Những tổn thương thường gặp ở môi
Nội dung bài viết
Môi là một bộ phận quan trọng, được quan tâm nhiều trên khuôn mặt, góp phần vào thẩm mỹ và chức năng ăn nhai, nói, phát âm. Với vị trí dễ quan sát và vai trò quan trọng của nó, mọi người thường dành sự quan tâm đặc biệt đến những thay đổi ở môi. Môi có cấu tạo gồm làn môi đỏ, niêm mạc môi và da môi. Những thay đổi ở môi có thể là những biến dạng bình thường, lành tính hay những tổn thương có tiềm năng ác tính. Do vậy, bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về các tổn thương thường gặp ở môi.
Các tổn thương ở môi thường gặp
Tuyến bã lạc chỗ.
Khuyết, lỗ dò ở môi bẩm sinh.
Nang niêm dịch.
Các thể viêm môi:
- Viêm môi đơn thuần.
- Dạng viêm cấp tính do ánh nắng.
- Viêm môi mạn tính ánh nắng.
Tổn thương herpes ở môi.
Tuyến bã lạc chỗ
Tuyến bã lạc chỗ ở môi và niêm mạc hay còn gọi là hạt Fordyce là một tổn thương ở môi thường gặp. Niêm mạc môi bình thường sẽ không có tuyến bã. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, khi tuyến bã lạc chỗ, hiện diện ở môi hay niêm mạc miệng. Đây là một biến dạng hoàn toàn lành tính. Tổn thương này đặc trưng bởi các hạt nhỏ, kích thước 2-3mm, chứa mủ màu vàng. Vị trí thường thấy ở môi trên và môi dưới và niêm mạc má.
Bệnh nhân thường thấy chúng xuất hiện bất ngờ . Thỉnh thoảng tổn thương dọc theo viền môi đỏ bị viêm tấy đỏ lên, đôi khi chảy mủ. Tổn thương này không cần điều trị và không là dấu hiệu của bất kì bệnh lý nào.
Khuyết môi bẩm sinh
Khuyết môi bẩm sinh là một bất thường trong quá trình phát triển, do sự hợp nhất không hoàn toàn của môi dưới.
Tổn thương thường ở môi dưới, xuất hiện hai bên và gần đường giữa. Một số trường hợp có thể kết hợp với khe hở ở môi và hàm ếch. Từ những khuyết hay xoang này thường dò nước bọt ra. Các tổn thương này thường được điều trị bằng cách cắt bỏ các xoang dò.
Nang niêm dịch
Nang niêm dịch ở mạc miệng là một khối sưng chứa nước bọt đẩy phồng niêm mạc miệng và hoàn tòan lành tính. Tuy nhiên, khi phát hiện nó, bạn cần đi khám và đặc biệt là nếu nó gây phiền nhiễu. Nguyên nhân là do chấn thương hay tắc nghẽn ống dẫn nước bọt làm nước bọt đổ ra mô xung quanh.
Biểu hiện lâm sàng
Nang niêm dịch thường xuất hiện ở niêm mạc mặt trong môi dưới, nướu, khẩu cái hoặc vùng sàn miệng. Có hai loại nang niêm dịch là nang niêm dịch do tắc nghẽn và nang nhầy do chấn thương.
Nang niêm dịch ở sàn miệng được gọi bằng một thuật ngữ riêng biệt là nang nhái do nó sưng phồng, niêm mạc phủ căng ánh màu xanh như bụng con nhái. Đây là những trường hợp hiếm gặp, nhưng vì chúng lớn hơn, chúng có thể gây ra ảnh hưởng đến các hoạt động nói, nhai và nuốt.
Nang niêm dịch có thể có những đặc điểm sau:
- Di động và không đau.
- Mềm, tròn, đẩy phồng niêm mạc miệng.
- Bề mặt nhợt nhạt hoặc hoặc có màu hơi xanh do bên trong chứa nước bọt. Nếu nang nằm sâu thì niêm mạc phủ sẽ có màu hồng bình thường.
Chẩn đoán
Nang niêm dịch có thể được chẩn đoán bằng khám lâm sàng. Bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để được thăm khám đầy đủ. Các nang niêm dịch ở môi thường có kích thước nhỏ, nên điều trị thường là cắt trọn. Tổn thương có khả năng tái phát nếu chưa được loại bỏ nguyên nhân như các kích thích, chấn thương, thói quen cắn môi hay mút má.
Viêm môi
Viêm môi là một thuật ngữ chung tình trạng viêm ở môi, gồm nhiều loại khác nhau với nguyên nhân và một loạt các biểu hiện lâm sàng.
1. Chốc mép hay viêm khóe mép
Là tình trạng viêm cấp tính hay mạn tính ở khóe mép
Bệnh sinh
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến viêm khóe mép. Nhưng tất cả đều có cùng một cơ chế: nước bọt tích tụ trong các nếp gấp ở khóe miệng và gây ra phản ứng kích thích; đây là môi trường ẩm ướt thường bị nhiễm trùng thứ phát nấm Candida albicans hoặc vi khuẩn.
Nguyên nhân
Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi, mất hết răng, làm giảm kích thước tầng mặt dưới. Nước bọt thường đọng ở khóe mép. Ở trẻ sơ sinh do nước bọt tiết ra nhiều. Những người có nguy cơ bị tình trạng này cao gồm những người có lưỡi lớn, không khép miệng kín được, nước bọt thường trào ra khóe mép hay găp ở người bị suy giáp bẩm sinh và Hội chứng Down. Ở trẻ lớn, đặc biệt là những trẻ bị viêm da cơ địa, nhiễm liên cầu khuẩn có thể là nguyên nhân. Ở người cao tuổi, hàm giả được làm sai kích thước làm ảnh hưởng đến sự thư giãn tự nhiên của môi và da quanh môi đều dẫn đến chảy nước dãi, đặc biệt là vào ban đêm.
Viêm khóe mép cấp tính thường thường sau các điều trị nha khoa kéo dài mà bệnh nhân phải há miệng lớn trong thời gian dài và khóe mép bị tổn thương các dụng cụ nha khoa. Trong trường hợp này, tổn thương thường ở một bên trong khi trong các trường hợp khác, viêm khóe mép thường là hai bên.
Sau khi đã loại trừ nguyên nhân cơ học và Candida albicans, tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất trầm trọng có thể dẫn đến viêm khóe mép là một nguyên nhân càn được xem xét. Viêm khóe mép phổ biến hơn ở người có chứng cuồng ăn (bulimia) do những chấn thương ở miệng do ăn liên tục. Thói quen liếm khóe mép làm tình trạng này trở nên trầm trọng hơn.
Xem thêm: Nhiễm nấm Candida: Nguyên nhân, nhận biết và điều trị bệnh
Biểu hiện lâm sàng
Khóe mép đỏ và có những vết nứt nhỏ. Dần dần ban đỏ lan rộng và các vết nứt trở nên sâu hơn. Cuối cùng, phát triển thành các khe nứt sâu, rỉ dịch vàng hay đóng mài. Dịch vàng gợi ý nguyên nhân do nhiễm liên cầu khuẩn, trong khi khóe mép có màu trắng gợi ý tình trạng viêm khóe méo do nhiễm C. albicans.
Điều trị
Cần loại bỏ các yếu tố cơ học và nguyên nhân tại chỗ. Bệnh nhân cần được khám, tư vấn và điều chỉnh hàm giả nếu hàm giả làm sai kích thước làm để làm giảm nếp gấp ở khóe miệng và cũng giảm chảy nước bọt. Nếu nguyên nhân được xác định là do liên cầu khuẩn, phải chỉ định kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân.
2. Viêm môi đơn thuần
Là tình trạng viêm cấp tính hoặc mãn tính của môi.
Nguyên nhân và bệnh sinh
Hầu hết viêm môi là do nguyên nhân từ bên ngoài. Nguyên nhân phổ biến nhất là do khô hoặc nứt nẻ sau khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng hay các hóa chất. Viêm môi tiếp xúc và viêm môi kích thích do tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Các sản phẩm như son môi, vật liệu nha khoa và thuốc, đặc biệt là các sản phẩm được sử dụng để điều trị herpes do các sản phẩm này không được điều chế để sử dụng ở môi.
Nhiều bệnh nhân có tật liếm môi hay liên tục liếm môi để giữ ẩm. Tuy nhiên việc này càng dẫn đến kích ứng và khô môi. Một số trẻ em nhai môi, mút môi dưới gây ra viêm môi và ban đỏ xung quanh.
Biểu hiện lâm sàng: môi đỏ, nứt nẻ và khô, có thể đau, tróc da môi. Điều trị thường là giữ ẩm cho môi và điều trị đau nếu cần, loại bỏ các yếu tố nguyên nhân tại chỗ
3. Viêm môi cấp tính do tia nắng mặt trời
Môi được bao phủ bởi niêm mạc, đồng thời môi thiếu sắc tố bảo vệ. Môi dưới tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời so với môi trên. Đặc trưng của viêm môi cấp tính do tia nắng mặt trời là môi đỏ và sưng. Thỉnh thoảng môi xuất hiện mụn nước sau khi tiếp xúc với ánh nắng có thể chỉ sau vài giờ.
Điều trị: Thuốc mỡ corticosteroid từ thấp đến trung bình và sau đó dùng son với kem chống nắng thường khá hiệu quả.
4. Viêm môi do tia nắng mạn tính
Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu là do tiếp xúc với tia nắng mặt trời. Tuy nhiên, viêm môi mạn tính do tia nắng mặt trời lại có tiềm năng phát triển thành ung thư biểu mô tế bào vảy. Tổn thương này thường gặp ở những người có nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng như nông dân, thủy thủ và công nhân ngoài trời, đặc biệt là ở người da trắng, thời gian tiếp xúc lâu dài như ở vung nhiệt đới. Tổn thương thường gặp ở môi dưới. Viền môi mờ, không rõ ràng, teo, màu trắng.
Điều trị
Tổn thương cần được khám và chẩn đoán sớm do nguy cơ tiến triển thành ung thư. Để tránh tình trạng này, bạn bắt buộc phải chống nắng và theo dõi định kỳ 6 tháng một lần.
Tổn thương do Herpes ở môi
Herpes ở miệng là một bệnh lý nhiễm trùng do virus. Tổn thương phổ biến đặc trưng bởi sự xuất hiện của những dề hay chùm mụn nước ở môi, da quanh miệng và trong miệng. Sau đó mụn nước vỡ ra, đóng mài màu vàng. Các vết loét thường lành trong hai đến ba tuần mà không để lại sẹo.
Nguyên nhân
Tổn thương do Herpes ở miệng thường do một số chủng virus Herpes simplex (HSV) gây ra. HSV-1 thường gây ra các tổn thương ở vùng đầu mặt. HSV-2 thường gây ra mụn rộp vùng sinh dục. Nhưng trong một số trường hợp, HSV-2 có thể gây ra các tổn thương vùng mặt và HSV-1 có thể lan sang mặt hoặc bộ phận sinh dục thông qua tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng.
Các tổn thương do herpes dễ lây nhất ở giai đoạn mụn nước. Lúc này, vi-rút dễ dàng lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể bị nhiễm bệnh. Nhưng bạn có thể lây vi-rút ngay cả khi bạn không có mụn nước. Nhiều người bị nhiễm vi rút mà không phát hiện các dấu hiệu và triệu chứng.
Điều trị
Hiện nay chưa có điều trị đặc hiệu điều trị đối với tổn thương do herpes ở miệng. Chủ yếu là điều trị triệu chứng và làm giảm sự trầm trọng của sang thương xuất hiện. Thuốc chống vi-rút dùng theo đường uống hoặc bôi có thể giúp vết loét mau lành hơn. Chúng có thể làm giảm tần suất, thời gian và mức độ nghiêm trọng của các tổn thương sắp xuất hiện.
Khi nào đi khám bác sĩ
Các vết loét do herpes thường hết mà không cần điều trị. Bạn cần đến khám bác sĩ nếu:
- Bạn có bệnh toàn thân hoặc có tình trạng suy giảm miên dịch.
- Các vết loét không lành trong vòng hai tuần.
- Triệu chứng trở nên trầm trọng hơn.
- Bạn thường xuyên bị herpes.
- Bạn cảm thấy khó chịu trong mắt.
Tóm lại, các tổn thương ở môi cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt để có được chẩn đoán chính xác và hướng điều trị phù hợp.
Ung thư môi là một loại ung thư xuất hiện tại vùng môi. Nó có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào dọc theo môi trên và môi dưới, nhưng phổ biến nhất là ở môi dưới. Ung thư môi được coi là một loại ung thư miệng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Braun-Falco, O., Plewig, G., Wolff, H.H. and Burgdorf, W.H., 2000. Diseases of the Lips and Oral Mucosa. In Dermatology (pp. 1163-1194). Springer, Berlin, Heidelberg.
-
Oral Mucous Cysthttps://www.webmd.com/oral-health/guide/mucocele-causes-symptoms-and-treatment
Ngày tham khảo: 09/07/2020
-
Cold sore (Symptoms & causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cold-sore/symptoms-causes/syc-20371017
Ngày tham khảo: 09/07/2020
-
Oral Mucous Cysthttps://www.webmd.com/oral-health/guide/mucocele-causes-symptoms-and-treatment
Ngày tham khảo: 09/07/2020