Táo bón: Cách điều trị và phòng ngừa như thế nào?
Nội dung bài viết
Táo bón là tình trạng rất thường gặp ở mọi lứa tuổi. Đa số thoáng qua tuy nhiên đôi khi cũng là triệu chứng của những bệnh lý nguy hiểm. Vậy nguyên nhân gây táo bón là gì? Điều trị và phòng ngừa như thế nào? Tất cả sẽ được Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên giải đáp qua bài viết dưới đây. Mời bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau.
Táo bón là gì?
Táo bón là vấn đề sức khỏe rất thường gặp. Tình trạng này xảy ra khi hệ thống ruột gặp khó khăn trong vấn đề tiêu hóa và đào thải phân ra ngoài. Khi ruột hoạt động chúng tạo ra những cử động để tiêu hóa thức ăn còn gọi là nhu động ruột.
Ở bệnh nhân táo bón, nhu động ruột có thể tăng hoặc giảm quá mức làm cho chất thải là phân khó thoát ra ngoài. Thường những bệnh nhân táo bón đi cầu ít hơn 3 lần trong một tuần.
Nguyên nhân táo bón là gì?
Táo bón có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên ở người lớn những nguyên nhân thường gặp nhất là do:
- Tác dụng phụ của một số thuốc điều trị.
- Chế độ ăn ít chất xơ.
- Bệnh lý đường tiêu hóa.
Đường tiêu hóa hay ống tiêu hóa bắt đầu từ miệng, sau đó kéo dài từ thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, trực tràng và kết thúc ở hậu môn.
Táo bón có nguy hiểm không?
Đa số trường hợp đơn thuần thường không nguy hiểm, tình trạng này thoáng qua mà không để lại triệu chứng nguy hiểm nào.
Tuy nhiên nó đi kèm với những triệu chứng sau đây có thể liên quan đến những bệnh lý nguy hiểm như:
- Táo bón, đi phân kèm máu.
- Có sốt.
- Sụt cân nhanh, đột ngột.
- Mệt mỏi nhiều.
Khi xuất hiện đi kèm với những triệu chứng kể trên cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám đánh giá. Việc khám và đánh giá sớm giúp cho việc phát hiện và điều trị bệnh nếu có hiệu quả hơn.
Làm gì khi táo bón?
Có những việc giúp cải thiện triệu chứng như:
- Ăn nhiều chất xơ. Những thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau xanh và một số loại ngũ cốc.
- Uống thêm nhiều nước.
- Tập thói quen đi vệ sinh điều độ, tránh việc nhịn đi vệ sinh kéo dài.
- Sử dụng một số loại thuốc nhuận tràng. Thuốc nhuận tràng là những loại thuốc có tác dụng hỗ trợ cho nhu động ruột giúp đào thải phân ra ngoài thêm dễ dàng. Một vài loại thuốc nhuận tràng dùng đường uống, một số khác lại dùng đặt hậu môn.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Những trường hợp sau đây cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám đánh giá.
- Triệu chứng đi kèm với những triệu chứng mới, hoặc triệu chứng táo bón trở nên khác thường.
- Không đi cầu nhiều ngày liên tiếp.
- Táo bón tái đi tái lại nhiều lần, kéo dài từ 3 tuần trở lên.
- Táo bón gây đau bụng hoặc đau hậu môn nhiều.
- Xuất hiện những triệu chứng bất thường liệt kê ở phần trước như chảy máu, sụt cân hoặc sốt.
- Người trong gia đình có mắc các bệnh lý về ung thư đường tiêu hóa.
Các xét nghiệm cận lâm sàn cần thực hiện
Tùy thuộc và các triệu chứng bất thường của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định thêm một số nghiệm pháp, xét nghiệm hoặc cận lâm sàng khác để chẩn đoán và điều trị bệnh như:
- Thăm khám hậu môn trực tràng. Bác sĩ thường thăm khám hậu môn trực tràng thông qua quan sát và thăm khám bằng tay.
- Nội soi đại trực tràng: Đây là phương pháp quan sát lòng ống tiêu hóa đoạn đại tràng và trực tràng thông qua dụng cụ nội soi chuyên dụng. Dụng cụ nội soi chuyên dụng này có hình ống mềm gắn camera và nguồn sát. Kết nối với màn hình cung cấp hình ảnh cho bác sĩ quan sát.
- Các phương tiện hình ảnh học như X Quang, Cắt lớp vi tính hay cộng hưởng từ.
Điều trị táo bón như thế nào?
Việc điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến táo bón. Đầu tiên bác sĩ sẽ ưu tiên hướng dẫn người bệnh thay đổi lối sống và chế độ ăn. Nếu thất bại với việc điều chỉnh lối sống một số phương pháp có thể nghĩ đến như:
- Dùng thuốc uống hoặc đặt hậu môn.
- Thay đổi những loại thuốc có nguy cơ gây nên.
- Thụt tháo – đây là phương pháp đưa nước vào lòng trực tràng thụt tháo để giúp cho ruột đào thải phân tốt hơn.
Xem thêm: Cách bấm huyệt chữa táo bón như thế nào?
Ngừa táo bón như thế nào?
Một số cách có thể giúp bạn ngăn ngừa xuất hiện như:
- Ăn chế độ ăn đầy đủ chất xơ.
- Uống nhiều nước.
- Tập luyện thói quen đi vệ sinh điều độ.
Trên đây là những thông tin cơ bản về táo bón ở người lớn. Hy vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm vấn đề này.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Patient education: Constipation in adults (The Basics) - Written by the doctors and editors at UpToDate - retrieved from UpToDate on: Dec 25, 2019.