YouMed

Sa ruột non: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Sa ruột non là một bệnh lý diễn ra thường do sự lão hóa của các cấu trúc bên trong ổ bụng. Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến bệnh lý này. Vậy đâu là những triệu chứng giúp bạn và bác sĩ có thể nghĩ đến bệnh lý này? Xét nghiệm nào có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh? Và phương pháp điều trị là gì? Hãy cùng YouMed tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.

1.     Sa ruột non là gì?

Sa ruột non xảy ra khi ruột non từ khoang bụng đi xuống khoang chậu dưới và đẩy ở phần trên cùng của âm đạo ra phía trước, tạo ra một khối phồng. Khối phồng này có thể cảm nhận được, ngay cả bệnh nhân cũng có thể phát hiện được. Từ “sa” có nghĩa là trượt hoặc rời khỏi vị trí bình thường.

Sinh con, lão hóa và các quá trình khác gây áp lực lên sàn chậu của bạn có thể làm suy yếu các cơ và dây chằng hỗ trợ các cơ quan vùng chậu. Các tác động này khiến tình trạng sa ruột non dễ xảy ra hơn.

Để kiểm soát sa ruột non, các biện pháp tự chăm sóc và các phương pháp phẫu thuật khác thường có hiệu quả. Trong trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần phải phẫu thuật để có thể ổn định tình trạng này.

Khó chịu vùng bụng dưới hay hạ vị là triệu chứng thường gặp

2.     Nguyên nhân

Tăng áp lực lên sàn chậu là lý do chính của bất kỳ hình thức sa cơ quan vùng chậu nào. Các yếu tố và hoạt động có thể gây ra hoặc góp phần gây ra sa ruột non hoặc các dạng sa khác bao gồm:

  • Mang thai và sinh con
  • Táo bón mãn tính, hoặc tiểu khó.
  • Ho mãn tính hoặc viêm phế quản
  • Nâng vật nặng lặp đi lặp lại
  • Thừa cân hoặc béo phì

Mang thai và sinh con

Mang thai và sinh con là nguyên nhân phổ biến nhất của sa cơ quan vùng chậu. Các cơ, dây chằng và cân mạc giữ và hỗ trợ âm đạo của bạn căng ra và suy yếu trong khi mang thai, chuyển dạ và sinh nở.

Không phải ai đã từng sinh con đều bị sa cơ quan vùng chậu. Một số phụ nữ có cơ, dây chằng và cân mạc vùng chậu khỏe và không bao giờ gặp vấn đề. Phụ nữ chưa từng sinh con cũng có thể bị sa cơ quan vùng chậu.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển sa ruột non bao gồm:

  • Mang thai và sinh con. Sinh con bằng đường âm đạo góp phần làm suy yếu cấu trúc nâng đỡ sàn chậu. Qua đó làm tăng nguy cơ bị sa ruột non. Bạn mang thai càng nhiều, nguy cơ phát triển bất kỳ loại sa cơ quan vùng chậu nào càng cao. Những phụ nữ chỉ sinh mổ ít có nguy cơ bị sa dạ con hơn.
  • Tuổi tác. Sa ruột non và các loại sa cơ quan vùng chậu khác xảy ra thường xuyên hơn khi tuổi càng cao. Khi bạn già đi, bạn có xu hướng mất khối lượng cơ và sức chịu đựng của cơ cũng giảm. Xảy ra ở cơ vùng chậu cũng như các cơ khác tại cơ thể.
  • Phẫu thuật vùng chậu. Cắt bỏ tử cung hoặc các thủ thuật phẫu thuật để điều trị tiểu không kiểm soát có thể làm tăng nguy cơ phát triển sa ruột non.
  • Tăng áp lực ổ bụng. Thừa cân làm tăng áp lực bên trong bụng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh sa ruột non. Các yếu tố khác làm tăng áp lực bao gồm ho liên tục (mãn tính) và táo bón mạn tính.
  • Hút thuốc lá. Hút thuốc lá có liên quan đến sự hình thành sa ruột non. Vì người hút thuốc thường xuyên bị ho, làm tăng áp lực ổ bụng.
  • Rối loạn mô liên kết. Bạn có thể dễ bị sa do các yếu tố di truyền. Các mô liên kết yếu hơn ở vùng chậu, khiến bạn dễ bị sa ruột non và các loại sa cơ quan vùng chậu khác.

3.     Các triệu chứng của sa ruột non

Sa ruột non nhẹ có thể không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh của bạn nghiêm trọng, bạn có thể gặp phải các triệu chứng:

  • Cảm giác căng tức trong xương chậu. Có thể giảm bớt khi bạn nằm xuống.
  • Cảm giác đầy ở vùng chậu áp lực hoặc đau.
  • Đau thắt lưng. Triệu chứng cũng giảm bớt khi bạn nằm xuống.
  • Khó chịu ở âm đạo và giao hợp đau.

Nhiều phụ nữ bị sa ruột non cũng bị sa các cơ quan vùng chậu khác, chẳng hạn như bàng quang, tử cung hoặc trực tràng.

Khám bụng và vùng chậu cung cấp nhiều thông tin có ích

4.     Chẩn đoán

Để xác định chẩn đoán sa ruột non, bác sĩ sẽ tiến hành khám vùng chậu. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn hít thở sâu và nín thở trong khi cúi xuống giống như bạn đang đi cầu (nghiệm pháp Valsalva). Điều này có khả năng làm cho ruột non bị sa ra ngoài và phình ra.

Nếu bác sĩ không thể xác minh rằng bạn bị sa ruột non khi khám lâm sàng, họ có thể lặp lại bài kiểm tra khi bạn đang đứng.

Sa ruột non
Xét nghiệm hình ảnh giúp chẩn đoán xác định

5.     Điều trị

Bệnh này thường không cần điều trị nếu các triệu chứng không gây phiền toái cho bạn. Phẫu thuật có thể có hiệu quả nếu bạn bị sa giai đoạn nặng kèm theo các triệu chứng khó chịu. Phương pháp nội khoa có sẵn nếu bạn muốn tránh phẫu thuật, nếu phẫu thuật quá rủi ro hoặc nếu bạn muốn mang thai trong tương lai gần.

Các lựa chọn điều trị cho chứng sa ruột non bao gồm:

  • Tái khám thường xuyên. Nếu bệnh gây ra ít hoặc không có triệu chứng rõ ràng, bạn không cần điều trị. Các biện pháp tự chăm sóc đơn giản, chẳng hạn như thực hiện các bài tập gọi là bài tập Kegel để tăng cường cơ vùng chậu, có thể giúp giảm triệu chứng. Tránh bê vác nặng và táo bón có thể làm giảm khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng này.
  • Pessary. Một thiết bị silicon, nhựa hoặc cao su được đưa vào âm đạo của bạn sẽ hỗ trợ điều trị. Các thiết bị này có nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau. Bác sĩ sẽ đo và phù hợp với bạn cho thiết bị, và bạn học cách lắp, tháo và làm sạch nó.
  • Phẫu thuật. Bác sĩ có thể thực hiện phẫu thuật để sửa chữa sa ruột non. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ di chuyển ruột non bị sa trở lại vị trí cũ và thắt chặt các mô liên kết của sàn chậu. Đôi khi, lưới nhân tạo có thể được sử dụng để giúp hỗ trợ các mô bị suy yếu.

Bệnh này thường không tái phát. Tuy nhiên, chấn thương thêm đối với sàn chậu có thể xảy ra khi tăng áp lực vùng chậu, chẳng hạn như táo bón, ho, béo phì hoặc khiêng nặng.

6.     Phòng ngừa

Bạn có thể giảm nguy cơ sa ruột non bằng cách thực hiện các phương pháp sau:

  • Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể làm giảm áp lực bên trong bụng.
  • Ngăn ngừa táo bón. Ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước có thể giúp bạn đi tiêu dễ dàng hơn. Và tập thể dục thường xuyên cũng giúp ích cho việc đi tiêu.
  • Trị ho mãn tính. Ho liên tục làm tăng áp lực ổ bụng. Hãy đến gặp bác sĩ để hỏi về cách điều trị nếu bạn bị ho liên tục (mãn tính).
  • Từ bỏ hút thuốc. Hút thuốc lá góp phần gây ra ho mãn tính. Ngoài ra, bỏ thuốc lá cũng giúp hạn chế tiến triển nhiều bệnh lý toàn thân khác.
  • Tránh nâng vật nặng. Nâng vật nặng làm tăng áp lực ổ bụng. Vì vậy, hạn chế nâng vác vật nặng giúp giảm nguy cơ sa ruột non.

Để chẩn đoán sa ruột non, cần thăm khám vùng sinh dục và hậu môn. Đây là một trong những vùng nhạy cảm, nên có lẽ nhiều người sẽ ngại và không đi khám. Tuy nhiên, bệnh nhân cần phải loại bỏ đi tâm lý này, và đi khám bệnh khi thấy có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường. Và nếu được chẩn đoán sớm, việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Vì càng để lâu, nguy cơ càng cao bạn cần phải trải qua một ca phẫu thuật.

Bác sĩ Vũ Thành Đô

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/enterocele/symptoms-causes/syc-20377661

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người