Tai chuột: Vị thuốc có tên gọi độc đáo với công dụng bất ngờ
Nội dung bài viết
Tai chuột còn có tên khoa học là Dischidia acuminata Cost. Cây còn có tên gọi khác là Dây hạt bí, Mộc tiền, Qua tử kim, thuộc họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Thảo dược được dùng nhiều trong phạm vi nhân dân với công dụng chữa viêm đường tiết niệu, tiểu đục, tiểu buốt, khí hư,…Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về loại thảo dược này
Tìm hiểu về cây Tai chuột?
Mô tả dược liệu
Tai chuột là cây nhỏ, sống bì sinh trên cành các cây to. Cây có thân mảnh, dài, nhẵn, mọc thõng xuống, bén rễ ở các mấu. Lá mọc đối, dày mọng nước, hình bầu dục hoặc hình mác thuôn. Lá màu lục vàng nhạt, dài 1,8 – 2,4cm, rộng 0,8 – 1,4cm, gốc tròn, đầu tù, gân không rõ trừ gân chính; cuống lá ngắn, có lông rất nhỏ.
Cây có hoa nhỏ, màu trắng, mọc tụ tập ở kẽ lá, đài có răng nhỏ. Tràng phình to ở dưới, 5 thùy thẳng có lông, tràng phụ có chân ngắn, trục nhị nhụy nhỏ, hình nón.
Toàn cây có nhựa mủ trắng.
Mùa hoa quả rơi vào tháng 4 đến 6.
Phân bố sinh thái
Chi Dischidia R.Br có 9 loài ở Việt Nam, đều là những loài dây leo bằng thân cuốn và rễ bám. Cây Tai chuột phân bố ở hầu hết các tỉnh, từ vùng núi (có độ cao dưới 800m) đến trung du và đồng bằng. Trên thế giới, dược liệu cũng được ghi nhận ở Ấn độ, Trung quốc, Lào và một số nước khác trong vùng Đông – Nam Á và Nam Á.
Dược liệu sống phụ sinh trên cây gỗ, cây bụi hoặc đá, nhất là dọc theo các bờ suối ở vùng rừng thứ sinh. Ở đồng bằng và thành phố, thảo dược này cũng thường thấy rất nhiều trên các cây gỗ cổ thụ, mọc lẫn với một số loài dương xỉ nhỏ và lan san hô.
Cây thường ra hoa quả hàng năm vào mùa hè – thu. Hạt nhỏ, có túm lông để phát tán nhờ gió. Cây tái sinh dinh dưỡng khỏe từ một đoạn thân, cành còn tươi. Cây cũng được trồng để làm cảnh.
Bộ phận dùng
Toàn cây được thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô, sao vàng.
Công dụng của cây Tai chuột
Theo kinh nghiệm dân gian, dược liệu là một vị thuốc có tác dụng lợi tiểu, tiêu phù, tiêu viêm.
Cây có thể được dùng theo đường uống hoặc dùng ngoài. Khi dùng ngoài, cả cây được phối hợp với thân dây đau xương, lá mã đề, lá mò trắng, lá đậu ván trắng, mỗi vị 20 – 30g, dùng tươi giã nhỏ,tất cả trộn với nước vo gạo, đắp tại chỗ dùng chữa viêm hạch ở cổ. Ngày dùng một lần.
Cả cây tai chuột giã nát với rễ hà thủ ô trắng, lấy nước nhỏ tai, chữa hôi tai.
Bài thuốc chứa cây Tai chuột
Bài thuốc chữa phù thũng
Thài lài tía, rễ cỏ xước, lá dược liệu và bông mã đề, dùng mỗi thứ một nắm. Rồi đem các vị sao qua rồi sắc lấy uống. Dùng mỗi ngày một thang cho đến khi khỏi hẳn.
Bài thuốc trị phụ nữ bị bạch đới, chứng viêm tiết niệu, khí hư, nước tiểu đỏ/ vàng, tiểu buốt và đục
Tai chuột 40g; Rễ cỏ tranh, Lá bạc thau mỗi thứ 30g. Đem các vị sắc với 400ml còn 100ml, lấy nước đó dùng.
Bài thuốc giảm ho và long đờm
Dùng Lá táo chua 40g và Tai chuột 30g. Đem dược liệu lấy nấu nước uống.
Bài thuốc chữa áp xe và viêm tấy
Dùng một ít dược liệu tươi. Rửa sạch, giã nát và đắp lên vùng đau nhức. Dùng cho tới khi khỏi hẳn.
Bài thuốc chữa hôi tai
Dùng Lá hà thủ ô trắng và Lá tai chuột, mỗi thứ một ít. Giã nát hai nguyên liệu, sau đó vắt lấy nước và nhỏ vào tai.
Những lưu ý khi dùng dược liệu Tai chuột
Trước khi sử dụng dược liệu Tai chuột, Quý đôc giả nên lưu ý thông tin như sau:
Phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và người có tình trạng sức khỏe đặc biệt không nên tùy tiện dùng dược liệu này.
Dược tính của Tai chuột có thể gây ảnh hưởng đến một số loại thuốc điều trị.
Tai chuột là dược liệu có tính mát, được sử dụng trong phạm vi nhân dân với tác dụng trị viêm đường tiết niệu, lợi sữa, giảm viêm tấy và áp xe. Tuy nhiên cũng giống như các dược liệu khác, thảo dược có thể gây tác dụng phụ nếu không sử dụng đúng liều lượng. Vì vậy các bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi dùng thảo dược
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập II. NXB Khoa học và kỹ thuật.