YouMed

Rối loạn hoảng sợ

bác sĩ đào thị thu hương
Tác giả: Bác sĩ Đào Thị Thu Hương
Chuyên khoa: Nội thần kinh

Nghe tên đã thấy sợ rồi, rối loạn hoảng sợ là một rối loạn tâm thần, gồm nhiều triệu chứng. Người mắc rối loạn này, suốt ngày ra vô cấp cứu nhưng chẩn đoán không thể rõ ràng. Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, công việc, học tập của người bệnh. Cùng đọc bài viết này để hiểu thêm về chứng bệnh này nhé.

1. Rối loạn hoảng sợ là gì?

Là một sự sợ hãi và lo lắng xảy ra trong thời gian ngắn, kèm theo nhiều triệu chứng cơ thể. Đau ngực và khó thở là hai triệu chứng thường gặp khiến bệnh nhân vào cấp cứu.

>>>Đừng ngại đến gặp bác sĩ khi xuất hiện những triệu chứng có nguy cơ cao là do rối loạn hoảng sợ để có thể can thiệp vào điều trị kịp thời để nâng cao hiệu quả điều trị. Nhưng trước khi đến đến gặp bác sĩ bạn có lo lắng rằng không biết nên chuẩn bị gì?

>>>Hãy tìm hiểu với bài viết: “Cần chuẩn bị gì trước khi khám bệnh Rối loạn hoảng sợ” để có được câu trả lời.

2. Mức độ ảnh hưởng của rối loạn hoảng sợ 

Tùy mức độ mà rối loạn hoảng sợ ảnh hưởng khác nhau ở mỗi người. Nhưng đa phần bệnh tác động nhiều đến khả năng làm việc, sức khỏe thể chất và tinh thần. Đặc biệt chi phí tốn kém cho những lần ra vô nhập viện. Một khi đã lên cơn, bất chấp nơi đâu, bất chấp lúc nào, đang làm gì, người bệnh sẽ cảm thấy sợ hãi hoặc khó chịu vô cùng. Họ chỉ mong muốn được lao đến các cơ sở y tế để được chăm sóc ngay. Vì thế họ phải nghỉ học, bỏ việc đột xuất. Và nguy cơ bị đuổi học, đuổi việc là khá cao.

mức độ nguy hiểm của cơn rối loạn hoảng sợ
Mức độ nguy hiểm của cơn rối loạn hoảng sợ tùy vào tình trạng của mỗi người

 

3. Rối loạn hoảng sợ có đặc điểm gì?

Trong rối loạn này, người bệnh sẽ có nhiều cơn hoảng loạn. Cơn xuất hiện bất ngờ, đạt đỉnh trong vài phút và kéo dài nhiều nhất thường là 30 phút. Sau đó tự biến mất mà chẳng cần phải dùng thuốc gì. Đây cũng là cơ sở để các bác sĩ hướng dẫn người bệnh làm thế nào để vượt qua cơn.

Dù cơn qua nhanh, những biểu hiện trong cơn rất khó chịu. Người bệnh luôn trong trạng thái lo lắng không biết khi nào thì cơn tiếp theo sẽ đến. Hoặc chuyện gì sẽ xảy ra nếu cơn đến. Họ tự thay đổi những hoạt động thường ngày để tránh xuất hiện cơn. Ví dụ như không tập thể dục, tránh ra khỏi nhà, không đến những nơi đông người… để không lên cơn.

4. Triệu chứng khi lên cơn hoảng loạn

triệu chứng của rối loạn hoảng sợ
Khi bị rối loạn hoảng sợ, người bệnh có rất nhiều triệu chứng 

 

 

Trong cơn, người bệnh có thể gặp rất nhiều triệu chứng. Các biểu hiện dưới đây là thường gặp và cũng là tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh.

  • Cảm giác chóng mặt, đứng không vững, đầu lâng lâng, mơ hồ.
  • Khó thở, thở ngắn.
  • Cảm giác hơi thở bị chẹn lại, không thở được
  • Tim đập nhanh, mạnh như đánh trống
  • Đau ngực hoặc tưng tức vùng ngực
  • Buồn nôn, khó chịu bụng
  • Run hoặc lắc tay chân
  • Cả người ớn lạnh hoặc nóng bừng lên
  • Vã mồ hôi
  • Cảm giác tê tê như kiến bò
  • Cảm thấy cơ thể không phải là của mình hoặc thế giới này ảo diệu, không có thực.
  • Sợ hãi mất kiểm soát hoặc”hóa điên”
  • Sợ chết.

Ngoài ra: ù tai, đau cổ, đau đầu, la hét hay khóc không kiểm soát cũng có thể gặp, nhưng không nằm trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh.

Với những triệu chứng và tâm trạng sợ hãi đến vậy, nhiều người bệnh phải nhanh chóng nhập cấp cứu. Cơn có thể xuất hiện nhiều lần, tần suất mỗi người là khác nhau. Triệu chứng ở mỗi người cũng có thể không giống nhau. Thậm chí trên cùng một người bệnh, mỗi cơn cũng khác nhau về loại triệu chứng và mức độ.

5.“Trúng gió” và cơn hoảng sợ ở Việt Nam

"Trúng gió” và cơn hoảng sợ ở Việt Nam
Ở Việt Nam, một số người có cơn rối loạn hoạn sợ khi gặp nhiều gió

 

Trong rối loạn hoảng sợ, có một đặc điểm là các cơn hoảng sợ xảy ra không đoán trước được. Tuy nhiên, sự phân loại “đoán trước được” hay không, bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hóa. Ví dụ, ở Việt Nam, một số người có cơn hoảng loạn khi gặp nhiều gió và bị “trúng gió”. Và người ta cho rằng vì tiếp xúc với gió nên mới có triệu chứng đó. Vậy gió nhiều là dấu hiệu dự báo sắp có cơn hoảng loạn xảy ra. Điều này ảnh hưởng đến sự phân loại cơn hoảng loạn của bác sĩ. Phân biệt là cần, tuy nhiên nếu có cơn đoán trước được thì cũng không thể loại trừ chẩn đoán.

6.Kết cục nào cho người rối loạn hoảng loạn?

Theo thống kê của Hoa Kì, rối loạn này thường xảy ra ở độ tuổi 20-24. Nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kì tuổi nào.

Thông thường, nếu không được điều trị, bệnh sẽ kéo dài nhưng có “lúc thăng lúc trầm”. Nghĩa là sẽ có các giai đoạn người bệnh có những cơn hoảng loạn bùng phát sau nhiều năm thuyên giảm bệnh. Một số người khác, các cơn hoảng loạn xảy ra liên tục. Chỉ một số ít người bệnh là giảm bệnh, không có các cơn tái phát trong vài năm.

Sau một hoặc hai cơn hoảng loạn đầu tiên, người bệnh nhân có thể không quan tâm đến tình trạng này. Nhưng khi các cơn lặp đi lặp lại, đó sẽ là mối quan tâm chính. Họ có thể cố gắng giữ bí mật về các cơn. Các hành vi thay đổi để tránh né xuất hiện cơn của họ khiến những người xung quanh cảm thấy lo lắng. Việc uống quá nhiều caffeine hoặc hút thuốc lá có thể làm nặng thêm các triệu chứng

Người có rối loạn hoảng sợ thường có rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc rối loạn sử dụng chất đi kèm.

7. Điều trị nào là tốt nhất cho người rối loạn hoảng sợ?

điều trị rối loạn hoảng sợ
Sự phối hợp giữa phương pháp dùng thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi mang lại hiệu quả điều trị rối loạn hoảng sợ cao

 

Với điều trị, hầu hết bệnh nhân đều cảm thấy cải thiện triệu chứng đáng kể. Hai phương pháp điều trị là dùng thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi được phối hợp để đạt hiệu quả tốt nhất. Trong liệu pháp nhận thức hành vi, người bệnh được giáo dục để nhận thức về bệnh. Đó là cơn hoảng loạn có thể đến bất cứ lúc nào, xảy ra trong một thời gian ngắn và sẽ tự hết. Từ đó điều chỉnh hành vi của mình. Không phải lập tức lao vô bệnh viện. Mà là tự trấn an bản thân, cơn sẽ qua đi thôi. Những lúc này việc hít thở sâu 4 thì sẽ rất hiệu quả cho người bệnh. Tuy nhiên một số trường hợp nặng sẽ cần phải dùng thuốc để giảm bớt triệu chứng. Giúp người bệnh có niềm tin vào việc điều trị.

Ngoài ra, trị liệu gia đình và nhóm có thể giúp bệnh nhân và gia đình nhận ra, hỗ trợ những khó khăn về tâm lý xã hội do rối loạn này gây ra.

Rối loạn hoảng sợ không phải là bệnh lý hiếm gặp. Biết được triệu chứng, được giáo dục tốt về bệnh. Và tự trang bị cho mình một số cách cứu cánh trong cơn là cách để người bệnh không còn sợ cơn hoảng sợ.

Bác sĩ Đào Thị Thu Hương

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

SADOCK’S KAPLAN & (2015), “Panic disorder”. Synopsis of psychiatry behavioral Sciences/clinical psychiatry, Wolters Kluwer, 11th edition, pp. p.396.

Association American Psychiatric (2013), “Panic disorder”. Diagnostic and statistical manual of mental disorders, fifth edition, American Psychiatric Publishingpp. 208-211.

 

 

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người