YouMed

Tăng huyết áp sau khi sinh: Những thông tin nên biết

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Tăng huyết áp sau khi sinh là một trong những bệnh lý sau sinh không hề hiếm gặp. Vậy thì bệnh lý này có nguyên nhân do đâu? Mức độ nguy hiểm như thế nào? Có thể phòng bệnh được hay không? Tất cả sẽ được bác sĩ Nguyễn Lâm Giang giải đáp qua bài viết sau đây.

Tại sao bị tăng huyết áp sau khi sinh?

Khái quát về tăng huyết áp sau khi sinh

Tăng huyết áp sau khi sinh là một tình trạng hiếm gặp. Bệnh lý này xảy ra khi một sản phụ bị tăng huyết áp và xuất hiện nhiều protein trong nước tiểu ngay sau khi sinh con. Đa số các trường hợp tăng huyết áp sau sinh phát triển trong vòng 48 giờ sau khi sinh em bé.

Tăng huyết áp sau sinh
Tăng huyết áp sau sinh

Tăng huyết áp sau sinh liên quan đến tình trạng tiền sản giật. Đây là một tình trạng có thể xuất hiện trong thai kỳ. Phụ nữ mang thai bị tiền sản giật sẽ xảy ra hiện tượng tăng hàm lượng protein trong nước tiểu cao và tăng huyết áp. Tăng huyết áp sau sinh là một tình trạng khá nghiêm trọng. Nó có thể gây ra đột quỵ, co giật và nhiều biến chứng phức tạp khác nếu không được xử trí kịp thời.

Nguyên nhân của tình trạng tăng huyết áp sau sinh

Cho đến nay, nguyên nhân gây ra bệnh lý tăng huyết áp sau khi sinh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, có khá nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng tần suất bị tăng huyết áp sau sinh ở một số đối tượng nhất định.

Những đối tượng có nguy cơ tăng huyết áp sau sinh

Nghiên cứu về các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tăng huyết áp sau sinh vẫn còn khá hạn chế. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp sau sinh có thể bao gồm:

  • Tăng huyết áp trong lần mang thai gần đây nhất của người bệnh. Sản phụ sẽ có nhiều nguy cơ bị tăng huyết áp sau khi sinh nếu người đó bị tăng huyết áp sau 20 tuần của thai kỳ. Tình trạng này còn gọi là tăng huyết áp thai kỳ.
  • Thừa cân hoặc béo phì. Nguy cơ bị tăng huyết áp sau sinh cao hơn nếu thai phụ bị thừa cân hoặc béo phì.
  • Đa thai. Một thai phụ sinh đôi, sinh ba hoặc nhiều con hơn sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp sau lúc sinh.
  • Bệnh lý tăng huyết áp mãn tính. Việc không kiểm soát được tình trạng tăng huyết áp trước khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp sau lúc sinh con.
  • Mắc bệnh đái tháo đường. Mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp sau khi sinh sau lúc sinh em bé.
Đối tượng nguy cơ tăng huyết áp sau sinh
Những đối tượng có nguy cơ tăng huyết áp sau sinh

Triệu chứng của bệnh lý tăng huyết áp sau sinh

Tăng huyết áp sau sinh có thể không dễ dàng để người bệnh tự phát hiện. Nhiều phụ nữ bị sau sinh bị tăng huyết áp thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng điển hình trong lúc mang thai. Ngoài ra, sản phụ thường ít để ý đến những triệu chứng của bệnh lý tăng huyết áp sau sinh. Trong khi bạn đang chú ý rất nhiều vào vấn đề phục hồi sau khi sinh cũng như chăm sóc trẻ sơ sinh.

Các dấu hiệu và triệu chứng của tăng huyết áp sau sinh thường giống với các triệu chứng của tiền sản giật. Những triệu chứng điển hình có thể bao gồm:

  • Huyết áp cao (tăng huyết áp): Chỉ số huyết áp đo được từ 140/90 mmHg trở lên
  • Xuất hiện protein dư thừa trong nước tiểu của bạn (đạm niệu).
  • Đau đầu từ trung bình đến dữ dội
  • Thị lực thay đổi, bao gồm giảm hoặc mất thị lực tạm thời, hoặc nhạy cảm với ánh sáng.
  • Đau vùng bụng trên rốn, thường là vùng hạ sườn phải.
  • Giảm số lần đi tiểu trong ngày, giảm lượng nước tiểu.
Protein niệu
Xuất hiện protein dư thừa trong nước tiểu của bạn (đạm niệu)

Nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của tăng huyết áp sau khi sinh, bạn hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Tùy thuộc vào từng trường hợp, bạn có thể cần được điều trị khẩn cấp.

Tăng huyết áp sau sinh có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp sau sinh nói chung khá nguy hiểm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp. Thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những biến chứng thường gặp bao gồm:

Sản giật sau khi sinh – một biến chứng khá thường gặp của tăng huyết áp sau sinh

Sản giật sau sinh thực chất là bệnh lý tăng huyết áp sau sinh cộng với các cơn động kinh, co giật. Sản giật sau sinh có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan quan trọng của cơ thể một cách vĩnh viễn. Bao gồm não, cơ quan thị giác, gan và thận của người bệnh.

Phù phổi cấp – biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp sau lúc sinh con

Tình trạng phù phổi cấp có thể đe dọa tính mạng. Tình trạng này xảy ra khi chất lỏng dư thừa xuất hiện nhiều trong phổi, dẫn đến suy hô hấp tiến triển cấp tính.

Biến chứng phù phổi cấp
Biến chứng phù phổi cấp

Đột quỵ – biến chứng cấp cứu của tăng huyết áp sau khi sinh

Tai biến mạch máu não hay đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm trầm trọng. Tình trạng này làm mất oxy và chất dinh dưỡng của tế bào não. Bên cạnh đó, tăng huyết áp sau sinh có thể gây ra biến chứng đột quỵ xuất huyết não. Nói chung, đột quỵ não là một cấp cứu y tế, có thể đe dọa tính mạng.

Thuyên tắc mạch do huyết khối

Thuyên tắc mạch do huyết khối là tình trạng mạch máu bị tắc nghẽn do cục máu đông di chuyển từ vị trí khác của cơ thể. Tình trạng này cũng là một trường hợp cần phải xử trí cấp cứu. Nếu không sẽ dẫn đến tử vong.

Hội chứng HELLP

Hội chứng HELLP là từ viết tắt của tình trạng tán huyết, men gan tăng và số lượng tiểu cầu giảm. Hội chứng này có thể đe dọa tính mạng. Tán huyết chính là sự phá hủy các tế bào hồng cầu.

Điều trị tăng huyết áp sau khi sinh như thế nào?

Tăng huyết áp sau sinh có thể được điều trị hiệu quả bằng thuốc, bao gồm:

Thuốc điều trị tình trạng huyết áp cao

Nếu huyết áp của người bệnh tăng cao nguy hiểm, các bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn thuốc gồm các thuốc hạ áp. Mục đích là để huyết áp của người bệnh trở về mức bình thường.

Thuốc để ngăn ngừa tình trạng co giật

Magnesium sulfate có thể giúp ngăn ngừa tình trạng co giật ở phụ nữ bị tăng huyết áp sau sinh. Magnesium sulfate thường được sử dụng trong vòng 24 giờ sau khi sinh em bé. Sau khi điều trị bằng magnesium sulfate, các bác sĩ chuyên khoa sẽ theo dõi chặt chẽ huyết áp của người bệnh. Đi kèm với đó là lượng đạm trong nước tiểu, số lượng tiểu cầu thông qua các cận lâm sàng cần thiết.

Nếu người bệnh đang cho con bú, việc cho con bú được đánh giá là khá an toàn trong khi sử dụng các loại thuốc này. Tuy nhiên, bạn nên uống thuốc theo toa được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Không nên tự ý mua thuốc ở các nhà thuốc tây để uống.

Phòng bệnh tăng huyết áp sau sinh như thế nào?

Tăng huyết áp sau sinh chưa được xác định có thể ngăn ngừa hoàn toàn hay không. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên bạn nên thay đổi lối sống như sau:

Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh

Các thai phụ trong tam cá nguyệt thứ hai thường cần tăng lượng calo nạp vào từ 300 đến 350 Kilocalo mỗi ngày. Và trong tam cá nguyệt thứ ba là 500 kcal mỗi ngày. Tương tự như vậy, nếu sản phụ đang trong giai đoạn cho con bú, họ sẽ cần bổ sung thêm khoảng 500 kcal mỗi ngày so với trước lúc mang thai. Bạn nên bổ sung thêm rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và các chất đạm trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Tiếp tục duy trì vận động thể lực hàng ngày

Nếu thai kỳ của bạn bình thường, bạn nên nên duy trì chế độ tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần (hoặc 30 phút tập với cường độ trung bình mỗi ngày). Đồng thời tập luyện sức bền ít nhất hai buổi hàng tuần.

Duy trì tập thể dục khi mang thai
Duy trì tập thể dục khi mang thai

Rất may, tăng huyết áp sau khi sinh là một rối loạn khá hiếm gặp. Tuy nhiên, nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như sản giật và đột quỵ. Đồng thời bạn có thể đã xuất viện khi các triệu chứng xảy ra. Do đó, bạn nên đi khám ngay nếu nhận ra bất cứ dấu hiệu nào gợi ý triệu chứng của bệnh lý khá nguy hiểm này

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Women Need to Be Monitored for High Blood Pressure After Giving Birthhttps://www.healthline.com/health-news/women-monitored-for-high-blood-pressure-after-giving-birth

    Ngày tham khảo: 21/07/2021

  2. Postpartum Preeclampsiahttps://familydoctor.org/condition/postpartum-preeclampsia/

    Ngày tham khảo: 21/07/2021

  3. Postpartum preeclampsiahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/postpartum-preeclampsia/symptoms-causes/syc-20376646

    Ngày tham khảo: 21/07/2021

  4. Postpartum Preeclampsiahttps://www.whattoexpect.com/first-year/postpartum-health-and-care/postpartum-preeclampsia/

    Ngày tham khảo: 21/07/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người