Thực hư công dụng của Thạch tín
Nội dung bài viết
Theo dân gian đồn rằng, đốt Thạch tín rồi thổi vào mũi hoặc đem nung cho vào nước uống có thể điều trị khỏi bệnh lý hen suyễn. Nhiều người dân đã tự ý mua về dùng và đã để lại các hậu quả vô cùng đáng tiếc như ngộ độc thạch tín. Cùng YouMed tìm hiểu qua bài viết dưới dây.
Thạch tín là gì?
Còn có tên gọi khác là Tín thạch, Nhân ngôn, Phê thạch, Hồng phê, Bạch phê.
Tên khoa học là Arsenicum.
Trước đây, người ta gọi tên Thạch tín là nói đến chất As2O3 trong tự nhiên, thường có lẫn tạp chất. Hiện nay Thạch tín là tên gọi bao hàm luôn cả Asen (As) – là một loại á kim có màu xám đen.
Người ta cũng phân biệt ra Hồng tín thạch hay Hồng phê (Arsenicum rubrum) và Bạch tín thạch hay Bạch phê (Arsenicum album). Khi tinh chế Hồng phê hay Bạch phê bằng cách thăng hoa sẽ thu được Phê sương.
Mô tả
Asen là chất dễ tan trong nước, khi tan tạo dung dịch không màu và không mùi. Đây là kim loại khá giòn, có nhiều hình dạng khác nhau. Thường có màu trắng xám hoặc xám đen.
Asen có 4 trạng thái hóa trị phổ biến: As (0), As (III), As(V) và khí Arsin AsH3.
Thạch tín tồn tại 3 dạng là: vô cơ, hữu cơ và thể khí.
- Thạch tín hữu cơ: là các hợp chất hữu cơ có chứa Asen. Loại này thường có trong thịt động vật giáp xác và các loài cá. Tuy nhiên ở dạng này, độc tính không đáng kể, không gây hại cho con người.
- Thạch tín vô cơ: là kim loại Asen nguyên chất, hoặc hợp chất của Asen không có liên kết gốc Carbon. Loại này thường ở dạng hòa tan trong nguồn nước và đất. Asen hóa trị III độc hại hơn so với Asen hóa trị V. Khoảng 60 – 90% Asen vô cơ được hấp thụ qua đường tiêu hóa. Sau đó di chuyển đến gan, thận, da và cơ, rồi bài tiết ra ngoài bởi thận. Asen (III) có tốc độ bài tiết chậm hơn so với Asen (V) và Asen hữu cơ.
- Khí arsin: rất độc, có thể gây tán huyết. Hít trên 10 ppm có thể dẫn đến tử vong
Nguồn gốc
Đây là thành phần tự nhiên có trong vỏ trái đất. Thường thấy từ các nguyên liệu trong tự nhiên như: Thân hoa (Arsenolite), Độc sa (Arsenopyrite), Hùng hoàng (Realgar). Nó còn tồn tại trong không khí, động vật giáp xác, cá, trong đất đá và các nguồn nước ngầm (như nước giếng khoan) ở dạng hòa tan.
Thành phần hóa học
Thạch tín thiên nhiên (Thân hoa) có thành phần chủ yếu là As2O3. Có thể tan trong nước, kiềm, carbonat kiềm, acid, cồn etylic. Thường có lẫn tạp chất là sắt (Fe) và sunfua (S) làm cho Thạch tín có màu hồng.
Trong Độc sa có chứa 46% As, 34,3% Fe, 19,7% S và thường lẫn Niken, Coban, Stibi hoặc vàng (rất ít).
Hùng hoàng chứa 70,1% As và 29% S, có thể có lẫn tạp chất sắt và Silic.
Phê sương chứa As2O3 nguyên chất.
Tác dụng của Thạch tín
Theo y học cổ truyền, Thạch tín có vị chua, cay, tính nóng, rất độc. Có tác dụng trừ đờm. Dân gian ngày xưa thường sử dụng nó làm thuốc trị hen suyễn. Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học hiện đại chứng minh rằng Thạch tín không có tác dụng này. Nó không làm giảm triệu chứng của bệnh nhân hen suyễn mà còn làm tổn thương chức năng gan, thận, tăng sinh tế bào gai, có thể dẫn đến ung thư.
Trước đây người ta còn được sử dụng trong nông nghiệp để làm thuốc trừ sâu và thuốc bảo quản gỗ.
Nhưng vì độc tính của Thạch tín quá cao nên hiện tại nó đã được đưa vào danh sách hoạt chất cấm sử dụng.
Các độc tính của Thạch tín
Con người thường bị ngộ độc thạch tín do tiếp xúc với nước, đất, thực phẩm hoặc không khí bị nhiễm Thạch tín. Trong đó nguồn nước bị nhiễm độc là thường gặp nhất.
Độc tính cấp
- Viêm dạ dày ruột, tổn thương niêm mạc ruột với biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy như nước vo gạo hoặc có lẫn máu.
- Tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, bất thường trên điện tim.
- Tiểu máu, tiểu đạm, suy thận cấp
- Nhức đầu, mê sảng, co giật
- Hoặc ho, khó thở, đau ngực khi hít phải khí.
Độc tính bán cấp
- Viêm đa dây thần kinh thường gặp trong 1 – 3 tuần sau khi nhiễm cấp tính. Biểu hiện là dị cảm đối xứng lòng và mu bàn tay bàn chân (y học thường gọi kiếu “mang găng mang vớ”). Nặng hơn có thể mất phản xạ gân xương, mất cảm giác nóng lạnh, yếu cơ, rối loạn dáng đi, lú lẫn, mất trí nhớ, co giật, hôn mê.
- Rối loạn các thông số trong máu: giảm bạch cầu, tiểu cầu, thiếu máu hồng cầu nhỏ hoặc thiếu máu tán huyết.
Độc tính mạn tính
- Da: tăng sắc tố, dày sừng, xuất hiện các hạt mụn cơm li ti (thường ở lưng, ngực, lòng bàn tay bàn chân), sau đó to dần và lan thành mảng, chàm hóa, rụng lông, tóc. Lâu ngày có thể xuất hiện ung thư da.
- Gan to, cổ trướng, u mạch.
- Hoại tử tứ chi
- Ung thư phổi, ung thư bàng quang cũng được ghi nhận có liên quan đến việc tiếp xúc với Asen.
- Asen có thể đi qua nhau thai và gây quái thai.
Thạch tín trước đây được xem là một vị thuốc có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên, sau hàng loạt các công trình nghiên cứu trên thế giới, nó dường như không mang lại công dụng như mong đợi. Ngược lại, nó còn gây ra các độc tính vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Vì vậy, người dân không nên tự ý mua Thạch tín để điều trị bệnh. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về tình trạng bệnh lý của mỗi người để tránh những hậu quả đáng tiếc. Youmed hy vọng bài viết này đã cung cấp thêm một vài thông tin bổ ích đến bạn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK541125/
- https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14358902/