Cây Bồng bồng: Vị thuốc chữa hen suyễn hiệu quả
Nội dung bài viết
Cây Bồng bồng được biết đến với tên gọi khác là Bàng biển, Nam tỳ bà, Cây lá hen. Cây có tên khoa học là Calotropis gigantea (Willd.), thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Cây được dùng nhiều trong phạm vi nhân dân để chữa hen suyễn và ho hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu về tác dụng của loài cây này qua bài viết dưới đây.
1. Giới thiệu chung về Cây Bồng bồng
1.1. Mô tả dược liệu
Cây Bồng Bồng là cây nhỏ, cao 2 – 3m. Thân đứng, phân nhiều cành. Vỏ thân lúc non khía rãnh, màu vàng nhạt, vỏ già màu xám trắng. Cành phủ lông dạng phấn, trắng như bông.
Lá mọc đối có phiến dày, mép nguyên, cuống rất ngắn hoặc gần như không cuống, gốc hình tim, đầu tù hơi nhọn. Ở gốc lá, mặt trên có tuyến và một hàng lông màu vàng nâu.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành xim gồm nhiều tán, hoa màu trắng.
Quả hình giáo, thuôn nhọn dần về phía đầu, chứa nhiều hạt có mào lông. Toàn cây có nhựa mủ.
Mùa hoa quả: tháng 5 – 8.
1.2. Phân bố, sinh thái
Chi Calotropis R. Br có 4 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Phi.
Ở Việt Nam có 2 loài. Bồng bồng là loài cây ưa sáng và có khả năng chịu hạn cao, thường mọc thành bụi lớn ở ven đồi, hai bên đường đi, nhất là các truông gai, bãi cát ven biển. Cây có khả năng tái sinh mạnh từ phần gốc sau khi bị chặt, cũng như từ các đoạn thân và cành được vùi xuống đất.
Cây có khả năng tái sinh mạnh nên chủ yếu được nhân giống bằng giâm cành.
1.3. Bộ phận dùng
Các bộ phận thường dùng của cây Bồng bồng là lá bánh tẻ, nhựa, vỏ thân và vỏ rễ.
1.4. Thành phần hóa học
Nhựa mủ có ở các bộ phận của dược liệu chứa 2 resinol đồng phân. Nhựa mủ còn chứa glutathion và một enzym tương tự papain.
2. Tác dụng dược lý của cây Bồng bồng
Cao rượu lá Bồng Bồng có tác dụng điển hình của một glucosid trợ tim. Cụ thể tác dụng làm tăng sức co bóp cơ tim, tăng trương lực cơ tim, làm thời gian tâm trương kéo dài và làm giảm nhịp tim rõ rệt. Với liều độc, gây ngừng tim ở tâm thu.
Nhựa cây là một chất kích thích mạnh đối với da và niêm mạc. Cao chiết của nhựa tiêm vào túi bạch huyết ếch gây chậm nhịp tim và viêm dạ dày, ruột cấp tính.
Rễ cây có tác dụng kích thích co bóp hồi tràng cô lập và kích thích co bóp tim cô lập chuột lang.
Ngoài ra, rễ và lá cây có tác dụng chống ung thư đối với ung thư dạng biểu bì mũi hầu của người trong nuôi cấy mô.
3. Công dụng của cây Bồng bồng
Lá Bồng bồng có vị đắng, hơi chát, tính mát, với tác dụng tiêu độc, tiêu đờm, giáng nghịch, trừ ho. Loài cây này có những công dụng cụ thể như sau:
3.1. Chữa hen
Ngày dùng 10 lá Bồng bồng sắc với một bát rưỡi nước, cô còn một bát. Thêm đường uống làm 3 – 4 lần trong ngày. Nên uống xa bữa ăn hoặc sau bữa ăn. Hiệu quả sau 2 – 3 ngày, có thể sau 7 – 8 ngày. Thường dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Chú ý: Nước sắc có vị đắng và tanh, uống vào có thể thấy mỏi chân tay, đau mình mẩy. Không uống nhiều một lúc vì có thể gây nôn.
3.2. Chữa mụn nhọt, rắn cắn
Dùng lá cây tươi giã đắp.
3.3. Các tác dụng khác của cây Bồng bồng
Theo tài liệu nước ngoài, nhựa cây được dùng trong y học dân gian phối hợp với nhựa xương rồng ngọc lân làm thuốc tẩy mạnh. Nó cũng được dùng làm chất kích thích tại chỗ. Cồn thuốc từ lá Bồng bông dùng điều trị bệnh sốt cơn. Thân vỏ rễ và hoa cũng được dùng để chữa bệnh. Hoa tán bột uống với liều nhỏ, chữa cảm lạnh, ho, hen, khó tiêu. Vỏ rễ tán bột có tác dụng chữa kiết lỵ.
Ngoài ra, dược liệu này còn được dùng cả cây để chữa giang mai, kiết lỵ, tiêu chảy, thấp khớp, các bệnh về da và trị giun.
Lưu ý
Trong trường hợp bị ngộ độc Bồng bồng, cần uống sữa hay nước cháo… và tiêm morphin hoặc atropin để giảm đau. Có thể chữa kích ứng da bằng cách đắp nước lạnh và dùng các chế phẩm làm dịu như glycerin, belladon.
Cây Bồng bồng với tên gọi khác là Bàng biển. Cây có tác dụng chữa hen, chữa mụn nhọt rắn cắn, thấp khớp… Tuy nhiên, vì đây là dược liệu có chứa độc tính nên Quý độc giả muốn sử dụng làm thuốc cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn về liều lượng và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Viện Dược liệu (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.