Những điều bạn cần biết về sa sút trí tuệ thùy trán – thái dương
Nội dung bài viết
Sa sút trí tuệ trán – thái dương (thoái hóa thùy trước trán) là một thuật ngữ mô tả một nhóm các bệnh lí thần kinh không thường gặp. Triệu chứng của bệnh rất đa dạng, có thể từ thay đổi tính cách, giảm khả năng sử dụng ngôn ngữ… và đôi khi dễ nhầm lẫn với các nguyên nhân khác. Vậy làm sao để chẩn đoán và điều trị bệnh? Bạn cùng Bác sĩ Nguyễn Văn Huấn tìm hiểu nhé!
Tổng quan bệnh sa sút trí tuệ thùy trán- thái dương:
Chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương (thoái hóa thùy trước trán) là một thuật ngữ mô tả một nhóm các bệnh lí thần kinh không thường gặp. Thùy trán và thùy thái dương là những vùng não bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ngoài ra, đây là những khu vực liên quan đến tính cách, hành vi và ngôn ngữ của một người.
Ở người bị sa sút trí tuệ trán – thái dương, các phần của thùy này co lại (teo). Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng sa sút trí tuệ sẽ rất khác nhau. Điều này tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng.
Một số người mắc chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương có những thay đổi mạnh mẽ trong tính cách. Chính điều này khiến họ khác biệt với xã hội, bốc đồng hoặc vô cảm. Một số khác lại mất khả năng sử dụng ngôn ngữ. Chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương thường bị chẩn đoán nhầm với một bệnh lí tâm thần hoặc bệnh Alzheimer’s. Tuy nhiên, chứng bệnh này có xu hướng xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn so với bệnh Alzheimer. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 40-65.
Cách phân biệt giữa người sa sút trí tuệ và mắc bệnh Alzheimer’s
Triệu chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương là gì?
Các dấu hiệu và triệu chứng có thể rất khác nhau tùy ở mỗi người. Tuy nhiên, các triệu chứng bệnh diễn tiến nặng dần qua thời gian, thường là nhiều năm. Thường các triệu chứng xuất hiện đồng thời, hiếm khi nào chỉ đơn độc một triệu chứng.
Những thay đổi về hành vi:
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương liên quan đến những thay đổi tiêu cực trong hành vi và tính cách, bao gồm:
- Hành động ngày càng không phù hợp với chuẩn mực
- Mất sự đồng cảm và các kỹ năng giao tiếp khác, như mất đi sự tinh tế/ nhạy cảm với cảm xúc một người khác
- Mặc cảm và thiếu quyết đoán
- Mất kiểm soát hành vi
- Hành vi có tính chất cưỡng chế lặp đi lặp lại
- Giảm khả năng chăm sóc bản thân
- Thay đổi thói quen ăn uống, chủ yếu là ăn quá nhiều hoặc thích ăn nhiều đồ ngọt và bột đường
- Ăn những đồ vật không thể ăn được
- Mong muốn mãnh liệt muốn cho vật gì đó vào miệng.
Vấn đề về tiếng nói và ngôn ngữ:
Một số loại của sa sút trí tuệ trán – thái dương có dấu hiệu đặc trưng là suy yếu khả năng ngôn ngữ hay mất tiếng nói hoặc gặp khó khăn về ngôn ngữ.
Chứng mất ngôn ngữ (aphasia) tiến triển nguyên phát, hay chứng sa sút trí tuệ ngữ nghĩa và nói không trôi chảy diễn tiến nặng dần được xem như các dấu hiệu gợi ý tình trạng sa sút trí tuệ thùy thái dương.
Một số vấn đề thường gặp ở tình trạng bệnh này gồm:
- Gặp khó khăn khi cần sử dụng hoặc hiểu ngôn ngữ nói viết. Chẳng hạn như người bệnh thấy khó tìm được từ ngữ phù hợp để nói hoặc gọi tên đồ vật.
- Khó khăn khi gọi tên đồ vật. Có thể người bệnh sẽ cố mô tả tên đặc trưng của một vật gì đó bằng một từ ngữ thay thế.
- Không còn khả năng hiểu nghĩa của từ
- Khó khăn, chậm chạp khi nói. Có thể phát ra những âm thanh như tiếng điện thoại.
- Có thể lẫn lộn trong lúc xây dựng một câu hoàn chỉnh.
Rối loạn chuyển động:
Các dạng hiếm hơn của chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương được đặc trưng bởi các vấn đề về vận động, tương tự như các bệnh liên quan đến Parkinson hoặc xơ teo cứng một bên.
Dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến rối loạn vận động có thể bao gồm:
- Rung lắc
- Cứng chi
- Co thắt cơ bắp
- Giảm khả năng phối hợp động tác
- Khó nuốt
- Yếu cơ
- Không thể cười hay khóc đúng lúc
Nguyên nhân sa sút trí tuệ trán – thái dương là gì?
Ở người bị sa sút trí tuệ trán – thái dương, các thùy này co lại. Ngoài ra, còn có sự tích tụ một số chất nhất định trong não. Thông thường, nguyên nhân gây ra tình trạng này không rõ.
Một loạt các đột biến trên một số gen khác nhau có liên quan đến một số dạng sa sút trí tuệ trán – thái dương. Tuy nhiên, hơn một nửa số người mắc chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương không có tiền sử gia đình mắc chứng mất trí nhớ. Một số nghiên cứu gần đây xác nhận rằng có một mối tương quan giữa đột biến một số gen và phân tử với tình trạng sa sút trí tuệ thùy trán- thái dương và xơ teo cứng một bên (ALS). Tuy vậy, cần thêm nhiều nghiên cứu để làm rõ mối quan hệ này.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ trán – thái dương?
Bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu gia đình có tiền sử mắc chứng mất trí nhớ. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định thêm các yếu tố nguy cơ khác.
Chẩn đoán sa sút trí tuệ trán – thái dương như thế nào?
Không có xét nghiệm chuyên biệt nào có thể xác định chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương. Vì vậy các bác sĩ cố gắng xác định các đặc điểm của bệnh trong khi loại trừ các nguyên nhân có thể khác. Bệnh này có thể đặc biệt khó khăn để chẩn đoán trong giai đoạn đầu. Lúc này các triệu chứng của sa sút trí tuệ trán – thái dương thường chồng chéo với các tình trạng bệnh khác.
Xét nghiệm máu giúp ích như thế nào?
Bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm máu để xác định các triệu chứng của bạn có phải do các tình trạng sức khỏe bất ổn định gây ra không, chẳng hạn như bệnh lí gan hoặc thận.
Đánh giá chất lượng giấc ngủ:
Một số triệu chứng của bệnh Ngưng thở khi ngủ (OSA) cũng có thể làm suy giảm khả năng ghi nhớ cũng như suy nghĩ và thay đổi hành vi. Các triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với bệnh sa sút trí tuệ thùy trán- thái dương. Nếu như bạn có bất kì triệu chứng gì của bệnh ngưng thở khi ngủ (như ngáy to hay ngưng thở lúc ngủ), bác sĩ sẽ đánh giá lại quá trình giấc ngủ của bạn để chẩn đoán xác định hay loại trừ.
Thăm khám thần kinh:
Đôi khi, bác sĩ có thể thực hiện một đánh giá sâu hơn về khả năng lý luận và ghi nhớ của bạn. Loại xét nghiệm này đặc biệt hữu ích để giúp bác sĩ xác định nguyên nhân mất trí nhớ trong giai đoạn đầu bệnh.
Scan sọ não:
Bằng cách quan sát hình ảnh của não, các bác sĩ có thể xác định được bất kỳ dấu hiệu bất thường. Chẳng hạn như có cục máu đông, xuất huyết hoặc có khối u. Những nguyên nhân này có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bệnh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp tạo ra hình ảnh chi tiết về bộ não.
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET). Trong chụp PET, bác sĩ sẽ tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ liều thấp vào tĩnh mạch để giúp nhìn thấy sự chuyển hóa đường huyết trong não. Nhờ vậy có thể phát hiện những vùng não giảm khả năng chuyển hóa và từ đó sẽ biết được vùng não nào đang bị suy thoái. Thông qua đó sẽ chẩn đoán được thể bệnh gây sa sút trí tuệ.
Những phương pháp nào giúp điều trị?
Chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương không có điều trị đặc hiệu. Những loại thuốc giúp điều trị Alzheimer’s cũng không giúp ích cho người mắc bệnh lý này, thậm chí còn làm bệnh nặng hơn. Các loại thuốc dưới và trị liệu ngôn ngữ có thể giúp kiểm soát triệu chứng của bệnh
Thuốc điều trị gồm những gì?
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như trazodone. Thuốc có thể làm giảm các vấn đề hành vi liên quan đến chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương. Các chất ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI) – như sertraline (Zoloft) hoặc fluvoxamine (Luvox) – cũng có hiệu quả ở một số người.
- Thuốc chống loạn thần: Thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như olanzapine (Zyprexa) hoặc quetiapine (Seroquel). Đôi khi chúng được sử dụng để điều trị các vấn đề rối loạn hành vi của bệnh này. Tuy nhiên, những thuốc này phải được sử dụng thận trọng vì có thể gia tăng nguy cơ tử vong.
Trị liệu:
Những người gặp khó khăn về ngôn ngữ có thể thực hiện trị liệu ngôn ngữ để học cách giao tiếp hiệu quả hơn.
Những biện pháp nào giúp bạn kiểm soát chứng sa sút trí tuệ trán – thái dương?
Khi bệnh tiến triển, bạn có thể cần người chăm sóc. Họ sẽ hỗ trợ bạn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ sẽ trao đổi thêm với bạn về việc thay đổi lối sống. Chẳng hạn như khi nào bạn nên dừng lái xe hoặc nhờ ai đó giúp bạn quản lí tài chính.
Thường xuyên tập các bài bổ trợ cho tim mạch cũng có thể giúp cải thiện tâm trạng và khả năng tư duy của bạn
Bạn cũng có thể sắp xếp đồ đạc trong nhà. Việc này giúp bạn sinh hoạt dễ dàng hơn và giảm nguy cơ chấn thương, chẳng hạn như loại bỏ thảm.
Người chăm sóc có thể giảm các vấn đề rối loạn hành vi bằng cách thay đổi cách họ tương tác với người bệnh, ví dụ như:
- Tránh các sự kiện hoặc hoạt động kích hoạt hành vi không mong muốn
- Dự đoán nhu cầu và đáp ứng kịp thời
- Tạo một môi trường yên tĩnh
- Đơn giản hóa công việc hằng ngày
- Đánh lạc hướng sự chú ý các vấn đề rối loạn hành vi.
Thông tin dành cho người nhà bệnh nhân:
Chăm sóc người mắc sa sút trí tuệ thùy trán- thái dương thực sự rất khó khăn. Tuy vậy, việc nhận thức về các triệu chứng bệnh có thể giúp ích cho quá trình chăm sóc người bệnh.
Thực sự cần sự đồng lòng của các thành viên trong gia đình, bạn bè và các tổ công tác xã hội trong hành trình giúp đỡ người bệnh. Vì đây là cả một hành trình dài và đầy thử thách, người chăm bệnh cũng cần ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục và giảm căng thẳng.
Nói tóm lại, chứng sa sút trí tuệ thùy trán- thái dương là một bệnh lí thần kinh. Triệu chứng bệnh rất đa dạng. Hệ quả bệnh là sự suy giảm chất lượng sống người mắc. Người nhà và cộng đồng cần cùng nhau giúp người bệnh vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu thấy bài viết trên hay và hữu ích, bạn hãy chia sẽ cho người xung quanh nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/frontotemporal-dementia/symptoms-causes/syc-20354737