Nhiễm norovirus: Làm cách nào để phòng ngừa lây nhiễm?
Nội dung bài viết
Norovirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh viêm dạ dày ruột cấp tính trên toàn thế giới, trung bình 685 triệu ca bệnh mỗi năm. Khoảng 30% người bị nhiễm không biểu hiệu triệu chứng, đặc biệt là trẻ em. Biến chứng nguy hiểm của bệnh là mất nước do tiêu chảy kéo dài. Hãy cùng YouMed tìm hiểu triệu chứng và cách phòng ngừa nhiễm norovirus để biết cách phòng tránh cho bản thân và những người xung quanh nhé!
Nhiễm Norovirus là gì?
Norovirus là một loại virus dễ lây lan, sống trong dạ dày và ruột. Nó lây nhiễm dễ dàng qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị bệnh. Đặc biệt, virus lây lan nhanh chóng trong những khu vực có không gian kín như bệnh viện, trường học và các cơ sở y tế.
Hầu hết mọi người đều từng nhiễm norovirus. Norovirus cũng có thể là một nguồn gây ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn bị nhiễm. Các triệu chứng thường gặp do norovirus gồm nôn mửa, tiêu chảy phân nước và không lẫn máu. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 12 đến 48 giờ sau khi phơi nhiễm và có thể kéo dài đến 3 ngày. May mắn là hầu hết người bệnh hồi phục hoàn toàn sau đó.
Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi và uống đủ nước vì biến chứng nguy hiểm nhất của nhiễm norovirus là mất nước. Nhiễm norovirus có thể rất nghiêm trọng hay thậm chí tử vong ở những đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người lớn tuổi và người có bệnh sẵn trước đó.
Có nhiều chủng norovirus khác nhau nên một người có thể bị bệnh nhiều lần. Cách phòng ngừa tốt nhất để giảm nguy cơ lây truyền là rửa tay kỹ lưỡng và thường xuyên.
Biểu hiện của nhiễm Norovirus là gì?
Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiếp xúc virus từ 12 đến 48 giờ. Mức độ triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm:
- Buồn nôn và nôn
- Đau quặn bụng hoặc đau bụng âm ỉ
- Tiêu chảy
- Sốt nhẹ
- Ớn lạnh
- Đau đầu
- Đau nhức toàn thân
Sau khởi phát, các triệu chứng kéo dài từ 24 đến 72 giờ. Nếu những triệu chứng này tiếp tục kéo dài hoặc xuất hiện máu trong phân, người bệnh nên đi khám bác sĩ sớm. Bên cạnh đó, tiêu chảy nhiều và liên tục có thể dẫn đến mất nước, là một trường hợp cần cấp cứu. Có thể nhận biết mất nước bằng những dấu hiệu sau:
- Cảm giác khô miệng và họng
- Giảm lượng nước tiểu hoặc nước tiểu sậm màu
- Ở trẻ sơ sinh: tã của trẻ không ướt sau 6 đến 8 tiếng
- Trẻ em không đi tiểu trong 12 giờ
- Mắt trũng sâu
- Buồn ngủ và mệt mỏi
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Nhầm lẫn hoặc thờ ơ với ngoại cảnh
- Nhịp tim nhanh
Ngoài ra, trẻ khóc mà không tiết nước mắt hay quấy khóc liên tục cũng là những dấu hiệu thường gặp do tình trạng mất nước nặng. Mất nước có thể nguy hiểm, thậm chí đe doạ tính mạng ở những nhóm đối tượng sau:
- Những người bị suy giảm miễn dịch
- Những bệnh nhân có bệnh mạn tính
- Người già hoặc trẻ em
- Người từng cấy ghép nội tạng hoặc ghép tế bào gốc
Norovirus lây nhiễm như thế nào?
Virus này cực kỳ dễ lây lan. Bất kỳ ai đều có thể bị nhiễm dù chưa hay đã nhiễm trước đây. Norovirus dễ lây lan vì những đặc điểm sau đây:
- Chỉ cần 18 hạt virus (virus particle) để khiến một người bị bệnh.
- Virus này có thời gian ủ bệnh ngắn. Trong thời gian ủ bệnh, người bị nhiễm có thể lây lan cho những người xung quanh trước khi biết bản thân bị bệnh.
- Norovirus có thể tồn tại bên ngoài cơ thể con người trong vài ngày.
- Sau khi hết triệu chứng, người bệnh vẫn có thể lây lan virus trong thời gian hai tuần hoặc hơn.
- Có những người bị nhiễm virus không hề có triệu chứng nhưng vẫn lây truyền ra xung quanh.
Bên cạnh đó, những hành vi và lối sống sau có thể làm tăng nguy cơ nhiễm Norovirus:
- Sử dụng đồ ăn hoặc thức uống được chế biến trong điều kiện thiếu vệ sinh
- Dùng chung đồ ăn, thức uống, dĩa, ly hoặc vật dụng hằng ngày với người bệnh.
- Tiếp xúc với người đang bị nhiễm, đặc biệt ở những người chăm sóc người bệnh và tiếp xúc với chất thải chứa virus.
- Ở bệnh viện, viện dưỡng lão, trường học hoặc cơ sở y tế. Virus lây lan nhanh chóng ở những không gian kín và đông người. Do đó, nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn ở những nơi như tàu du lịch, khách sạn hoặc khu nghỉ mát.
Lời khuyên của bác sĩ trong phòng ngừa nhiễm Norovirus
Hiện nay chưa có vắc xin giúp ngăn ngừa bệnh này. Tuy nhiên, tuân thủ theo những biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ lây bệnh xuống thấp nhất:
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc chăm sóc người bệnh. Khi rửa tay, tốt nhất bạn nên rửa bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.
- Khi chăm sóc người bị nhiễm, hãy đeo găng tay và sử dụng túi nilon để dọn dẹp các chất bẩn hoặc tã lót. Sau đó có thể sử dụng chất khử trùng hoặc dung dịch chứa clo để làm sạch các bề mặt nhiễm bẩn.
- Không dùng thức ăn hoặc đồ uống do người bị nhiễm virus chế biến
- Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và khi ăn
- Rửa tất cả thức ăn trước khi ăn hoặc trước khi chế biến
- Không nên ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín
- Những người có triệu chứng nên ở tại nhà. Điều này đặc biệt quan trọng nếu người bệnh làm trong ngành dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khoẻ hoặc giáo dục. Trẻ em bị bệnh cũng không được đến trường, nhà trẻ hoặc tham gia những hoạt động cộng đồng.
- Tạm dừng kế hoạch du lịch cho đến khi bình phục hoàn toàn
- Không đi bơi ở những bể bơi công cộng khi bị tiêu chảy.
Hãy lưu ý rằng người bệnh vẫn có thể lây lan virus trong 2 tuần sau khi hết triệu chứng. Do đó trong khoảng thời gian này, người bệnh nên thực hiện những bước trên để bảo vệ những người xung quanh.
Chẩn đoán và điều trị nhiễm Norovirus như thế nào?
Bác sĩ thường sẽ chẩn đoán dựa trên triệu chứng bệnh nhân đang có. Trong những trường hợp người bệnh bị suy giảm miễn dịch, bác sĩ có thể làm xét nghiệm phân để chẩn đoán xác định.
Tuy nhiên, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Vì đây là bệnh do virus gây ra chứ không phải vi khuẩn nên kháng sinh sẽ không mang lại hiệu quả. Việc điều trị chủ yếu để hỗ trợ và ngăn ngừa biến chứng mất nước. Đa phần bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài ngày.
Nghỉ ngơi
Trong thời gian bị bệnh, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại nhà, tránh làm việc quá sức hay căng thẳng.
Bổ sung nước
Hãy uống nhiều nước. Người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về những loại nước điện giải tốt cho cơ thể trong thời kỳ bệnh, đặc biệt nếu là trẻ em hoặc trẻ sơ sinh.
Những đồ uống dành cho việc chơi thể thao, kem hay nước canh chỉ nên dùng cho trẻ lớn hoặc người lớn. Nên tránh xa đồ uống nhiều đường vì những thức uống này có thể làm tiêu chảy trầm trọng hơn. Ngoài ra, cũng nên tránh những đồ uống chứa caffein hay cồn trong khi đang bị bệnh.
Chế độ ăn phù hợp
Trẻ sơ sinh nếu bị bệnh nên tiếp tục bú mẹ hoặc sữa công thức trong khi bổ sung thêm nước.
Trẻ em và người lớn có thể lựa chọn những thức ăn sau để bổ sung nếu cảm thấy đói bụng trong thời gian bị bệnh:
- Súp
- Cơm
- Mì pasta
- Trứng
- Khoai tây
- Bánh mì hoặc bánh quy
- Trái cây tươi
- Sữa chua
- Rau nấu chín
- Thịt nạc như thịt gà và cá
Cuối cùng, trong thời gian điều trị, bạn nên gặp bác sĩ nếu xuất hiện những bất thường sau:
- Nếu có sốt
- Nếu tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày
- Có máu trong phân
- Có tiền sử bệnh mạn tính trước đây
- Nếu triệu chứng không giảm sau khi uống thuốc
- Không uống được nước hoặc những chất lỏng khác
Nhiễm norovirus là một bệnh phổ biến gây ra những triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, sốt và đau nhức toàn thân. Thông thường, bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 3 ngày có triệu chứng. Một số người có cơ địa nhạy cảm như người già và trẻ em có thể bị mất nước và diễn tiến nặng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó nếu xuất hiện những triệu chứng kể trên, bạn nên đi khám để được chẩn đoán và tư vấn những lưu ý trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, cách tốt nhất là tuân thủ những bước phòng ngừa nhiễm norovirus để tránh bị bệnh này, bạn nhé!
>> Xem thêm:
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.