Khi nào nên nhổ răng? Những thông tin cần biết
Nội dung bài viết
Nhổ răng dường như là việc mọi người đều thấy lo sợ mỗi khi nhắc đến. Đa số đều sợ cảm giác đau hoặc sợ các nguy cơ có thể xảy ra khi nhổ. Tuy nhiên, liệu “ nhổ răng” có thật sự đáng sợ như vậy không? Việc nhổ răng luôn là giải pháp cuối cùng mà các nha sĩ lựa chọn khi không thể phục hồi răng. Do đó, nha sĩ luôn cố gắng thao tác thật cẩn thận và có những biện pháp phòng tránh nguy cơ để đem lại an toàn cho bệnh nhân.
Khi nào mới được nhổ răng?
Nhổ răng là thủ thuật lấy răng ra khỏi ổ răng nhờ sự trợ giúp của các dụng cụ, thiết bị nha khoa. Với sự tiến bộ của các lĩnh vực nội nha và phục hình, càng ngày càng có nhiều cách điều trị bảo tồn. Tuy nhiên có những trường hợp không thể giữ lại răng. Một số chỉ định và chống chỉ định của nhổ răng cần lưu ý để có kế hoạch điều trị thích hợp
Trường hợp có thể nhổ răng
Liên quan đến tình trạng răng
- Răng có thân và chân bị phá hủy lớn, mất chức năng, không thể tái tạo được
- Chân răng / mảnh chân răng
- Răng không thể điều trị nội nha được hoặc thất bại trong điều trị nội nha
- Gãy sâu dưới nướu không thể phục hồi được
- Có tổn thương quanh chóp không thể điều trị được
- Bị nha chu nặng, tiêu xương quá nhiều
- Răng sữa đến thời kỳ thay thế
- Mọc lệch gây tổn thương mô mềm và không kéo lại được nhờ chỉnh hình
- Răng ngầm không thể mọc được
- Mọc gây tổn thương mô mềm nếu không nhổ sẽ không hồi phục.
- Gây biến chứng viêm ở răng
Liên quan đến phục hình
- Răng không có giá trị chức năng, gây trở ngại cho phục hình
- Răng ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ
Chỉnh hình
- Răng dư gây mất đối xứng cung hàm
- Răng lệch ảnh hưởng thẩm mỹ và chức năng không kéo lại đúng được
- Nhổ để tạo khoảng cách cho răng di chuyển
- Nhổ đề phòng và hạn chế sai khớp cắn
Liên quan bệnh toàn thân
- Răng gây khởi phát và làm trầm trọng các bệnh toàn thân
- Răng cần nhổ trước các điều trị đặc biệt: Phẫu thuật tim, xạ trị vùng đầu mặt cổ…
Trường hợp không nên nhổ răng
Tạm thời:
- Viêm nướu miệng cấp tính
- Viêm quanh thân răng cấp
- Nhổ răng cối nhỏ, cối lớn khi đang viêm xoang hàm
- Nhổ răng trên hàm vừa điều trị tia xạ
- Viêm xương ổ răng cấp
- Các bệnh lý toàn thân chưa được kiểm soát
- Tình trạng đặc biệt: có thai, kinh nguyệt..
- Bệnh nhân không tin tưởng nha sĩ
- Nha sĩ không có khả năng , trang thiết bị, điều kiện thuận lợi
Vĩnh viễn:
- Các bệnh lý toàn thân giai đoạn cuối
- Sức khỏe toàn thân quá yếu không đáp ứng được yêu cầu can thiệp
- Ung thư máu mất ổn định
Xem thêm: Cấu tạo hàm răng và chức năng của răng
Chuẩn bị trước khi nhổ răng
Trước khi lên lịch hẹn nhổ răng, nha sĩ sẽ cho bạn chụp phim kiểm tra răng. Bạn cần phải khai báo với nha sĩ tất cả các loại thuốc bạn sử dụng, kể cả vitamin và thực phẩm chức năng. Đặc biệt nếu bạn phải sử dụng loại thuốc tiêm tĩnh mạch Biphosphonat, bạn cần phải nhổ răng trước khi điều trị thuốc. Nếu không sẽ có nguy cơ hoại tử xương hàm cao.
Ngoài ra bạn cũng cần thông báo cho nha sĩ các tình trạng toàn thân của mình:
- Dị tật tim bẩm sinh
- Tiểu đường
- Bệnh gan, thận
- Bệnh tuyến giáp
- Tăng huyết áp
- Có khớp nhân tạo
- Van tim hư
- Bệnh tuyến thượng thận
- Tiền sử suy giảm hệ thống miễn dịch
Nha sĩ phải đảm bảo rằng tình trạng toàn thân của bạn hoàn toàn ổn định và đủ điều kiện để nhổ răng. Nha sĩ có thể kê đơn kháng sinh trong vài ngày trước thủ thuật, nếu :
- Thủ thuật kéo dài
- Bạn đang có một nhiễm trùng hoặc hệ miễn dịch suy yếu
- Bạn có tình trạng bệnh lý đặc biệt
Để thuận tiện cho việc nhổ răng, bạn nên lưu ý những việc sau:
- Nếu được gây mê bằng đường tĩnh mạch bạn cần mặc áo ngắn và nới lỏng quần áo. Ngưng ăn uống trước thủ thuật từ 6-8 giờ.
- Ngưng hút thuốc lá trước đó
- Nếu bạn ốm hay cảm lạnh, cần liên hệ để dời lịch hẹn
- Nếu bạn cảm thấy buồn nôn trước đó, có thể yêu cầu đổi phương pháp gây mê hoặc hẹn lại
- Thủ thuật cần gây mê toàn thân để thực hiện thì bạn cần có người đưa về nhà sau thủ thuật.
Quá trình nhổ răng diễn ra như thế nào?
Nhổ răng thường được chia thành 2 loại: Nhổ răng thông thường và nhổ răng tiểu phẫu. Việc lựa chọn loại điều trị nào phù thuộc vào tình huống lâm sàng.
Dù là cách điều trị nào, thì trước khi nhổ răng, bệnh nhân đều được nha sĩ khám toàn diện kỹ lưỡng, chụp phim và đưa ra kế hoạch điều trị. Sau khi thảo luận và thống nhất phương án điều trị, bệnh nhân sẽ được ký cam kết điều trị. Tiếp đó sẽ được hướng dẫn các thao tác chuẩn bị cho nhổ răng. Ví dụ như: vệ sinh răng miệng thật sạch, kiểm tra huyết áp, kiểm tra tình trạng đông máu..v.v..
Nhổ răng hàm
Đối với nhổ răng hàm thông thường, bệnh nhân sẽ được tiến hành trên ghế nha. Sau khi sát khuẩn trong miệng, nha sĩ sẽ gây tê tại chỗ hoặc gây tê vùng. Tùy vào thể trạng bệnh nhân, nha sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc tế, liều dùng và nồng độ thích hợp. Sau khi kiểm tra xác định bệnh nhân đã hoàn toàn vô cảm (mất cảm giác), nha sĩ sẽ tiếp tục tiến hành thủ thuật.
Hai loại dụng cụ được dùng để nhổ răng là : Nạy và kềm. Nạy được dùng để tách phần nướu dính và làm giãn nở xương ổ bằng cách lung lay răng trước khi bắt kềm. Đôi khi nạy được dùng để nhổ chân răng gãy sâu dưới nướu. Kềm là dụng cụ được dùng để truyền lực lên răng làm giãn nở xương ổ, đứt dây chằng nha chu do lực chêm của mỏ kềm và cử động của nó. Thường nha sĩ sẽ tách nướu và lung lay răng bằng nạy trước.
Tiếp đó lung lay răng bằng kềm. Khi xương ổ giãn đủ rộng và răng lung lay nhiều, nha sĩ dùng kềm nhổ răng bằng cách kéo răng ra ngoài.
Nhổ răng tiểu phẫu:
Nhổ răng tiểu phẫu quy trình phức tạp hơn. Do đó một số thuốc giảm đau và an thần có thể được kê đơn trước cho bệnh nhân.
Nhổ răng tiểu phẫu thường được thực hiện trong phòng phẫu thuật.
1. Bệnh nhân có thể được gây tê hoặc gây mê tùy theo mức độ thủ thuật.
2. Tạo vạt
Nha sĩ sẽ tạo đường rạch trên nướu để tránh gây tổn thương mô mềm và quan sát rõ hơn khi mở xương
3. Mở xương
Việc mở xương có thể được thực hiện hoặc không. Nha sĩ sẽ dùng mũi khoan nha khoa để mở xương, giúp tạo điểm để đặt nạy và tạo lối thoát cho răng dễ dàng hơn.
4. Chia cắt răng
Trong một số trường hợp răng bị mắc kẹt không thể nhổ lên được, nha sĩ sẽ dùng mũi khoan chia răng thành nhiều mảnh nhỏ để dễ dàng thao tác.
5. Nạo, bơm rửa sạch ổ răng
6. Khâu kín vết thương
Nha sĩ có thể dùng chỉ tiêu hoặc không tiêu. Nếu sử dụng chỉ không tiêu bạn phải tái khám để cắt chỉ.
7. Cho bệnh nhân cắn gòn/ gạc để ngăn chảy máu
Bên cạnh hai phương pháp này, hiện nay đang phát triển một số phương pháp hiện đại với nhiều ưu điểm hơn như nhổ răng bằng:
- Tia laser
- Dao điện
- Máy siêu âm Piezotome
Các phương pháp này thường có độ chính xác cao hơn, ít tổn thương cấu trúc lân cận, ít chảy máu, nhanh lành thương. Tuy nhiên hiện chi phí điều trị các phương pháp này khá cao và không thể điều trị nhổ răng trực tiếp được.
Có thể bạn quan tâm: Review nhổ răng khôn bệnh viện Răng Hàm Mặt
Những lưu ý sau khi nhổ
Sau khi nhổ răng việc chảy máu là hoàn toàn bình thường. Nha sĩ sẽ yêu cầu bạn cắn gạc trong vòng 30 phút để cục máu đông được ổn định. Sưng và đau là những khó chịu sẽ gặp sau nhổ răng. Bạn có thể chườm lạnh trong 24 giờ đầu, ngày tiếp theo chườm nóng. Ngoài ra nha sĩ cũng sẽ kê toa thuốc giảm đau trong vài ngày để làm giảm sự khó chịu.
Sau khi nhổ răng xong, bạn cần lưu ý:
- Nghỉ ngơi và thư giãn trong 24 giờ đầu.
- Không sử dụng ống hút trong 24 giờ sau điều trị
- Không hút thuốc lá
- Tránh súc miệng mạnh trong 24 giờ đầu
- Dùng gối kê cao đầu khi nằm
- Vệ sinh răng miệng như bình thường, tránh chà mạnh vùng nhổ răng
- Ăn đồ ăn mềm, không quá nóng hoặc quá lạnh
- Sau khi lành thương, tập ăn dần lại các loại thức ăn
- Tái khám đúng lời dặn của nha sĩ
Nếu sau khi nhổ răng vài ngày, bạn vẫn thấy đau nhức và có biểu hiện của nhiễm trùng như: chảy mủ, sốt,.v.v.. Bạn nên liên hệ nha sĩ ngay để kiểm tra tình trạng của mình.
Các biến chứng có thể xảy ra
- Tổn thương răng kế cạnh
- Nhổ sót mảnh răng: thường để đề phòng nhiễm trùng sẽ phải lấy hết răng ra khỏi xương. Tuy nhiên trong một số trường hợp việc để lại mảnh chân răng sẽ làm giảm các nguy cơ khác.
- Gãy xương hàm: do dùng lực quá lớn khi nhổ răng
- Thông xoang: khi nhổ các răng cối hàm trên
- Nhiễm trùng: ít khi xảy ra do nha sĩ thường kê toa kháng sinh trước và sau nhổ răng
- Tổn thương thần kinh: xảy ra khi nhổ răng khôn hàm dưới gần ống thần kinh. Thường do mũi khoan không kiểm soát. Tổn thương thần kinh hiếm gặp và thường tạm thời.
- Hoại tử xương hàm: ở bệnh nhân sử dụng bisphosphonat để điều trị loãng xương, đa u tủy xương, ung thư xương và di căn xương từ các bệnh ung thư khác
- Nếu nhổ răng lâu ngày không được phục hồi có thể làm trồi các răng đối diện
- Nhổ răng trước có thể ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ
Viêm ổ răng khô:
Đây là biến chứng xảy ra khi cục máu đông không được thành lập hoặc rơi ra ngoài, làm lộ bề mặt xương bên dưới. Bệnh nhân rất đau, cảm thấy có vị khó chịu trong miệng. Viêm ổ răng khô thường xảy ra sau khi nhổ 2-5 ngày. Biến chứng thường gặp ở :
- những răng nhổ khó, dễ chấn thương ( ví dụ răng khôn hàm dưới).
- bệnh nhân trên 30 tuổi
- phụ nữ
- vệ sinh răng miệng kém
Điều trị viêm ổ răng khô chủ yếu là giảm đau trong thời gian lành thương. Điều trị tại chỗ gồm: rửa nhẹ nhàng ổ răng với dung dịch sinh lý, không nạo ổ răng. Sau đó nhét meche có tẩm thuốc vào ổ răng để giảm đau. Meche được thay sau mỗi 24 giờ trong vòng vài ngày. Sau khi nhét, bệnh nhân sẽ thấy giảm đau trong vòng vài phút. Khi bệnh nhân đã đỡ đau không nên đặt meche nữa vì có thể làm chậm lành thương.
Thời gian lành thương.
Lành thương ổ răng thường mất từ 5-7 ngày. Tuy nhiên nướu che phủ bên trên phải mất 3-4 tuần để lành hẳn. Nếu tổn thương xương hàm xảy ra thì cần tới 6 tháng để lành thương hoàn toàn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
1/ Ana Gotter, “What to Expect During a Tooth Extraction” , đăng nhập ngày 09-02-2018 tại website http://www.healthline.com
2/ Bộ môn Phẫu Thuật Miệng ( 2007), “Nhổ răng”.Phẫu thuật miệng: Gây tê- Nhổ răng(Tập 1), Nhà xuất bản Y học, Tp.HCM, xuất bản lần thứ 1, tr. 119-148