YouMed

Tang diệp: Thảo dược quý từ cây dâu tằm

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Từ xa xưa, chúng ta đều nghĩ Tang diệp (lá dâu tằm) chỉ được sử dụng để nuôi tằm dệt lụa mà ít người biết rằng đây là một loại thảo dược quý trong Đông y. Tang diệp được dùng phổ biến trong các bài thuốc chữa ho, viêm đường hô hấp… Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại thảo dược này.

1. Giới thiệu Tang diệp

  • Tên gọi khác: Sương tang diệp, Đông tang diệp, Tiên tang diệp…
  • Tên khoa học: Folium Mori albae.
  • Họ Dâu tằm (Moraceae).

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây dâu tằm thường mọc ở những vùng thổ nhưỡng ẩm và có nhiều ánh sáng. Trên thế giới, loại cây này được trồng nhiều nhất ở Trung Quốc. Riêng ở Việt Nam, cây có nhiều ở những nơi với diện tích lớn như bãi sông, đất bằng, cao nguyên. Mục đích trồng phổ biến nhất là để nuôi tằm, có nơi dùng làm thuốc.

Mùa hoa tháng 4 – 5, mùa quả tháng 5 – 7.

Tang diệp là lá cây dâu tằm
Tang diệp là lá cây dâu tằm

1.2. Mô tả toàn cây

Dâu tằm là loại cây gỗ, cao 2 – 3m. Lá mọc so le, hình bầu dục, nguyên hoặc chia 3 thùy, có lá kèm, đầu lá nhọn hoặc hơi tù. Phía cuống hơi tròn hoặc hơi bằng, mép có răng cưa to. Từ cuống lá tỏa ra 3 gân rõ rệt.

Mặt trên của lá màu vàng lục hay nâu vàng nhạt, đôi khi có chứa các nốt nhỏ nhô lên. Còn mặt dưới lá có màu nhạt hơn, có lông tơ mịn rải rác ở trên gân lá. Lá dâu tằm thường nhăn nheo, chất giòn và dễ gãy vụn.

Hoa đơn tính khác gốc, hoa đực mọc thành bông, có lá đài, 4 nhị (có khi 3). Hoa cái cũng mọc thành bông hay thành khối hình cầu, có 4 lá đài. Quả mọc trong các lá đài, màu đỏ, sau đen sẫm, ăn được, còn dùng làm thuốc hoặc ngâm rượu để uống, mùi thơm, vị chua ngọt.

1.3. Bộ phận làm thuốc

Bộ phận được dùng làm vị thuốc là lá dâu tằm với tên gọi Tang diệp.

Tang diệp thường được thu hoạch vào mùa thu khi có sương. Lá không quá già, không quá non, nguyên màu xanh lục, không vàng úa, không sâu, không vụn nát. Sau khi hái về rửa sạch, loại bỏ tạp chất, để ráo nước, phơi râm cho khô giòn hoặc cũng có thể sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Sau khi sơ chế, Tang diệp có chất giòn, hơi có mùi, vị nhạt, hơi chát, đắng.

>> Ngoài lá cây, quả dâu tằm cũng có nhiều công dụng tuyệt vời. Xem thêm bài viết Tang thầm: Tác dụng bất ngờ của quả dâu tằm.

Không nên thu hái những lá dâu tằm quá non với mục đích để làm thuốc
Không nên thu hái những lá dâu tằm quá non với mục đích để làm thuốc

1.4. Bảo quản

Dược liệu cần được cho vào túi kín, để nơi khô ráo, không phơi nắng quá sẽ mất màu. Tránh làm vụn nát. Phòng mối mọt, ẩm mốc.

2. Thành phần hóa học

Phân tích cho thấy, Tang diệp có một số thành phần quan trọng, bao gồm:

  • Thành phần bay hơi như tinh dầu.
  • Thành phần không bay hơi gồm protein, carbohydrat, flavonoid, coumarin, vitamin…
  • Flavonoid: rutin, quercetin, moracetin, quercitrin, isoquercitrin.
  • Dẫn chất coumarin: umbeliferon, scopoletin, scopolin.
  • Vitamin B, C, D, caroten, tanin.
  • Sterol: β-sitosterol, campesterol, β-sitosterol glycosid…
  • Axit hữu cơ: oxalic, malic, tartric…

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

Thuốc sắc dược liệu ở dạng tươi được ghi nhận là có tác dụng ức chế đối với khá nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Điển hình như khuẩn liên cầu tan máu A hay  trực khuẩn mủ xanh, leptospira…

Ngoài ra, do trong hoạt chất chứa rutin nên Tang diệp còn có tác dụng hồi phục tính đàn hồi của mao mạch đã bị tổn thương, giúp tăng sức bền thành mạch, giảm nguy cơ chảy máu. Chính vì vậy, thảo dược này rất có ích cho các bệnh lý mạch máu như huyết áp, mỡ máu, đái tháo đường

3.2. Y học cổ đại tháo đường truyền

Vị đắng, tính hàn.

Quy kinh Can Phế.

Chữa trị: cảm mạo, sốt nóng nhức đầu do ngoại cảm, cho ra mồ hôi, chứng mắt đỏ, đau mắt, nhức đầu, chóng mặt, trừ đàm, làm sáng mắt…

3.3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng Tang diệp theo nhiều cách khác nhau. Dùng riêng hoặc kết hợp với các vị thuốc khác đều được. Trong đó, thảo dược được dùng phổ biến nhất ở dạng thuốc sắc với liều khuyến cáo là 8 – 12g/ngày.

Không nên dùng Tang diệp ở các đối tượng hư hàn, tay chân lạnh, sợ lạnh, người suy nhược, các đối tượng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với các thành phần trong dược liệu.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị triệu chứng sốt nóng, ho viêm đường hô hấp, viêm phế quản

Tang diệp 12g, Cúc hoa 12g, Hạnh nhân 12g, Liên kiều 16g, khổ Cát Cánh 8g, Cam thảo 4g, Bạc hà 4g, Vĩ căn 6g. Sắc uống ngày 3 lần ( Tang cúc ẩm).

Tang diệp có thể hỗ trợ hạ sốt, giảm ho
Tang diệp có thể hỗ trợ hạ sốt, giảm ho

4.2. Trị mắt sưng đỏ, mắt đau

  • Tang diệp, Cúc hoa đều 9g, Quyết minh tử 6g. Sắc uống.
  • Hoặc Tang diệp 30g, Mang tiêu 9g. Sắc tang diệp trước, bỏ bã cho Mang tiêu vào, khuấy ra rồi xông và rửa mắt.

4.3. Trị ho khan, ho không đờm, đầu đau, nóng sốt, lưỡi đỏ

Tang diệp 6g, Hạnh nhân 9g, Bối mẫu 6g, Đậu xị 3g, Chi tử bì, Lê bì, Sa sâm đều 6g. Sắc uống.

4.4. Mụn nhọt, lâu ngày không liền miệng

Lá dâu tằm sao vàng tán nhỏ, rắc vào mụn đã rửa sạch.

4.5. Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp

Đem mỗi thứ 20g gồm Tang diệp, Tang chi, Sung úy sắc với 1 lít nước, đến khi nước cạn còn khoảng 600ml thì để ấm và đem ra ngâm chân từ 30 đến 40 phút trước khi đi ngủ.

5. Lưu ý khi dùng Tang diệp

Người bệnh hư hàn không nên dùng.

Như vậy, Tang diệp là một loại thảo dược có nhiều công dụng quý đối với sức khỏe chúng ta, được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học

  2. Hoàng Duy Tân (2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người