Đái tháo đường type 1: Bạn đã biết gì về nó chưa?
Nội dung bài viết
Đái tháo đường type 1 (trước đây còn được gọi là đái tháo đường phụ thuộc insulin). Thường được chẩn đoán ở trẻ em, thanh thiếu niên và thiếu niên. Tuy nhiên, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu bạn bị đái tháo đường type 1, tụy của bạn tạo không đủ insulin hoặc tạo ra rất ít. Nếu không có insulin, đường không thể đi vào trong tế bào và bị tích tụ lại trong máu. Đường trong máu cao gây nhiều tác hại cho cơ thể. Bệnh Đái tháo đường type 1 ít phổ biến hơn type 2 (đái tháo đường thường gặp ở người lớn tuổi). Bài này sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin về đái tháo đường type 1.
Nguyên nhân gây đái tháo đường type 1
Đái tháo đường type 1 là do phản ứng tự miễn (cơ thể sự sản xuất ra kháng thể tấn công cơ thể) phá hủy các tế bào tụy để tạo ra insulin. Những tế bào đó được gọi là tế bào beta tụy. Quá trình này có thể diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi xuất hiện triệu chứng.
Một số người có một số gen nhất định (đặc điểm di truyền từ cha mẹ) làm cho họ dễ mắc đái tháo đường type 1 hơn những người khác. Ngoài ra, nhiễm trùng, nhiễm vi-rút và một số yếu tố môi trường khác cũng có thể gây ra đái tháo đường type 1.
Triệu chứng của đái tháo đường type 1
Các triệu chứng khởi đầu
Có thể mất vài tháng đến nhiều năm để phá hủy đủ các tế bào beta tụy trước khi các triệu chứng của đái tháo đường type 1 xuất hiện. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột. Điển hình nhất là uống nhiều và tiểu nhiều. Sụt cân và chán ăn cũng khá phổ biến. Việc sụt cân một phần do mất nước. Các triệu chứng phổ biến khác là mệt mỏi, lú lẫn, buồn nôn, nôn. Những triệu này có thể do mất nước hoặc một tình trạng gọi là nhiễm toan ceton.
Nhiễm toan ceton xảy ra do tế bào không thể sử dụng được đường glucose để tạo ra năng lượng. Vì vậy, các tế bào phải dùng một loại khác. Để đáp ứng với nhu cầu đó, gan tạo ra một loại nguyên liệu thay thế gọi là ceton. Ceton là một loại a-xít mà khi tích tụ trong máu gọi là nhiễm toan ceton. Nhiễm toan ceton có thể gây ra các vấn đề về tim mạch và ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh. Thậm chí, nhiễm toan ceton có thể khiến một người hôn mê hoặc tử vong trong vài giờ.
Nếu bạn nghĩ con bạn bị mắc bệnh đái tháo đường type 1, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được kiểm tra lượng đường trong máu. Bệnh đái tháo đường nếu không được điều trị có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 1 không rõ ràng như đối với đái tháo đường type 2, mặc dù tiền căn bệnh lý gia đình có thể ảnh hưởng một phần.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố được xem như là yếu tố nguy cơ của đái tháo đường type 1 bao gồm:
Tiền căn bệnh lý của gia đình
Bất cứ ai có cha, mẹ hoặc anh chị em mắc tiểu đường type 1 đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác
Di truyền học
Sự hiện diện một số gen cho thấy tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 1.
Tuổi tác
Mặc dù đái tháo đường type 1 có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng bệnh thường gặp ở hai đỉnh tuổi. đỉnh tuổi đầu tiên là trẻ từ 4-7 tuổi, đỉnh thứ hai là trẻ từ 10 đến 14 tuổi.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường type 1
Các biến chứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng có thể xảy ra ở người bệnh bao gồm:
Tổn thương mắt (bệnh võng mạc)
Các mạch máu nhỏ của võng mạc (võng mạc nằm ở phí sau của mắt và là bộ phận cảm nhận ánh sáng) bị tổn thương do lượng đường trong máu cao. Tổn thương mạch máu dẫn giảm máu đến cung cấp cho võng mạc hoặc gây chảy máu vào võng mạc. Cả hai điều này đều làm mất khả năng cảm nhận ánh sáng. Bệnh võng mạc có thể được ngăn chặn bởi kiểm soát tốt lượng đường trong máu và các liệu pháp laser. Nếu lượng đường trong máu cao, bệnh võng mạc cuối cùng có thể gây mù.
Tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh)
Lượng đường trong máu cao có thể làm hư hại các dây thần kinh, dẫn đến đau hoặc tê liệt một phần cơ thể. Phổ biến nhất là tổn thương thần kinh ở bàn chân, chân và tay (bệnh thần kinh ngoại biên). Các dây thần kinh kiểm soát các chức năng khác của cơ thể như tiêu hóa thức ăn, tiểu tiện cũng có thể bị tổn thương.
Bàn chân đái tháo đường
Các vết loét và mụn nước thường xảy ra ở bàn chân của những người mắc bệnh đái tháo đường. Các vết loét có thể không được chú ý, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng hơn. Ở những người bị đái tháo đường, tuần hoàn máu nuôi đến vết thương kém, dẫn đến lâu lành. Nếu không được điều trị, một vết loét đơn giản có thể dẫn đến hoại tử, đôi khi phải cắt cụt chi.
Bệnh thận
Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương thận và lâu ngày có thể dẫn đến suy thận.
Bệnh tim mạch
Những người mắc đái tháo đường có nhiều nguy cơ mắc bệnh lý về tim mạch và đột quỵ.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) có thể là hậu quả của việc điều trị. Hạ đường huyết có thể xảy ra nếu xử dụng quá nhiều thuốc hạ đường huyết hoặc bỏ bữa ăn. Các triệu chứng của hạ đường huyết bao gồm:
Hạ đường huyết có thể dẫn đến hôn mê nếu không được điều trị.
Chẩn đoán đái tháo đường type 1 như thế nào?
Đái tháo đường loại 1 có thể được chẩn đoán bằng kết hợp các triệu chứng, tuổi và xét nghiệm máu. Các xét nghiệm kiểm tra lượng đường trong máu bao gồm:
Xét nghiệm đường huyết lúc đói
Máu được lấy vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm. Thông thường, lượng đường trong máu nằm trong khoảng từ 70-100mg/dl. Ở bệnh nhân đái tháo đường, đường huyết đói thường lớn hơn hoặc bằng 126mg/dl.
Xét nghiệm dung nạp Glucose
Lượng đường trong máu được đo hai giờ sau khi uống 75 gram đường. Bệnh nhân tiểu đường thường có đường huyết 2 giờ lớn hơn hoặc bằng 200mg/dl.
Xét nghiệm đường huyết bất kì
Đường trong máu bất kì lớn hơn hoặc bằng 200mg/dl kèm với triệu chứng của bệnh đái tháo đường có thể giúp chẩn đoán
HbA1c
Xét nghiệm này đo mức glucose trung bình trong hai đến ba tháng trước. Đái tháo đường được chẩn đoán nếu mức HbA1c lớn hơn hoặc bằng 65%.
Điều trị đái tháo đường type 1
Điều trị đái tháo đường loại 1 cần tiêm insulin hằng ngày. Hầu hết những người mắc đái tháo đường type 1 cần hai đến bốn mũi tiêm mỗi ngày
Không những tiêm insulin mà người bệnh còn cần có một chế độ ăn uống hợp lý. Nếu một người tiêm insulin nhưng lại quên ăn, họ có thể bị hạ đường huyết. Nếu dùng quá ít insulin hoặc ăn quá nhiều thì lại có thể bị nhiễm toan ceton
Một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên rất quan trọng đối với mọi người, đặc biệt đối với những người mắc bệnh đái tháo đường. Một chế độ ăn uống lành mạnh cho người mắc bệnh đái tháo đường type 1 giúp giữ lượng glucose trong máu tương đối ổn định.
Để giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường và tương đối ổn định. Một người mắc bệnh tiểu đường loại 1 thường được khuyên nên ăn, tập thể dục và dùng insulin vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Thói quen thường xuyên giúp giữ mức glucose trong phạm vi bình thường.
Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 nên tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục giúp bảo vệ sức khỏe và giúp hệ tim mạch khỏe mạnh. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên bạn cần hỏi bác sĩ của bạn khi nào nên tập thể dục, tập bao nhiêu là đủ?
Tiên lượng bệnh tiểu đường type 1
Những người mắc tiểu đường type 1 cần theo dõi lượng đường trong máu. Đồng thời tuân thủ điều trị và duy trì lối sống lành mạnh.
Càng ngày, nguy cơ biến chứng càng tăng. Nhưng biến chứng có thể giảm đáng kể nếu bạn theo dõi và kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu.
Tầm soát các biến chứng
- Mỗi tháng kiểm tra cân nặng, huyết áp, đường huyết, đường niệu.
- Mỗi 3 tháng kiểm tra tim mạch, thận, chân, mỡ máu.
- 6 tháng kiểm tra mắt.
- Mỗi năm: cấy nước tiểu, kiểm tra đạm trong nước tiểu.
- 2-3 năm: kiểm tra mạch máu võng mạc, điện cơ.
Phân biệt đái tháo đường type 1 và 2
Thể trọng
Người mắc đái tháo đường type 2 thường thừa cân, còn tiểu đường type 1 thường không thừa cân và có bệnh sử sụt cân gần đây.
Tuổi
Bệnh nhân đái tháo đường type 2 thường khởi phát sau tuổi dậy thì. Tuổi biểu hiện của tiểu đường type 1 có 2 đỉnh là khoảng từ 4-7 tuổi và đỉnh trước hoặc ngay sau dậy thì 10-14 tuổi.
Tiền sử gia đình
Bệnh nhân tiểu đường type 1 và 2 có thể liên quan họ hàng chặt chẽ.
Chủng tộc
Ở Hoa Kỳ, hầu hết bệnh nhân đái tháo đường type 2 là người Mỹ da đen, người Mỹ bản xứ và người Mỹ gốc Châu Á.
Những đặc điểm khác
Đái tháo đường type 2 thường có những bệnh đi kèm như dày sừng tăng sắc tố, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, buồng trứng đa nang. Hiện tượng dày sừng và tăng sắt tố da ở bệnh nhân đái tháo đường type 2
Đái tháo đường type 1 nếu không được chẩn đoán và chữa trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Mọi thông tin trên đều mang tính chất tham khảo, bạn cần đi khám và liên hệ trực tiếp với bác sĩ của mình khi cần.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Type 1 diabeteshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-1-diabetes/symptoms-causes/syc-20353011
Ngày tham khảo: 24/02/2020
-
Let’s fight type 1 diabetes together.https://www.diabetes.org/diabetes/type-1
Ngày tham khảo: 24/02/2020
-
Type 1 Diabeteshttps://www.webmd.com/diabetes/type-1-diabetes
Ngày tham khảo: 24/02/2020
-
Type 1 and Type 2 Diabetes: What’s the Difference?https://www.healthline.com/health/difference-between-type-1-and-type-2-diabetes
Ngày tham khảo: 24/02/2020
-
Type 1 Diabeteshttps://www.cdc.gov/diabetes/basics/type1.html
Ngày tham khảo: 24/02/2020
-
Type 1 Diabetes Mellitushttps://www.health.harvard.edu/a_to_z/type-1-diabetes-mellitus-a-to-z
Ngày tham khảo: 24/02/2020