YouMed

Sâm vũ diệp kháng viêm, ổn định mảng xơ vữa

Bác sĩ HẠ CHÍ LỘC
Tác giả: Bác sĩ Hạ Chí Lộc
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Sâm vũ diệp (Tam thất hoang) là một loại sâm quý phân bố chủ yếu ở các vùng núi phía Bắc nước ta. Tuy vậy, không ít người vẫn còn chưa rõ về nhiều công dụng tuyệt vời của vị thuốc này. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cơ bản về đặc điểm, công dụng và cách dùng của dược liệu trên

Sâm vũ diệp là gì?

Tên thường gọi: Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Tam thất lá xẻ, Vũ diệp tam thất, hoàng liên thất…

Sâm có tên khoa học: Panax bipinnatifidus Seem thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae).

Mô tả toàn cây

Cây thảo sống nhiều năm, rễ dài có nhiều đốt, nhiều sẹo trên thân. Thân mảnh cao 10 đến 20cm, đôi khi cao đến 50 cm, thường tàn vào mùa khô. Lá mọc xòe hình chân vịt, mép có răng cưa. Hoa màu trắng lục xếp 20 đến 30 cái thành tán đơn trên một trục dài như hình pháo hoa. Quả mọng, khi chín màu đỏ có 1 hoặc 2 hạt.

Ra hoa vào tháng 7 đến 9.

Bộ phận dùng: Rễ củ – Radix Panacis Bipinnatifidi.

Đặc điểm sinh trưởng, thu hái và chế biến

Sâm vũ diệp phân bố ở phía Nam Trung Quốc và Bắc Việt Nam, ở độ cao 1900 – 2400 m trong rừng mưa nhiệt đới ẩm. Cây mọc hoang ở vùng núi cao lạnh của SaPa, Lào Cai. Được trồng và mọc tốt như Tam thất chủ yếu thu hoạch rễ củ ở những cây lâu năm, rửa sạch, phơi khô hay sấy khô.

rễ sâm vũ diệp
Sâm vũ diệp có phần rễ dài có nhiều đốt, nhiều sẹo trên thân

Tác dụng của Sâm vũ diệp

Thành phần hóa học

Chủ yếu là các saponin.

Ginsenoside Rb1, ginsenoside Rd, ginsenoside Rg1, notoginsenoside R2. Các ginsenoside này giao động từ 2 – 20% tùy theo năm tuổi.

Tác dụng dược lý

Qua các nghiên cứu cho thấy Sâm vũ diệp có các tác dụng sau:

  • Ổn định mảng xơ vữa trong xơ vữa động mạch.
  • Làm giãn mạch máu ngoại biên thông qua NO v2 cyclooxygenase.
  • Kháng kết tập tiểu cầu.
  • Điều hòa hướng lên các protein kháng viêm, sửa chữa chức năng ti thể và chống oxy hóa, bảo vệ cơ trơn mạch máu.
  • Ức chế tăng sinh mạch máu thông qua nhiều con đường tín hiệu TGF‑β/Smad.
  • ERK, VEGFR-2 qua trung gian PI3K/Akt/mTOR. Đồng thời ức chế apoptosis thông qua tín hiệu AMPK/mTOR.
  • Đảo ngược quá trình lão hóa thông qua ức chế con đường  P16Ink4a/Rb và p19ArfMdm2/p53/p21Cip1/Waf1.

Sâm vũ diệp trong y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, Sâm vũ diệp có vị đắng, nhạt, tính hàn. Có tác dụng tư bổ cường tráng, tiêu viêm giảm đau, khử ứ sinh tân, chỉ huyết.

Cách sử dụng Sâm vũ diệp

Liều dùng

Rễ củ Sâm vũ diệp dùng cầm máu các loại vết thương và xuất huyết. Cũng được dùng như Tam thất làm thuốc bổ chữa thiếu máu, xanh xao gầy còm nhất là đối với phụ nữ sau khi sinh đẻ, còn có tác dụng kích thích sinh dục và được dùng trong điều trị vô sinh.

Liều dùng 4 – 8 g thuốc bột hoặc rượu thuốc.

Ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta dùng rễ củ chữa thổ huyết, chảy máu mũi, đòn ngã tổn thương, thương tổn bên trong gây đau lưng.

Lưu ý khi sử dụng

Không nên sử dụng trên bệnh nhân huyết hư, nội hàn, tiêu chảy…

Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ nếu:

Có thai hoặc cho con bú, bạn chỉ nên dùng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ. Dị ứng với bất kỳ chất nào của cây Tam thất hoang hoặc các loại thuốc, thảo mộc khác. Đang điều trị bệnh tật, rối loạn hoặc tình trạng bệnh nào khác. Bị dị ứng với bất kỳ yếu tố nào như: thực phẩm, thuốc nhuộm, chất bảo quản hay lông động vật…

Một số bài thuốc từ Sâm vũ diệp

Tam thất hoang ngâm rượu: Bài thuốc tăng cường sinh lực, bồi bổ cơ thể. Rửa sạch sâm và thái lát mỏng vừa đủ dày. Đổ ngập rượu theo tỷ lệ 100 gram sâm ngâm trong 2 – 3 lít rượu có độ rượu trên 50 độ, cho vào bình thủy tinh ủ ít nhất 3 tháng ngâm. Mỗi ngày, bạn chỉ nên uống 50 – 100 ml. Tuyệt đối không uống nhiều và để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa, các bạn nên uống sau khi ăn.

Trà sâm vũ diệp

Dùng Tam thất hoang pha trà: Hãm 5 phút sử dụng 1 – 2 gram sâm vũ diệp cho vào cốc nước sôi là có thể uống. Trà ngâm có thể uống vài lần, có thể ăn luôn xác. Sử dụng trà thường xuyên giúp chống stress, bồi bổ cơ thể và cải thiện sức khỏe.

Ngâm sâm vũ diệp

Ngậm Tam thất hoang nguyên chất: ngậm sâm là một trong những cách đơn giản, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe ở những đối tượng suy nhược cơ thể trầm trọng, hen suyễn, chán ăn hoặc có vấn đề công năng hô hấp. Thái một lát mỏng rễ củ và ngậm trong miệng. Thực hiện đều đặn mỗi ngày để nhận được hiệu quả tối ưu.

Dùng sâm vũ diệp tẩm mật ong. Tam thất hoang sau khi thu hoạch xong sẽ được rửa sạch và thái lát mỏng. Dùng thảo dược cho vào lọ thủy tinh và đổ ngập mật ong, đậy kín nắp và để nơi khô ráo, tránh ánh sáng. Có thể sử dụng sau 1 tháng ngâm tẩm. Mỗi ngày ngậm 3 – 5 lát sâm ngâm mật ong giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện bệnh lý.

Sâm vũ diệp là một vị sâm quý tương đương với Sâm ngọc linh nhưng vẫn còn chưa được nhiều người biết tới. Hi vọng với bài viết trên có thể cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích về tác dụng tuyệt vời của dược liệu này

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.

  2. Yang, B. R., Yuen, S. C., Fan, G. Y., Cong, W.-H., Leung, S.-W., & Lee, S. M.-Y. (2018). Identification of certain Panax species to be potential substitutes for Panax notoginseng in hemostatic treatments. Pharmacological Research, 134, 1–15. doi:10.1016/j.phrs.2018.05.005

  3. Hara H. On the Asiatic species of the genus Panax.. Journal of Japanese Botany. 1970;45:197-212.

  4. Li HL. The Araliaceae of China. Sargentia 2: 1–134. 1942.

  5. Wang N, Wan JB, Chan SW, Deng YH, Yu N, Zhang QW, Wang YT, Lee SM. Comparative study on saponin fractions from Panax notoginseng inhibiting inflammation-induced endothelial adhesion molecule expression and monocyte adhesion. Chin Med. 2011;6:37.

  6. Wen J, Zimmer EA. Phylogeny and biogeography of Panax L. (the ginseng genus, araliaceae): inferences from ITS sequences of nuclear ribosomal DNA. Mol Phylogenet Evol. 1996;6(2):167-177.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người