Sa tử cung- Phiền toái hay nguy hiểm?
Nội dung bài viết
Sa tử cung là tình trạng tử cung bị sa ra khỏi vị trí thông thường của nó trong vùng chậu. Tình trạng này khiến các chị em lo lắng vì lầm tưởng với các khối u “bỗng nhiên xuất hiện” trong âm đạo. Vì sao tình trạng này lại xảy đến với bạn, các dấu hiệu nhận biết cũng như cách điều trị sẽ được Youmed chia sẻ với bạn qua bài viết dưới đây.
1. Sa tử cung là gì?
Tử cung là một cơ quan đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh sản của người phụ nữ. Tử cung còn được gọi là dạ con, bình thường nằm trong khung xương chậu và có hình dạng như quả lê. Khi mang thai, tử cung là ngôi nhà chưa em bé đang phát triển bên trong. Sa tử cung là tình trạng các hệ thống nâng đỡ bên trong của tử cung suy yếu theo thời gian.
Tình trạng này khá phổ biến có thể xảy ra khi phụ nữ già đi. Theo thời gian, cũng như với nhiều lần sinh con, các cơ và dây chằng quanh tử cung sẽ suy yếu dần. Khi các cấu trúc nâng đỡ này dần không giữ được các cơ quan trong vùng chậu khiến chúng sa ra ngoài.
2. Nguyên nhân
Tử cung được giữ đúng chỗ trong khung chậu bởi một hệ thống nhiều cơ và dây chằng. Hệ thống này gọi là các cơ sàn chậu. Khi cấu trúc này yếu đi, chúng bắt đầu sa xuống. Có rất nhiều yếu tố đóng góp vào sự yếu đi của cơ sàn chậu:
- Mất trương lực cơ do lớn tuổi, giảm các hormone giúp cơ săn chắc.
- Chấn thương khi sinh con, đặc biệt khi sinh nhiều lần hoặc sinh con to (nặng hơn 3500 gram).
- Béo phì
- Có tình trạng ho mạn tính
- Táo bón mạn tính.
3. Phân loại bệnh
Tình trạng này có nhiều mức độ, phụ thuộc vào hệ thống nâng đỡ tử cung suy yếu đến đâu:
- Sa tử cung không hoàn toàn: khi tử cung trượt một phần vào trong âm đạo (ống sanh). Bạn có thể cảm nhận hay sờ thấy một khối trong âm đạo.
- Sa tử cung hoàn toàn: trong trường hợp nặng, tử cung trượt nhiều ra khỏi ống sanh. Các chị em có thể thấy bằng mắt thường khối cơ quan lộ ra bên ngoài.
4. Ai có thể bị sa tử cung
Sa tử cung thường xảy ra ở những phụ nữ:
- Có hơn một lần sinh thường qua ngả âm đạo.
- Đã mãn kinh
- Có người thân cũng bị sa tử cung.
Mãn kinh xảy ra khi buồng trứng ngưng sản xuất nội tiết điều hoà kinh nguyệt hàng tháng. Khi bạn không có kinh sau khoảng thời gian 12 tháng liên tiếp, bạn được xem như mãn kinh. Một trong các nội tiết giảm khi mãn kinh là estrogen. Đây là nội tiết quan trọng giúp các cơ vùng chậu săn chắc. Nếu không có nó, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ cao bị mắc tình trạng này.
>> Tìm hiểu thêm: Liệu pháp nội tiết tố nữ thay thế: Những điều cần nên biết.
5. Triệu chứng
Nếu chỉ bị sa nhẹ, bạn có thể không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi tử cung trượt nhiều, nó có thể làm tăng áp lực lên các cơ quan khác trong vùng chậu như bàng quang hay trực tràng. Các triệu chứng có thể có gồm:
- Cảm giác nặng nề, đè ép trong vùng chậu
- Đau trong vùng chậu, đau bụng, hoặc đau vùng lưng dưới.
- Đau khi quan hệ.
- Thường xuyên viêm nhiễm bàng quang.
- Tiết khí hư hay huyết trắng nhiều hoặc bất thường từ âm đạo.
- Táo bón
- Các vấn đề đường tiểu: như tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, đi tiểu nhiều lần.
Các triệu chứng có thể nặng hơn khi bạn đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài. Ở các tư thế này, trọng lực sẽ tăng thêm áp lực lên các cơ vùng chậu.
6. Làm thế nào để chẩn đoán sa tử cung
Bạn cần đến gặp bác sĩ phụ khoa để được đánh giá chính xác tình trạng cũng như mức độ sa tử cung. Khi thăm khám, bác sĩ sẽ đặt mỏ vịt (một dụng cụ đưa vào âm đạo để quan sát bên trong) và kiểm tra âm đạo, tử cung. Bác sĩ cũng có thể khám âm đạo bằng tay để cảm nhận tử cung có sa xuống vùng âm đạo hay không.
7. Điều trị
Các lựa chọn không phẫu thuật
- Bài tập Kegel: Bạn có thể tự tập một bài tập giúp làm săn chắc các cơ vùng chậu với tên gọi là bài tập Kegel. Đây là bài tập đơn giản có thể làm ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Bài tập còn giúp tăng cảm xúc khi hai vợ chồng gần gũi nhau. Cách thực hiện: Hãy co cơ chậu trong vòng vài giây rồi thả lỏng ra. Thực hiện động tác này 10 lần (1 set). Mỗi ngày thực hiện 20 set.
- Vòng nâng: Vòng nâng tử cung là một dụng cụ đặt quanh phần dưới của tử cung (cổ tử cung). Dụng cụ làm bằng nhựa hoặc cao su có hình vành khăn giúp dựng thẳng và giữ tử cung đúng vị trí. Dụng cụ được đặt vào trong âm đạo áp sát vào cổ tử cung để hỗ trợ. Bạn có thể dùng biện pháp này tạm thời hoặc vĩnh viễn. Các vòng nâng có rất nhiều hình dạng và kích thước, bác sĩ sẽ lựa chọn loại vòng vừa vựa với cổ tử cung của bạn. Nếu sa tử cung nặng, vòng nâng có thể không có hiệu quả. Ngoài ra, vòng nâng có thể gây kích thích bên trong âm đạo và làm tăng tiết khí hư có mùi.
- Bổ sung estrogen âm đạo: việc sử dụng estrogen âm đạo có thể cải thiện sức mạnh và sự dẻo dai của mô âm đạo. Dùng thêm estrogen hỗ trợ giúp tăng hiệu quả các biện pháp điều trị. Việc dùng estrogen đơn thuần không giúp đảo ngược sự xuất hiện của sa tử cung.
Phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật cho tình trạng sa tử cung có thể gồm phẫu thuật treo tử cung lên cao hoặc phẫu thuật cắt tử cung:
- Phẫu thuật treo tử cung: bác sĩ sẽ đưa tử cung lại vị trí ban đầu của nó bằng cách đính tử cung lại bằng các dây chằng trong vùng chậu hoặc bằng các vật liệu chuyên biệt trong phẫu thuật.
- Phẫu thuật cắt tử cung: bác sĩ sẽ lấy tử cung ra khỏi cơ thể bạn qua ngả bụng hoặc qua đường âm đạo. Khi cắt tử cung bạn sẽ không có kinh, không thể mang thai về sau. Cần lưu ý cắt tử cung không đồng nghĩ với cắt buồng trứng, không làm bạn bị mãn kinh sớm hay lão hoá nhanh. Người đã cắt tử cung vẫn có thể gần gũi chồng bình thường.
Phẫu thuật là một biện pháp khá hiệu quả, nhưng không được khuyến cáo cho các phụ nữ còn mong con (cần phải bảo tồn tử cung). Mang thai và sinh con có thể gây căng dãn nhiều các cơ vùng chậu, việc này sẽ làm mất đi các hiệu quả của cuộc phẫu thuật trước đó.
8. Liệu sa tử cung có tái phát
Trong đa số trường hợp, các biện pháp điều trị khá hiệu quả. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể tái phát hay xuất hiện trở lại. Điều này rất thường xảy ra, đặc biệt nếu bạn bị sa tử cung mức độ nặng, béo phì hoặc trẻ tuổi (dưới 60 tuổi).
9. Dự phòng sa tử cung khi có tuổi
Để phòng ngừa, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Giảm cân để làm giảm các áp lực lên vùng chậu
- Phòng táo bón với chế độ ăn giàu chất xơ.
- Thực hiện bài tập Kegel để tăng sức mạnh các cơ sàn chậu
- Tránh mang vác nặng
Sa tử cung có thể ảnh hưởng tới các cơ quan khác như ruột hay bàng quang. Tình trạng này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống vợ chồng, thậm chí gây đau. Trong đa số trường hợp, tiên lượng của tình trạng này là tốt. Thay đổi lối sống và tập các bài tập hỗ trợ cho kết quả rất khả quan trong điều trị bệnh. Khi cần thiết, phẫu thuật có thể là lựa chọn phù hợp để điều trị. Nếu bạn còn băn khoăn về các triệu chứng của bệnh, có thể tìm hiểu thêm để chuẩn bị cho một buổi kiểm tra phụ khoa tại đây.
Bác sĩ Hoàng Lê Trung Hiếu
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.