Đâu là nguyên nhân gây cường giáp?
Nội dung bài viết
Cường giáp là một căn bệnh khá phổ biến và có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Ở nữ giới, tỷ lệ mắc bệnh cao gấp nhiều lần so với nam giới. Theo các bác sĩ, việc tìm ra nguyên nhân cường giáp có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết dưới đây.
Cường giáp là gì và dấu hiệu nhận biết
Cường giáp hay còn gọi là cường chức năng tuyến giáp là hội chứng liên quan đến tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp.
Tuyến giáp là tuyến quan trọng của cơ thể. Tuyến giáp tiết ra 2 hormone là T3 và T4, có vai trò kiểm soát nhiều hoạt động của cơ thể, bao gồm:
- Tăng cường quá trình trao đổi chất, tăng chuyển hóa glucid làm tăng đường huyết, tăng chuyển hóa lipid giúp tạo năng lượng.
- Điều hòa nhiệt lượng của cơ thể.
- Kích thích hoạt động của tim và hệ hô hấp.
- Duy trì ổn định lượng canxi trong máu.
Khi tuyến giáp tăng tiết hormone, cơ thể sẽ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân cường giáp
Để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần hiểu rõ về nguyên nhân cường giáp.
Bệnh Graves
70% trường hợp cường giáp bắt nguồn từ bệnh Graves hay còn gọi là bệnh bướu độc lan tỏa. Đây là bệnh lý hình thành do rối loạn miễn dịch. Khi mắc bệnh, các kháng thể tự miễn sẽ tấn công tuyến giáp, và kích thích cơ quan này tiết ra nhiều hormone hơn để bảo vệ cơ thể.
Bệnh Graves có tính gia đình. Do đó, bệnh cường giáp có lây không, là hoàn toàn có thể. Nếu ông, bà hoặc cha mẹ mắc bệnh, bạn có nguy cơ cao cũng mắc bệnh.
Viêm tuyến giáp
Tuyến giáp có thể bị sưng hoặc viêm mà không rõ lý do. Tình trạng này khiến tuyến giáp bị phá hủy và tăng tiết hormone dự trữ. Ở giai đoạn đầu, viêm tuyến giáp có thể dẫn đến cường giáp. Song suy giáp thường là hệ quả xảy ra sau đó. Những đối tượng sau có nguy cơ bị viêm tuyến giáp khá cao:
- Sau khi mang thai.
- Khi nhiễm virus hoặc rối loạn miễn dịch.
Ung thư tuyến giáp
Ung thư là một trong những nguyên nhân cường giáp khá phổ biến. Ung thư thường gây tăng hoạt động của tuyến giáp và dẫn đến cường giáp.
Do sử dụng một số loại thuốc
Khi dùng quá liều một số loại thuốc, người bệnh có thể có các triệu chứng cường giáp. Các loại thuốc dưới đây có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp của bệnh nhân:
- Thuốc điều hòa nhịp tim.
- Thuốc trị ho và cảm cúm.
- Thuốc chống động kinh.
Những thuốc trên thường gây viêm tuyến giáp, cường giáp hoặc các rối loạn khác trên tuyến giáp. Song tình trạng này sẽ được khắc phục khi bạn ngưng hoặc giảm liều thuốc. Do đó, bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong quá trình dùng thuốc.
Do ăn quá nhiều iod
Lượng iod dư thừa có thể kích thích tuyến giáp sản sinh nhiều hormone hơn. Theo các chuyên gia y tế, bạn nên dùng một lượng iod vừa đủ với nhu cầu của bản thân để tránh bị cường giáp.
Làm sao để chẩn đoán cường giáp?
Để giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của các biến chứng, bệnh cường giáp nên được điều trị càng sớm càng tốt. Người bệnh thường có một số dấu hiệu nhận biết cụ thể sau:
- Cảm thấy lo lắng, mệt mỏi, không muốn vận động trong thời gian dài.
- Đổ nhiều mồ hôi và sợ nóng.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Tim đập nhanh, lỡ nhịp hoặc có thể bị rung nhĩ.
- Có biểu hiện phù ở cổ.
- Hay bị rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên và không sâu.
Nếu có những triệu chứng cường giáp trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tiến hành các xét nghiệm cường giáp để chẩn đoán. Hiện nay, y học có những phương pháp xét nghiệm thường được áp dụng như:
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp bằng cách đo nồng độ của các hormone TSH, T3, T4 trong máu. Nếu mức TSH thấp và T3, T4 cao, bạn có thể đã bị cường giáp.
- Xét nghiệm tìm nguyên nhân cường giáp: tìm kháng thể kháng tuyến giáp hoặc đo tốc độ lắng máu để kiểm tra tình trạng viêm nhiễm.
- Siêu âm tuyến giáp: giúp bác sĩ xem xét hình dạng tuyến giáp. Qua đó, các khối u hoặc hình dạng bất thường của tuyến giáp sẽ được phát hiện.
- Chụp xạ hình tuyến giáp: được dùng để tìm các u, bướu và các nhân giáp.
Cách điều trị cường giáp
Sau khi được chẩn đoán, bệnh nhân sẽ được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Thông thường, quá trình điều trị cường giáp sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cường giáp. Những lựa chọn để khắc phục tình trạng cường giáp bao gồm:
Dùng thuốc kháng giáp
Các thuốc kháng giáp ngăn cản việc tiết ra hormone của tuyến giáp. Những loại thuốc được sử dụng hiện nay là methimazole và propylithiouracil. Các triệu chứng bệnh thường giảm sau vài tuần dùng thuốc. Song để đạt hiệu quả tốt nhất, bệnh nhân nên duy trì dùng thuốc trong vài tháng hoặc vài năm.
Thuốc kháng giáp có thể gây tác dụng phụ là làm tổn thương gan. Do đó, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ chức năng gan trong quá trình dùng thuốc.
Dùng iod phóng xạ
Tuyến giáp có khả năng bắt giữ iod phóng xạ. Các phóng xạ sẽ làm co tuyến giáp, từ đó giảm các triệu chứng cường giáp. Phương pháp này thường cho thấy hiệu quả trong vài tuần đến vài tháng.
Nếu uống iod phóng xạ quá mức, bệnh nhân có thể bị suy giáp. Do đó, việc tính toán liều lượng phù hợp với người bệnh là vô cùng quan trọng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật sẽ được cân nhắc khi các lựa chọn khác không đạt hiệu quả hoặc bị chống chỉ định. Phương pháp này thường được áp dụng cho người có tuyến giáp quá lớn hoặc phụ nữ trong giai đoạn mang thai. Bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và chỉ để lại 2-3g ở mỗi thùy.
Xem thêm: Người bệnh cường giáp kiêng ăn gì? Lời khuyên từ bác sĩ
Bệnh cường giáp có nguy hiểm không? Đây là bệnh lý nguy hiểm do để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh hoàn toàn có thể được kiểm soát. Việc xác định được nguyên nhân cường giáp không chỉ hỗ trợ rất nhiều cho quá trình điều trị mà còn giúp bạn phòng tránh bệnh. Nếu có những dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng liên hệ bác sĩ để được chẩn đoán và tư vấn điều trị.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Hyperthyroidism (overactive thyroid)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/symptoms-causes/syc-20373659