Sởi và rubella khác nhau như thế nào?
Nội dung bài viết
Bạn biết gì về sởi và rubella? Nguyên nhân nào gây ra các bệnh này? Bệnh Rubella khác gì bệnh Sởi? Các triệu chứng lâm sàng điển hình khi mắc bệnh và các biến chứng khi trẻ bị nhiễm bệnh là gì? Có nguy hiểm gây đe dọa tính mạng cho trẻ không? Hãy cùng YouMed theo dõi các vấn đề được phân tích và trình bày trong bài viết dưới đây nhé!
Nguyên nhân gây bệnh Rubella và bệnh sởi
Nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi
Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi. Virus sởi thuộc họ paramyxovirus, virus này thường có khả năng lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Không những vậy, chúng còn có khả năng lây lan mạnh khi tiếp xúc với người bệnh. Hiện nay khả năng mắc bệnh và thành dịch cao.1
Đối tượng mắc bệnh: thường xảy ra ở trẻ trên 1 tuổi. Tuy nhiên, trong một số đợt dịch gần đây trẻ dưới 1 tuổi vẫn có nguy cơ bị sởi để lại nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh rubella
Rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức. Bệnh rubella có tính truyền nhiễm và do virus rubella nhưng thuộc họ togavirus gây ra.2
Virus này lây qua đường hô hấp khi người lành tiếp xúc với hạt nước bọt của người mang bệnh hoặc có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai.2 Tuy nhiên, kể từ khi có vắc-xin phòng bệnh thì bệnh rubella hiện nay hầu như ít gặp.
Đối tượng mắc bệnh: thường xảy ra vào mùa đông xuân có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nhưng bệnh cũng ít gặp ở trẻ sơ sinh trừ những trẻ bị mắc hội chứng rubella bẩm sinh.
Triệu chứng lâm sàng của sởi và rubella
Triệu chứng khi mắc bệnh sởi3
Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 10 đến 14 ngày. Trong giai đoạn này thường không biểu hiện triệu chứng gì của bệnh. Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ lây lan bệnh cho người không mắc bệnh. Do đó, để phòng ngừa bệnh sởi bằng cách tránh tiếp xúc là một việc rất khó.
Thời kỳ khởi phát:
- Đặc trưng bởi sốt đột ngột mức độ nhẹ – vừa.
- Các triệu chứng kèm theo bao gồm: Ho khan, chảy mũi nước, tiêu chảy, viêm kết mạc mắt, đau họng,…
- Lưu ý: Đây là các triệu chứng này hầu như luôn xảy ra. Sau khi xuất hiện các triệu chứng trên thấy bắt đầu có nội ban là các hạt Koplik. Đây là các hạt nhỏ màu trắng ngà, xung quanh có viền đỏ mọc ở các vị trí như vòm họng, niêm mạc má. Đây là một dấu hiệu đặc trưng của bệnh.
Thời kỳ toàn phát:
- Phát ban xuất hiện từ các đốm nhỏ màu đỏ, một số hơi nổi lên. Các đốm phát ban mọc thành cụm dày đặc, khiến da có màu đỏ lốm đốm.
- Vài ngày sau đó, ban lan xuống cánh tay, ngực và lưng, rồi đến đùi, cẳng chân và bàn chân. Đồng thời, sốt tăng mạnh, thường cao khoảng 40°C đến 41°C.
Khi ban bắt đầu nhạt màu và lặn dần theo thứ tự mọc, các triệu chứng lâm sàng giảm dần. Điều này có nghĩa trẻ đang trong giai đoạn hồi phục.
Triệu chứng khi mắc rubella4
Với trẻ nhỏ, rubella thường nhẹ và đi kèm với các dấu hiệu phát ban, sốt nhẹ (dưới 39°C), buồn nôn và viêm kết mạc nhẹ. Trong đó, triệu chứng phát ban xảy ra ở 50–80% trường hợp. Vết ban hường bắt đầu ở mặt và cổ, sau đó lan xuống cơ thể và kéo dài 1–3 ngày. Sưng hạch bạch huyết sau tai và cổ cũng là đặc điểm lâm sàng đặc trưng.
Với đối tượng tượng lớn, nhất là phụ nữ, rubella có thể gây ra viêm khớp và đau khớp kéo dài từ 3–10 ngày.
Sau khi một người bị nhiễm bệnh, virus sẽ lây lan khắp cơ thể trong khoảng 5-7 ngày. Các triệu chứng thường xuất hiện từ 2 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc. Giai đoạn dễ lây nhiễm nhất thường là 1–5 ngày sau khi xuất hiện phát ban.
Nếu mẹ bầu bị nhiễm virus rubella sớm trong thai kỳ thì có khả năng lây truyền virus cho thai nhi đến 90%. Điều này có thể gây ra sảy thai hoặc hội chứng giải phóng Cytokine-CRS ở trẻ sơ sinh.
Biến chứng của bệnh Rubella và bệnh sởi
Biến chứng của sởi
Bệnh được đánh giá là nguy hiểm vì có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Hậu quả là làm kéo dài thời gian bệnh. Không những vậy, các biến chứng còn có nguy cơ dẫn tới tử vong, nhất là với trẻ em và các đối tượng bị suy giảm miễn dịch.
Các biến chứng thường gặp của bệnh sởi bao gồm viêm tai giữa, viêm phế quản phổi, viêm thanh khí phế quản và tiêu chảy. Ngay cả ở những trẻ khỏe mạnh trước đó, bệnh sởi có thể gây bệnh nghiêm trọng cần nhập viện.5
Theo thống kê từ CDC:5
- Cứ 1.000 ca sởi thì có một ca bị viêm não cấp tính, thường dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.
- Cứ 1.000 trẻ bị sởi thì có 1 đến 3 trẻ tử vong do các biến chứng về hô hấp và thần kinh.
- Viêm não xơ cứng bán cấp (SSPE) là một bệnh thoái hóa hiếm gặp của hệ thống thần kinh trung ương. Bệnh có thể gây tử vong và được đặc trưng bởi sự suy giảm hành vi, trí tuệ và co giật. SSPE thường phát triển từ 7 đến 10 năm sau khi nhiễm sởi.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu nhiễm sởi có thể gây hại cho thai nhi:6
- Sảy thai, thai chết lưu.
- Trẻ sinh non.
- Trẻ nhẹ cân khi sinh.
Biến chứng của rubella
Bệnh Rubella là bệnh lành tính, với tỷ lệ biến chứng thấp. Tuy nhiên, một số phụ nữ mắc rubella vẫn có thể gây ra các biến chứng, như: viêm khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối, viêm tai, viêm não,…7
Với phụ nữ mang thai, mắc rubella có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi:7
- Nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non.
- Trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh như điếc, mù lòa, chậm phát triển…
- Trẻ có thể mắc hội chứng rubella bẩm sinh.
Phòng bệnh rubella và sởi như thế nào?
Có thể thực hiện các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu:
- Cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
- Lưu ý tránh cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh hay nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Ngoài ra, cần đảm bảo không gian thông thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc…
Một số phương pháp phòng bệnh đặc hiệu:
- Hiện tại, vắc-xin sởi và vắc-xin rubella đã có mặt tại các trung tâm tiêm chủng.
- Do đó, nên chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin. Mục đích nhằm tạo hệ miễn dịch chủ động làm giảm khả năng mắc bệnh và hạn chế nguy cơ biến chứng.
Lịch tiêm phòng với sởi:
- Thực hiện tiêm phòng vắc-xin mũi đầu tiên từ 9 tháng tuổi trở lên.
- Sau 12 tháng tuổi nên đưa trẻ tiêm phòng vắc-xin loại kết hợp phòng 3 bệnh là sởi, quai bị, rubella.
Lịch tiêm chủng rubella:
- Khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.
- Với đối tượng là người lớn, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hoặc đối tượng có ý định mang thai nên thực hiện tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất 1 tháng.
Bài viết trên đã cung cấp một số thông tin cơ bản về sởi và rubella. Hy vọng dựa vào những thông tin này, bạn đọc và gia đình có thể phân biệt được hai bệnh lý trên. Điều này giúp phát hiện và điều trị kịp thời, phù hợp theo từng loại bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Measleshttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Rubella (German Measles)https://www.who.int/teams/health-product-policy-and-standards/standards-and-specifications/vaccine-standardization/rubella
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Measleshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/symptoms-causes/syc-20374857
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Rubellahttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rubella
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Measles - For Healthcare Providershttps://www.cdc.gov/measles/hcp/index.html
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Measleshttps://www.nhs.uk/conditions/measles/
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Rubellahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rubella/symptoms-causes/syc-20377310
Ngày tham khảo: 16/04/2023