YouMed

Cúc hoa vàng: Thảo dược thanh nhiệt, mát gan

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Từ lâu, Cúc hoa đã được xem như một loại thảo dược thần kỳ đối với sức khỏe con người. Không chỉ giúp thanh lọc cơ thể, làm đẹp da, Cúc hoa còn hỗ trợ thanh nhiệt, an thần rất hiệu quả. Chính vì vậy, vị thuốc này ngày càng được sử dụng phổ biến trong cả Tây y lẫn Đông y. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của loại thảo dược này.

1. Giới thiệu Cúc hoa

Cúc hoa có nhiều loại khác nhau, thường được sử dụng nhất là Cúc hoa trắng và Cúc hoa vàng. Ở đây, xin đề cập tới loại Cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum L.), thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Cụm hoa sau khi đã chế biến và phơi khô có tên La tinh là Flos Chrysanthemi indici.

Cúc hoa là một loài hoa quen thuộc ở Việt Nam
Cúc hoa là một loài hoa quen thuộc ở Việt Nam

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Ở Việt Nam, Cúc hoa vàng có nhiều ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh khác phía Bắc. Cây ưa sáng và ẩm, thường được trồng với mục đích sản xuất dược liệu, ướp chè, nấu rượu. Cây ra hoa nhiều hằng năm, hiếm có hạt.

Mùa trồng tốt nhất là tháng 5 – 6. Sau 4 – 5 tháng bắt đầu thu hoạch. Tùy theo sự chăm sóc mà thu hoạch được nhiều hay ít đợt.

Hái hoa về, đem quây cót rồi sấy diêm sinh độ 2 – 3 giờ, thấy hoa chín mềm là được (nếu hoa còn sống sẽ hỏng). Sau khi sấy diêm sinh đem nén chặt (cho tới khi thấy nước đen) 1 đêm rồi phơi 3 – 4 nắng nữa là được. Nếu trời râm thì đêm phải sấy diêm sinh. Cứ 5 – 6 kg hoa tươi cho 1 kg hoa khô.

Bên cạnh đó, ta có thể sử dụng hoa tươi là hoa mới chớm nở, hái về, phơi nắng nhẹ hoặc phơi trong râm.

1.2. Mô tả toàn cây

Cây thảo, mọc thẳng đứng cao chừng 90 cm. Thân mọc thẳng, nhắn, có khía dọc. Phiến lá hình 3 cạnh tròn, thùy xẻ sâu, mép có răng cưa nhọn, không đều. Cụm hoa hình cầu, đường kính nhỏ thường khoảng 1 – 1,5 cm. Hoa trong và ngoài đều màu vàng, hình lưỡi nhỏ. Hoa ở giữa hình ống, không có màu lông. Chất nhẹ, mùi thơm, vị đắng.

Bộ phận thường dùng để làm thuốc là hoa (cụm hoa)
Bộ phận thường dùng để làm thuốc là hoa (cụm hoa)

1.3. Bộ phận làm thuốc

Hoa khô (Flos Chrysanthemi) bên ngoài có mấy lớp cánh hoa như hình lưỡi, cánh dẹt, ở giữa có nhiều hoa hình ống tụ lại. Loại hoa đóa nguyên vẹn, màu tươi sáng, thơm, không có cành, cuống, lá là loại tốt. Mùi thơm mát, vị ngọt, hơi đắng.

1.4. Bảo quản

Dược liệu dễ mốc, sâu mọt nên để nơi khô ráo, xông diêm sinh định kỳ. Không nên phơi nắng nhiều vì làm mất hương vị và nát cánh hoa, biến màu. Ngoài ra cũng không được sấy quá nóng, chỉ nên hong gió cho khô để không bị ẩm.

Cúc hoa khô có màu tươi sáng, mùi thơm mát, vị ngọt, hơi đắng
Cúc hoa khô có màu tươi sáng, mùi thơm mát, vị ngọt, hơi đắng

2. Thành phần hóa học

Trong Cúc hoa có các chất adenin, cholin, stachydrin, vitamin A và tinh dầu. Sắc tố của hoa là do có Chrysanthemin. 

3. Công dụng

3.1. Y học hiện đại

  • Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc Cúc hoa trong thí nghiệm có tác dụng ức chế tụ cầu trùng vàng, liên cầu trùng dung huyết Bêta, lỵ trực trùng Sonnei, trực trùng thương hàn. Bên cạnh đó, thảo dược còn có tác dụng dễ tiêu và nhuận tràng.
  • Điều trị tăng huyết áp: Hoạt tính của Cúc hoa vàng làm hạ huyết áp có thể là hiệu quả của tác dụng ức chế phản xạ vận mạch có nguồn gốc trung tâm và tác dụng ức chế adrenaline. Lưu lượng tim và sự dẫn truyền thần kinh ở hạch không bị ảnh hưởng. 
  • Mờ sẹo, chống phát ban: Nhờ vitamin A trong thảo dược, da được tái cấu trúc với việc kích thích sản sinh collagen hiệu quả, qua đó làm giảm các dấu hiệu của sẹo trên bề mặt da. Các vết bỏng, phát ban cũng có thể sử dụng những liệu pháp với tinh dầu hoa cúc giúp da được ổn định hơn.
  • Hạ sốt do cảm lạnh: Một bài thuốc gồm Cúc hoa vàng và 5 vị thuốc khác đã được thử lâm sàng trên những bệnh nhân bị cảm phong hàn. Thuốc đã có tác dụng làm hạ sốt ở 80% số bệnh nhân.
  • An thần: Điều trị cho bệnh nhân suy nhược thần kinh loại hưng phấn tăng, đa số có nguyên nhân do sang chấn tinh thần. Phương pháp chữa là hạ hưng phấn, an thần. Để giảm hưng phấn, một bài thuốc gồm Cúc hoa vàng và 5 dược liệu khác phối hợp với châm cứu đã đạt kết quả tốt.

>> Tìm hiểu thêm về loại dược liệu khác có tác dụng an thần: Tử tô: tử thư dược, thư thái cả thân và tâm.

3.2. Y học cổ truyền

Vị ngọt đắng, tính bình, hơi hàn.

Quy kinh Phế Can Tỳ.

Chữa trị

  • Cảm lạnh, sốt, đau mắt, đau đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, cảm cúm, viêm mũi.
  • Lá cây Cúc hoa dùng ngoài trị đinh nhọt, rắn cắn, chấn thương ứ huyết.
  • Dược liệu sao cám tăng tác dụng hỗ trợ tuyến tiêu hóa: kém ăn, tiêu chảy lâu ngày…

3. Cách dùng và liều dùng

Liều dùng mỗi ngày 6 – 20 g, dạng thuốc sắc, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác. Còn dùng để ướp chè hay ngâm rượu uống.

Dược liệu cúc hoa khô
Dược liệu cúc hoa khô

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị mắt hoa, đầu váng, nhức ở giữa đầu hoặc nhức một bên, mắt đỏ, mũi nghẹt

Cúc hoa, Xuyên khung, Kinh giới, Bạc hà, Phòng phong, Khương hoạt, Hương phụ, Tế tân, Cương tằm. Tán nhỏ, uống với nước đun sôi.

4.2. Trị cảm lạnh, sốt, hoa mắt, chóng mặt, mắt đỏ, mắt đau giai đoạn đầu

Cúc hoa 12 g, Tang diêp 9 g, Câu đằng 8 g, Liên kiều 4 g, Cát cánh 8 g, Cam thảo 4 g, Xa tiền tử 12 g. Sắc uống (Tang cúc câu liên hợp gia giảm).

Cúc hoa, Xuyên khung, Kinh giới, Bạc hà, Phòng phong, Khương hoạt, Hương phụ, Cam thảo, Bạch chỉ, Tế tân, Khương tầm. Các vị bằng nhau, trộn đều, tán nhỏ. Sau bữa cơm dùng nước chè chiêu thuốc, mỗi lần 4 – 6 g bột này (Cúc hoa trà điều tán).

4.3. Trị ho, sốt, cảm mạo

Cúc hoa vàng 6 g, Tang diệp 6 g, Liên kiều 4 g, Bạc hà 4 g, Cam thảo 4 g, Cát cánh 4 g, nước 600 ml, sắc còn 200 ml chia làm 3 lần uống trong ngày.

4.4. Trị hoa mắt, chóng mặt, mắt khô

Thục địa 20 g, Sơn dược 16 g, Phục linh, Trạch tả, Đơn bì, Sơn thù du, Cúc hoa, Câu kỷ tử mỗi thứ 12 g. Tán bột, trộn mật làm viên uống (Kỷ cúc địa hoàng).

4.5. Trị nhọt, ống tai ngoài

Cúc hoa vàng 12 g, Bồ công anh, Sài đất, Kim ngân hoa, Kê huyết đằng, mỗi vị 16 g; Hoàng liên, Sinh địa mỗi vị 12 g; Chi tử 8 g. Sắc uống.

4.6. Cúc hoa tửu

Cúc hoa cho rượu cất gọi là Cúc hoa tửu, dùng hoa sắc lấy nước cốt. Dùng nước đó thổi cơm nếp, ủ men làm rượu uống, có thể thêm Địa hoàng, Đương quy, Câu kỷ rất tốt. Rượu này chữa được chứng đầu phong, sáng mắt, phòng bệnh, yếu gân.

5. Lưu ý khi dùng Cúc hoa

  • Những người bị khí hư, vị hàn, tỳ vị hư hàn, ăn ít, tiêu chảy không nên dùng.
  • Người bị dương hư hoặc đầu đau mà sợ lạnh cũng nên kiêng dùng.
  • Không nên dùng thảo dược này cho phụ nữ có thai, tiêu chảy mất nước nặng, tay chân lạnh, nhức đầu mà sợ lạnh…
  • Cúc hoa các loại đều kỵ dùng chung với Bạch truật và Địa cốt bì.

Có thể thấy rằng, Cúc hoa là một loại thảo dược không chỉ dễ chăm sóc, dễ thích nghi mà còn có một vẻ đẹp dịu dàng và thanh khiết. Hoa cúc dần trở thành một loài hoa quen thuộc đối với người Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày và trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội

  2. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học

  3. Hoàng Duy Tân ( 2006). Đông dược học. Nhà xuất bản Đồng Nai

  4. Lê Đình Sáng (2010). Sổ tay Cây thuốc và Vị thuốc Đông y. Trường đại học Y khoa Hà Nội

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người