YouMed

Thài lài trắng: Vị thuốc quý giúp ổn định đường huyết

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Thài lài trắng là loài cây thường mọc hoang. Theo Đông y, thài lài trắng dùng chữa sốt, khát nước, lợi tiểu tiện và nhiều công dụng khác đang được nghiên cứu. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.

1. Mô tả dược liệu

1.1. Tên khoa học, danh pháp quốc tế

  • Tên gọi khác: đạm trúc diệp, cỏ lài trắng, rau trai ăn, cỏ chân vịt, tên Trung Quốc là áp chích thảo, trúc diệp thái, nhi hoán thảo.
  • Tên khoa học: Commelina communis L.
  • Thuộc loài Thài Lài Commelinaceae

1.2. Đặc điểm thực vật

  • Thài lài trắng là một loài cỏ cao 25 – 50 cm, hơi có lông hay nhiều lông. Thân chia nhánh, ở những đốt có thể mọc rễ. Lá thuôn dài hay hình mác phía dưới có bẹ, dài 2 – 10 cm, rộng 1 – 2 cm, không có cuống.
  • Hoa màu xanh lơ, mọc thành xim không cuống. Quả nang thường bao hoa bao học, dài 5 – 6 mm, rộng 4 – 6 mm giữa thắt nhỏ lại. Mùa ra hoa tháng 5 – 9, quả tháng 6 – 11.

1.3. Phân bố, thu hái, chế biến

Thường mọc hoang ở những bãi, ruộng ẩm ướt. Tại Trung Quốc ở các tỉnh Triết Giang, Giang Tô và một số tỉnh khác.

1.4. Bộ phận sử dụng

  • Người ta lấy toàn cây quanh năm để làm thuốc.
  • Thu hái quanh năm, khi hái về, đem lặt bỏ lá sâu, tạp chất, rửa sạch và dùng tươi hoặc phơi khô dùng dần.
  • Ở một số nơi người ta hái ngọn non để luộc hoặc nấu canh.
Mô tả cây thài lài trắng
Mô tả cây Thài lài trắng

2. Thành phần hóa học

Phân tích cây này ở Việt Nam, Aufray mới thấy có chất có nito 7.8%, chất không có nito 59.75%, chất béo 0.90%, xenluloza 20.15%, tro 12.80%.

Có tác giả tìm thấy trong cỏ này một glucozit gọi là dolphin và chất awobanin.

Theo Diệp Quyết Tuyền thì trong cây có chất nhầy và tinh bột.

3. Tác dụng dược lý

3.1. Theo Y học cổ truyền

Theo Đông y, thài lài trắng có tính hàn, vị ngọt nhạt. Có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, lợi thủy, tiêu thũng.

Nhân dân ta và Trung Quốc nhiều nơi dùng chữa sốt, khát nước, lợi tiểu tiện, giải độc, lỵ, bệnh về tim, rắn rết, bọ cạp cắn đau buốt.

Dùng ngoài giã đắp lên những nơi đấu gối, khớp xương đau.

>> Xem thêm: Tỳ giải: Vị thuốc lợi tiểu tuyệt vời

3.2. Theo Y học hiện đại

3.2.1. Tác dụng giảm đường huyết

Thài lài trắng làm giảm bớt tình trạng tăng đường huyết do nạp maltose, tinh bột ở chuột mắc bệnh đái tháo đường có hiệu quả tốt hơn so với acarbose.

Ngoài ra, dùng thài lài trắng thường xuyên có xu hướng ổn định đường huyết ở chuột mắc bệnh đái tháo đường do STZ gây ra.

Kết quả như vậy cho thấy hoạt động ức chế của thài lài trắng trên alpha-glucosidase có thể góp phần làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate và hấp thụ glucose. Do đó, thài lài trắng có tiềm năng sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin.

Thài lài trắng dường như cũng không gây ra bất kỳ tác dụng gây độc tế bào nào.

Thài lài trắng có tiềm năng trong ổn định đường huyết
Thài lài trắng có tiềm năng trong việc ổn định đường huyết

3.2.2. Tác dụng chống oxy hóa

Các gốc tự do là các chất sinh ra được sản xuất bởi các tế bào khi cơ thể tiêu hóa thức ăn và phản ứng với môi trường. Nếu cơ thể không thể xử lý và loại bỏ các gốc tự do một cách hiệu quả, kích ứng oxy hóa có thể xảy ra. Điều này có thể gây hại cho các tế bào và chức năng hoạt động của cơ thể. Các gốc tự do còn được gọi là các loại gốc tự do oxy hóa .

Kích ứng oxy hóa có liên quan đến bệnh tim, ung thư, viêm khớp, đột quỵ, bệnh hô hấp, suy giảm miễn dịch, khí phế thũng, bệnh Parkinson, và các tình trạng viêm hoặc thiếu máu cục bộ khác.

Chất chống oxy hóa được cho là giúp trung hòa các gốc tự do trong cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.

Bột thài lài trắng cho kết quả nghiên cứu glucoluteolin, orientin, isoorientin, và isoquercitrin là những chất chống oxy hóa chủ yếu trong loại thảo mộc này.

3.2.3. Tác dụng chống virus cúm

Bệnh Cúm A(H1N1) chủng đại dịch 2009 là một trong các bệnh cúm mùa hiện nay. Cúm A(H1N1) bùng phát mạnh vào năm 2009 và có tốc độ lây lan rất nhanh. Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), những người nhiễm cúm A(H1N1) hay vi rút cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí có thể gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250.000 – 500.000 trường hợp tử vong do cúm.

Hoạt tính kháng vi rút của alkaloid từ thài lài trắng chống lại vi rút cúm A (H1N1) đã được nghiên cứu trong ống nghiệm và in vivo. Thài lài trắng thể hiện tác dụng ức chế sự phát triển của vi rút cúm trong tế bào thận của chó Madin-Darby.

4. Liều dùng, cách dùng

  • Uống trong: ngày uống 8 – 15 gram dưới dạng thuốc sắc.
  • Dùng ngoài lấy cây tươi giã đắp.
  • Đơn thuốc có cây thài lài trắng: chữa phù thũng do tim (theo Diệp Quyết Tuyền): Thài lài trắng 15 gram, xích tiểu đậu (đậu đỏ) 50 gram, nước 300 ml. Sắc còn 100 ml chia 3 lần uống trong ngày.

5. Kiêng kỵ

  • Những người tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng dược liệu Thài lài trắng. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng (2015). Hiểu đúng về dịch cúm A(H1N1)

    http://vncdc.gov.vn/vi/phong-chong-dich-benh-mua-dong-xuan/452/hieu-dung-ve-dich-cum-a-h1n1

    Ngày tham khảo: 20/10/2020

  2. Shibano M, Kakutani K, Taniguchi M, Yasuda M, Baba K. Antioxidant constituents in the dayflower (Commelina communis L.) and their alpha-glucosidase-inhibitory activity. J Nat Med. 2008 Jul;62(3):349-53. doi: 10.1007/s11418-008-0244-1. Epub 2008 Apr 15. PMID: 18409066.

  3. Youn JY, Park HY, Cho KH. Anti-hyperglycemic activity of Commelina communis L.: inhibition of alpha-glucosidase. Diabetes Res Clin Pract. 2004 Dec;66 Suppl 1:S149-55. doi: 10.1016/j.diabres.2003.08.015. PMID: 15563967.

  4. Kim HS, Kim YH, Hong YS, Paek NS, Lee HS, Kim TH, Kim KW, Lee JJ. alpha-Glucosidase inhibitors from Commelina communis. Planta Med. 1999 Jun;65(5):437-9. doi: 10.1055/s-2006-960803. PMID: 10418330.

  5. Bing FH, Liu J, Li Z, Zhang GB, Liao YF, Li J, Dong CY. Anti-influenza-virus activity of total alkaloids from Commelina communis L. Arch Virol. 2009;154(11):1837-40. doi: 10.1007/s00705-009-0503-9. Epub 2009 Sep 23. PMID: 19774337

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người