Rạn da trong thai kỳ làm sao để giải quyết
Nội dung bài viết
Trong thai kỳ, người mẹ sẽ phải đối mặt với khá nhiều vấn đề, do những thay đổi cơ thể cùng với sự phát triển của em bé. Trong đó, rạn da là một vấn đề có thể nói là thường xuyên gặp phải nhất. Khoảng 90% thai phụ bị rạn da trong thai kỳ. Do đó biết rõ về vấn đề này sẽ giúp bạn hạn chế và khắc phục được vấn đề này. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về rạn da trong thai kỳ nhé.
1. Những thông tin chung về rạn da
Vết rạn da là một dạng sẹo trên da khi da chúng ta căng hoặc co lại nhanh chóng. Sự thay đổi đột ngột khiến collagen và elastin, các thành phần hỗ trợ cho làn da bị phá vỡ. Khi da lành lại, vết rạn da có thể xuất hiện.
Không phải ai cũng sẽ bị rạn da. Mức độ hormone dao động dường như đóng một vai trò quan trọng. Bạn cũng có thể có nguy cơ cao hơn nếu những người trong gia đình bạn bị rạn da. Những thời điểm mà rạn da thường dễ xuất hiện là:
- Tăng trưởng ở tuổi dậy thì.
- Thai kỳ.
- Giảm cân nhanh chóng.
- Tăng cân nhanh do tập tạ.
Một thai kỳ thông thường bạn tăng khoảng 11,3 – 16kg đối với thai phụ có cân nặng bình thường. Sự phát triển nhanh về kích thước có thể khiến một số vùng trên cơ thể bị rạn da. Hai vị trí thường bị rạn da nhất là ở bụng và ngực, hai vùng phát triển nhất trong thai kỳ. Vết rạn da cũng có thể xuất hiện ở đùi, mông và cánh tay trên.
Khi vết rạn xuất hiện lần đầu tiên, chúng có xu hướng đỏ, tím, hồng, nâu đỏ hoặc nâu sẫm, tùy thuộc vào màu da của bạn. Các vết rạn da sớm có thể cảm thấy hơi nổi lên và có thể bị ngứa. Theo thời gian, màu sắc nhạt dần và các dải rạn da chìm dưới da của bạn. Nếu bạn chạy ngón tay trên một vết rạn trưởng thành, bạn thường cảm thấy lõm nhẹ.
2. Ai là người dễ bị rạn da trong thai kỳ
Khoảng 90% phụ nữ sẽ bị rạn da khi sau tháng thứ sáu hoặc thứ bảy của thai kỳ, theo Hiệp hội Da liễu Hoa Kỳ. Nếu mẹ bạn bị rạn da, thì bạn cũng có khả năng bị chúng, vì di truyền có đóng vai trò trong rạn da.
Nếu bạn có một làn da sáng hơn, bạn sẽ có xu hướng phát triển các vết rạn da màu hồng. Phụ nữ có làn da sẫm màu có xu hướng bị rạn da nhẹ hơn màu da của họ.
3. Bạn có thể phòng ngừa rạn da hay không
3.1 Các điều chỉnh lối sống giúp ngừa rạn da
Bạn có thể phòng ngừa rạn da trong thai kỳ trước hết từ những điều chỉnh trong lối sống.
Kiểm soát cân nặng của bạn
Một trong những điều hữu ích nhất bạn có thể làm để ngăn ngừa rạn da, cho dù bạn có mang thai hay không, là duy trì cân nặng khỏe mạnh. Rạn da có thể xảy ra khi da bạn bị kéo dãn quá mức do tăng cân nhanh chóng. Bạn cũng có thể bị rạn da sau khi giảm cân nhanh chóng. Do đó kiểm soát những thay đổi cơ thể xảy ra quá nhanh có thể là lựa chọn tốt nhất của bạn. Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để giúp bạn kiểm soát cân nặng của bạn.
Có thể nói, cách tốt nhất để bà bầu ngăn ngừa rạn da là tăng cân từ từ và ổn định. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tìm cho mình một chế độ ăn hợp lí và tập thể dục. Điều đó giúp bạn kiểm soát cân nặng và cung cấp cho bạn nguồn dinh dưỡng cần thiết.
Cấp đủ nước cho cơ thể
Uống đủ nước có thể giúp giữ cho làn da của bạn ngậm nước và mềm mại. Da mềm không có xu hướng phát triển các vết rạn da nhiều như da khô. Các khuyến nghị hiện tại của Viện Y học về lượng nước uống hàng ngày là 3 lít nước đối với nam và 2 lít đối với nữ.
Uống đồ uống chứa caffein, như cà phê, thực sự có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vết rạn da. Nếu bạn uống cà phê, hãy chắc chắn rằng bạn sẽ cân bằng lượng dịch cho cơ thể với nhiều nước, trà thảo dược và các chất lỏng không chứa caffeine khác.
Ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng
Một chế độ ăn giúp tăng cường sức khỏe làn da có thể giúp ích cho bạn. Đảm bảo chế độ ăn uống của bạn bao gồm các loại thực phẩm giàu:
- Vitamin C
- Vitamin D
- Kẽm
- Vitamin E
- Chất đạm
Một cách để đảm bảo bạn có thể nhận được nhiều chất dinh dưỡng là chọn thực phẩm chưa qua chế biến với nhiều màu sắc khác nhau. Ví dụ, một bữa sáng gồm trứng, bánh mì nướng nguyên hạt và quả mọng hỗn hợp. Bữa ăn sẽ thêm nhiều màu sắc vào đĩa và chứa rất nhiều loại chất dinh dưỡng.
Cấp đủ vitamin C trong chế độ ăn uống của bạn
Collagen đóng vai trò giữ cho làn da của bạn mạnh mẽ và đàn hồi. Do đó, nó cũng rất quan trọng trong ngăn ngừa vết rạn da.
Vitamin C là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển của collagen. Vì vậy cung cấp đủ vitamin C cho cơ thể khá quan trọng. Vitamin C có thể được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau quả. Trái cây họ cam quýt, như cam và chanh, là nguồn cung cấp vitamin C đặc biệt tốt.
>> Vitamin C là chất giúp tăng cường miễn dịch và tham gia nhiều hoạt động của cơ thể. Vitamin C hỗ trợ đề kháng với nhiễm trùng như cảm cúm, mau lành vết thương, cần thiết cho việc tạo ra collagen và tăng cường hấp thu chất sắt. Vitamin C thuộc nhóm vitamin tan trong nước và cơ thể của chúng ta không có được khả năng tạo ra được vitamin này hoặc tích trữ nó. Cho nên chúng ta cần phải được cung cấp vitamin C hàng ngày nhằm đảm bảo không để thiếu hụt. Sau đây cùng YouMed tìm hiểu thêm về 10 loại thực phẩm sau đây chứa nhiều nhất vitamin C theo thứ tự tại đây nhé.
3.2 Các loại thuốc bôi
Theo hiệp hội da liễu Mỹ, câu trả lời về hiệu quả phòng ngừa rạn da của các loại thuốc bôi hiện nay chỉ ở mức chưa rõ ràng.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhiều biện pháp được cho là ngăn ngừa rạn da không thực sự có tác dụng. Trong các nghiên cứu, không sản phẩm dầu hạnh nhân, bơ ca cao, dầu ô liu, hay vitamin E ngăn ngừa được rạn da.
Tuy vậy một số các thành phần khác có thể có hiệu quả. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các sản phẩm có chứa centella hoặc acid hyaluronic có thể giúp ngăn ngừa rạn da. Centella là một loại thảo mộc. Dầu thảo mộc Centella asiatica giúp thúc đẩy các tế bào trong cơ thể bạn tạo ra collagen và xây dựng mô da. Một số người sử dụng nó để giúp chữa lành vết thương. Centella asiatica là một trong số các loại kem bôi ngoài da không cần kê toa dành cho các vết rạn da. Chúng được nghiên cứu có hiệu quả trong phòng ngừa vết rạn. Tuy nhiên ít bằng chứng cho thấy nó có thể làm mờ rạn da.
4. Làm thế nào để loại bỏ vết rạn thai kỳ
Giống như bất kỳ dạng sẹo nào, vết rạn da là vĩnh viễn, không điều trị nào có thể loại bỏ chúng hoàn toàn. Tuy vậy, điều trị có thể làm cho chúng mờ hơn và cũng có thể giúp giảm ngứa. Điều quan trọng là phải hiểu rằng không có phương pháp điều trị duy nhất nào có hiệu quả với tất cả mọi người. Rất nhiều sản phẩm dường như không có hiệu quả gì cả.
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu về nhiều phương pháp điều trị rạn da.
4.1 Kem, dung dịch và gel trị rạn da
Các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu nhiều loại kem, dung dịch và gel được bán để điều trị rạn da. Mặc dù không có một sản phẩm nào có thể hiệu quả trong suốt thời gian thai kỳ. Và một số dường không có tác dụng gì cả. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một số mẹo hữu ích.
Nếu bạn muốn thử một trong những loại kem, kem dưỡng hoặc gel để làm mờ vết rạn da, hãy chắc chắn:
Sử dụng sản phẩm trên các vết rạn da sớm. Bạn điều trị sớm bao nhiêu cũng quan trọng như bạn điều trị nhiều bấy nhiêu. Điều trị dường như ít hiệu quả đối với các vết rạn da trưởng thành.
Massage sản phẩm vào vết rạn da của bạn. Dành thời gian để massage sản phẩm nhẹ nhàng lên da có thể làm tăng hiệu quả hơn.
Bôi sản phẩm mỗi ngày trong nhiều tuần. Để bạn thấy kết quả, sẽ cần thời gian là vài tuần.
4.2 Các biện pháp khắc phục tại nhà
Trong các nghiên cứu, các biện pháp khắc phục tại nhà phổ biến không có hiệu quả. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng không có vết rạn nào mờ dần khi người ta xoa dầu hạnh nhân, bơ ca cao, dầu ô liu hoặc vitamin E vào vết rạn da của họ.
4.3 Tự làm nâu da
Trong khi phơi nắng có thể làm cho các vết rạn da dễ thấy hơn, tự làm nâu có thể ngụy trang các vết rạn da – cả sớm và trưởng thành. Tuy nhiên vết rạn vẫn tồn tại.
4.4 Các thuốc theo toa có thể áp dụng cho da của bạn
Trong các nghiên cứu, hai thành phần dường như có hỗ trợ điều trị là:
Acid hyaluronic
Tretinoin
Trong các nghiên cứu lớn, bôi acid hyaluronic cho các vết rạn da sớm làm cho các vết rạn da nhạt màu hơn.
Tretinoin là một retinoid, cũng có thể làm cho các vết rạn da sớm mờ đi. Trong một nghiên cứu, những người sử dụng kem theo toa này mỗi tối trong 24 tuần có hiệu quả trong việc làm mờ vết rạn. Những người khác không dùng kem bôi đã thấy những vết rạn da ban đầu của họ phát triển. Các nghiên cứu khác đã tìm thấy kết quả tương tự. Retinol, một loại retinoid khác, cũng có thể giúp làm mờ các vết rạn da sớm.
Tuy nhiên, các loại retinoid không được sử dụng cho phụ nữ trong thai kỳ hoặc đang cho con bú.
4.5 Các liệu trình mà các bác sĩ da liễu thực hiện để điều trị rạn da:
Các bác sĩ da liễu sử dụng các liệu trình sau đây để làm cho các vết rạn da ít được chú ý hơn, nhưng không ai trong số này có thể loại bỏ các vết rạn da:
- Lột da bằng hóa chất
- Liệu pháp bằng tia laser
- Siêu mài mòn da (Microdermabrasion)
- Sử dụng tần số vô tuyến (RF)
- Siêu âm
Để cung cấp cho bạn kết quả tốt nhất, bác sĩ có thể kết hợp các phương pháp với nhau. Ví dụ, bác sĩ có thể điều trị cho bạn bằng RF và laser. Với tất cả các liệu trình, đều có thể có tác dụng phụ. Nhưng với kiến thức và kinh nghiệm của Bác sĩ đã được đào tạo , tác dụng phụ thường hiếm hay thoáng qua. Phổ biến nhất có thể là đỏ và sưng sau khi làm thủ thuật. Các vết đỏ và sưng có xu hướng biến mất trong vài giờ hoặc vài ngày. Bác sĩ có thể tư vấn cho bạn phương pháp điều trị nào phù hợp với bạn nhất. Dựa trên đánh giá sức khỏe, tuổi tác và thời gian bạn bị rạn da.
Như vậy, rạn da trong thai kỳ có tỉ lệ xuất hiện khá cao trong thai kỳ. Tuy vậy, các mẹ bầu vẫn có thể phòng ngừa thông qua điều tiết cân nặng, lối sống và một số thuốc bôi. Còn khi bạn đã bị rạn da trong thai kỳ thì cũng đừng lo lắng vẫn có nhiều phương pháp điều trị hiện nay có thể giúp. Hãy liên hệ với các chuyên gia y tế để được những lời khuyên phù hợp nhất nhé.
>> Vết rạn da rất thường gặp và có thể xuất hiện ở cả nữ lẫn nam. Tuy chúng không làm ảnh hưởng sức khỏe tổng quát nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến tính thẩm mỹ. Một vài người dễ dàng chấp nhận vết rạn như một khuyết điểm của cơ thể. Trong khi đó, số khác lại cảm thấy mặc cảm, kém tự tin trong giao tiếp, làm việc hằng ngày. Cùng YouMed chia sẻ đến các bạn thông tin cơ bản về việc điều trị cũng như phòng ngừa sự xuất hiện của những vết rạn da tại đây nha.
Bác sĩ Huỳnh Thị Như Mỹ
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
American academy of dermatology association, ” Stretch marks : why they appear and how to get rid of them“, ngày truy cập 28/5/2020, https://www.aad.org/public/cosmetic/scars-stretch-marks/stretch-marks-why-appear
Elizabeth B. Krieger (2018), “The truth about pregnancy stretch marks“, WebMD, ngày truy cập 28/5/2020, https://www.webmd.com/baby/features/stretch-marks#1
Ud‐Din S, McGeorge D, (2016) “Topical management of striae distensae (stretch marks): prevention and therapy of striae rubrae and albae“. J Eur Acad Dermatol Venereol; 30(2): 211–22.
Cynthia Cobb (2018), “7 tips to help prevent stretch marks“, Healthline, ngày truy cập 28/5/2020, https://www.healthline.com/health/how-to-prevent-stretch-marks#weight-control