Những điều bạn cần phải biết về tăng huyết áp khẩn cấp
Nội dung bài viết
Tăng huyết áp là bệnh mãn tính mà hiện nay rất nhiều người mắc phải. Trong một vài trường hợp, huyết áp có thể tăng đột ngột đến mức cấp tính. Đây gọi là cơn tăng huyết áp và cần được theo dõi và xử trí kịp thời. Thống kê cho thấy khoảng 1 – 7% số người mắc bệnh tăng huyết áp đứng trước nguy cơ bị cơn tăng huyết áp bất kỳ lúc nào.
Trong cơn tăng huyết áp, người ta chia thành 2 trường hợp: tăng huyết áp khẩn cấp và tăng huyếp áp cấp cứu. Trong cả 2 trường hợp, huyết áp tăng đột ngột đến mức cấp tính. Hai trường hợp được phân biệt bằng việc có hoặc không có tổn thương cơ quan trong cơ thể. Người bệnh cần được đưa đến bác sĩ lập tức để có hướng xử trí thích hợp.
Tăng huyết áp ở mức nào thì gọi là khẩn cấp?
Tăng huyết áp khẩn cấp là khi chỉ số huyết áp đo được >180/110 mmHg. Tuy nhiên, với tăng huyết áp khẩn cấp, huyết áp tăng rất cao nhưng chưa có tổn thương bên trong cơ thể. Người bị cơn tăng huyết áp có thể có các triệu chứng như:
- Đau đầu
- Khó thở, mệt mỏi
- Chảy máu mũi
- Bồn chồn, lo lắng
So với tăng huyết áp cấp cứu, trường hợp này không đến mức đe dọa tính mạng vì tuy huyết áp tăng rất cao nhưng chưa có tổn thương bên trong cơ thể. Thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giúp giảm và ổn định mức huyết áp.
Cơn tăng huyết áp được gọi là tăng huyết áp cấp cứu khi huyết áp cao đến mức phá hủy các cơ quan. Để xác định cơn tăng huyết áp là khẩn cấp hay cấp cứu, các bác sĩ cần làm thêm các xét nghiệm để đánh giá thương tổn các cơ quan trong cơ thể. Các xét nghiệm này bao gồm: xét nghiệm máu và nước tiểu, soi đáy mắt, chụp CT vùng đầu.
Tại sao huyết áp lại tăng đột ngột đến mức khẩn cấp?
1. Không phát hiện và điều trị bệnh tăng huyết áp kịp thời
Tăng huyết áp là căn bệnh diễn ra âm thầm. Triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng. Vì vậy rất nhiều người không hề biết mình bị tăng huyết áp cho đến khi tình cờ phát hiện khi đi khám sức khỏe hoặc khi đột ngột có cơn tăng huyết áp khẩn cấp.
2. Bỏ bê, chủ quan không uống thuốc mỗi ngày
Tăng huyết áp là bệnh mãn tính. Khi đã uống thuốc tăng huyết áp, người bệnh cần phải uống thuốc đều đặn mỗi ngày và duy trì đến suốt đời. Có nhiều lí do khiến nhiều người không uống thuốc như: quên uống, quên mang theo thuốc khi đi du lịch, hết thuốc, tự ý ngưng thuốc khi huyết áp đã ổn định được một thời gian,…Đây là nguyên nhân khiến huyết áp không được kiểm soát và dẫn đến cơn tăng huyết áp khẩn cấp.
3. Không đi tái khám và đo huyết áp thường xuyên
Đôi khi loại thuốc bạn đang uống có thể không hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp. Vì vậy, việc tái khám là rất cần thiết để đánh giá xem rằng huyết áp của bạn có đang được kiểm soát tốt hay không. Nếu không, các bác sĩ sẽ giúp bạn thay đổi thuốc và có những lời khuyên về lối sống phù hợp. Việc thay đổi lối sống lành mạnh là rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Bao gồm giảm ăn mặn, giảm stress, tập thể dục đều đặn,…
4. Sử dụng thuốc và các chất gây tăng huyết áp
Một số loại thuốc có thể làm tăng huyết áp như: thuốc ngừa thai, thuốc chống cảm cúm, thuốc kháng viêm, một số thảo dược như cam thảo, chất kích thích gây nghiện,…
5. Mắc bệnh lý kèm theo
Nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp cùng với một số bệnh lý kèm theo. Điều này có thể làm cho huyết áp không được kiểm soát và gây cơn tăng huyết áp đột ngột. Các bệnh lý có thể bao gồm:
- Bệnh của thận (suy thận viêm cầu thận, hẹp động mạch thận…);
- Phụ nữ có thai (sản giật);
- Do nội tiết (u tủy thượng thận, hội chứng cushing, u tiết renin…);
- Bệnh lý thần kinh trung ương (nhồi máu não; xuất huyết não…);
Xử trí thế nào?
Mục tiêu trong điều trị tăng huyết áp khẩn cấp là hạ huyết áp xuống dưới ≤160/100 mmHg trong vòng vài giờ đến vài ngày. Trong trường hợp huyết áp tăng rất cao nhưng chưa có tổn thương, bệnh nhân có thể được yêu cầu nghỉ ngơi yên tĩnh trong vòng 15-30 phút và tiếp tục theo dõi huyết áp. Sau đó mới cho dùng thuốc hạ huyết áp.
Thuốc có thể sử dụng là captopril đặt dưới lưỡi. Tuyệt đối không sử dụng nifedipin đặt dưới lưỡi vì có thể làm huyết áp hạ nhanh đột ngột. Thuốc cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Nói tóm lại, bệnh nhân không được tự điều trị tại nhà mà cần lập tức đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế ngay khi thấy xuất hiện những triệu chứng cơn tăng huyết áp. Tại đây bác sĩ sẽ thăm khám mức độ thương tổn (nếu có) và có biện pháp điều trị thích hợp.
Bên cạnh việc tuân thủ uống thuốc đều đặn mỗi ngày, ngay cả khi chỉ số huyết áp đã ổn định. Người bệnh huyết áp cần biết cách tự đo huyết áp ở nhà để kiểm tra tình hình mỗi ngày. Đặc biệt là cần duy trì một lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe hệ tim mạch:
- Ăn lạt, hạn chế đồ ăn mặn;
- Ăn nhiều rau xanh, trái cây;
- Hạn chế dầu mỡ động vật, đồ ăn chiên xào; nên ăn đồ ăn luộc là tốt nhất;
- Tập thể dục đều đặn khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Ngưng hút thuốc lá và tránh nhiễm khói thuốc;
- Hạn chế bia rượu: không quá 2 ly/ngày đối với nam, không quá 1 ly/ngày đối với nữ.
- Duy trì tinh thần lạc quan, tránh cảm xúc mạnh.
Dược sĩ Trần Thị Thùy Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/expert-answers/hypertensive-crisis/faq-20058491. Ngày truy cập 21/3/2019