bắc họp thành nhiều nhóm. Tràng hình ống hẹp chia 5 thùy.

Quả bế thuôn, gần hình trứng, hơi cong, hay có cạnh tam giác, màu xám nâu, có nhiều chấm đen. Ngoài ra, quả còn có túm lông, dễ vướng vào quần áo, lông động vật.

Ngưu bàng tử là loài cây có nhiều công dụng trị bệnh tuyệt vời.
Ngưu bàng tử là loài cây có nhiều công dụng trị bệnh tuyệt vời.

Bộ phận làm thuốc-Bảo quản

Mô tả dược liệu:

  •  Hình dạng quả giống hình trứng, hơi dẹt, dài, cong, kích thước trung bình 5-7×2-3 mm. Bề mặt ngoài có màu nâu xám, đốm đen, thường có khoảng 2 cạnh dọc. Đỉnh quả hơi rộng, tù, có vòng tròn và vết vòi nhụy chính giữa, phần đáy hơi hẹp. Vỏ quả cứng, bên trong chứa một hạt còn vỏ hạt thì mỏng mang 2 lá mầm trắng, có dầu.
  • Dược liệu có vị đắng, nếm và sẽ hơi cay và tê đầu lưỡi.

Bảo quản: Dược liệu nếu quả trải qua sơ chế cần để nơi khô ráo, thông thoáng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp.

Tác dụng của Ngưu bàng tử

Thành phần hóa học

Theo các nghiên cứu, Ngưu bàng có thành phần hóa học khá đa dạng và phong phú:

  • Ngưu bàng tử: Chất béo 15-20%, gồm acid stearic, acid panmitic, aicd oleic…Ngoài ra còn có glucozid, acttin, alkaloid…
  • Rễ (Ngưu bàng căn): Inulin (57-70%), glucoza 5%, chất béo 0,4%, polyacetylene, acid acetic, men peroxidase, chất đắng, nhựa, chất nhầy, muối kali…

Tác dụng Y học hiện đại

Giải độc, hỗ trợ điều trị sởi.

Kháng virus: Một số nghiên cứu phân tích cho thấy nước sắc Ngưu bàng tử có khả năng ức chế virus HIV. Tuy nhiên vẫn còn đang được nghiên cứu thêm.

Kháng khuẩn: Thuốc sắc từ Ngưu bàng tử có khả năng ức chế song cầu khuẩn, hiệu quả cho các bệnh lý phổi, da…

Ức chế protein niệu, giúp hỗ trợ các vấn đề về bệnh lý thận, cải thiện chỉ số sinh hóa huyết thanh.

Lợi niệu: Hỗ trợ các trường hợp tiêu tiểu không thông lợi, tiểu lắt nhắt.

Hạ glucose trong máu, tăng glycogen trong gan: Rễ Ngưu bàng có khả năng làm giảm lượng đường huyết trong máu.

Tác dụng Y học cổ truyền

Tính vị: Vị cay, đắng, tính hàn (có một số tài liệu là tính bình)

Quy kinh: Kinh Phế và Vị.

Công dụng: Lợi tiểu, giải độc, thông lợi hầu họng, hạ sốt, giảm đau, giảm sưng, sát trùng, thông phổi…

Chủ trị: Trị tiêu tiểu không thông lợi, tiểu lắt nhắt, phát sốt, cảm cúm, cổ họng đau, mụn nhọt, ho…

Quả cây Ngưu bàng được gọi là Ngưu bàng tử có tác dụng lợi tiểu.
Quả cây Ngưu bàng được gọi là Ngưu bàng tử có tác dụng lợi tiểu

Cách sử dụng Ngưu bàng tử

Tùy mục đích sử dụng có thể dùng dược liệu với nhiều cách và liều lượng khác nhau. Ngưu bàng tử có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, dùng ngoài, dạng viên hoàn…sử dụng độc vị hoặc kết hợp với vị thuốc khác đều được.

Liều lượng:

  • Thuốc sắc: 6-12g/ ngày.
  • Thoa ngoài: Không kể liều lượng cố định.

Một số bài thuốc từ Ngưu bàng tử

Chữa cảm cúm, phát sốt, ho đờm vàng

Ngưu bàng tử, Kim ngân hoa, Liên kiều, Đạm đậu xị mỗi thứ 8-12g, Bạc hà, Trúc diệp, Cát cánh 6-12g, Kinh giới 4g, Cam thảo 4g, đem tất cả sắc uống 2-3 lần/ ngày (Ngân kiều tán).

Hoặc Ngưu bàng tử 12g, Thuyền thoái 2 – 4g, Bạc hà 12g sắc uống trong ngày.

Chữa mụn nhọt, sưng gây ngứa

Ngưu bàng tử, Bạch cương tàm, Huyền sâm, Bạc hà mỗi vị 5 chỉ, đem nghiền nhỏ, sắc uống mỗi lần 3 chỉ (Phương mạch chánh tông).

Chữa đau đầu, đau cổ gáy, đau răng do phong nhiệt

Ngưu bàng tử, Kinh giới, Sơn chi, Bạc hà, Đơn bì, Nguyên sâm, Thạch hộc, Hạ khô thảo mỗi vị khoảng 12g, sắc uống chia thành 2-3 lần/ ngày (Dương khoa tâm đắc tập – Ngưu bàng giải cơ thang).

Chữa sưng đau họng, viêm amidan

Ngưu bàng tử 16g, Phòng phong 12g, Bạc hà 4g, Đại hoàng 6g, Kinh giới 8g, Cam thảo 4g, sắc uống chia 2-3 lần/ ngày.

Kiêng kỵ

  • Mẫn cảm và dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong dược liệu.
  • Người đang bị tiêu chảy, hay lạnh bụng, tay chân lạnh nên hạn chế sử dụng dược liệu.
  • Phụ nữ có thai và cho con bú không nên dùng dược liệu này.

Ngưu bàng tử là vị thuốc mà từ lâu đã được sử dụng trong dân gian. Với sự đa dạng và phong phú về tác dụng mà dược liệu này được dùng nhiều để điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết giá trị của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn, y bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học

  2. Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập I và II. Nhà xuất bản Khoa học và kĩ thuật.

  3. Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai

  4. GS Phạm Hoàng Hộ. Cây cỏ Việt Nam. Nhà xuất bản Trẻ

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người