Rubella: Điều trị và phòng ngừa
Nội dung bài viết
Rubella là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh ít ảnh hưởng đến trẻ lớn và người trưởng thành. Tuy nhiên bệnh gây những biến chứng nặng nề cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Các bạn hãy tiếp tục cùng YouMed tìm hiểu cách thức chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả nhé!
1. Chẩn đoán bệnh Rubella bằng cách nào?
Việc chẩn đoán sẽ khác nhau giữa các đối tượng khác nhau. Vậy bệnh Rubella có thật sự đáng lo ngại hay không. Để hiểu thêm thông tin chi tiết, bạn có thể tham khảo bài viết: Bệnh Rubella có nguy hiểm hay không?
1.1. Bệnh Rubella ở trẻ lớn và người trưởng thành
Vì bệnh ở đối tượng này thường nhẹ và không biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên chẩn đoán sẽ khó khăn nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Một số bệnh có biểu hiện giống Rubella gồm: nhiễm Toxoplasma, bệnh sởi nhẹ, sốt tinh hồng nhiệt…
Các xét nghiệm giúp chẩn đoán phân biệt Rubella với các bệnh khác có phát ban bao gồm:
- Xét nghiệm máu: cho thấy sự thay đổi của tế bào máu trong tình trạng nhiễm trùng.
- Tìm vi rút: bằng cách lấy dịch ở họng, nước tiểu, dịch khớp đem xét nghiệm tìm sự hiện diện của vi rút.
- Các xét nghiệm tìm kháng thể: khi cơ thể tiếp xúc với vi rút sẽ kích thích hệ miễn dịch sản xuất ra kháng thể. Tìm sự tăng cao các kháng thể này trong cơ thể là bằng chứng cho việc nhiễm vi rút.
1.2. Bệnh Rubella bẩm sinh
– Phụ nữ mang thai có thể truyền vi rút cho con thông qua nhau thai. Tùy thuộc nhiễm vi rút vào giai đoạn nào của thai kì sẽ có ảnh hưởng khác nhau lên thai nhi. Nếu người mẹ mắc bệnh vào 3 tháng đầu của thai kì thì khả năng thai bị dị tật là rất cao.
– Chẩn đoán thai nhi có bị Rubella bẩm sinh hay không bằng cách:
- Trước khi sinh: lấy dịch ối đem xét nghiệm tìm sự hiện diện của vi rút. Ngoài ra bác sĩ còn siêu âm thai để phát hiện các dị tật bào thai như tật đầu nhỏ, gan lách to, bệnh tim bẩm sinh…
- Sau khi sinh: tìm sự hiện diện của vi rút trong máu của trẻ sơ sinh. Hoặc tìm sự gia tăng kháng thể trong cơ thể là bằng chứng cho việc nhiễm vi rút.
Vì triệu chứng phát ban trùng lặp trong nhiều bệnh lý khác nhau. Nên khi bị phát ban, bạn nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác bệnh và có phương pháp điều trị phù hợp.
Trong trường hợp phụ nữ mang thai bị phát ban trong thai kì, người mẹ nên tham vấn bác sĩ sản khoa để được chẩn đoán và có kế hoạch quản lý thai kì thích hợp.
2. Điều trị bệnh Rubella như thế nào?
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh Rubella. Bệnh Rubella có thể khởi phát và tự khỏi khi không được điều trị. Nếu các triệu chứng làm cho bạn khó chịu nhiều, có thể dùng thuốc giúp giảm triệu chứng như:
- Thuốc hạ sốt.
- Thuốc giảm đau.
- Thuốc kháng viêm nếu có viêm khớp.
- Người bệnh cần nghỉ ngơi tại nhà để hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh.
- Uống nhiều nước, bổ sung chất dinh dưỡng và vitamin để cơ thể nhanh chóng hồi phục.
Lưu ý, phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc giảm bớt các triệu chứng.
3. Phòng ngừa bệnh Rubella?
Bệnh Rubella ở trẻ sau khi sinh và người trưởng thành thường nhẹ hoặc đôi khi không có triệu chứng. Tuy nhiên nhiễm vi rút Rubella trong giai đoạn mang thai có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu mẹ mắc bệnh Rubella thì có nguy cơ cao bị sẩy thai, sinh non và dị tật bẩm sinh. Mặc khác, bệnh có thể lây nhiễm cho người xung quanh và vẫn chưa có thuốc giúp điều trị bệnh. Vì vậy cách tốt nhất là phòng ngừa bệnh Rubella bằng cách tiêm phòng.
- Tiêm phòng vắc xin rộng rãi cho trẻ từ 12-24 tháng tuổi. Tiêm phòng cho đối tượng vị thành niên, người trưởng thành. Đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và nhân viên y tế (để tránh lây nhiễm cho bệnh nhân).
- Vắc xin tạo ra kháng thể giúp bảo vệ bệnh ít nhất 15 năm hoặc có thể cả đời (95% trường hợp tiêm ngừa). Sau nhiều năm chủng ngừa, kháng thể bảo vệ trong cơ thể có thể không còn. Nhưng khả năng bảo vệ với Rubella của cơ thể vẫn còn.
- Tác dụng phụ xảy ra khi tiêm vắc xin bao gồm: sốt phát ban, nổi hạch, đau khớp và viêm khớp (thường xảy ra ở người lớn). Tuy nhiên những các triệu chứng ở khớp thường thoáng qua và có thể tự khỏi.
- Không tiêm vắc xin cho phụ nữ đang mang thai và không có thai ít nhất 3 tháng sau đó. Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần có biện pháp ngừa thai hiệu quả. Ngừa thai liên tục trong vòng 3 tháng, gồm 1 tháng trước tiêm phòng và 2 tháng sau tiêm phòng.
- Ngoài ra, phụ nữ khi mang thai cần hạn chế tiếp xúc với những người bị sốt, phát ban để tránh bị lây nhiễm.
Rubella là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh ít ảnh hưởng đến trẻ sau sinh và người trưởng thành. Tuy nhiên bệnh gây biến chứng nặng nề cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Mặc khác bệnh có thể lây nhiễm cho những người xung quanh và vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, cách tốt nhất là áp dụng tiêm phòng để giúp ngừa bệnh hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Rubellahttps://www.healthline.com/health/rubella
Ngày tham khảo: 10/11/2019
- Rubella, Bệnh truyền nhiễm. Đại học Y dược TPHCM.