Các cách giảm đau răng hiệu quả tại nhà mà bạn cần biết
Nội dung bài viết
Khi đau răng, điều quan trọng nhất là phải xác định được nguyên nhân khiến bạn đau và khó chịu. Từ đó, bạn sẽ tìm cách giảm đau răng phù hợp, đồng thời làm giảm các triệu chứng khác. Thông thường sẽ có các cách giảm đau răng hiệu quả tại nhà như : súc nước muối ấm, chườm lạnh, uống giảm đau..v.v. Tuy nhiên nếu đau nhiều và kéo dài 1-2 ngày bạn nên khám nha sĩ để tìm nguyên nhân, cách điều trị và ngăn cơn đau xuất hiện lại.
1. Các nguyên nhân gây đau răng
Sâu răng là tình trạng phổ biến nhất dẫn đến đau răng ở hầu hết người lớn và trẻ em. Vi khuẩn trong miệng sinh sôi, phát triển trên mảng bám nhờ đường từ thức ăn. Các vi khuẩn này tạo nên một hệ thống mảng bám vững chắc trên bề mặt răng. Quá trình phát triển của chúng sản sinh ra axit làm hòa tan lớp men răng cứng chắc, hình thành nên các lỗ sâu. Các dấu hiệu đầu tiên khi sâu răng có thể là: đau nhạy cảm khi ăn đồ ngọt, nóng lạnh. Đôi khi bạn sẽ thấy những đốm trắng hoặc đen trên bề mặt răng.
Một số nguyên nhân khác có thể gây đau răng như:
- Nhồi nhét thức ăn ở kẽ răng, đặc biệt là những vùng răng thưa.
- Viêm nhiễm vùng chóp răng hoặc nướu răng
- Rơi, hở miếng trám cũ.
- Chấn thương răng do va chạm hoặc nghiến răng.
- Nứt vỡ thân, chân răng.
- Mọc răng: ở người lớn, quá trình mọc răng khôn phải xuyên qua lớp nướu dày xơ hóa thường rất đau. Nếu không đủ chỗ hoặc mọc kẹt, lợi trùm cũng gây đau.
- Nhiễm trùng xoang hàm cũng có thể gây đau ở các răng cối hàm trên.
2. Các cách giảm đau răng tại nhà hiệu quả
Khi gặp những cơn đau răng, tốt nhất nên đến khám nha sĩ để tìm và điều trị đúng nguyên nhân. Tuy nhiên trong một số trường hợp không kịp đến nha sĩ, bạn có thể tham khảo các cách giảm đau răng sau:
2.1 Tự chăm sóc vệ sinh răng
Chải răng lại, dùng chỉ nha khoa để lấy các mảnh vụn thức ăn. Súc miệng lại bằng nước ấm hoặc nước súc miệng hằng ngày.
2.2 Dùng các loại thuốc giảm đau
Một số thuốc giảm đau đường uống không cần kê đơn như: acetaminophen (Panadol, Efferalgan, Tylenol); Ibuprofen (Advil) là cách giảm đau nhanh và hiệu quả để làm giảm đau răng nhẹ và vừa. Lưu ý liều dùng, cách sử dụng cũng như các tác dụng phụ được thông báo trên bao bì.
Không đặt trực tiếp Aspirin hay các thuốc giảm đau lên bề mặt nướu răng đang bị kích thích vì có thể làm phỏng mô.
Nếu cơn đau trở nên trầm trọng hơn, nên khám bác sĩ để có phương pháp giảm đau hiệu quả hơn.
2.3 Sử dụng một số loại gel hoặc thuốc tê bôi
Một số loại gel hoặc thuốc tê bôi có chứa các thành phần như benzocain có thể làm tê liệt, mất cảm giác đau tạm thời.
Tuy nhiên, nên thận trọng khi sử dụng các sản phẩm có chứa benzocaine. Sử dụng lượng tối thiểu để làm giảm đau. Benzocain có liên quan với một tình trạng hiếm gặp, nghiêm trọng có thể gây tử vong. Đó là Methemoglobinemia, làm giảm lượng oxy mà hồng cầu có thể mang theo.
Vì vậy, khi sử dụng hãy tuân theo các hướng dẫn sau:
- Liên hệ với nha sĩ hoặc bác sĩ của bạn trước khi sử dụng thuốc có chứa benzocaine.
- Không sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có chứa benzocaine (Anbesol, Orabase, Orajel, các loại khác) cho trẻ em dưới 2 tuổi.
- Không bao giờ sử dụng nhiều hơn liều khuyến cáo của benzocaine.
- Cất trữ các sản phẩm có chứa benzocaine ngoài tầm với của trẻ em.
2.4 Chườm lạnh
Chúng ta có thể sử dụng chườm lạnh để làm giảm các cơn đau răng, đặc biệt là đau răng do chấn thương. Khi chườm lạnh, các mạch máu co lại. Do đó vừa giảm cảm giác đau vừa giảm sưng và viêm. Bạn có thể dùng các túi chườm đựng đá viên áp lên vùng đau mỗi 20 phút 1 lần, có thể lặp lại trong vài giờ.
2.5 Ngủ kê gối cao
Một số trường hợp ban ngày có thể cảm giác đau răng nhẹ, nhưng về đêm cơn đau lại dữ dội hơn. Lý do điều này xảy ra là khi nằm xuống, áp lực máu dồn về vùng đầu làm tăng đau. Do đó , nếu kê thêm 1-2 cái gối sẽ giúp làm giảm áp lực, khiến bạn thấy dễ chịu, dễ ngủ hơn. Một lý do khác là về đêm, ít có các yếu tố gây nhiễu bên ngoài. Do đó bạn có thể chú ý hơn vào việc đau răng của mình nên thấy khó chịu hơn.
2.6 Súc miệng bằng nước muối ấm
Đối với nhiều người, nước muối là cách giảm đau hiệu quả đầu tiên nghĩ đến. Nước muối có chứa thành phần diệt khuẩn tự nhiên. Súc miệng đồng thời giúp rửa trôi các mảnh thức ăn nhồi nhét giữa răng. Súc miệng nước muối còn giúp giảm viêm, nhanh lành thương.
Bạn có thể mua nước muối sinh lý bán sẵn tại nhà thuốc. Hoặc pha theo công thức, hòa tan ½ muỗng cà phê muối bột vào 1 ly nước ấm.
2.7 Súc miệng bằng Hydrogen peroxide
Súc miệng với hydrogen peroxide có thể giúp giảm đau và viêm. Ngoài tác dụng diệt khuẩn, nó còn giúp giảm mảng bám và chảy máu. Tuy nhiên phải đảm bảo việc sử dụng đúng liều lượng: hòa hydrogen peroxide 3% với lượng nước tương đương, súc miệng không nuốt.
2.8 Dùng các túi trà chứa tinh dầu bạc hà
Các túi tinh dầu bạc hà có thể dùng để làm tê cảm giác đau và làm dịu sự nhạy cảm nướu. Đó là nhờ có thành phần hoạt động chính trong bạc hà – Menthol. Nhiều nghiên cứu cho thấy đây là chất có tính khẩng khuẩn, chống oxy hóa.
Bạn có thể làm nguội túi trà trước khi đặt lên vùng đau. Tốt nhất nên dùng khi túi có độ ấm vừa phải. Ngoài ra chúng ta cũng có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh với túi trà để ngăn đông trong vài phút.
2.9 Tỏi
Từ hàng ngàn năm nay, tỏi được công nhận và sử dụng như một nguyên liệu trong điều trị. Đây là nguyên liệu thường xuyên có sẵn trong nhà và dễ kiếm. Thành phần chính của tỏi là Allicin, không chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn gây hại, nó còn hoạt động như một thành phần giảm đau. Bạn nên nghiền nhuyễn tỏi và áp lên vùng đau. Có thể thêm vào hỗn hợp chút muối. Một cách khác nữa là bạn có thể nhai trực tiếp một tép tỏi tươi sau đó áp vào vị trí răng đau.Vị của tỏi khá nồng khiến nhiều người không thích, nên giải pháp này có thể không phải là thích hợp nhất.
2.10 Chiết xuất Vanilla
Chiết xuất Vanilla có chứa cồn, là thành phần giúp giảm đau. Các đặc tính chống oxy hóa của nó được chứng minh có hiệu quả trong việc lành thương. Để sử dụng, nên dùng bông gòn hoặc đầu tăm chấm một lượng nhỏ và áp lên vị trí đau vài lần mỗi ngày.
Hãy cùng YouMed xem qua video: Hướng dẫn giảm đau răng ngay tại nhà trong video dưới đây:
2.11 Đinh hương
Trong lịch sử, đinh hương đã được sử dụng để điều trị đau răng. Dầu đinh hương chứa eugenol, là một chất sát khuẩn tự nhiên, có thể làm tê giúp giảm đau hiệu quả và giảm viêm. Một kết quả thử nghiệm lâm sàng năm 2015 chỉ ra rằng: khi bôi eugenol vào nướu và ổ nhổ răng sẽ giúp bớt đau và nhanh lành thương.
Để sử dụng, chúng ta có thể chấm một vài giọt dầu đinh hương lên bề mặt bị đau vài lần mỗi ngày. Hoặc có thể pha loãng vào nước để súc miệng. Trường hợp không có sẵn dầu đinh hương, có thể ngâm lá trong nước để tạo bột nhão và bôi lên răng.
2.12 Lá ổi
Lá ổi có chứa các thành phần kháng viêm tốt cho sự lành thương. Chúng cũng chứa các chất kháng khuẩn hỗ trợ cho việc chăm sóc răng miệng. Để giảm đau, có thể nhai lá ổi hoặc nghiền nhỏ rồi đun sôi với nước dùng để súc miệng.
2.13 Cỏ lúa mì
Cỏ lúa mì có vô số đặc tính giúp lành thương và có thể giúp chữa lành từ bên trong. Nó có thể làm giảm tình trạng viêm trong miệng, ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Hàm lượng chất diệp lục cao giúp chống lại vi khuẩn. Sử dụng cỏ lúa mì bằng cách ép lấy nước súc miệng.
2.14 Húng tây
Húng tây cũng có đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa mạnh, có thể giúp điều trị đau răng. Để sử dụng, hãy nhỏ một vài giọt tinh dầu húng tây và một vài giọt nước lên bông gòn. Sau khi pha loãng dầu với nước, áp vào vùng răng bị đau. Bạn cũng có thể thêm một giọt dầu vào cốc nước nhỏ và dùng làm nước súc miệng.
3. Các trường hợp đau răng nên gặp nha sĩ để điều trị
Nếu bạn đau răng nhiều hoặc tình trạng bệnh lý răng trở nên nặng, bạn cần đến khám nha sĩ để được điều trị ngay. Nhiều trường hợp đau cần có sự theo dõi. Trong lúc chờ đợi để khám có thể dùng thuốc giảm đau tạm thời.
Bạn nên đi khám ngay khi có những triệu chứng sau:
- Sốt.
- Khó nuốt, khó thở.
- Ho ra máu.
- Cơn đau kéo dài 1-2 ngày.
- Sưng ở vùng hàm hoặc mặt có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng lan rộng.
- Đau khi cắn.
- Nướu đỏ bất thường.
- Có vị lạ trong miệng.
- Có mủ.
4. Phòng ngừa tình trạng đau răng
Để ngăn ngừa tình trạng đau răng xảy ra, chúng ta nên lưu ý những việc sau:
- Chăm sóc răng miệng hằng ngày đúng cách: chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày với kem đánh răng có chứa fluor, mỗi lần ít nhất 2 phút. Phải vệ sinh vùng kẽ răng bằng bàn chải kẽ hoặc chỉ nha khoa để lấy đi các mảnh vụn thức ăn còn sót. Kết hợp với việc sử dụng nước súc miệng diệt khuẩn.
- Có chế độ ăn hợp lý: giảm lượng đường, tăng cường chất xơ, trái cây. Hạn chế ăn các thức ăn có tính dính cao.
- Hạn chế sử dụng các hóa chất kích thích như: thuốc lá, các loại dung dịch chứa cồn,…
- Nên thường xuyên thăm khám nha sĩ mỗi 6 tháng/ lần để vệ sinh và kiểm soát tình trạng sức khỏe răng miệng.
- Đồng thời cũng phải thường xuyên kiểm tra tổng quát sức khỏe toàn thân. Một số trường hợp đau răng là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe khác như: viêm xoang, tiểu đường, tim mạch,..
- Thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe.
Việc đối mặt với đau răng là một trải nghiệm tồi tệ với nhiều người. Mặc dù một số nguyên liệu có sẵn trong nhà có thể giúp giảm – đau răng tạm thời và giúp bạn dễ ngủ hơn. Tuy nhiên nó không phải là giải pháp điều trị hoàn toàn. Bất cứ trường hợp nào đau kéo dài 1-2 ngày nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Một số trường hợp đau răng có thể cần các điều trị nha khoa kèm theo như: trám răng, lấy tủy hoặc nhổ răng…
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
How to get rid of toothache at nighthttps://www.medicalnewstoday.com/articles/326133
Ngày tham khảo: 20/05/2020
-
How to get rid of toothache at nighthttps://www.healthline.com/health/how-to-get-rid-of-toothache-at-night
Ngày tham khảo: 20/05/2020
-
10 Home and natural remedies for toothache painhttps://www.healthline.com/health/dental-and-oral-health/home-remedies-for-toothache
Ngày tham khảo: 20/05/2020
-
Toothache: First Aidhttps://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-toothache/basics/art-20056628
Ngày tham khảo: 20/05/2020