YouMed

Răng nhạy cảm, ê buốt: Làm sao để khắc phục?

Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Tác giả: Bác sĩ Trương Mỹ Linh
Chuyên khoa: Răng - Hàm - Mặt

Bạn đã từng trải qua cảm giác đau và ê buốt răng mỗi khi ăn kem lạnh hay súp nóng? Nếu điều đó đã từng hoặc đang xảy ra thì bạn đừng quá lo lắng. Có đến một nửa dân số trên thế giới đã từng hoặc đang gặp phải vấn đề tương tự. Dấu hiệu đau và nhạy cảm răng có thể do sâu răng, nứt gãy răng… Tuy nhiên, có một nguyên nhân phổ biến mà nhiều người cũng mắc phải là nhạy cảm ngà hay răng nhạy cảm.

1. Răng nhạy cảm hay nhạy cảm ngà là gì?  

Nhạy cảm ngà là thuật ngữ dùng để mô tả cảm giác đau hay khó chịu ở răng. Đây là phản ứng của răng với các kích thích như: nhiệt độ nóng, lạnh; khí; thức ăn chua, ngọt…

Đó có thể là tình trạng tạm thời hay mạn tính. Nó có thể ảnh hưởng đến một hoặc một vài răng hoặc có thể là tất cả các răng. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng này. Hầu hết các trường hợp đều có thể dễ dàng điều trị bằng việc thay đổi cách chăm sóc răng miệng.

2. Những ai có thể gặp nhạy cảm ngà?

Bất cứ ai cũng có thể gặp phải nhưng tình trạng này phổ biến nhất là độ tuổi từ 20 đến 40. Mặc dù vậy, lứa tuổi thiếu niên và người già trên 70 cũng có nguy cơ nhạy cảm ngà do men răng mòn hoặc mỏng. Răng nhạy cảm thường gặp ở nữ hơn nam.

Bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng này
Bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng này

3. Triệu chứng của răng nhạy cảm

Cảm giác đau hay khó chịu của bệnh nhân chính là phản ứng của răng trước các tác nhân kích thích. Thông thường, mọi người hay cảm thấy đau ở vùng cổ răng. Một số tác nhân kích thích thường gặp là:

  • Thức ăn/đồ uống nóng.
  • Thức ăn/đồ uống lạnh.
  • Hơi/gió lạnh.
  • Thực phẩm có chất ngọt.
  • Thực phẩm chua, có tính axit.
  • Nước uống lạnh, đặc biệt sau khi lấy cao răng.
  • Đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
  • Nước súc miệng chứa cồn.

Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột và tự biến mất. Triệu chứng thay đổi từ nhẹ đến nặng.

4. Cơ chế nào khiến răng nhạy cảm, ê buốt?

Cấu trúc thân răng gồm 3 thành phần chính: men răng, ngà răng và tủy. Bình thường, men răng là lớp cứng chắc nhất bảo vệ bên ngoài. Men răng giúp ngăn các tác nhân kích thích ảnh hưởng đến ngà và tủy răng.

Ngà răng là lớp nằm giữa. Có vô số ống ngà nhỏ li ti chạy từ bề mặt tiếp giáp với men đến tủy răng – nơi chứa thần kinh nhận cảm. Trong lòng các ống ngà chứa dịch lỏng. Khi ống ngà lộ/mở hoặc bị kích thích, dòng dịch sẽ di chuyển, tác động đến đầu thần kinh ở tủy răng. Thông tin thần kinh truyền về trung ương cho ta cảm giác đau. Đây chính là cơ chế gây ra cảm giác ê buốt thường gặp.

Các ống ngà nhỏ bị lộ có thể gây nhạy cảm răng
Các ống ngà nhỏ bị lộ có thể gây nhạy cảm răng

Tương tự như vậy, ở bề mặt chân răng chúng ta hoàn toàn không có men. Chân răng chỉ có một lớp xê măng bảo vệ. Khi không có nướu che phủ, xê măng mất đi, ống ngà bị lộ. Điều này cũng gây kích thích tủy răng tạo cảm giác ê buốt.

Nhìn chung, để gây ra sự nhạy cảm ở răng phải do các cơ chế sau:

  • Ống ngà bị lộ.
  • Ống ngà mở.
  • Các kích thích khởi phát sự ê buốt.

5. Các trường hợp có thể gây ra tình trạng răng nhạy cảm?

5.1. Mất men răng hoặc men răng mỏng

Một số người tự nhiên đã có răng nhạy cảm hơn so với người khác do men răng mỏng. Trong một số trường hợp, men răng có thể mòn do:

  • Chải răng quá mạnh.
  • Sử dụng bàn chải lông cứng.
  • Nghiến răng ban đêm.
  • Thường xuyên ăn uống thực phẩm có tính axit.
  • Tiếp xúc với các vật cứng.

Thỉnh thoảng, có một số trường hợp có thể dẫn đến tình trạng răng nhạy cảm. Ví dụ: Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) có thể khiến axit từ dạ dày lên miệng. Sau nhiều lần, răng có thể bị mòn. Các trường hợp gây ói thường xuyên như ở bệnh nhân liệt dạ dày, rối loạn ăn uống tạo ra môi trường axit trong miệng gây mòn răng.

Răng nhạy cảm do mòn răng
Răng nhạy cảm do mòn răng

5.2. Tụt nướu

Tụt nướu khiến để lại bề mặt chân răng lộ ra môi trường miệng. Bề mặt chân răng không được bảo vệ có thể gây ra tình trạng nhạy cảm. Tụt nướu thường gặp ở: bệnh nhân nha chu, nghiến răng; người lớn tuổi; người có chiều cao nướu dính thấp.

5.3. Sau các điều trị nha khoa

Một số điều trị nha khoa làm bộc lộ hoăc mở ống ngà gây nhạy cảm, ê buốt tạm thời. Một số ví dụ như: xử lý mặt chân răng, lấy vôi răng, tẩy trắng, trám răng, phục hình không khít… Thông thường, chỉ có răng được điều trị hoặc vài răng xung quanh bị ảnh hưởng. Sau vài ngày, nhạy cảm sẽ giảm dần.

5.4. Các tình trạng răng miệng khác

Sâu răng, nứt răng, răng mẻ hay miếng trám cũ, mão răng bị mòn… Những trường hợp này cũng làm ngà răng bị lộ gây nhạy cảm. Nếu thuộc trường hợp này, bạn sẽ chỉ thấy nhạy cảm ở một phần hoặc một vùng răng.

5.5. Sau sang chấn

Một số thói quen sử dụng răng vào các công việc dùng lực có thể gây chấn thương. Cách vệ sinh răng miệng không đúng (ví dụ dùng tăm xỉa răng), va đập vào bề mặt răng… đều là những nguy cơ dẫn đến lộ ống ngà gây ê buốt.

>> Ngoài ê buốt, nhạy cảm, còn có nhiều vấn đề răng miệng thường gặp khác. Đọc thêm tại: 21 vấn đề và bệnh răng miệng thường gặp.

5.6. Tiếp xúc với các chất có độ pH thấp

Độ pH thấp là yếu tố khiến các ống ngà mở. Đây cũng là yếu tố hóa học kích thích sự khởi phát ê buốt. Những người thường xuyên có thói quen: uống nước có ga, nước tăng lực, ăn trái cây chua… gặp phải tình trạng nhạy cảm nhiều hơn. Việc sử dụng kem đánh răng có độ pH thấp cũng là tác nhân kích thích khởi phát cơn đau.

6. Làm cách nào để điều trị ê buốt?

Để điều trị răng nhạy cảm, chúng ta có 3 phương thức chính dựa trên cơ chế gây ê buốt như sau:

  • Tránh kích thích gây ê buốt: hóa học, vật lý, cơ học.
  • Bịt kín ống ngà: tạo lớp mùn và nút mùn ngà; Tăng tạo thành phần trong ống ngà; Kích thích tạo lớp ngà bảo vệ.
  • Giảm sự dẫn truyền thần kinh.

Đối với một người có nhạy cảm ngà, việc điều trị phải theo trình tự và mức độ đáp ứng điều trị.

Nếu lần đầu tiên thấy ê buốt

  • Bạn nên đến khám nha sĩ để tìm nguyên nhân

Nha sĩ sẽ kiểm tra tình trạng răng miệng, các nguy cơ có thể gây ra tình trạng trên: sâu răng, miếng trám hở, tụt nướu… Bạn cũng có thể kiểm tra khi đi vệ sinh răng ở nha khoa. Sau khi lấy vôi răng, nha sĩ sẽ khám lâm sàng. Nha sĩ sẽ dùng các dụng cụ chạm vào để kiểm tra độ nhạy cảm. Bạn có thể chụp phim X quang để kiểm tra thêm các trường hợp sâu răng gây nhạy cảm.

  • Sau khi xác định được nguyên nhân, nha sĩ sẽ loại bỏ yếu tố gây ra nhạy cảm. Đồng thời, bạn sẽ được hướng dẫn sử dụng kem đánh răng chống ê buốt, thay đổi các thói quen gây hại và cách chăm sóc răng miệng đúng.

Những loại kem dành cho răng nhạy cảm sẽ không chứa các thành phần kích thích hoặc chứa thành phần giúp chặn dẫn truyền thần kinh cảm giác gây đau. Một số loại kem đánh răng chống ê buốt thông dụng là: Sensodyne, GC Tooth Mousse, Colgate Relief…

Đối với nước súc miệng, nên chọn loại không có cồn sẽ ít kích thích răng nhạy cảm hơn. Sử dụng bàn chải lông mềm và chải nhẹ nhàng cũng giúp cải thiện tình hình. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng thức ăn, đồ uống quá nóng, lạnh hoặc có tính axit cao; thay đổi các thói quen chải răng gây hại.

Khi thực hiện những hướng dẫn này, bạn phải mất một vài tuần theo dõi để tình trạng nhạy cảm giảm bớt.

Bạn cần dùng loại kem đánh răng phù hợp
Bạn cần dùng loại kem đánh răng phù hợp

Nếu điều trị tại nhà không hiệu quả 

Bạn nên gặp bác sĩ để được kê loại thuốc súc miệng và kem đánh răng khác. Chúng sẽ cung cấp gel fluor hoặc các thành phần giảm nhạy cảm khác, giúp tăng cường và bảo vệ men răng.

Nếu các phương pháp điều trị trên thất bại

Nha sĩ sẽ thực hiện các phương pháp để che kín ống ngà bằng vật liệu dán hoặc phục hồi.

Điều trị các bệnh lý gây tình trạng nhạy cảm răng

Nếu đang mắc phải các bệnh lý gây mòn và phá hủy răng, bạn cần điều trị sớm để tránh hậu quả nặng nề hơn. Bệnh trào ngược dạ dày có thể điều trị với thuốc giảm axit. Chứng cuồng ăn có thể điều trị với bác sĩ tâm lý.

Tụt nướu có thể điều trị bằng việc duy trì vệ sinh răng miệng tốt, sử dụng bàn chải mềm mại. Trong trường hợp tụt nướu nặng gây nhạy cảm nhiều, bạn có thể thực hiện ghép nướu. Có thể sử dụng miếng ghép từ khẩu cái để phủ lên bề mặt chân răng bị lộ.

Điều trị nghiến răng bằng các liệu pháp nhận thức. Giảm stress, ngừng sử dụng chất kích thích trước khi ngủ sẽ giúp giảm nghiến răng ban đêm. Có thể sử dụng máng nhai để bảo vệ răng không bị phá hủy do nghiến.

7. Phòng ngừa răng nhạy cảm

  • Đánh răng mỗi ngày ít nhất 2 lần với kem đánh răng có fluoride nồng độ 1350ppm. Nên sử dụng kem đánh răng được thiết kế đặc biệt cho răng nhạy cảm. Cố gắng bỏ thói quen chà răng theo chiều ngang. Thay vào đó, hãy đánh răng nhẹ theo các chuyển động nhỏ, tròn.
  • Dùng bàn chải lông mềm đến trung bình. Thay đổi bàn chải đánh răng của bạn 2 đến 3 tháng một lần hoặc sớm hơn nếu nó bị mòn.
  • Không nên chải răng ngay sau khi ăn. Một số thực phẩm và đồ uống có thể làm mỏng men răng của bạn. Hãy đợi sau khi ăn ít nhất 1 giờ rồi đánh răng.
  • Hạn chế sử dụng các đồ ăn, thức uống có ga, tính axit cao.
  • Liên hệ với nha sĩ để điều trị nghiến răng nếu có.
  • Nếu bạn đang suy nghĩ về việc tẩy trắng răng, hãy thảo luận về sự nhạy cảm với nha sĩ trước khi bắt đầu điều trị.
  • Thăm khám nha sĩ thường xuyên, định kỳ 6 tháng/lần.

Nhạy cảm răng hoàn toàn có thể điều trị được. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là khi bắt đầu có dấu hiệu, bạn nên gặp nha sĩ ngay. Điều này sẽ giúp bạn tránh được hậu quả nặng nề hơn. Bạn nên trao đổi để tìm và loại bỏ nguyên nhân trước khi tiến hành các điều trị. Hãy nhớ rằng, nhạy cảm và ê buốt hoàn toàn có thể xuất hiện trở lại. Nếu bạn không tuân thủ điều trị, vẫn duy trì thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng không đúng cách, ê buốt là không thể tránh khỏi.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

1/ Ana Gotter, “Why are my teeth so sensitive?”, đăng nhập ngày 09-02-2018 tại website:http://www.healthline.com

2/ Valencia Higuera, “Why are my teeth sensitive to cold?”, đăng nhập ngày 17-11-2017 tại website:http://www.healthline.com

3/ Gs.Ts. NGND Hoàng Tử Hùng,” Nhạy cảm ngà”, đăng nhập ngày 13-07-2012 tại website: http://hoangtuhung.com

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người