Ra dịch màu hồng khi mang thai có nguy hiểm không?
Nội dung bài viết
Ra dịch nhầy màu hồng khi mang thai đôi khi khiến mẹ lo sợ. Mẹ sẽ tự đặt câu hỏi như liệu sức khỏe em bé có đang tốt không? Tôi nên làm gì tốt nhất? Trên thực tế, ra dịch hồng khi mang thai lại là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, nếu đi kèm theo những dấu hiệu bất thường khác, dịch âm đạo màu hồng lại là một dấu hiệu cảnh báo mẹ cần phải đi khám ngay. Vậy trong trường hợp nào là bình thường? Trường hợp nào mẹ cần đến cơ sở Sản phụ khoa? Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ chia sẻ với mẹ bầu ở bài viết này.
Quá trình cấy phôi vào thành tử cung
Ra dịch nhầy màu hồng khi mang thai có nguy hiểm? Trước tiên bạn cần hiểu về quá trình cấy phôi vào thành tử cung để có thể hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Ở tuần thai thứ 4, hợp tử được tạo ra từ một trứng và một tinh trùng sẽ phát triển thành phôi và di chuyển vào buồng tử cung. Lúc này phôi sẽ bám sâu và cấy vào thành tử cung. Vì niêm mạc tử cung mạch máu rất nhiều, phôi cấy sâu vào có thể sẽ rỉ một ít máu. Máu trộn lẫn với huyết trắng sẽ ra dịch nhầy màu hồng.
Hầu hết lúc này người phụ nữ chưa biết mình có thai. Một số người mẹ sẽ lầm tưởng dịch màu hồng là điểm báo hiệu mẹ sắp hành kinh. Thường mẹ sẽ nghi ngờ mình có thai khi kinh nguyệt trễ hơn vài tuần so với bình thường. Lúc này, thường thai đã được 6 đến 7 tuần thai.
Ở cuối tuần thứ 2, sau khi trứng rụng, tinh trùng có cơ hội sẽ xâm nhập vào trứng ở 1/3 ngoài của vòi trứng. Tuần mang thai thứ 4, phôi nang gắn chặt vào thành tử cung và tiếp tục phát triển. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo: Mang thai tuần 4: Mẹ cần biết gì?
Nguyên nhân gây tình trạng ra dịch hồng khi mang thai
Do kích thích cổ tử cung
Khi mang thai, cổ tử cung sẽ kéo dài ra tạo thành kênh cổ tử cung chứa nhiều mạch máu. Vì thế khi cổ tử cung bị kích thích, sẽ chảy một ít máu ra ngoài tạo. Khi đó, máu hòa lẫn với dịch tiết âm đạo thành dịch nhầy màu hồng hoặc những đốm đỏ trên quần.
Việc mẹ bầu ra dịch hồng trong trường hợp này là không đáng lo. Tuy nhiên, thai phụ cũng không được chủ quan. Bạn cần nắm những nguyên nhân khiến cổ tử cung bị kích thích sau:
1. Quan hệ khi mang thai
Trên thực tế mẹ vẫn có thể quan hệ khi mang thai trừ 3 tháng cuối thai kỳ. Đôi khi việc quan hệ sẽ kích thích cổ tử cung và tạo ra dịch nhầy màu hồng hoặc hồng nâu. Nếu mẹ thắc mắc quan hệ khi mang thai có an toàn không? Và những lưu ý khi quan hệ trong thai kỳ.
2. Tổn thương do những lần khám thai
Trong những lần khám thai, bác sĩ có thể sử dụng một số dụng cụ đi sâu vào âm đạo thai phụ điểm kiểm tra. Ví dụ như: Siêu âm qua ngã âm đạo, kiểm tra bằng dụng cụ giống mỏ vịt. Những dụng cụ này sẽ có thể kích thích cổ tử cung, hoặc thành tử cung có thể bị tổn thương một ít. Việc kiểm tra có thể rỉ ra một ít máu sẽ tạo ra dịch nhầy màu hồng âm đạo.
3. Do nhiễm trùng đường sinh dục
Thông thường viêm cổ tử cung không biểu hiện ra bên ngoài. Vì thế đa số bệnh được chẩn đoán là do phát hiện tình cờ. Tuy nhiên trong trường hợp nghi ngờ có viêm nhiễm đường sinh dục như dịch âm đạo đổi màu vàng, xanh; ngứa âm đạo; sốt; tiểu gắt buốt. Đặc biệt là tình trạng đau bụng lâm râm và ra dịch hồng khi mang thai. Khi đó, mẹ bầu cần đến khám bác sĩ Sản phụ khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bởi vì khi viêm nhiễm đường sinh dục khi mang thai, sẽ tăng nguy cơ cao sinh non. Vì thế mẹ cần đến khám bác sĩ Sản phụ khoa để chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Xem thêm: Bị ngứa vùng kín khi mang thai phải xử trí thế nào?
Thai ngoài tử cung
Trong số ít trường hợp, dịch tiết âm đạo màu nâu hồng có thể do thai ngoài tử cung. Đây là trường hợp khi thai không phát triển trong buồng tử cung mà lại làm tổ ở nơi khác. Phổ biến nhất là thai nằm trong vòi trứng.
Thai ngoài tử cung là trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Ngoài dấu hiệu ra dịch nhầy màu hồng khi mang thai, khi có kèm theo biểu hiện dưới đây, mẹ bầu không nên chủ quan:
- Cảm giác mệt, muốn ngất xỉu.
- Chóng mặt.
- Đau vai.
- Đau bụng hoặc đau ở vùng xương chậu, nghi ngờ hơn khi đau ở một bên.
Xem thêm: Chóng mặt khi mang thai: Tips giúp mẹ phòng ngừa hiệu quả
Sảy thai
Bất kỳ chảy máu nào trong khi mang thai có thể là một dấu hiệu sớm của sảy thai. Tuy nhiên, thường không chỉ dừng ở việc ra máu hồng khi mang thai mà còn kèm theo các dấu hiệu khác như:
- Chuột rút chân, bụng.
- Chảy máu đỏ tươi tăng dần.
- Vỡ ối non.
- Ra huyết hồng và đau bụng dưới.
Trong trường hợp này mẹ cần đến cơ sở Sản phụ khoa gần nhất để được theo dõi kịp thời.
Không rõ nguyên do
Trong nhiều trường hợp, không có nguyên nhân cụ thể giải thích được cho việc chảy máu hoặc ra dịch nhầy màu hồng khi mang thai. Đặc biệt là trong ba tháng đầu. Một số chuyên gia đoán rằng việc ra huyết hồng khi mang thai 3 tháng đầu là do nhau thai nằm ở vị trí không đúng chỗ. Như trong trường hợp nhau tiền đạo, nhau bám thấp,…
Bong nút nhầy cổ tử cung
Gần đến thời điểm lâm bồn, cổ tử cung của mẹ sẽ bắt đầu mỏng đi và mở ra. Tùy vào cơ địa mỗi người mẹ, việc xuất hiện dịch nhầy màu hồng do bong nút nhầy cổ tử cung có thể xuất hiện trước ngày lâm bồn một đến vài tuần, hoặc chỉ cách khoảng vài giờ.
Trong khoảng thời gian mang thai, nút nhầy cổ tử cung như nút bít lại ở cổ tử cung. Điều này giúp co vi khuẩn không thể xâm nhập được vào bên trong tử cung. Khi đến gần ngày chuyển dạ, cổ tử cung mỏng và mở ra, chuẩn bị cho em bé ra đời. Nút nhầy bong ra tạo thành dịch nhầy màu hồng.
Xem thêm: Bí kíp chăm sóc mẹ bầu suốt 42 tuần mang thai được chia sẻ bởi Bác sĩ chuyên môn cao.
Trên thực tế, trên phương diện sản khoa, ra dịch nhầy màu hồng khi mang thai tháng cuối cũng là dấu hiệu báo hiệu mẹ sắp lâm bồn. Ngoài ra, trong những tuần cuối thai kỳ, ngoài việc xuất hiện dịch nhầy màu hồng, mẹ còn có thể cảm thấy có cơn đau nhói thỉnh thoảng ở bên trong âm đạo. Hoặc cảm thấy áp lực lên vùng đáy chậu. Điều này là do đầu của em bé có khuynh hướng lọt vào bên trong khung chậu.
Tuy nhiên, dịch nhầy màu hồng báo hiệu sắp chuyển dạ không xảy ra ở tất cả phụ nữ mang thai. Đôi khi một số người mẹ vỡ ối, và rỉ rả ối khiến trôi đi mất dịch nhầy mà không hề hay biết. Trên thực tế, dấu hiệu chuyển dạ đáng tin cậy nhất vẫn là xuất hiện cơn gò tử cung đều đặn, gây đau, cường độ đủ để làm mỏng và mở cổ tử cung.
Chuyện tình dục luôn là những câu chuyện khó nói. Hãy mỉm cười ngồi xuống, rủ người bạn đồng hành của mình cùng đọc thật kỹ câu chuyện chúng tôi sắp kể ở đây nhé. Sẽ rất thú vị lắm đó: Quan hệ tình dục khi mang thai: Những bối rối còn để ngõ
Ngoài ra, trong các trường hợp sau, sản phụ cần đến cơ sở Sản phụ khoa để kiểm tra lại:
- Dịch tiết ra có mùi hôi bất thường.
- Mẹ ra máu nhiều hơn, và ra nhiều máu đông với thể tích hơn quả bóng golf.
- Sốt.
- Đau bụng lâm râm và ra dịch hồng khi mang thai tăng dần.
- Bất cứ khi nào cảm thấy không yên tâm về việc ra dịch hồng, sản phụ nên đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra.
Ra dịch màu hồng khi mang thai thường là tình trạng bình thường và mẹ không cần lo lắng nhiều. Tuy nhiên, dịch nhầy này chỉ bình thường khi không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào khác như: xuất hiện cơn gò; đau bụng; choáng; sốt,… Nếu mẹ thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, nên cần đến cơ sở Sản phụ khoa để kiểm tra. Bác sĩ sẽ siêu âm, đo nhịp tim thai và một số xét nghiệm khác để đảm bảo rằng mẹ và con đều khỏe mạnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Mayoclinic (2018), part 5: Symptoms guide. Guide to a Healthy Pregnancy, Second Edition
Ngày tham khảo: 24/11/2022
-
Pinkish-Brown Discharge During Pregnancy: Is This Normal?https://www.healthline.com/health/pregnancy/pinkish-brown-discharge
Ngày tham khảo: 24/11/2022