YouMed

Đái tháo đường thai kì: nguyên nhân, triệu chứng và hướng dẫn tầm soát

Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Phan Lê Nam
Tác giả: ThS.BS Phan Lê Nam
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

Đái tháo đường là một căn bệnh mà cơ thể bạn không thể kiểm soát lượng đường trong máu một cách hợp lý vì cơ thể không đủ insulin. Insulin là một loại hormone do tụy tiết ra, giúp cho cơ thể sử dụng đường (glucose) để tạo năng lượng hoặc dự trữ để dùng sau này. Đái tháo đường thai kì là bệnh tiểu đường khởi phát trong thai kì và thường biến mất sau kinh. Bệnh này có thể gây ra những vấn đề cho bạn và em bé trong khi mang thai và sau sinh.

Đái tháo đường thai kì là gì?

Khi mang thai, một số phụ nữ gặp vấn đề về lượng đường trong máu tăng cao, tình trạng này gọi là tiểu đường thai kỳ. Bệnh thường khởi phát trong khoảng từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kì. Tiểu đường thai kỳ có thể khiến thai phụ tăng nguy cơ đái tháo đường tuýp 2 sau này.

Nếu không điều trị hoặc kiểm soát đường huyết mẹ bầu, thai nhi cũng có thể mắc bệnh tiểu đường, cũng như tăng nguy cơ biến chứng cho mẹ lẫn con trong thai kì và sinh nở.

Việc kiểm soát đường huyết trong thai kỳ là vô cùng cần thiết
Việc kiểm soát đường huyết trong thai kỳ là vô cùng cần thiết

Nguyên nhân của đái tháo đường thai kì

Nguyên nhân tiểu đường thai kỳ vẫn chưa được biết rõ. Nhưng hormone có thể đóng một vai trò trong nguyên nhân gây bệnh. Khi bạn mang thai, cơ thể bạn sản xuất một lượng lớn hormone bao gồm:

  • Lactogen nhau thai người (hPL).
  • Hormone gây tăng đề kháng insulin.

Xem thêm: Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ và những điều cần biết

Những hormone này ảnh hưởng đến nhau thai và giúp duy trì thai kì. Theo thời gian, lượng hormone này trong cơ thể tăng lên. Chúng làm cho cơ thể bạn kháng với insulin. Khi mang thai, cơ thể bạn tự nhiên trở nên kháng insulin nhẹ, do đó nhiều glucose có sẵn trong máu của bạn sẽ truyền sang em bé. Nếu tình trạng đề kháng insulin trở nên quá manh, lượng đường trong máu của bạn tăng cao bất thường. Điều này có thể dẫn đến đái tháo đường thai kỳ.

Đái tháo đường thai kì
Hormone có thể đóng một vai trò trong nguyên nhân gây bệnh

Đối tượng nguy cơ cao bị tiểu đường thai kì

Bất kì phụ nữ nào cũng có thể mắc bệnh, nhưng bạn có nguy cơ mắc cao hơn người khác nếu:

  • Béo phì.
  • Trước đây bạn đã từng sinh một em bé năng trên 4 kg.
  • Bạn bị đái tháo đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
  • Tuổi mẹ khi mang thai > 40 tuổi.
  • Có người thân (cha, mẹ, anh chị em ruột …) bị đái tháo đường tuýp 2.
  • Bị rối loạn dung nạp glucose, rối loạn đường huyết lúc đói.
  • Tiền căn bị thai lưu 3 tháng cuối thai kì không rõ nguyên nhân.
  • Tiên căn sinh con bị dị tật trước đây.
  • Tăng cân quá nhiều trong thai kì.
  • Rối loạn phóng noãn kiểu buồng trứng đa nang.
  • Sử dụng thuốc: corticosteroids, thuốc kháng virus, hoặc nhiễm HIV.
  • Yếu tố chủng tộc: người Phi, người Ấn, người châu Á, người gốc Tây Ban Nha, người ở các đảo thuộc Thái Bình Dương.

Triệu chứng của đái tháo đường thai kì

Tiểu đường thai kỳ thường không có bất kì triệu chứng nào. Hầu hết các trường hợp được phát hiện sau khi kiểm tra đường huyết trong thai kì. Một số phụ nữ có thể xuất hiện một số dấu hiệu tiểu đường thai kỳ nếu như lượng đường trong máu tăng quá cao (tăng đường huyết) ví dụ như:

  • Tiểu nhiều và thường xuyên hơn.
  • Khát nước nhiều.
  • Mệt mỏi.
  • Khô miệng.
  • Nước tiểu có mùi khác thường, có kiến bu.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Khó lành các vết trầy xước, vết thương.

Các triệu chứng này khá phổ biến trong thai kì và không nhất thiết là dấu hiệu của bệnh. Nếu bạn cảm thấy lo lắng hoặc không biết làm gì khi bị tiểu đường thai kỳ, bạn nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm.

Đái tháo đường thai kì
Các triệu chứng phổ biến của đái tháo đường thai kì

Tầm soát đái tháo đường thai kì như thế nào?

Tại Việt Nam, tần suất mắc đái tháo đường thai kì ngày càng tăng. Song song với tăng tuần suất đái tháo đường thai kì là các vấn đề liên quan đến kết cục xấu của thai kì. Việc tầm soát tiểu đường thai kỳ trở thành một vấn đề thiết yếu của chăm sóc tiền sản tại Việt Nam.

Đối tượng tầm soát

  • Yếu tố thai phụ: lớn tuổi, nhiều con, béo phì trước khi có thai, tăng cân quá mức trong thai kỳ, hội chứng buồng trứng đa nang.
  • Tiền sử trong gia đình thế hệ thứ nhất.
  • Tiền sử sản khoa: thai lưu, sinh con to, tiểu đường thai kỳ trong lần sinh trước.
  • Các yếu tố trong thai kỳ: tăng huyết áp, đa thai.

Mặc dù còn một vài vấn đề chưa được thống nhất, nhưng hầu như các tổ chức chuyên môn trên thế giới khuyến cáo tất cả các phụ nữ đều nên tầm soát đái tháo đường thai kì.

Thời điểm tầm soát

Nên tầm soát đái tháo đường cho mọi thai phụ từ tuần 24-28 của tuổi thai. Thời điểm này được xem là thời điểm chuẩn, tốt nhất cho phát hiện bất thường chuyển hóa carbonhydrate trong thai kì.

Khuyến cáo nhấn mạnh việc đánh giá nguy cơ của đái tháo đường thai kì trong ngay lần khám đầu tiên đối với những phụ nữ có nguy cơ. Nếu là nhóm nguy cơ cao nên thực hiện nghiệm pháp tầm soát sớm và nếu kết quả âm tính sẽ lặp lại khi tuổi thai 24-28 tuần.

Thực hiện Nghiệm pháp dung nạp 75 gram Glucose – 2 giờ.

Các bước tiến hành xét nghiệm

  • Lần khám 1: Khi bạn đến khám lần đầu tiên vào 3 tháng đầu thai kì, xét nghiệm glucose huyết tương lúc đói hoặc glucose huyết tương bất kì. Nếu glucose huyết tương lúc đói bất thường ≥ 126 mg% hoặc glucose huyết tương bất kỳ ≥ 200mg%, chẩn đoán đái tháo đường và sẽ được giới thiệu chuyên khoa Nội tiết.
  • Lần khám sau đó: khi thai kì bước vào tuàn 24-28 bạn sẽ được tư vấn tầm soát đái tháo đường thai kì và hướng dẫn ăn uống hợp lý để thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose 75 gam – 2 giờ vào lần khám thai định kỳ tiếp theo.

Hướng dẫn thực hiện nghiệm pháp dung nạp 75 gram Glucose – 2 giờ

  • Ba ngày trước khi tiến hành nghiệm pháp chẩn đoán, không ăn chế độ ăn có quá nhiều glucid cũng như không ăn kiêng nhằm tránh ảnh hưởng nghiệm pháp.
  • Nhịn đói 8 – 12 giờ trước khi làm nghiệm pháp.
  • Lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương lúc đói trước khi làm nghiệm pháp.
  • Uống ly nước đường đã được chuẩn bị sẵn, uống trong vòng 5 phút.
  • Lấy 2ml máu tĩnh mạch, định lượng glucose trong huyết tương ở 2 thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau uống nước glucose.
  • Trong thời gian làm nghiệm pháp thai phụ không ăn uống gì thêm, được ngồi nghỉ ngơi trong phòng làm nghiệm pháp hoặc đi lại nhẹ nhàng trong khuôn viên bệnh viện trong thời gian làm nghiệm pháp.

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Giờ Glucose huyết tương (mg/dl hay mg%) Glucose huyết tương (mmol/l)
Đói ≥ 92 ≥ 5.1
1 giờ ≥ 180 ≥ 10.0
2 giờ ≥ 153 ≥ 8.5

Nếu có từ 1 giá trị lớn hơn hay bằng là chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

Xem thêm: Cách đọc kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ chính xác

Biến chứng đái tháo đường thai kỳ

Nếu đường huyết không được kiểm soát tốt ở phụ nữ mắc đái tháo đường thai kì, nó có thể dẫn đến các biến chứng tiểu đường thai kỳ cho cả mẹ lẫn bé như:

1. Đối với bé

Thai nhi quá to

Khi đường huyết không được kiểm soát tốt sẽ khiến cho lượng đường trong máu của bé tăng cao. Kích thước của em bé sẽ tăng quá mức. Bên cạnh việc gây khó chịu cho mẹ trong những tháng cuối của thai kì, một em bé quá lớn có thể dẫn đến những biến chứng trong khi sinh cho cả mẹ và con.

Người mẹ có thể cần phải mổ để lấy em bé ra. Và em bé có thể sinh ra bị tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.

Thai to
Thai to của sản phụ bị đái tháo đường thai kì

Thai có thể đột tử trong tử cung hoặc hạ đường huyết và các bệnh lý chuyển hóa sơ sinh khác.

Bệnh lý đường hô hấp

Hội chứng nguy kịch hô hấp cấp

Dị tật bẩm sinh

Ở thời điểm thụ thai của người mẹ bị mắc bệnh đái tháo đường, nếu lượng glucose huyết tương không được kiểm soát tốt thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ sơ sinh sẽ rất cao từ 8 – 13%, gấp 2 – 4 lần nhóm không bị đái tháo đường.

Tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi khi còn trong bụng mẹ không?

Câu trả lời là hoàn toàn có. Những trường hợp này chiếm tỷ lệ khoảng 20% – 30%.

Có nhiều bằng chứng cho thấy tăng glucose huyết tương mạn tính ở cơ thể mẹ giai đoạn từ 3 – 6 tuần cuối của thai kỳ dẫn đến tăng sử dụng glucose ở thai nhi, xuất hiện tình trạng thiếu oxy ở thai nhi, tăng tình trạng toan máu của thai là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp gây chết thai.

Các ảnh hưởng lâu dài

Gia tăng tần suất trẻ béo phì, khi lớn trẻ sớm bị mắc bệnh đái tháo đường týp 2, rối loạn tâm thần – vận động. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị đái tháo đường thai kì có nguy cơ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng gấp 8 lần khi đến 19 đến 27 tuổi.

2. Đối với mẹ bầu

Thai phụ mắc đái tháo đường có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường. Các tai biến thường gặp là:

Tăng huyết áp

Thai phụ đái tháo đường thai kì dễ bị tăng huyết áp hơn các thai phụ bình thường. Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng cho mẹ và thai nhi như: tiền sản giật, sản giật, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ chết chu sinh.

Sinh non

Bà mẹ bị đái tháo đường thai kì có nguy cơ sinh non cao hơn các bà mẹ không bị đái tháo đường thai kì.

Sẩy thai và thai lưu

Thai phụ mắc đái tháo đường thai kì tăng nguy cơ sẩy thai tự nhiên, các thai phụ hay bị sẩy thai liên tiếp cần phải được kiểm tra glucose huyết một cách thường quy.

Nhiễm khuẩn niệu

Thai phụ mắc đái tháo đường thai kì nếu kiểm soát glucose huyết tương không tốt càng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn niệu.

Ảnh hưởng về lâu dài

Nhiều nghiên cứu nhận thấy rằng, các phụ nữ có tiền sử đái tháo đường thai kì có nguy cơ cao diễn tiến thành đái tháo đường týp 2 trong tương lai. Có khoảng 17% đến 63% các phụ nữ đái tháo đường thai kì sẽ bị đái tháo đường týp 2 trong thời gian 5 năm đến 16 năm sau sinh

Đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý rất thường gặp và mang lại nhiều hậu quả cho cả mẹ lẫn bé. Do đó mọi phụ nữ nên tầm soát đái tháo đường thai kì để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con. Bên cạnh đó, mẹ bầu nên tham khảo nhiều cách phòng tránh tiểu đường thai kỳ để bảo vệ sức khỏe cho mình và em bé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Gestational Diabeteshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK545196/

    Ngày tham khảo: 18/10/2020

  2. Gestational Diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/gestational-diabetes

    Ngày tham khảo: 18/10/2020

  3. Gestational Diabetes and Pregnancyhttps://www.cdc/.gov/pregnancy/diabetes-gestational.html

    Ngày tham khảo: 18/10/2020

  4. Bộ Y tế (2018). Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳhttp://canhgiacduoc.org.vn/SiteData/3/UserFiles/HDQD%20VE%20DAI%20THAO%20DUONG%20THAI%20KY.pdf

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người