Những tác hại của châm cứu mà bạn cần lưu ý
Nội dung bài viết
Hiện nay, châm cứu đang trở thành phương pháp điều trị bệnh được nhiều thầy thuốc trong và ngoài nước tin tưởng lựa chọn cho người bệnh. Tuy nhiên, giống như nhiều phương pháp điều trị khác; những câu hỏi như Châm cứu nhiều có tốt không? hoặc tác hại của châm cứu hoặc châm cứu có nguy hiểm không? luôn là nỗi băn khoăn của người bệnh. Hãy cùng YouMed tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau.
Châm cứu là gì?
Lý luận Y học cổ truyền cho rằng, cơ thể con người tồn tại hệ thống những kinh mạch tựa như sông, ngòi, kênh, rạch chạy khắp cơ thể. Từ đây khí huyết vận hành, con người dựa vào hệ thống kinh mạch mà sống. Đồng thời, kinh mạch cũng là nơi bệnh hình thành, thông qua kinh mạch người thầy thuốc vận dụng để điều trị bệnh.
Dựa trên những lý luận này, những Danh Y, Y sư từ lâu đã nghiên cứu, ghi chép đúc kết và phát triển phương pháp châm cứu nhằm điều trị bệnh.
Phương pháp châm cứu là sử dụng kim châm vào vị trí huyệt đạo trên kinh mạch. Huyệt đạo là nơi khí huyết đi qua, có khi giống như dòng thác chảy xiết; nhưng cũng có khi lại như nhiều con sông gặp nhau cùng đổ ra biển. Vì vậy, khi kích thích huyệt đạo của người bệnh là người thầy thuốc khơi thông dòng chảy của kinh mạch, bệnh tật theo đó mà thoái lui.
Châm cứu có tốt không?
Nhiều người thường lo lắng về tác hại của châm cứu, vậy châm cứu có tốt không?
Ngày nay, châm cứu kết hợp cùng với các phương pháp điều trị của Y học hiện đại, chế độ dinh dưỡng và luyện tập vận động theo từng bệnh lý mang lại hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO có 28 tình trạng bệnh lý mà châm cứu đã được chứng minh là một phương pháp điều trị hiệu quả thông qua các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng (gọi tắt là RCTs – đây là thiết kế nghiên cứu mạnh nhất). Ngoài ra, châm cứu được chứng minh là có tác dụng điều trị cho 63 tình trạng bệnh lý, mặc dù cần có thêm bằng chứng. Đối với một số bệnh khác, châm cứu cho thấy hiệu quả điều trị khi các phương pháp điều trị khác ít hiệu quả hơn.
Tác hại của châm cứu khi lạm dụng
Châm cứu nhiều có tốt không? Điều trị bằng châm cứu cũng giống như nhiều phương pháp điều trị khác. Nếu lạm dụng, sử dụng quá nhiều lần sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Do đó, bệnh nhân cần thực hiện châm cứu theo đúng liệu trình được bác sĩ chỉ định.
Thông thường, một liệu trình châm cứu kéo dài khoảng 10 – 15 lần châm. Tuy nhiên, tùy theo sự tiến triển trong điều trị bệnh, người thầy thuốc có thể kéo dài hoặc rút ngắn liệu trình. Người bệnh không nên tự ý ngưng điều trị. Khi điều trị châm cứu nhiều ngày liên tục, người thầy thuốc luân phiên các huyệt để người bệnh không bị châm nhiều lần vào một huyệt gây đau, khó chịu…
Những tác hại của việc châm cứu hiếm khi xảy ra và không quá nghiêm trọng. Song vẫn có trường hợp người bệnh sẽ gặp một số vấn đề sau:
Đau sau châm cứu
Sau khi rút kim châm cứu, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu và đau tức tại vị trí kim châm. Nhưng chúng thường biến mất trong 24 giờ.
Chảy máu hoặc bầm tím
Khi rút kim có chảy máu người thầy thuốc sẽ cầm máu ngay. Thường ít khi chảy máu trong châm cứu, nếu có thì lượng chảy máu rất ít. Nếu người bệnh có bệnh lý về đông máu, đang sử dụng thuốc kháng đông cần thông báo cho người thầy thuốc. Vết bầm thỉnh thoảng xuất hiện tại vị trí châm kim, người bệnh không nên lo lắng, cần chườm ấm sẽ mau hết.
Phỏng hay nóng rát trong quá trình hơ cứu
Phỏng, rát do hơi nóng của quá trình hơ ngải cứu. Vậy nên sự cẩn thận trong điều trị của thầy thuốc giúp hạn chế được tình trạng này.
Công dụng khi châm cứu đúng cách
Việc châm cứu đúng cách không chỉ mang đến nhiều công dụng mà còn ngăn ngừa những tác hại của châm cứu không đáng có. Những bệnh lý có thể được điều trị bằng châm cứu đã được Tổ chức Y tế thế giới WHO liệt kê dưới đây:
Châm cứu giảm đau
Châm cứu giảm đau cực kì hiệu quả và được chứng minh với bằng chứng hữu hiệu như: Đau bụng kinh, đau dạ dày, đau đầu, đau các khớp gối, đau lưng, đau cổ vai, viêm khớp vai, đau sau phẫu thuật, thậm chí, đau trong nha khoa gồm đau răng và rối loạn chức năng khớp thái dương hàm,…
Trong những chứng đau này, châm cứu giúp tiết ra những hoạt chất tương tự như nhóm thuốc opioid, kích thích cơ thể tiết endorphin một cách tự nhiên; đồng thời, kích thích châm kim như một tín hiệu giúp các cơ đang co thắt được thư giãn. Chính hoạt động tự tạo ra các chất này trong cơ thể chính là cơ chế kéo dài hiệu quả giảm đau của châm cứu.
Châm cứu điều trị liệt
Trong phục hồi vận động liệt nửa người sau đột quỵ não, liệt mặt, sụp mi, bong gân, chấn thương thể thao, bên cạnh chế độ tập vận động trị liệu thì châm cứu là một phương pháp không thể thiếu để kích thích tại chỗ các nhóm cơ bị tổn thương, hoặc đưa tín hiệu dẫn truyền lên vỏ não kích thích cơ hoạt động trở lại. Hiện nay, châm cứu sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện Phục hồi chức năng, bệnh viện Y học cổ truyền,…
Châm cứu một số bệnh lý khác
Châm cứu giúp điều chỉnh một số rối loạn cơ năng như: điều chỉnh huyết áp, giảm triệu chứng buồn nôn và nôn trong ốm nghén ở phụ nữ có thai, có thể kích thích co tử cung trong khởi phát chuyển dạ (nên một số huyệt cấm châm ở phụ nữ có thai). Cơ chế châm cứu thông qua kích thích hoặc ức chế hệ thống thần kinh thực vật.
Một số nghiên cứu trong nước còn chứng minh châm cứu nhóm huyệt Hoa đà giáp tích ở trên lưng giúp giảm phản ứng phụ sau xạ trị, hóa trị trong ung thư như đau, chán ăn, mệt mỏi.
Ngoài ra, châm cứu giúp cải thiện các triệu chứng trong bệnh lý viêm mũi dị ứng, viêm xoang như giảm chảy nước mũi, giảm ngứa mũi, giảm đau vùng trán và hai bên mũi, …
Bài viết trên đã giải đáp trăn trở của người bệnh về tác hại của châm cứu khi lạm dụng. Châm cứu đang dần trở thành một phương pháp điều trị bệnh được nhiều người quan tâm. Song quý bạn đọc mong muốn điều trị bằng châm cứu nên được khám và chẩn đoán. Bạn nên lựa chọn điều trị bởi các bác sĩ chuyên ngành Y học cổ truyền để đạt hiệu quả điều trị cao nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Acupuncturehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532287/
Ngày tham khảo: 08/06/2021
-
The World Health Organisation recommends acupuncture for over 100 conditions.
https://holistic-health.org.uk/world-health-organisation-recommends-acupuncture-100-conditions/#:~:text=Previous%20Next-,The%20World%20Health%20Organisation%20recommends%20acupuncture%20for%20over%20100%20conditions,are%20or%20where%20they%20live'
Ngày tham khảo: 08/06/2021