YouMed

Rò luân nhĩ là gì? Khi nào cần phẫu thuật?

Bác sĩ SỬ NGỌC KIỀU CHINH
Tác giả: Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Rò luân nhĩ hay dò luân nhĩ một bất thường bẩm sinh lành tính. Hiện diện một lỗ nhỏ ở vùng trước tai có từ khi sinh. Bệnh thường không biểu hiện triệu chứng và không gây nguy hiểm. Nhưng khi lỗ rò bị viêm nhiễm có thể xuất hiện các triệu chứng. Khi đó cần điều trị tình trạng nhiễm trùng và thực hiện phẫu thuật lấy toàn bộ đường rò để tránh tái phát.

1.    Rò luân nhĩ là gì?

Rò luân nhĩ là khi vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ xuất hiện từ khi sinh ra. Đây là một bất thường bẩm sinh lành tính của mô mềm trước tai, xuất hiện khá phổ biến.

Lỗ rò mở vào một đường rò hoặc túi nằm dưới da đến sát sụn gờ luân tai. Đường rò này được lót bởi biểu mô gai. Nó có thể bị nhiễm trùng, gây nên viêm mô tế bào hoặc áp xe hóa.

Tần suất rò khoảng 1 trên 12500 trẻ sinh ra. Tỉ lệ xuất hiện ở nam và nữ là như nhau.

Rò luân nhĩ có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai bên tai. Tỉ lệ rò 2 bên khoảng 25%. Đây không phải là bệnh ác tính và thường không gây nguy hiểm đến tính mạng. Rò luân nhĩ đơn thuần không ảnh hưởng đến khả năng nghe.

Phần lớn rò luân nhĩ không gây triệu chứng khó chịu gì. Một số trường hợp có chảy dịch hôi qua lỗ dò, viêm nhiễm hay áp xe hóa (tụ mủ).

>> Xem thêm bài viết về Vành tai – Cấu tạo, chức năng và các bệnh lý thường gặp

Lỗ rò luân nhĩ
Lỗ rò luân nhĩ

2.    Nguyên nhân của rò luân nhĩ – quá trình phát triển phôi thai

Vành tai người được hình thành từ tuần thứ 6 của thai kỳ. Khi đó cung mang thứ nhất và thứ hai hình thành một chuỗi 6 ụ nhỏ, bản chất là trung mô (gọi là ụ His). Sau này sẽ phát triển thành vành tai hoàn chỉnh. Cung mang thứ nhất hình thành 3 ụ His đầu tiên, theo thứ tự phát triển thành bình tai, trụ gờ luân, gờ luân. Cung mang thứ hai hình thành 3 ụ His tiếp theo, phát triển thành gờ đối luân, hố thuyền và dái tai.

Rò luân nhĩ là một bất thường bẩm sinh gây ra bởi sự khiếm khuyết hay sự hợp nhất không hoàn toàn của 6 ụ His này.

Vị trí thường gặp nhất của lỗ rò là ở phía trước trụ gờ luân. Nguyên nhân là do sự hòa nhập không hoàn toàn giữa thượng bì của ụ His thứ nhất và ụ His thứ 2, tạo ra đường rò. Lỗ rò ở những vị trí khác ít gặp hơn, do quá trình hòa nhập không hoàn toàn giữa những ụ His còn lại.

Một giả thuyết khác của sự hình thành rò luân nhĩ là do trong quá trình phát triển của vành tai, ngoại bì bị cuộn vào trong hình thành đường rò.

Sự phát triển của sáu ụ His để tạo thành vành tai hoàn chỉnh
Sự phát triển của sáu ụ His để tạo thành vành tai hoàn chỉnh

3.    Biểu hiện của rò luân nhĩ

Bạn có thể phát hiện một lỗ nhỏ trước vành tai, xuất hiện từ khi sinh. Có thể có ở một hoặc cả hai tai. Vị trí lỗ rò thường gặp nhất là trước trụ gờ luân, các vị trí khác ít gặp hơn.

Khi lỗ rò không nhiễm trùng, ta có thể thấy lỗ nhỏ như đầu kim, nằm trước tai, không chảy dịch, không đau, không sưng đỏ xung quanh.

Có khi đường rò chứa một chất nhầy đặc màu kem có mùi hôi thối.

Thỉnh thoảng lỗ rò bị tắc và túi rò bị nhiễm trùng và gây áp xe. Khi đó sẽ có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, chảy dịch mủ, ấn mềm, tạo mô hạt xung quanh lỗ rò.

Nhiễm trùng lỗ rò luân nhĩ, biểu hiện với sưng nóng đỏ đau vùng rò.
Nhiễm trùng lỗ rò luân nhĩ, biểu hiện với sưng nóng đỏ đau vùng rò.

4.    Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

Bác sĩ sẽ thăm khám kĩ lưỡng vùng vành tai, ống tai ngoài, xung quanh tai để chẩn đoán. Ngoài ra bạn cần kể rõ bệnh sử, triệu chứng và thời gian xuất hiện của lỗ rò.

Đối với những trường hợp lỗ rò điển hình có thể không cần thực hiện thêm xét nghiệm nào để hỗ trợ chẩn đoán. CTscan được thực hiện khi cần chẩn đoán phân biệt rò luân nhĩ với các loại rò trước tai khác như là rò khe mang số 1, rò tuyến nước bọt mang tai.

5.    Điều trị – Khi nào cần phẫu thuật?

Nếu rò luân nhĩ bị nhiễm trùng gây viêm mô tế bào, cần phải điều trị kháng sinh. Sử dụng loại kháng sinh và liều lượng nên theo ý kiến bác sĩ điều trị.

Khi rò luân nhĩ bị áp xe hóa (tụ mủ), bác sĩ sẽ rạch ổ áp xe và dẫn lưu mủ kèm theo sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau. Sau khi điều trị ổn định tình trạng nhiễm trùng sẽ phẫu thuật để lấy đường rò.

Với những đường rò ổn định không viêm nhiễm, không có triệu chứng gì, có thể không cần mổ.

Bác sĩ có thể ra chỉ định mổ nhằm lấy bỏ toàn bộ đường rò luân nhĩ trong những trường hợp sau:

  • Các trường hợp rò luân nhĩ đã từng bị viêm tấy hoặc áp xe hóa trước đây.
  • Lỗ dò thỉnh thoảng có dịch tiết. Ở những trường hợp này mổ sớm lấy đường rò sẽ dễ dàng. Sẹo mổ nhỏ gọn hơn và sẽ biến mất khi trẻ lớn.
  • Không nên chờ bị viêm mới mổ vì ca mổ sẽ khó khăn, phức tạp do viêm nhiễm, áp xe. Khi đó sẹo mổ sẽ to và xấu. Đôi khi phản ứng viêm lan rộng có thể gây hoại tử vành tai, teo vành tai ảnh hưởng thẫm mỹ.

Những biến chứng có thể gặp của phẫu thuật lấy đường rõ luân nhĩ là: tổn thương động mạch thái dương nông, chảy máu sau mổ, nhiễm trùng vết mổ, viêm sụn vành tai. Những biến chứng này thường ít gặp. Một vài trường hợp có thể tái phát sau phẫu thuật và cần mổ lại.

Viêm sụn vành tai cũng là triệu chứng thường gặp sau khi bấm khuyên tai. 

Phẫu thuật lấy bỏ đường rò luân nhĩ
Phẫu thuật lấy bỏ đường rò luân nhĩ

Tóm lại

Rò luân nhĩ là tình trạng có lỗ rò trước tai xuất hiện từ khi sinh ra. Đây là một bất thường bẩm sinh lành tính và không nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh có thể không gây khó chịu gì, nhưng có thể xuất hiện triệu chứng khi bị viêm nhiễm. Điều trị rò luân nhĩ khi áp xe hóa bao gồm rạch dẫn lưu ổ áp xe và dùng kháng sinh. Phẫu thuật sẽ được thực hiện khi tình trạng viêm nhiễm ổn định.

Bác sĩ Sử Ngọc Kiều Chinh

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Charles D. Bluestone et al. (2014). Congenital cysts and sinuses of the Head and Neck. Bluestone and Stool’s Pediatric Otolaryngology, fifth edition. People’s Medical Publishing House, Shelton , 1, 1739 – 1740
  • Samuel T Ostrower (2018). Preauricular cysts, pits and Fissures, https://emedicine.medscape.com/article/845288-overview#a7
  • Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người