Sơn thù du: vị thuốc có nhiều công dụng đặc biệt
Nội dung bài viết
Sơn thù du là một loại thảo dược dùng quả phơi khô làm thuốc có tác dụng chữa các chứng bệnh như hay đi tiểu nhiều, tai ù điếc do tuổi già hay thận kém mắt vàng do can hư. Ngoài ra theo nghiên cứu vị thuốc còn chữa sốt rét, vị thuốc dùng làm thuốc thu liễm, thuốc bổ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, tác dụng, cách dùng của loại thảo dược này.
Sơn thù du là gì?
Danh pháp
Tên thường gọi: sơn thù du, thù nhục hay táo bì
Tên khoa học: Cornus officinalis Sieb et Zuce
Họ: sơn thù (Cornaceae)
Mô tả cây
Cây nhỏ sống lâu năm cao chừng 4m, có vỏ thân xám nâu, cành nhỏ không có lông.
Lá đơn, mọc đối, có cuống ngắn, phiến lá hình trứng dài 5-7cm, rộng 3-4,5cm, đầu nhọn, đáy tròn, mép nguyên có 5-7 đôi gân phụ.
Hoa nở trước lá, mọc thành tán, hoa nhỏ màu vàng có 4 lá đài, 4 cành tràng, 4 nhị, bầu hạ.
Quả hạch hình trái xoan, dài 1,2 – 1,5cm, đường kính 7mm, khi chín có màu đỏ tươi, nhẵn, khi phơi khô nhăn nheo hình mạng, cuống quả dài 1,5 – 2cm. Hạch hình trứng, mùa hoa tháng 5 – 6, mùa quả tháng 8 – 10.
Phân bố, thu hái và chế biến
Sơn thù hiện nay đa số là nhập chủ yếu từ Trung Quốc
Phân bố chủ yếu ở các tỉnh Thiểm Tây, Hà Nam, Sơn Đông, An Huy, Triết Giang, Tứ Xuyên
Tại nước ta, một số người dùng thịt quả táo hay táo chua thay cho sơn thù nhưng thực tế cả hai cây khác xa về thực vật.
Cách sử dụng Sơn thù du
Ở những vùng của Trung Quốc mà có sơn thù du mọc người ta thường thu hoạch quả vào các tháng 10 đến 11 cho đem vào giá tre hong cho khô rồi bóc bỏ hạt, rồi tiếp tục sấy cho khô hẳn loại này tốt.
Vì có những nơi thu hái đem về đồ hơi cho chín hay cho vào nước sôi trong 10 phút rồi lấy ra bóc vỏ hạt, loại này thường có chất lượng kém hơn.
Trên thị trường vị thuốc dai, khó xé, vị chua nhưng hơi chát đắng là loại tốt.
Ngoài ra sơn thù du còn ngâm với rượu, bỏ hột đi, lấy vỏ và thịt quả đem sấy khô để dùng.
Tác dụng của Sơn thù du
Sơn thù du chứa những hoạt chất gì?
Theo nghiên cứu của Viện y học Bắc Kinh năm 1958 thì trong sơn thù du có chứa saponozit, phản ứng tanin
Ngoài ra theo một tài liệu khác thì trong sơn thù du có chứa các axit hữu cơ và một chất có tinh thể phản ứng với axit và có chứa một loại glucozit gọi là cocnin
Theo y học hiện đại
Theo báo cáo của D. V. Lebedv thì rễ và hoa của sơn thù có tác dụng kháng sinh nhất là đối với nhóm vi trùng thương hàn và lỵ.
Theo Lưu Thọ Sơn (Trung dược nghiên cứu văn hiến trích yếu, 1963, 56) sơn thù có tác dụng lợi tiểu và hạ huyết áp.
Gan H. Z và cộng sự (Science, 1949, 110, 11) còn thấy dịch chiết nước có tác dụng ức chế đối với vi trùng Staphyllococ aureus
Có tác dụng hạ đường huyết nhẹ.
Theo y học cổ truyền
Sơn thù vị chua, tính hơi ôn quy kinh can, thận.
Theo sách thuốc cổ:
- Sách Bản kinh: vị chua tính bình
- Sách Danh biệt lục: vị hơi ôn, không độc
- Sách Dược tính bản thảo: vị mặn, cay đại nhiệt
Sơn thù du có tác dụng bổ ích can thận, thu liễm cố sáp.
Chủ trị các chứng can thận hư tổn, huyễn vựng, dương nuy, hoạt tinh, di tinh, hư hãn ra mồ hôi, băng lậu.
Trích đoạn văn cổ:
- Sách Danh y biệt lục: “trị nhĩ lung (điếc tai), diện sang (lở ở mặt), ra mồ hôi, thuốc có tác dụng ôn trung ,hạ khí cường âm (làm mạnh sinh lý sinh dục) ích tinh, làm khỏe mạnh (yên ngũ tạng) thông cửu khiếu, làm bớt tính tiểu nhiều, minh mục cường lực (làm mắt sáng)”.
- Sách Lôi công bào chế luận: “ tráng nguyên khí, bế tinh”.
- Sách Dược tính bản thảo: trị rối loạn kinh nguyệt, bổ thận khí, hưng dương đạo (trị liệt dương) thêm tinh tủy, liệu nhĩ minh (trị tai ù).. trị người già tiểu nhiều”.
Các bài thuốc từ Sơn thù du
Trị chứng suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể
Thảo hoàn đơn: Sơn thù, Bồ cốt chỉ, Đương quy mỗi vị đều 10g, Xạ hương 0,1g, tán bột mịn, luyện mật thành hoàn uống với nước muối nhạt.
Sơn thù, Thạch xương bồ, Địa hoàng, Cam cúc hoa, Hoàng bá, Ngũ vị tử mỗi vị lương bằng nhau 6g sắc uống hằng ngày hay ngâm với rượu uống 15 ngày, nghỉ 10 ngày rồi uống tiếp 3-5 lần.
Trị chứng ra mồ hôi ở trẻ em hay cơ thể suy nhược sau khi mắc bệnh
Lai phục thang: Sơn thù du, Đảng sâm đều 30g, Sinh long cốt, Sinh mẫu lệ, Sinh bạch thược đều 12g, Cam thảo 3g sắc uống trị mồ hôi ra nhiều
Trị phụ nữ kinh nguyệt ra nhiều do cơ thể yếu hoặc do tiểu cầu giảm
Sơn thù du 30g, Nhâm sâm 4-8g sắc uống (nếu huyết nhiệt không dùng).
Sơn thù nhục, Thục địa đều 15g, Đương quy, Bạch thược đều 12g sắc uống.
Trị chứng tăng cholesterol máu
Lục vị hoàng: Thục địa 20g, Hoài sơn, Sơn thù đều 10g, Trạch tả, Phục linh, Đơn bì đều 8g sắc uống
Liều dùng
Liều dùng thường 6-12g, lúc cần có thể dùng tới 30g
Lưu ý khi dùng Sơn thù du
Người bên trong có thấp nhiệt, tiểu không thông; thanh niên đang độ phát dục có viêm tiết niệu cấp, tiểu tiện rắt buốt không được dùng.
Tương kỵ: Cát cánh, Phòng phong, Phòng kỷ.
Vị thuốc sơn thù du thường hay dùng phối hợp với các vị thuốc khác trong bài thuốc nhằm tăng công dụng chữa rất nhiều bệnh lý đặc biệt về suy nhược cơ thể, tiểu nhiều, mắt mờ ở những người già.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y hoc
- GS.BS Trần Văn Kỳ. Dược học cổ truyền toàn tập. Nhà xuất bản Đà Nẵng