Peel da là gì?
Nội dung bài viết
Peel da là xu hướng làm đẹp rất phổ biến hiện nay. Phương pháp này không xâm lấn và có thể giải quyết được nhiều khuyết điểm của làn da. Chính những ưu điểm này mà được nhiều chị em rất yêu thích. Vậy peel da là gì và nó có công dụng ra sao? Trong bài viết này, Bác sĩ chuyên khoa Da liễu Võ Thị Ngọc Hiền sẽ giúp các bạn hiểu được bản chất và lợi ích của phương pháp peel da.
1. Peel da là gì?
Lão hóa da không chỉ xảy ra khi bạn 50 hay 70 tuổi mà nó có thể bắt đầu từ rất sớm. Khi đó, da của bạn dần mất đi sự đều màu, săn chắc và trở nên chảy xệ, sạm nám và có nhiều nếp nhăn. Có nhiều phương pháp làm đẹp ra đời nhằm níu giữ nét đẹp tuổi thanh xuân. Trong đó phương pháp peel da được nhiều người lựa chọn nhờ vào các ưu điểm của nó.
Peel da (Chemical Peel) hay còn gọi là tái tạo da bằng hóa chất, là kỹ thuật sử dụng chất hóa học để phá hủy nhằm loại bỏ lớp tế bào ngoài cùng của da bị hư hỏng. Sau đó, lớp da cũ này sẽ được tái tạo và thay thế giúp đem lại một làn da mới.
Chemical peel giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của da. Trong đó phải kể đến hiệu quả điều trị mụn trứng cá, thâm mụn và sạm nám. Tuy nhiên, giới hạn của phương pháp này là để lại sẹo xấu hay tăng sắc tố da (thâm, sạm nhiều hơn) khi không tuân thủ đúng quy trình thực hiện.
Các loại hóa chất dùng để peel da?
Các loại hóa chất sử dụng trong quy trình peel là các acid. Tuy là acid nhưng nó không quá nguy hiểm như tên gọi. Các loại acid này phần lớn có nguồn gốc từ trái cây và có nồng độ phù hợp với làn da mỏng manh của chúng ta. Cụ thể là:
1. Alpha Hydroxy Acid (AHA)
Có 5 loại acid được chiết xuất từ trái cây. Nhóm AHA giúp làm bong các tế bào ở bề mặt, thông thoáng lỗ chân lông, làm sáng da và hỗ trợ trị nám.
- Citric acid: được chiết xuất từ chanh, cam và quả quýt.
- Glycolic acid: được chiết xuất từ mía, có thể làm bong lớp tế bào bên ngoài và kích thích tăng sinh collagen.
- Malic acid: được chiết xuất từ quả táo, có thể đẩy chất nhờn ra bên ngoài giúp làm thông thoáng lỗ chân lông và giảm mụn.
- Tartaric acid: được chiết xuất từ quả nho, giúp bong lớp tế bào bên ngoài nhẹ nhàng.
- Lactic acid: được chiết xuất từ sữa chua hay từ quả việt quất.
2. Beta Hydroxy Acids (BHAs)
Là một nhóm hợp chất thơm trong đó Salicylic acid (SA) là đại diện. SA là một acid tan trong dầu, vì vậy nó thể thẩm thấu dễ dàng vào trong các lỗ chân lông và tuyến bã nhờn. SA được sử dụng cho da bị mụn trứng cá hay da dầu.
3. Trichloacetic Acid (TCA)
Có thể được pha chế với nhiều nồng độ khác nhau tùy vào mức độ tác động đến độ sâu nào của da. TCA được sử dụng điều trị sắc tố (sạm nám), nếp nhăn và giúp trẻ hóa da. TCA cũng được sử dụng trong điều trị sẹo lõm nhờ tác dụng kích thích tăng sinh collagen.
4. Dung dịch Jessner
Là sự kết hợp giữa Salicylic acid, Lactic acid và Resorcinol. Sự kết hợp này giúp cộng gộp tác dụng điều trị của từng acid riêng lẽ với nhau.
Công dụng của peel da?
Peel da là phương pháp làm đẹp đơn giản nhưng giúp giải quyết nhiều khuyết điểm của làn da như:
- Rối loạn sắc tố da: Chemical peel giúp làm mờ nám, tàn nhang và làm đều màu da. Ngoài ra nó còn giúp điều trị quầng thâm mắt.
- Mụn trứng cá: Chemical peel có hiệu quả cao trong điều trị mụn. Peel da giúp giảm nhanh các cồi mụn và mụn viêm. Các loại acid trái cây còn giúp làm thu nhỏ lỗ chân lông và giảm các vết thâm mụn. Đặc biệt TCA còn được sử dụng trong điều trị sẹo rỗ do mụn trứng cá để lại.
- Trẻ hóa: là công dụng nổi bật của Chemical peel. Nó giúp xóa các nếp nhăn nhỏ li ti, kích thích tăng sinh collagen và tăng sự đàn hồi cho da.
Peel da có giống tẩy tế bào chết không?
Peel da và tẩy tế bào chết có điểm chung là khả năng loại bỏ lớp tế bào cũ và thay thế bằng tế bào mới. Tuy nhiên vẫn có điểm khác nhau giữa hai phương pháp này đó là:
Tẩy tế bào chết | Peel da | |
Tác động | Chỉ loại bỏ tế bào chết ở bề mặt nông của da. | Loại bỏ tế bào chết ở bề mặt nông của da.
Tác động đến các lớp sâu bên dưới của da. |
Hiệu quả | Thông thoáng lỗ chân lông.
Bề mặt da mịn màng. |
Thông thoáng, se khít lỗ chân lông.
Bề mặt da mịn màng. Giảm sạm nám, tàn nhang. Tăng sinh collagen, giảm nếp nhăn li ti. |
Cách thực hiện | Có thể tự thực hiện tại nhà. | Thực hiện bởi nhân viên đã qua huấn luyện. |
Vậy có thể hiểu là Chemical peel là mức độ “chuyên nghiệp” hơn so với tẩy tế bào chết. Tùy vào nộng độ và thời gian tác dụng của hóa chất mà phương pháp peel tác động đến các lớp da bên dưới. Ngoài ra nó còn có khả năng giải quyết nhiều vấn đề của da hơn là so với tấy tế bào chết.
Một điểm khác biệt nữa chính là bạn không có thể tự tẩy tế bào chết tại nhà nhưng peel da phải được thực hiện bởi nhân viên có chuyên môn.
Chemical peel hay tái tạo da bằng hóa chất là phương pháp làm đẹp đơn giản và hiệu quả. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại acid và nồng độ phù hợp với từng tình trạng da của mỗi người. Để hiểu hơn quy trình peel da diễn ra như thế nào, các bạn hãy cùng YouMed tìm hiểu nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Peel da, Thẩm mỹ nội khoa, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM.