YouMed

Siêu âm thai: Mẹ cần biết gì?

bác sĩ nguyền hồ thanh an
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An
Chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Nội tổng quát

Siêu âm thai ngày nay đã trở thành một phần quan trọng của quá trình chăm sóc trước khi sinh. Nó cung cấp cho bác sĩ nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe của mẹ và bé. Mặc dù vậy, không phải ai cũng hiểu đúng về tầm quan trọng của nó, cũng như biết được thời điểm mình cần phải siêu âm. Để khắc phục điều này, Bác sĩ Nguyễn Hồ Thanh An sẽ chia sẻ trong bài viết về siêu âm thai cho mẹ bầu.

Siêu âm thai là gì?

Siêu âm thai là một kỹ thuật sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của thai nhi trong tử cung. Phương pháp này giúp cho bác sĩ có thể:

  • Theo dõi thai kỳ
  • Đánh giá sự tăng trưởng, phát triển của em bé
  • Đánh giá các vấn đề có thể xảy ra
  • Giúp xác nhận chẩn đoán trong một số trường hợp.
siêu âm thai
Đầu dò sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của em bé

Có phải tất cả các loại siêu âm đều giống nhau không?

Có nhiều loại siêu âm thai nhi nhưng nhìn chung chúng thường được thực hiện qua hai con đường:

  • Siêu âm qua ngã âm đạo: thường được sử dụng nhất trong thai kỳ với một đầu dò được đặt ở trong âm đạo của mẹ.
  • Siêu âm qua thành bụng.

Cụ thể thì hiện tại có 3 loại siêu âm phổ biến nhất được sử dụng trong thai kỳ, gồm có siêu âm 2 chiều tiêu chuẩn, siêu âm 3 chiều và siêu âm Doppler. Tùy từng trường hợp, mỗi loại sẽ có một ưu điểm và hạn chế riêng.

Tại sao tôi cần phải siêu âm?

Siêu âm thai nhi ngày nay đã trở thành một phần không thể thiếu của kế hoạch chăm sóc trước sinh. Ưu điểm của nó là cung cấp được nhiều thông tin quan trọng mà không gây ảnh hưởng đến mẹ và bé. Cụ thể là:

  • Xác định có thai, số lượng và vị trí của thai: điều này rất quan trọng. Do trong một số trường hợp, thai nhi có thể phát triển bên ngoài tử cung gây ra các hậu quả nghiêm trọng.
  • Tính tuổi thai: giúp ích cho bác sĩ trong việc ước đoán ngày dự sinh và đưa ra kế hoạch theo dõi phù hợp.
  • Đánh giá sự tăng trưởng của bé.
  • Phát hiện dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh có thể được phát hiện đơn thuần trên siêu âm (như xương mũi kém phát triển, dị tật bẩm sinh ở tim…). Tuy nhiên, để chắc chắn có thể sẽ cần đến các xét nghiệm chuyên sâu hơn (ví dụ: chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau).
  • Đánh giá nhau thai, đo mức nước ối. Các bất thường về nước ối (quá nhiều hoặc quá ít) hay các biến chứng nguy hiểm (như nhau tiền đạo, nhau bong non) đều có thể xảy ra trong thai kỳ. Hậu quả chúng gây ra thường khá nghiêm trọng.
  • Xác định tư thế của thai nhi trước khi sinh: rất quan trọng trong việc quyết định phương pháp sinh nở phù hợp (sinh thường hay sinh mổ,…).

Tôi cần siêu âm bao nhiêu lần trong thai kỳ?

Một kế hoạch theo dõi chi tiết được tư vấn bởi bác sĩ sẽ là tốt nhất trong mọi trường hợp. Nhìn chung theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), các mẹ bầu cần thực hiện tối thiểu 1 lần siêu âm trong thời kỳ mang thai (thường vào tuần 18 – 22 thai kỳ).1

Siêu âm ba tháng đầu

Cũng theo ACOG, một số trường hợp mẹ bầu nên siêu âm trong ba tháng đầu (thường vào giữa tuần thứ 6 và tuần thứ 9) để:

  • Tính tuổi thai và xác định ngày dự sinh.
  • Xác nhận nhịp tim thai.
  • Xác định số lượng thai nhi, vị trí thai.
  • Kiểm tra thai ngoài tử cung.
  • Loại trừ các bất thường khác.

Túi thai có thể được nhìn thấy sớm nhất là 4,5 tuần kể từ ngày đầu kỳ kinh nguyệt cuối cùng; nhịp tim thai có thể được phát hiện sớm nhất sau 5 đến 6 tuần.

Siêu âm ba tháng giữa

Siêu âm tam cá nguyệt thứ hai, thường là khoảng giữa tuần 18 và tuần 22, là một khảo sát hình ảnh học quan trọng. Nó cho bác sĩ thấy được bức tranh rõ ràng về sức khỏe tổng thể của em bé và thai kỳ hiện tại.

siêu âm thai
Ở ba tháng giữa, các mẹ đã có thể thấy bé trên màn hình

Mục đích của lần siêu âm này là để:

  • Đánh giá sự phát triển của em bé và đảm bảo rằng mọi thứ sẽ diễn ra bình thường (bằng cách đo các kích thước của em bé, kiểm tra các cơ quan chính, đo mức nước ối và kiểm tra vị trí của nhau thai).
  • Ngoài ra, còn cho biết giới tính của em bé (nếu bạn muốn).

Tôi có cần lưu ý gì không?

Một số phụ nữ có thể cần thực hiện nhiều hơn 2 lần siêu âm, tùy thuộc vào sức khỏe và tình trạng thai kỳ của họ. Thêm vào đó, nếu xuất hiện bất kỳ nghi ngờ nào trong khi mang thai, bác sĩ cũng sẽ cần đến siêu âm để xác nhận rằng tất cả đều ổn. Chẳng hạn như:

  • Siêu âm để kiểm tra những thay đổi trong cổ tử cung (bị mỏng đi, mở hoặc rút ngắn) nếu bạn bị nghi ngờ có nguy cơ sinh non.
  • Đánh giá các triệu chứng như đau bụng, chảy máu âm đạo bất thường,… để loại trừ các biến chứng nguy hiểm
  • Ngoài ra, chúng cũng dùng để hỗ trợ một số xét nghiệm khác, như sinh thiết gai nhau, chọc ối,…

Siêu âm có an toàn không?

Cho đến nay, siêu âm thai nhi không có bất kỳ nguy cơ nào được biết đến ngoài một số điểm bất lợi như:

  • Cảm giác khó chịu nhẹ khi đầu dò được đặt lên bụng hoặc khi đang ở trong âm đạo.
  • Đối với siêu âm qua ngã âm đạo thì đòi hỏi bác sĩ phải che đầu dò trong vỏ bọc bằng nhựa hoặc latex. Do đó ở những sản phụ dị ứng các chất này cần phải thật cẩn trọng. Hãy thông báo với nhân viên y tế trước khi thực hiện thủ thuật bạn nhé.
  • Dựa khá nhiều vào người làm: các nhân viên y tế chưa được đào tạo kỹ lưỡng có thể cung cấp cho cha mẹ những thông tin sai lệch về sức khỏe của bé, hoặc bỏ sót một số bất thường bẩm sinh. Chính vì vậy, hãy đến các cơ sở y tế có uy tín để nhận được sự chăm sóc tốt nhất!

Các mẹ cần phải chuẩn bị gì?

Nhìn chung, siêu âm không đòi hỏi các chuẩn bị quá đặc biệt (chẳng hạn như nhịn ăn). Tuy nhiên, sản phụ có thể được yêu cầu thực hiện một vài động tác để thu được chất lượng hình ảnh tốt nhất như: uống một vài ly nước hay tránh đi tiểu trước khi thực hiện.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu một sự chuẩn bị đặc biệt hơn. Đừng ngại, hãy đặt câu hỏi để được hướng dẫn một cách rõ ràng nhất!

Lưu ý: nếu như bạn đang cần siêu âm bụng, hãy cân nhắc việc mặc quần áo thoải mái để có thể dễ dàng bộc lộ vùng này.

Quá trình này diễn ra như thế nào?

Nhìn chung, siêu âm thai thường được diễn ra như sau:

Đối với siêu âm qua thành bụng

  1. Bạn sẽ ngả người trên bàn khám và để lộ toàn bộ vùng bụng.
  2. Tiếp đến, bác sĩ sẽ bôi một loại gel đặc biệt lên vị trí cần khảo sát và di chuyển đầu dò qua lại để ghi lại các hình ảnh cần thiết.
  3. Trong lúc đó, hãy nhìn lên màn hình. Bạn sẽ có thể nhìn thấy “em bé” của mình hiện lên trên đó đấy!
siêu âm thai
Siêu âm qua thành bụng

Đối với siêu âm qua ngã âm đạo

  1. Bạn sẽ được yêu cầu thay một loại áo choàng đặc biệt hoặc cởi bỏ phần quần áo từ thắt lưng trở xuống.
  2. Điều chỉnh tư thế: bạn bước lên bàn khám và đặt hai chân vào bàn đạp (tương tự như khi khám phụ khoa).
  3. Trước hết, bác sĩ sẽ bọc đầu dò trong một vỏ nhựa (giống như bao cao su) và bôi trơn nó bằng gel.
  4. Sau đó đặt nó vào âm đạo và di chuyển đến các vị trí khác nhau để khảo sát và ghi lại thông tin cần thiết. Tùy thuộc vào vị trí và giai đoạn phát triển của bé, bạn có thể thấy các phần khác nhau như khuôn mặt, bàn tay và ngón tay, hoặc cánh tay và chân.
  5. Cuối cùng, khi đã hoàn tất, đầu dò sẽ được đưa trở ra ngoài.

Không cần phải chuẩn bị, nguy cơ thấp, cung cấp được nhiều thông tin hữu ích là những ưu điểm nổi bật của siêu âm. Chọn thời điểm để thực hiện siêu âm thai nên tuân theo theo lịch hẹn của bác sĩ. Nhưng nhìn chung, một sản phụ nên thực hiện tối thiểu hai lần trong suốt thai kỳ (một trong ba tháng đầu và một trong ba tháng thứ hai). Chia sẻ để mọi người cùng biết nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. How many ultrasound exams will I have during my pregnancy?https://www.acog.org/womens-health/faqs/ultrasound-exams

    Ngày tham khảo: 30/03/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người