Thông thiên: Từ cây cảnh đến thuốc tim mạch
Nội dung bài viết
Cây Thông thiên hay còn gọi là huỳnh liên, trúc đào hoa vàng, là cây phổ biến ở vùng nhiệt đới. Thông thiên được trồng làm cảnh nhiều ở miền nam Việt Nam. Đồng thời, cây còn được dùng làm thuốc trợ tim cho các trường hợp suy tim, loạn nhịp,… Đặc biệt do thành phần của cây chứa độc chất nguy hiểm nên thận trọng khi dùng. Chúng ta cùng tìm hiểu kĩ hơn bài viết dưới đây của Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Thiên Hương.
Thông thiên là gì?
Mô tả
Cây thông thiên có tên khoa học là Thevetia peruviana (Pers.) K. Schum., họ Trúc đào (Apocynaceae). Cây loại gỗ nhỏ, có nhựa mủ trắng toàn cây. Cây cao 3 – 8 m. Toàn cây đều chứa mủ trắng.
Lá mọc so le, hình mũi mác thẳng đều, màu xanh lục. Lá dài khoảng 13 – 15 cm, cuống ngắn 2 mm. Hai mặt nhẵn, trên bóng dưới nhạt.
Hoa có màu vàng sáng, trắng, mọc dạng sim. Hoa dạng phễu, thành cụm ở gần ngọn. Hoa thường nở mùa hè đến mùa thu.
Quả hạch, hình cầu, đường kính từ 4 – 5 m. Quả non màu xanh, cứng. Quả chín chuyển màu đen và mềm. Khoảng 1 – 2 hạt ở mỗi quả.
Hạt thông thiên có màu trắng vàng nhạt. Hạt dài khoảng 12 mm, dày 5 mm, rộng khoảng 12 mm.
Bộ phận sử dụng
Hạt: thu hoạch khi quả chín già.
Lá: thu hái tươi, thu hái được quanh năm. Phơi hoặc sấy khô, dùng lá tươi hoặc khô.
Nhân : thu hái quả già, đập lấy nhân.
Bảo quản: Nhiệt độ phòng, tránh xa nơi ẩm mốc.
Tác dụng của cây Thông thiên
Thành phần hóa học
Lá thông thiên chứa flavonol glycosides, polyhydroxy dinormonoterpenoid, apiosyl glucoside.
Hạt chứa glycosid trợ tim như thevetin A,B, 2’-O-acetyl cerberosid, niriifolin, cerberin, peruvosid. Ngoài ra, hạt chứa một lượng nhỏ theveside, viridoside, perusitin, apigenin-5-methyl.
Nhân hạt chứa hơn 62% dầu béo, phytosterol, thevetin.
Vỏ quả và hoa chứa epiperuviol acetate, hesperitin-7-glucoside, kaempferol và quercetin
Tính chất dược lý
Trong các glycoside tim, peruvoside được chú ý nhất. Nghiên cứu ở 1600 bệnh nhân cho thấy peruvoside có hiệu quả trong điều trị suy tim. Một số glycoside khác như thevetin có hiệu quả trong điều trị suy tim mất bù, mặc dù liều hiệu quả gần với liều gây độc. Thevetin A hiệu lực kém hơn nhiều so với thevetin hỗn hợp.
Hoạt tính kháng khuẩn
Chiết xuất từ lá thông thiên được chứng minh là có hiệu quả kháng Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa. Ở liều cao hơn kháng Proteus vulgaris. Chiết xuất cũng cho thấy hoạt động kháng khuẩn mức độ trung bình đối với Staphylococcus aureus, Candida albicans, Aspergillus niger, Mucor, Rhizopus và các loài Penicillium (Reddy, 2009).
Chiết xuất từ nhân hạt kháng khuẩn đối với Pseudomonas aeruginosa, Nocardia và các chủng Candida albicans (Nesy và Mathew, 2016).
Hoạt động chống oxy hóa
Chiết xuất từ quả thông thiên có hoạt tính chống oxy hóa. Thông qua cơ chế bắt gốc tự do DPPH. (Nesy và Mathew, 2014).
Hoạt tính hạ đường huyết
Thử nghiệm cho thấy chiết xuất vỏ cây thông thiên hạ đường huyết đáng kể trên chuột mắc bệnh tiểu đường (Gogoi và Bhuyan, 2014).
Giảm khả năng sinh sản
Dịch chiết từ vỏ thân thông thiên dùng đường uống cho chuột đực ở liều 100 mg / chuột / ngày không làm giảm đáng kể trọng lượng cơ thể, trong khi trọng lượng cơ quan sinh sản giảm đáng kể. Giảm đáng kể tổng lượng protein và axit sialic của tinh hoàn, mào tinh hoàn, túi tinh và tuyến tiền liệt, cũng như hàm lượng glycogen trong tinh hoàn.
Chiết xuất cũng gây giảm các yếu tố sinh tinh, tức là tế bào sinh tinh preleptotene và pachytene, tế bào sinh tinh thứ cấp, tế bào leydig trưởng thành. Sự giảm mật độ và khả năng di chuyển của tinh trùng dẫn đến khả năng sinh sản còn lại 18% (Gupta và cộng sự, 2011).
Hoạt tính kháng khối u
Chiết xuất của quả thông thiên chống lại dòng tế bào Ehrlich’s ascites carcinoma (EAC) ở chuột bạch tạng Thụy Sĩ. Khối lượng khối u, trọng lượng khối u và số lượng tế bào sống sót của nhóm được điều trị chiết xuất đã giảm so với nhóm đối chứng EAC.
Công dụng
Theo y học cổ truyền, lá có tính ôn, vị cay và độc. Hạt tính ôn, đắng, cay và rất độc.
Thông thiên có tác dụng điều trị rong kinh, sốt rét, vàng da, trĩ, táo bón, rối loạn sắc tố da.
Mủ từ cây làm giảm đau răng và điều trị các chứng viêm loét mạn tính.
Vỏ cây có tác dụng hạ sốt. Dịch chiết cồn từ vỏ cây điều trị sốt rét và rắn cắn. Nước sắc từ lá và vỏ cây dùng chữa vô kinh. Dịch chiết từ lá điều trị các chứng vàng da, sốt và sổ giun.
Nhựa từ lá được chế thành thuốc nhỏ mắt, mũi và chứng đau đầu dữ dội.
Hạt được dùng điều trị thấp khớp, cổ chướng và làm thuốc phá thai. Hạt được nghiền bột để chế thuốc đạn điều trị trĩ.
Dầu từ nhân hạt hỗ trợ chữa các tổn thương da tại chỗ.
Theo một số nghiên cứu khác, các bộ phận của thông thiên có tác dụng:
- Vỏ thân: sốt rét, rắn cắn, hạ sốt, thuốc sổ, nôn, sốt từng cơn, lở loét, vô kinh.
- Hạt: an thai, gây nôn, trĩ, trị các chứng bệnh ngoài da, thấp khớp và cổ chướng.
- Lá: trị vàng da, sốt, thuốc tẩy giun, làm thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi, cảm lạnh.
- Rễ: rắn cắn, chế thạch cao hỗ trợ điều trị các khối u.
- Quả: được dùng làm thuốc mỡ và kem lót.
Lưu ý khi sử dụng Thông thiên
- Mủ từ các bộ phận của cây có chất độc cao.
- Nhân hạt là chất độc nhất. Các chất gây độc là glycoside tim loại cardenolide. Các triệu chứng ngộ độc chủ yếu liên quan đến hệ thống tim mạch như rối loạn nhịp và tiêu hóa.
- Nôn là triệu chứng phổ biến trong ngộ độc trong khoảng 30% trong số tất cả các trường hợp.
- Thiếu máu cục bộ xảy ra trong khoảng 40% các trường hợp, cũng như đánh trống ngực trong khoảng 10%. Nguyên nhân dẫn đến tử vong dễ gặp nhất là bệnh lý mạch máu ngoại biên.
- Hạt đã từng được dùng như một chất độc để tự sát, giết người.
- Sự hấp thụ tương đương với hai lá có thể đủ để giết một đứa trẻ 12,5 kg (Ellenhorn và Barceloux, 1988).
- Các triệu chứng ngộ độc tim mạch nặng nề nhất. Ngoài ra còn gây ngộ độc thần kinh. Biểu hiện như nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim, tê liệt, mất phương hướng. Thử nghiệm dịch chiết xuất từ nhân hạt trên chuột khiến chuột chết nhanh hơn trong vòng 10 giờ, so với chuột có chiết xuất lá đã chết sau 260 h (oji và okafor, 2000).
Trong nhiều nghiên cứu hiện tại, cây thông thiên được sử dụng nhiều vào các hoạt động sinh học. Trong y học cổ truyền, các bộ phận thực vật khác nhau như lá, vỏ cây, hạt, quả được sử dụng cho các chứng bệnh khác nhau. Đặc biệt là tác dụng đối vơi bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần nhiều nghiên cứu về lâm sàng để phát huy tiềm năng thừ cây thuốc này. Hơn nữa, cây chứa nhiều độc tính nguy hiểm, quý độc giả cần cẩn trọng và tham vấn ý kiến bác sĩ điều trị khi có thắc mắc về cây thuốc này
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Thevetia Peruviana: a multipurpose medicinal plant - a review.https://www.journalijar.com/article/19520/thevetia-peruviana:-a-multipurpose-medicinal-plant--a-review/
Ngày tham khảo: 26/01/2021