Những biện pháp khắc phục tăng tiết mồ hôi hiệu quả
Nội dung bài viết
Đổ mồ hôi là một phần phản ứng sinh lý hoàn toàn tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, một số người có thể bị tăng tiết mồ hôi. Đây là vấn đề nhạy cảm trong một số tình huống xã hội nhất định, đặc biệt nếu mồ hôi của họ để lại các mảng hoặc vết bẩn ẩm ướt đáng chú ý. Trong những tình huống này, có một số biện pháp hiệu quả có thể giúp giảm lượng mồ hôi tiết ra.
1. Tổng quan về tuyến mồ hôi
Có 2 loại tuyến mồ hôi chính là tuyến eccrine và tuyến apocrine. Chúng tiết ra chất dịch để duy trì nhiệt độ cơ thể trong phạm vi lý tưởng
- Các tuyến eccrine có ở hầu hết khắp cơ thể bạn. Khi nhiệt độ cơ thể của bạn tăng lên như trong thời tiết quá nóng hoặc tập thể dục, các tuyến này sẽ tiết ra chất lỏng làm mát cơ thể.
- Các tuyến apocrine được tìm thấy ở những nơi có lông . Chẳng hạn như da đầu, nách, háng, vùng hậu môn sinh dục. Những tuyến này tiết ra chất lỏng không mùi. Chất lỏng này kết hợp với chất thải của vi khuẩn trên da, tạo ra chất lỏng màu trắng đục gồm protein và chất béo. Những phân tử này chính là thủ phạm gây mùi khó chịu của cơ thể. Tuyến apocrine cũng tiết nhiều mồ hôi hơn khi bạn căng thẳng, lo lắng. Vì vậy khi stress, mồ hôi của bạn có mùi khó chịu hơn bình thường
2. Tăng tiết mồ hôi là gì?
Đổ mồ hôi quá mức được định nghĩa là tiết mồ hôi ngay cả khi cơ thể không cần phải làm mát. Không đổ mồ hôi đủ hoặc đổ mồ hôi quá nhiều đều là vấn đề bất thường. Việc không có mồ hôi đủ có thể nguy hiểm vì nguy cơ nhiệt độ cơ thể tăng lên. Đổ mồ hôi quá nhiều lại gây tổn hại về mặt tâm lý nhiều hơn là tổn thương về thể chất. Nó được chia làm 2 loại :
- Nguyên phát :
- Đổ mồ hôi quá nhiều có thể xảy ra ở các vị trí trên cơ thể như lòng bàn tay, bàn chân, nách hoặc trán. Trong khi phần còn lại của cơ thể vẫn khô. Thông thường cả hai bên của cơ thể đều bị ảnh hưởng như nhau.
- Chúng thường bắt đầu khi thức dậy vào buổi sáng. Đổ mồ hôi ban đêm không phổ biến.
- Thứ phát
- Chúng xảy ra trên toàn bộ cơ thể hoặc có thể chỉ ở một bên của cơ thể.
- Chúng có thể được kích hoạt bởi một số loại thuốc, thực phẩm bổ sung, hoặc tiêu thụ tỏi, caffeine, nicotine, gia vị, cà ri và các thực phẩm có mùi khác. Bên cạnh đó, một số bệnh lý thực thể cũng có thể là thủ phạm.
3. Các biện pháp khắc phục tăng tiết mồ hôi hiệu quả
3.1 Chất chống mồ hôi
Bước đầu tiên để điều trị mồ hôi nhiều là sử dụng chất chống mồ hôi. Chất chống mồ hôi hoạt động bằng cách chặn các ống dẫn mồ hôi để mồ hôi không thể tiếp cận bề mặt da của chúng ta. Mồ hôi vẫn được tiết ra bởi tuyến mồ hôi, nhưng không thể tiếp cận bề mặt.
Hầu hết các chất chống mồ hôi đều chứa muối nhôm. Khi bạn lăn, xịt chúng lên da, chất chống mồ hôi tạo thành một nút chặn mồ hôi.
Bạn có thể mua chất chống đổ mồ hôi không kê đơn tại siêu thị hoặc cửa hàng thuốc gần nhà hoặc bác sĩ có thể kê đơn cho bạn. Thuốc chống mồ hôi không kê đơn có thể ít gây khó chịu hơn thuốc chống mồ hôi kê đơn. Bắt đầu với một nhãn hiệu không kê đơn và nếu điều đó không hiệu quả, hãy hỏi bác sĩ về đơn thuốc.
Nhiều chất chống mồ hôi được bán kết hợp với chất khử mùi. Chất khử mùi không ngăn bạn đổ mồ hôi nhưng sẽ giúp kiểm soát mùi mồ hôi của bạn.
Chất chống mồ hôi không chỉ dành cho vùng nách. Bạn cũng có thể sử dụng một số trong số chúng cho các khu vực khác mà bạn đổ mồ hôi, chẳng hạn như tay và chân. Một số thậm chí có thể được áp dụng cho chân tóc.
Để có kết quả tốt nhất từ chất chống mồ hôi của bạn, hãy đảm bảo vùng da dưới cánh tay của bạn sạch và khô, sau đó thoa nó vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nên thoa nó vào buổi tối trước khi ngủ là do các thành phần trong chất chống mồ hôi cần thời gian để tạo ra các khối (nút chặn) trên ống dẫn mồ hôi. Và hầu hết mọi người đổ mồ hôi ít hơn, hoặc hoàn toàn không đổ mồ hôi vào ban đêm. Nó có thể không hiệu quả ngay lập tức, nhưng hãy thực hiện thói quen này trong vài đêm và bạn sẽ đạt được kết quả mong muốn.
3.2 Các phương pháp điều trị y tế
Nếu chất chống mồ hôi không ngăn được tay và chân của bạn đổ mồ hôi quá nhiều, bác sĩ có thể đề nghị một trong những phương pháp điều trị y tế sau:
a. Thuốc kháng cholinergic
Khi bạn đã thử dùng chất chống mồ hôi mà không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc theo toa như thuốc kháng cholinergic. Thuốc kháng cholinergic đường uống sẽ ngăn chặn sự kích hoạt của các tuyến mồ hôi, nhưng chúng không dành cho tất cả mọi người vì chúng có thể có các tác dụng phụ như mờ mắt, tim đập nhanh, khô mắt, khô miệng và khó đi tiểu.
b, Thuốc chống trầm cảm
Sự lo lắng có thể dẫn đến đổ mồ hôi quá nhiều. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm nếu họ cảm thấy rằng điều này góp phần vào vấn đề đổ mồ hôi nhiều của bạn.
c. Phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được khuyến khích cho những người bị chứng tăng tiết mồ hôi nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể cắt, nạo hoặc hút các tuyến mồ hôi.
Một lựa chọn phẫu thuật khác là cắt bỏ hạch giao cảm qua phẫu thuật nội soi lồng ngực, trong đó bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường rất nhỏ và cắt các dây thần kinh ở nách thường kích hoạt các tuyến mồ hôi của bạn hoạt động. Phương pháp này rất hiệu quả, nhưng nó chỉ được sử dụng như một biện pháp cuối cùng đối với những người đã thử mọi phương pháp điều trị khác. Một tác dụng phụ thường gặp ở phẫu thuật này là đổ mồ hôi bù trừ. Đó là khi cơ thể bạn ngừng đổ mồ hôi ở một vùng, nhưng bắt đầu đổ mồ hôi ở vùng khác (chẳng hạn như mặt hoặc ngực) để bù lại.
3.3 Các biện pháp giảm tiết mồ hôi tại nhà
Trong khi đang thử các loại thuốc chống mồ hôi khác nhau hoặc bất kỳ phương pháp điều trị nào khác mà bác sĩ khuyến nghị, bạn cũng có thể kết hợp một số giải pháp tại nhà này để giúp giảm tiết mồ hôi.
a. Mặc các loại vải thoáng khí
Cách tốt nhất để giúp giảm tiết mồ hôi khi lựa chọn quần áo là mặc các loại vải nhẹ và có độ thông thoáng tốt. Đừng mặc quần áo dày vì chúng sẽ làm đọng mồ hôi. Màu sắc sáng hơn cũng giúp phản xạ ánh nắng mặt trời hơn là hấp thụ ánh nắng, vì vậy mặc màu trắng có thể giúp bạn cảm thấy mát mẻ và giảm tiết mồ hôi.
Bàn chân của bạn cũng có thể đổ mồ hôi, vì vậy hãy mang tất loại dễ hút ẩm.
Sử dụng miếng lót dưới cánh tay và lót giày để thấm mồ hôi. Điều này giúp không làm hỏng quần áo và đem lại hiệu quả nhất định.
b. Tắm hàng ngày
Tắm hàng ngày bằng xà phòng diệt khuẩn để kiểm soát vi khuẩn có thể trú ngụ trên làn da tiết mồ hôi và gây ra mùi khó chịu. Lau khô người trước khi thoa chất chống mồ hôi.
c. Tránh một số thực phẩm nhất định
Tránh các loại thức ăn cay và rượu vì chúng đều có thể khiến bạn đổ mồ hôi. Bạn cũng nên tránh các loại đồ uống nóng như trà và cà phê.
4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ
Một người bị đổ mồ hôi quá nhiều nên hẹn gặp bác sĩ để được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán xác định nguyên nhân.
Một số người có thể bị đổ mồ hôi quá nhiều do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Nếu đúng như vậy, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc thay đổi loại thuốc hoặc liều lượng.
Tóm lại, đổ mồ hôi là phản ứng sinh lý hoàn toàn tự nhiên. Trên đây là những cách để giảm tiết mồ hôi hiệu quả. Nếu bạn cảm thấy rằng bạn đổ mồ hôi một lượng lớn bất thường, hãy hỏi ý kiến bác sĩ của bạn.
Bác sĩ Hoàng Thị Việt Trinh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.