Nhiễm trùng thận là gì? Có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Nhiễm trùng thận là một trong những bệnh viêm nhiễm ở thận rất thường gặp. Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng lọc máu, bài tiết nước tiểu của thận. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Bài viết sau đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Khái niệm về bệnh nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận còn có tên gọi khác là viêm đài bể thận. Đây là tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân của bệnh thường xuất phát từ tình trạng nhiễm trùng đường tiểu dưới (bao gồm niệu đạo và bàng quang).
Sau đó vi khuẩn sinh sôi, nảy nở và di chuyển ngược lên phía trên theo đường bài niệu, gây nên nhiễm trùng ở thận. Nhiễm trùng ở thận có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.
Xem thêm: Suy thận cấp có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn!
Nguyên nhân
Những nguyên nhân có thể gây bệnh đó là do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu thông qua niệu đạo (ống đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể của bạn) sẽ gây ra nhiễm trùng, sau đó nó bắt đầu nhân lên bên trong bàng quang và niệu đạo.
Các vi khuẩn thường gây bệnh là E. Coli, Enterobacteria, Klebsiella. Những vi khuẩn này tồn tại nhiều trong phân, trong khi những vi khuẩn bám trên da hoặc vi khuẩn tồn tại trong không khí ít gây ra bệnh cảnh nhiễm trùng ở thận.
Máu cũng có thể gây nên bệnh này thông qua cơ chế truyền vi khuẩn từ những vị trí nhiễm trùng khác trong cơ thể đi đến thận. Nguyên nhân gây bệnh này thường ít xảy ra, nhưng khi xảy ra thì lại rất trầm trọng.
Ngoài ra, bệnh lý này còn có thể xuất phát thông qua cơ chế nhiễm trùng ngược dòng, từ bàng quang lên thận đo đặt ống thông tiểu, do nội soi bàng quang để gắp sỏi, nội soi niệu đạo,…
Một số vi sinh vật có thể gây bệnh bao gồm:
- E. Coli.
- Vi khuẩn lậu
- Proteus.
- Klebsiella.
- Vi khuẩn đường ruột.
- Liên cầu.
- Tụ cầu vàng và họ tụ cầu vàng (Staphylococci).
- Haemophilus Influenzae.
- Samonella Typhy hoặc Paratyphy (vi khuẩn gây bệnh thương hàn).
- Cryptosporidium.
- Campylobater jejuni.
- Xoắn khuẩn giang mai.
- Nấm Candida Albican (những người suy giảm miễn dịch).
- Một số loại virus như viêm gan siêu vi B, HIV, Adenovirus,…
- Ký sinh trùng (hiếm gặp) như Giardia lamblia, trùng roi âm đạo, Toxoplasma,…
Triệu chứng của bệnh
Bệnh có thể khởi phát thông qua những triệu chứng của nhiễm trùng đường tiểu dưới, bệnh sẽ trở nên ngày càng trầm trọng hơn nếu vi khuẩn ngược dòng đến đường tiểu trên. Các triệu chứng thường gặp của bệnh nhiễm trùng tại cơ quan thận bao gồm:
- Sốt (đo nhiệt độ trên 38°C, có thể sốt cao 39 đến 40°C).
- Rét run.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Đau vùng hông và vùng bụng dưới rốn.
- Đi tiểu thường xuyên, có cảm giác phải đi tiểu ngay lập tức và không thể nào nhịn tiểu được.
- Cảm giác đau rát dọc theo đường tiểu khi đi tiểu.
- Có mủ hoặc có máu hiện diện trong nước tiểu.
- Nước tiểu có mùi hôi khác thường.
Ngoài những triệu chứng điển hình nói trên, người bệnh có thể bị những triệu chứng khác không phổ biến (tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể).
Chẩn đoán bệnh
Không có tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, nếu có những triệu chứng chính sau đây:
- Sốt cao, rét run
- Đau vùng hông lưng
- Đau khi đi tiểu
- Nước tiểu có máu hoặc có mủ
Kèm theo một số xét nghiệm có liên quan như tổng phân tích nước tiểu, cấy nước tiểu, xét nghiệm máu, siêu âm vùng thận, chụp cắt lớp vi tính hoặc một X quang vùng thận để quan sát chi tiết được hình ảnh của thận cùng các cơ quan liên quan….
Từ đó, các bác sĩ chuyên khoa Nội thận sẽ có cơ sở vững chắc để đưa ra chẩn đoán xác định bệnh.
Điều trị
1. Các trường hợp thông thường
Hướng điều trị ưu tiên của các bác sĩ đối với bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng cơ quan thận là cần sử dụng kháng sinh. Tùy thuộc vào mức độ nhiễm trùng của thận, tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân và loại vi khuẩn được tìm thấy trong nước tiểu mà các bác sĩ sẽ chỉ định loại kháng sinh cùng thời gian phù hợp.
Các triệu chứng và biểu hiện của bệnh nhiễm trùng thận thường thuyên giảm từ từ trong vòng 3 đến 5 ngày đầu điều trị như: hết sốt, giảm đau vùng hông lưng, nước tiểu không còn mủ hoặc máu,…
Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải tiếp tục uống thuốc kháng sinh trong vòng một tuần hoặc lâu hơn tùy vào loại vi khuẩn và mức độ nhiễm khuẩn.
Nếu nhiễm trùng nặng, bệnh nhân cần phải nhập viện để bác sĩ theo dõi sát và thường xuyên hơn. Bệnh nhân có thể được các bác sĩ chỉ định truyền dung dịch thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch.
2. Những trường hợp tái phát
Nếu một người bị tái phát nhiều lần, bệnh nhân ấy cần phải đến các bác sĩ chuyên khoa sâu về thận, đường niệu để tìm nguyên nhân gây tái phát và điều trị kịp thời.
3. Các trường hợp khác
Trong những trường hợp viêm nhiễm ở thận do virus thì bệnh nhân sẽ tự khỏi, chỉ cần điều trị hỗ trợ như truyền dịch, hạ sốt, giảm đau. Đối với những trường hợp nhiễm trùng ở thận do nấm thì bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng nấm.
Còn nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng tại thận có nguyên nhân là ký sinh trùng thì thuốc diệt ký sinh trùng sẽ được chỉ định đầu tay như: Metronidazole, Mebendazol, Albendazol, Praziquantel,…
Các biện pháp phòng bệnh
Để phòng bệnh nhiễm trùng ở thận một cách hiệu quả, chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau:
- Không nên sử dụng thuốc xịt khử mùi hoặc thuốc nhuộm tùy tiện ở cơ quan sinh dục.
- Không nên sử dụng bao cao su hoặc màng chắn không đảm bảo vô khuẩn.
- Uống nhiều nước mỗi ngày (từ 1,5 đến 2 lít nước).
- Đi tiểu mỗi khi có cảm giác mắc tiểu.
- Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục.
- Vệ sinh cơ quan sinh dục hàng ngày.
- Khi có nóng sốt thì nên đi khám ngay để tránh biến chứng nhiễm trùng huyết dẫn đến thận bị nhiễm trùng.
Trên đây là những thông tin về bệnh nhiễm trùng thận mà bài viết muốn giới thiệu đến bạn đọc. Hy vọng các bạn sẽ nắm vững cách phòng bệnh hiệu quả, cũng như biết được những triệu chứng sớm để đi khám bệnh kịp thời, hạn chế tối đa những biến chứng xấu ảnh hưởng đến sức khỏe nhé!