Liệu bạn đã biết những nguyên nhân đau răng dưới đây?
Nội dung bài viết
Đau răng là cơn đau tồi tệ nhất mà một người có thể gặp phải. Đau răng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe lẫn tinh thần của người mắc. Cơn đau răng có thể không kéo dài. Tuy nhiên mọi cử động của miệng hay hoạt động tại vị trí răng đau đều có thể khiến cơn đau quay trở lại. Có những nguyên nhân đau răng phổ biến nào mà chúng ta có thể biết để phòng ngừa chúng? Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu hơn về nguyên nhân đau răng.
Tổng quát về đau răng
Đau răng là tình trạng đau buốt xung quanh bề mặt răng hoặc bên trong răng. Thông thường, việc đau nhức răng chứng tỏ nướu hoặc răng của bạn đang gặp vấn đề. Nhức răng nhẹ có thể do nướu của bạn bị kích ứng tạm thời. Những cơn đau răng nghiêm trọng hơn do những nguyên nhân đau răng khác có thể gây ảnh hưởng vĩnh viễn đến răng của bạn. Đau răng dữ dội có thể do sự chèn, nhiễm trùng từ vi khuẩn ảnh hưởng đến tủy răng. Đau răng cũng có thể do mọc răng. Thường gặp nhất là đau do mọc răng khôn. Mặc dù đau răng không nguy hiểm đến tính mang. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chúng lại là những dấu hiệu nghiêm trọng cần can thiệp từ nha sĩ.
Nguyên nhân đau răng
Cơn đau răng có thể là cơn đau âm ỉ, ê buốt răng hoặc cơn đau dữ dội. Cơn đau có thể tự phát sinh hoặc do một số yếu tố kích thích. Cùng bác sĩ YouMed điểm danh những nguyên nhân đau răng phổ biến:
Sâu răng
Sâu răng có thể coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau răng. Đây là tình trạng nhiễm trùng xung quanh răng hoặc trong răng. Tình trạng nhiễm trùng trên có thể chỉ ảnh hưởng đến men răng. Trong một số trường hợp chúng còn ảnh hưởng đến ngà răng của bạn. Thức ăn có chứa nhiều carbonhydrat như: bánh mì, ngũ cốc, bánh ngọt, kẹo có thể lưu lại trên răng của bạn. Vi khuẩn đường miệng sẽ biến đổi chúng thành acid. Vi khuẩn, acid, mảnh vụn thức ăn cùng với nước bọt kết hợp tạo thành những mảng bám trên răng của bạn. Chính acid trong mảng bám ấy sẽ gây mòn răng. Thức ăn chua, chứa nhiều acid cũng có thể gây nguy hại đến răng của bạn. Tình trạng sâu răng có thể diễn tiến nghiêm trọng gây áp xe răng.
Mọc răng khôn
Răng khôn hay răng số 8 là những răng cuối cùng mọc trong quá trình phát triển hàm răng của bạn. Mọc răng khôn cũng là một nguyên nhân đau răng thường gặp. Khi mọc, do không có đủ diện tích, răng khôn có thể chèn ép hoặc va vào những răng xung quanh. Thậm chí, răng khôn có khả năng mọc xiên đâm vào nướu hoặc má. Trong một số trường hợp, răng khôn có thể bị nhiễm trùng do sự tấn công của vi khuẩn, để lại những biến chứng vô cùng nghiêm trọng.
Gãy răng
Gãy nguyên răng hay gãy một mảnh của răng đều có khả năng gây đau răng. Gãy một mảnh của răng tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn vào tủy răng. Hãy đến gặp bác sĩ để khắc phục tình trạng này. Trong một số trường hợp hiếm hoi, nhiễm trùng có thể lan đến não của bạn gây nguy hiểm đến tính mạng.
Phần trám răng bị hỏng
Nha sĩ có thể khắc phục tình trạng sâu răng của bạn bằng cách loại bỏ phần răng bị sâu. Sau đó họ sẽ lấp đầy vị trí sâu bằng một lớp vật liệu. Lớp vật liệu này có thể bảo vệ tủy răng của bạn từ tác nhân bên ngoài. Tuy nhiên, chúng có thể bị sút, bung ra trong quá trình sinh hoạt hằng ngày. Việc mất lớp bảo vệ bên ngoài răng có thể là nguyên nhân đau răng của bạn. Hạn chế ăn những thực phẩm cứng là một trong những giải pháp hạn chế việc hư hỏng phần trám răng của bạn.
Nghiến răng
Thói quen nghiến răng có thể sẽ gây ra cảm giác buốt nhói, đau nhức răng ê ẩm cho bạn. Việc nghiến răng vô thức vào ban đêm cũng gây ra những tổn thương tương tự cho răng. Nghiến răng gây tăng áp lực lên hầu hết răng trong miệng. Việc tăng áp lực lên răng có thể kích thích các sợi thần kinh cực nhỏ trong tủy răng gây đau răng.
Viêm xoang
Viêm xoang là tình trạng nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm trong các xoang mặt. Viêm xoang có thể là nguyên nhân đau răng ít ai nghĩ đến. Mọi người thường không thấy mối liên quan giữa răng và xoang mặt. Viêm xoang là tình trạng nhiễm vi khuẩn, virus hoặc nấm trong các xoang. Chân xoang hàm trên nằm gần với xoang. Sự nhiễm trùng có thể lan từ vùng xoang xuống vùng chân răng. Chính vì lý do đó, viêm xoang có thể gây đau nhức những răng hàm trên.
Nguyên nhân ít phổ biến hơn gây đau răng
Trong một số trường hợp cơn đau răng không còn đơn thuần như chúng ta nghĩ. Đúng hơn, cơn đau răng lại là một trong những dấu hiệu của bệnh lý khác. Bệnh tim hoặc ung thư phổi cũng có thể là nguyên nhân đau răng. Dây thần kinh phế vị đi qua hàm, tim và cả phổi. Khi bị kích thích từ những tổn thương tại tim và phổi, cơn đau có thể lan theo đường đi của dây thần kinh. Chính vì lí do đó đau răng cũng có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim sắp xảy ra.
Nguyên nhân hiếm gặp hơn có thể gây đau răng
Thần kinh sinh ba và thần kinh chẩm khi bị viêm hoặc bị kích thích có thể gây ra những cơn đau dữ dội cho răng của bạn. Những dây thần kinh này chi phối cho vùng sọ, mặt và răng của bạn. Khi bị đau thần kinh sinh ba hoặc thần kinh chẩm, cơn đau có thể xuất hiện ở răng như từ trong răng phát ra.
Triệu chứng đau răng
Tùy thuộc vào nguyên nhân đau răng, triệu chứng đau răng có thể thay đổi. Tuy vậy nhưng dấu hiệu chung của đau răng có thể là:
- Đau buốt, cảm thấy khó chịu nướu xung quanh răng bị đau.
- Đau nhói khi chạm vào răng hoặc nhai thức ăn.
- Tê buốt răng khi sử dụng đồ lạnh, đồ nóng.
- Sưng quanh vị trí răng đau.
- Sốt hoặc nhức đầu.
- Dịch có màu sắc lạ, hôi chảy ra từ răng.
- Hôi miệng.
Cơn đau răng có thể liên tục hoặc diễn ra từng đợt. Khi tăng áp suất bên trong khoang miệng hoặc khi có thức ăn lạnh hoặc nóng có thể khởi phát cơn đau răng. Ngoài ra, đau nhức răng có thể tự phát mà không do yếu tố nào kích thích.
Điều quan trọng khi bị đau răng là bạn cần phải để ý đến những dấu hiệu ‘bất ổn’ nhỏ nhất trong răng miệng của bạn. Thực hiện các cách giảm đau răng hiệu quả tại nhà mà bạn biết để có cảm giác dễ chịu hơn trước khi gặp nha sĩ. Hãy đặt lịch hẹn ngay với nha sĩ để biết chính xác nguyên nhân đau răng của bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.