Làm gì khi trẻ bị đau bụng?
Nội dung bài viết
Đau bụng là một trong những triệu chứng về đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ. Nhưng triệu chứng đau bụng lại khác nhau tùy theo độ tuổi của trẻ và nguyên nhân gây bệnh. Cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh tìm hiểu thêm về tình trạng đau bụng ở trẻ qua bài viết sau nhé!
Nguyên nhân đau bụng ở trẻ là gì?
- Trong trường hợp trẻ ăn quá nhiều, uống nhiều nước có ga, khó tiêu, ngộ độc thức ăn, táo bón. Thường cơn đau ở quanh rốn, có thể kèm theo ợ hơi, bụng chướng, tiêu lỏng hoặc nôn. Đa số trẻ sẽ giảm đau sau vài giờ.
- Do bệnh lí cần phải phẫu thuật tức thì, cơn đau sẽ nặng và kéo dài hơn. Trẻ có thể lừ đừ hoặc vật vã bứt rứt, nôn nhiều ra thức ăn hoặc dịch màu xanh, tiêu máu đỏ tươi kèm theo sốt. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám để có hướng xử trí thích hợp.
- Ngoài ra, đau bụng tái phát nhiều lần cũng hay gặp ở trẻ. Ngoài những nguyên nhân bệnh lí, khoảng 10% xảy ra khi trẻ quá căng thẳng, lo lắng, có thể do chuyện học hành thi cử hay thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì.
Chăm sóc trẻ như thế nào?
Nếu đau bụng do rối loạn tiêu hóa:
- Nghỉ ngơi: Cho trẻ nằm nghỉ đến khi trẻ cảm thấy khỏe hơn. Đặt 1 khăn chườm ấm lên bụng trẻ khoảng 20 phút hoặc massage nhẹ nhàng vùng bụng đang đau bằng cách xoa theo chiều kim đồng hồ.
- Chế độ ăn: Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp để tránh mất nước, ăn từ từ từng muỗng, uống nhiều nước (nước chín, sữa hoặc nước trái cây). Đặt sẵn 1 chiếc thau nhỏ bên cạnh đề phòng khi trẻ nôn.
- Đi vệ sinh: Nếu trẻ bị ngộ độc thức ăn, việc tống xuất chất độc ra ngoài càng sớm sẽ giúp trẻ mau chóng giảm đau bụng. Do đó, cho trẻ ngồi trong nhà vệ sinh có thể giúp tăng nhu động ruột, giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn.
- Thuốc: Không tự cho trẻ uống bất cứ loại thuốc nào kể cả thuốc giảm đau, thuốc nhuận tràng hay thụt tháo khi chưa có chỉ định Bác sĩ. Nhằm tránh làm lu mờ triệu chứng của bệnh, gây khó khăn cho việc chẩn đoán sau này cũng như tránh tác dụng phụ không mong muốn của thuốc.
Nếu đau bụng do lo lắng:
- Giúp trẻ giảm lo lắng: một số trẻ dễ bị tổn thương hoặc quá nhạy cảm với những thay đổi bình thường trong cuộc sống như việc chuyển nhà ở, chuyển trường học. Thỉnh thoảng do chuyện bài vở hay vấn đề gia đình.
- Dành thời gian để tìm hiểu, tâm sự, chia sẻ, quan tâm đến những khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Căng thẳng có thể làm trẻ có xu hướng muốn ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác.
- Hướng dẫn trẻ cách thư giãn để giảm đau: bằng cách nằm nghỉ ở trong phòng yên tĩnh, hít thở chậm và sâu. Nghĩ về chuyện khiến trẻ cảm thấy vui hay cùng trẻ xem một chương trình mà trẻ yêu thích…
Nên khám khi nào?
- Cơn đau bụng lặp lại nhiều lần.
- Trẻ thấy không khỏe.
- Bố mẹ thấy lo lắng hoặc cần tư vấn về vấn đề đau bụng của trẻ.
Khám Bác sĩ ngay khi nào?
- Cơn đau nhiều hơn VÀ kéo dài hơn 1 giờ.
- Đau không giảm VÀ kéo dài hơn 2 giờ.
- Cơn co thắt dạ dày lặp lại nhiều lần VÀ kéo dài hơn 24 giờ.
- Trẻ than đau vùng cơ quan sinh dục.
- Cơn đau từ quanh rốn lan xuống phần bụng thấp bên phải.
- Trẻ đau ở vùng cơ quan sinh dục.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ than đau bụng, việc quan trọng là bạn cần theo dõi sát trẻ để phát hiện những dấu hiệu nặng cần khám Bác sĩ ngay.