Lần đầu làm cha mẹ, bạn đã hiểu rõ về quá trình phát triển của thai nhi qua từng tuần?
Nội dung bài viết
Có con là niềm hạnh phúc vô bờ bến của các bậc làm cha mẹ. Tuy nhiên áp lực của việc mang bầu cũng không hề nhỏ, đặc biệt đối với những người mẹ. Vì vậy việc hiểu rõ thai kỳ phát triển như thế nào qua từng tuần là rất quan trọng và hữu ích để mẹ bầu có kế hoạch chăm sóc thai nhi cũng như bản thân một cách thích hợp.
Nếu bạn lần đầu làm cha mẹ, hẳn sẽ rất tò mò về từng giai đoạn phát triển của đứa bé bên trong. Việc hiểu rõ về quá trình phát triển của thai nhi sẽ rất hữu ích để các mẹ có các chăm sóc thai nhi và bản thân phù hợp. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về từng giai đoạn trong quá trình phát triển của thai nhi nhé.
1. Tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu)
Ba tháng đầu thai kỳ là khoảng thời gian vô cùng quan trọng vì đây là khoảng thời gian thai nhi bắt đầu hình thành những bộ phận quan trọng nhất. Hãy cùng tìm hiểu quá trình phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu.
Tuần thứ 1-3
Qua dấu hiệu trễ kinh và sử dụng que thử thai, các mẹ có thể xác định việc thai nhi đã được hình thành. Lúc này, em bé bắt đầu “định cư” trong bụng mẹ. Nhau thai giống như nền móng của “căn nhà” em bé ở, tế bào nhau thai sẽ bám rễ vào niêm mạc tử cung của mẹ. Nhờ vậy mà em bé có thể sử dụng được oxy và dinh dưỡng của người mẹ.
Tuần thứ 4
Phôi thai lúc này sẽ có 3 lớp: lớp ngoài, lớp giữa, lớp trong. Mỗi lớp sẽ phát triển thành các cơ quan khác nhau. Cụ thể:
- Lớp ngoài là nguồn gốc của bộ não, xương cột sống và tủy sống, dây thần kinh, da, lông, tóc, móng, tuyến mồ hôi, men răng.
- Lớp giữa sẽ tạo nên tim và hệ mạch máu. Hoạt động của tim bắt đầu xuất hiện. Xương, sụn, cơ của em bé cũng từ lớp này mà ra.
- Lớp trong hình thành nên 2 lá phổi, ruột, lá gan, tuyến giáp, tuyến tụy và hệ thống đường tiểu.
Tuần thứ 5
Bộ mặt của bé bắt đầu hình thành với mắt, mũi, miệng. Tai và nhịp tim của bé đã có thể đo được vào thời điểm này.
Tuần thứ 6
Hình thành sơ khởi hệ hô hấp và hệ tiêu hóa. Lúc này thai nhi có kích thước cỡ 2-4 mm. Bé lúc này đã lớn bằng hạt đậu lăng rồi nhé.
Tuần thứ 7
Dây rốn xuất hiện để thu thập dinh dưỡng và loại bỏ đi các chất thải ra môi trường nước ối xung quanh.
Tuần thứ 8
Kích thước thai lúc này dài khoảng 2.5 cm. Chưa xác định được giới tính vào lúc này dù cho cơ quan sinh dục bắt đầu xuất hiện.
Tuần thứ 9
Cơ thể em bé từ từ duỗi thẳng ra và không còn cong như trước. Bộ phận sinh dục rõ ràng hơn trước.
Tuần thứ 10
Bộ não phát triển mạnh mẽ. Kích thước em bé lúc này đã là 4cm cùng với bộ xương chắc khỏe hơn. Bé đã lớn bằng một quả nho rồi.
Tuần thứ 11
Cử động ngón tay trở nên linh hoạt và ngón chân cũng vậy. Nước tiểu bắt đầu được hình thành từ thận và chứa ở bọng đái. Các đoạn tiếp nối của thần kinh trong não cũng được hình thành.
Tuần thứ 12
Thai có sự tăng trưởng rõ rệt hơn các tuần trước đó. Bắt đầu xuất hiện các phản ứng của bé với tác động từ bên ngoài.
2. Tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa)
Đây là khoảng thời gian tương đối dễ chịu của các mẹ bầu. Lúc này tình trạng nghén của mẹ sẽ không còn nữa và mẹ có thể cảm nhận được những cử động của thiên thần nhỏ trong bụng. Quá trình phát triển của thai nhi trong 3 tháng giữa như sau:
Tuần thứ 13
Các cơ quan bắt đầu làm phận sự của mình: gan tiết ra mật, lách tạo nên các tế bào gốc của máu, thận chiết lọc nước tiểu và đẩy vào môi trường ối quanh bé.
Tuần thứ 14
Mắt của em bé có những phản xạ với ánh sáng. Nước ối đi vào và đi ra khỏi cơ thể bé nhờ em bé thở và nuốt.
Tuần thứ 15
Da của bé lúc này vẫn khá mỏng nên có thể quan sát được mạch máu bên dưới. Đến lúc này thì cha mẹ có thể biết được bé yêu là con trai hay con gái.
Tuần thứ 16
Bé có thể giữ đầu thẳng. Cần cung cấp cho bé đủ canxi ở giai đoạn này để đảm bảo sự phát triển đều đặn.
Tuần thứ 17
Thai lúc này dài cỡ 12 cm và cân nặng cỡ 100g. Bé tiếp tục lấy oxy dinh dưỡng từ nhau thai, lúc này đã khá dày.
Tuần thứ 18
Chân tay cử động co duỗi nhiều hơn và bé bắt đầu mọc tóc. Điều đặc biệt là bé bắt đầu nghe được mẹ nói chuyện nên lúc này ta có thể kể chuyện cho bé nghe.
Tuần thứ 19 – 20
Thai nhi tiếp tục hoàn thiện với việc hình thành phản xạ thần kinh và cơ quan sinh dục cũng trở nên phát triển hơn
Tuần thứ 21 – 22
Gần đạt được hình dạng hoàn chỉnh. Các giác quan ngày càng phát triển. Bộ da được phủ hoàn toàn bởi lông. Bé thể hiện được cảm xúc qua các cử động nhăn nhó, mút tay.
Tuần thứ 23 – 24
Mẹ bắt đầu cảm nhận rõ những cú đạp của con mình vì thai lúc này rất chịu khó co duỗi thân mình và chiều dài của bé lúc này đã đạt tới 34 cm
Tuần thứ 25 – 26
Hệ thần kinh đã trở nên nhạy bén hơn, do đó cha mẹ nên siêng năng trò chuyện và mở nhạc cho bé nghe nhiều hơn.
Tuần thứ 27 – 28
Quá trình phát triển của thai nhi vẫn luôn tiếp tục. Cân nặng lúc này của thai đã đạt mốc 1 kg. Hệ thần kinh cũng hoàn thiện hơn. Mắt em bé lúc này đã mở ra được và cảm nhận được ánh sáng.
3. Tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối)
Tuần thứ 29 – 30
Thai nhi ngày càng to ra và mẹ bầu sẽ cảm nhận rõ điều này. Thai bắt đầu chạm tới mốc 1,5 kí.
Tuần thứ 31 – 32
Thận vẫn tiếp tục hoạt động tạo nước tiểu và thể tích nước ối lúc này là cỡ 1 lít. Da của bé cũng bớt nhăn và bộ xương cứng chắc hơn.
Tuần thứ 33 – 34
Gần đạt tới thời điểm mà ta gọi là “sinh đủ tháng”. Bé lúc này có thể gần đủ khả năng để sống ở bên ngoài cơ thể mẹ.
Tuần thứ 35 – 36
Khối lượng thai gia tăng nhanh chóng, mỗi tuần tăng nửa cân, chuẩn bị để đạt tới ngưỡng 3kg. Tóc của bé cũng dài hơn. Mọi cơ quan lúc này có thể được xem là đầy đủ chức năng để hoạt động độc lập.
Tuần thứ 37 – 38
Thai nhi đã dài được 50 cm, sẵn sàng để chào đón thế giới bên ngoài
Tuần thứ 39 – 40
Em bé lúc này chiếm trọn lòng tử cung, điều này khiến cho dây rốn sẽ dồn lại 1 cục hoặc quấn quanh thai nhi. Đây là thời điểm hoàn hảo để em bé chào đời. Nếu em bé vẫn chưa chịu ra thì có khi bác sĩ phải kích thích để mẹ sanh em vì để quá lâu có thể ảnh hưởng xấu đến bé.
9 tháng 10 ngày là một thời gian khá dài với mẹ bầu. Đi cùng với sự mong mỏi con mình chào đời là bao nỗi khó khăn về thể xác lẫn tinh thần. Hiểu được quá trình phát triển của thai nhi sẽ giúp mẹ cảm nhận được sự nặng nề mình đang mang đó chính là dấu hiệu con trẻ đang trưởng thành và lớn lên. YouMed chúc các mẹ bầu thành công trong giai đoạn quan trọng này của cuộc đời và có sự chuẩn bị thật tốt trong suốt quá trình phát triển của thai nhi.
Dược sĩ Trần Thị Thuỳ Linh
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.